Bình Phước : Cổng thông tin điện tửhttps://binhphuoc.gov.vn/uploads/binhphuoc/quochuy_1.png
Thứ sáu - 27/12/2024 09:46
(CTTĐTBP) - Bộ Tài chính đang dự thảo Nghị định của Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định số 138/2024/NĐ-CP quy định việc lập dự toán, quản lý, sử dụng chi thường xuyên ngân sách nhà nước để mua sắm tài sản, trang thiết bị; cải tạo, nâng cấp, mở rộng, xây dựng mới hạng mục công trình trong các dự án đã đầu tư xây dựng.
Bộ Tài chính cho biết, tại Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán; Luật Kế toán; Luật Kiểm toán độc lập; Luật Ngân sách nhà nước (NSNN); Luật Quản lý, sử dụng tài sản công; Luật Quản lý thuế; Luật Thuế thu nhập cá nhân; Luật Dự trữ quốc gia; Luật Xử lý vi phạm hành chính (Luật số 56/2024/QH15 ngày 29/11/2024). Trong đó, tại điểm b khoản 1 Điều 4 Luật số 56/2024/QH15 bổ sung khoản 10a vào sau khoản 10 Điều 8 Luật NSNN như sau: "10a. Các nhiệm vụ chi ngân sách nhà nước được bố trí từ hai nguồn (chi đầu tư công và chi thường xuyên): mua sắm, sửa chữa, cải tạo, nâng cấp tài sản, trang thiết bị; chi thuê hàng hóa, dịch vụ; sửa chữa, cải tạo, nâng cấp, mở rộng, xây dựng mới hạng mục công trình trong các dự án đã đầu tư xây dựng và các nhiệm vụ cần thiết khác. Chính phủ quy định chi tiết khoản này".
Để kịp thời tháo gỡ các vướng mắc đã được các Đại biểu Quốc hội, Bộ, ngành và địa phương phản ánh thời gian vừa qua trong quá trình sử dụng dự toán NSNN cho mua sắm tài sản, trang thiết bị; cải tạo, nâng cấp, mở rộng, xây dựng mới hạng mục công trình trong dự án đã đầu tư xây dựng; căn cứ ý kiến kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về nội dung dự thảo Nghị định tại văn bản số văn bản số 4177/TB-TTKQH ngày 22/8/2024; căn cứ thẩm quyền của Chính phủ quy định tại khoản 2 Điều 19 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Tài chính đã báo cáo Chính phủ ban hành Nghị định số 138/2024/NĐ-CP; đồng thời kiến nghị với Chính phủ: Sau khi Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán, Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Quản lý thuế, Luật Dự trữ quốc gia; Bộ Tài chính sẽ báo cáo Chính phủ xem xét, sửa đổi phần căn cứ ban hành Nghị định để đảm bảo đầy đủ căn cứ pháp lý.
Đến nay Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung 9 Luật nêu trên (Luật số 56/2024/QH15). Theo đó, việc trình Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 138/2024/NĐ-CP là cần thiết và có cơ sở pháp lý.
Nghị định của Chính phủ được xây dựng nhằm triển khai Luật số 56/2024/QH15. Đồng thời đảm bảo đầy đủ cơ sở pháp lý về thẩm quyền của Chính phủ trong việc quy định chi thường xuyên NSNN để thực hiện các nhiệm vụ mua sắm tài sản, trang thiết bị; cải tạo, nâng cấp, mở rộng, xây dựng mới hạng mục công trình trong dự án đã đầu tư xây dựng.
2 nội dung cơ bản
Theo nội dung quy định tại điểm 10a Điều 8 Luật NSNN, chi NSNN được bố trí từ hai nguồn (chi đầu tư công và chi thường xuyên) để mua sắm, sửa chữa, cải tạo, nâng cấp tài sản, trang thiết bị; chi thuê hàng hóa, dịch vụ; sửa chữa, cải tạo, nâng cấp, mở rộng, xây dựng mới hạng mục công trình trong các dự án đã đầu tư xây dựng và các nhiệm vụ cần thiết khác.
Theo Bộ Tài chính, hiện nay, nội dung, phạm vi điều chỉnh của Nghị định số 138/2024/NĐ-CP của Chính phủ đã quy định việc sử dụng chi thường xuyên NSNN để mua sắm, sửa chữa, cải tạo, nâng cấp tài sản, trang thiết bị; cải tạo, nâng cấp, mở rộng, xây dựng mới hạng mục công trình trong các dự án đã đầu tư xây dựng (gồm các nội dung quy định tại điểm b khoản 1 Điều 4 Luật số 56/2024/QH15 quy định bổ sung khoản 10a vào sau khoản 10 Điều 8 Luật NSNN).
Do đó, Bộ Tài chính đề nghị quy định tại dự thảo Nghị định theo hướng sửa đổi, bổ sung căn cứ ban hành Nghị định gồm: ".... Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán; Luật Kế toán; Luật Kiểm toán độc lập; Luật Ngân sách nhà nước; Luật Quản lý, sử dụng tài sản công; Luật Quản lý thuế; Luật Thuế thu nhập cá nhân; Luật Dự trữ quốc gia; Luật Xử lý vi phạm hành chính..."
Bên cạnh đó, đến nay, Bộ Tài chính chưa nhận được phản ánh vướng mắc về việc triển khai thực hiện Nghị định số 138/2024/NĐ-CP. Tuy vậy, qua quá trình rà soát hồ sơ đề xuất dự toán NSNN năm 2025 của một số bộ, cơ quan trung ương về việc bố trí dự toán NSNN để thực hiện các nhiệm vụ mua sắm tài sản, trang thiết bị dở dang đã được các bộ, cơ quan phê duyệt trước thời điểm Nghị định số 138/2024/NĐ-CP có hiệu lực thi hành (các nhiệm vụ đã được NSNN bố trí kinh phí trong các năm 2021, 2023, đến năm 2023, 2024 chưa được cấp kinh phí do chưa có quy định rõ ràng về chi thường xuyên, chi đầu tư để thực hiện), để đảm bảo thống nhất về hồ sơ báo cáo cấp có thẩm quyền tiếp tục bố trí kinh phí thực hiện nhiệm vụ trong năm 2025, Bộ đề xuất bổ sung khoản 3a vào sau khoản 3 Điều 12 Nghị định số 138/2024/NĐ-CP như sau:
"3a. Đối với các nhiệm vụ mua sắm tài sản, trang thiết bị theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công; cải tạo, nâng cấp, mở rộng, xây dựng mới hạng mục công trình trong các dự án đã đầu tư xây dựng theo quy định của pháp luật về xây dựng, pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công đang thực hiện dở dang, đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt sử dụng kinh phí chi thường xuyên ngân sách nhà nước trước thời điểm Nghị định này có hiệu lực thi hành: Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các cấp và các cơ quan, đơn vị sử dụng ngân sách có trách nhiệm rà soát lại hồ sơ, thủ tục phê duyệt nhiệm vụ đảm bảo phù hợp với quy định tại Nghị định này, để gửi cơ quan tài chính tổng hợp, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, tiếp tục bố trí kinh phí thực hiện nhiệm vụ theo quy định."
Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây./.