Dự kiến 5 hình thức sắp xếp lại, xử lý nhà, đất công

Thứ năm - 09/01/2025 09:11
(CTTĐTBP) - Bộ Tài chính đang lấy ý kiến góp ý với dự thảo Nghị định quy định việc sắp xếp lại, xử lý tài sản công là nhà, đất.
88888888899999999999 17363235493251337323454
Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ sắp xếp lại, xử lý nhà, đất công

Bộ Tài chính cho biết, Bộ đề xuất xây dựng Nghị định quy định việc sắp xếp lại, xử lý tài sản công là nhà, đất (thay thế Nghị định số 167/2017/NĐ-CP quy định việc sắp xếp lại, xử lý tài sản công và Nghị định số 67/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 167/2017/NĐ-CP) nhằm hoàn thiện cơ sở pháp lý để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong thực tiễn. Qua đó, đẩy nhanh tiến độ sắp xếp lại, xử lý nhà, đất, đẩy nhanh việc xử lý tài sản, trụ sở làm việc của các cơ quan, tổ chức ở các đơn vị hành chính khi sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã, sáp nhập, hợp nhất, chia tách, giải thể, chấm dứt hoạt động, tăng cường công tác quản lý, sử dụng tài sản công tiết kiệm, hiệu quả, công khai, minh bạch bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, liên thông trong hệ thống pháp luật.

 

Đẩy nhanh tiến độ sắp xếp lại, xử lý nhà, đất; gắn trách nhiệm của UBND cấp tỉnh

Về trình tự, thủ tục thực hiện sắp xếp lại, xử lý nhà, đất (từ Điều 5 đến Điều 16), Bộ Tài chính cho biết, trên cơ sở phân cấp thẩm quyền lập phương án, kiểm tra hiện trạng, phê duyệt phương án và quyết định xử lý, để thuận lợi trong tổ chức, thực hiện, tại dự thảo Nghị định, Bộ đề xuất tách quy định việc kiểm tra hiện trạng, lập, phê duyệt phương án đối với nhà, đất do trung ương quản lý và nhà, đất do địa phương quản lý thành 02 Điều riêng. Trong đó, quy định rõ trách nhiệm của UBND cấp tỉnh nơi có nhà, đất phải có ý kiến trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ (trong đó bao gồm ý kiến về việc có cơ sở nhà, đất nào thuộc các trường hợp thu hồi đất theo quy định của pháp luật về đất đai hay không). Trường hợp Bộ, cơ quan trung ương gửi lấy ý kiến về phương án sắp xếp lại, xử lý của nhiều cơ sở nhà, đất (từ 10 cơ sở nhà, đất trở lên) hoặc nhà, đất có nguồn gốc và quá trình sử dụng phức tạp thì thời hạn có ý kiến có thể kéo dài hơn nhưng tối đa không quá 60 ngày, kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ nhưng UBND cấp tỉnh có văn bản thông báo cho Bộ, cơ quan trung ương gửi lấy ý kiến được biết (trong văn bản nêu rõ lý do chậm chưa có ý kiến về phương án).

Trường hợp quá thời hạn quy định mà UBND cấp tỉnh chưa có ý kiến bằng văn bản thì cơ quan có thẩm quyền lập phương án trình Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan trung ương để xem xét, phê duyệt phương án theo thẩm quyền hoặc báo cáo cơ quan, người có thẩm quyền phê duyệt phương án theo quy định. Trong văn bản đề nghị phê duyệt phương án hoặc báo cáo cơ quan, người có thẩm quyền phải nêu rõ quá trình lấy ý kiến của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh. Trong trường hợp này, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chịu trách nhiệm trước pháp luật về các vấn đề thuộc chức năng, nhiệm vụ và trách nhiệm quản lý của địa phương nếu phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất được phê duyệt không phù hợp với quy định của pháp luật. 

Bộ Tài chính cho biết, việc bổ sung quy định này nhằm đẩy nhanh tiến độ sắp xếp lại, xử lý nhà, đất của các Bộ, cơ quan trung ương và gắn trách nhiệm của UBND cấp tỉnh.

Bên cạnh đó, dự thảo Nghị định đề xuất bổ sung: (i) Quy định rõ trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, đơn vị quản lý, sử dụng nhà, đất chịu trách nhiệm về tính đầy đủ, chính xác của các thông tin kê khai, hồ sơ pháp lý về nhà, đất và hồ sơ khác phục vụ việc tổng hợp, lập, phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất; cơ quan quản lý cấp trên (cơ quan tổng hợp) chịu trách nhiệm xem xét sự phù hợp của phương án, rà soát, đối chiếu hồ sơ pháp lý và các thông tin trong Báo cáo kê khai bảo đảm đầy đủ, chính xác (khoản 2 Điều 5); (ii) Quy định thành phần hồ sơ gửi lấy ý kiến Ủy ban nhân dân cấp tỉnh (nơi có nhà, đất), hồ sơ đề nghị phê duyệt phương án, nội dung chủ yếu của văn bản phê duyệt phương án để đảm bảo tính thống nhất trong triển khai, thực hiện cũng như gắn trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong từng khâu báo cáo kê khai và đề xuất phương án, tổng hợp đề xuất phương án, lập phương án, kiểm tra hiện trạng, tham gia ý kiến, phê duyệt phương án và ban hành quyết định xử lý; (iii) Quy định thống nhất hình thức văn bản phê duyệt phương án sắp xếp là Quyết định hành chính.

Trên cơ sở phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất đã được phê duyệt, cơ quan, người có thẩm quyền ban hành Quyết định xử lý nhà, đất. Việc quyết định xử lý nhà, đất được thực hiện bằng hình thức Quyết định hành chính. Một Quyết định có thể xử lý cho từng cơ sở nhà, đất hoặc nhiều cơ sở nhà, đất.

Đồng thời, để giảm bớt thủ tục hành chính, tại dự thảo Nghị định, Bộ Tài chính đề xuất quy định: (i) Không phải ban hành Quyết định xử lý nhà, đất đối với nhà, đất được xử lý theo hình thức giữ lại tiếp tục sử dụng hoặc tạm giữ lại tiếp tục sử dụng; (ii) Trường hợp cơ quan, người có thẩm quyền phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất đồng thời là cơ quan, người có thẩm quyền quyết định xử lý nhà, đất thì việc ban hành Quyết định xử lý được thực hiện đồng thời với việc ban hành quyết định phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất; (iii) Trường hợp cơ quan, người có thẩm quyền phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất không đồng thời là cơ quan, người có thẩm quyền quyết định xử lý nhà, đất thì trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất, cơ quan lập phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất có trách nhiệm gửi 01 bản chính văn bản phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất (kèm theo bản sao các hồ sơ có liên quan đến việc phê duyệt và bản sao văn bản của Bộ, cơ quan trung ương theo quy định) tới cơ quan, người có thẩm quyền quyết định xử lý nhà, đất để ban hành Quyết định xử lý.

Đề xuất 5 hình thức sắp xếp lại, xử lý nhà, đất công

Về hình thức sắp xếp lại, xử lý nhà, đất, Bộ Tài chính cho biết, căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung Luật Quản lý, sử dụng tài sản công vừa được Quốc hội thông qua ngày 29/11/2024, căn cứ tính chất, đặc điểm quản lý nhà, đất và thực tế triển khai thực hiện thời gian vừa qua, đồng thời rà soát pháp luật có liên quan, tổng hợp ý kiến của các Bộ, ngành, địa phương, Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước, Thành viên Ban soạn thảo, Tổ biên tập và ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp, tại Điều 9 dự thảo Nghị định đề xuất quy định 05 hình thức sắp xếp lại, xử lý nhà, đất của cơ quan, tổ chức, đơn vị gồm: 1- Giữ lại tiếp tục sử dụng; 2- Thu hồi; 3- Điều chuyển; 4- Chuyển giao về địa phương quản lý, xử lý; 5- Tạm giữ lại tiếp tục sử dụng.

Bộ Tài chính cho biết, đề xuất này có một số sửa đổi, bổ sung so với quy định hiện hành gồm:

Bỏ hình thức "Bán" đối với tài sản công là đất, tài sản gắn liền với đất đảm bảo phù hợp với Luật số 56/2024/QH15. Lý do: Việc bán tài sản công là trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp (đất, nhà, công trình gắn liền với đất) hiện hành đang được thực hiện đồng thời bán tài sản cùng với quyền sử dụng đất và thực hiện theo pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công. Tuy nhiên, việc chuyển quyền sử dụng đất (bao gồm cả quyền sử dụng đất thuộc tài sản công) cũng cần được thực hiện thống nhất theo quy định của pháp luật về đất đai để bảo đảm sự phù hợp với quy hoạch sử dụng đất, cách xác định và trình tự, thủ tục xác định giá đất.

Bỏ hình thức: "Sử dụng nhà, đất để thanh toán cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án đầu tư theo hình thức Hợp đồng xây dựng - chuyển giao" để phù hợp với pháp luật về đầu tư theo phương thức đối tác công tư. Đối với các trường hợp trước Nghị định này có hiệu lực thi hành đã được cơ quan, người có thẩm quyền cho sử dụng nhà, đất để thanh toán cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng - chuyển giao thì việc xử lý chuyển tiếp được thực hiện theo quy định của pháp luật về đầu tư theo phương thức đối tác công tư.

Bỏ "Hình thức khác do Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định trên cơ sở đề nghị của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan trung ương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có liên quan và ý kiến của Bộ Tài chính bảo đảm phù hợp với quy định của pháp luật có liên quan" tại dự thảo Nghị định để đảm bảo rõ ràng, minh bạch trong triển khai thực hiện. Lý do: Mỗi hình thức sắp xếp lại, xử lý nhà, đất đã được quy định về trường hợp áp dụng, trình tự, thủ tục, thẩm quyền quyết định tại từng Điều cụ thể. "Hình thức khác" được quy định tại Nghị định số 167/2017/NĐ-CP, Nghị định số 67/2021/NĐ-CP là để giải quyết các trường hợp không áp dụng được các hình thức đã được quy định cụ thể tại dự thảo với điều kiện phải bảo đảm phù hợp quy định của pháp luật có liên quan. Tuy nhiên, trong thực hiện thực tế thời gian qua, có một số trường hợp Bộ, ngành, địa phương đề xuất xử lý theo hình thức này, song các trường hợp đó đều thuộc một trong các hình thức đã được quy định tại Nghị định số 167/2017/NĐ-CP, Nghị định số 67/2021/NĐ-CP.

Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây./.

Theo Cổng Thông tin điện tử Chính phủ
https://baochinhphu.vn/du-kien-5-hinh-thuc-sap-xep-lai-xu-ly-nha-dat-cong-102250108150937171.htm

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Việc làm Bình Phước
Công báo Chính phủ
DVC Quốc gia
Ecom Binh Phuoc
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập1,288
  • Hôm nay164,817
  • Tháng hiện tại9,611,557
  • Tổng lượt truy cập493,474,995
ỨNG DỤNG
1 bp today
3 dhtn
2 ioffice
4 congbao
Portal_Ispeed
sổ tay đảng viên
Tạp chi
KQ TTHC
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây