Khu kinh tế cửa khẩu Hoa Lư (KKT cửa khẩu Hoa Lư) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng đến năm 2025 tại Quyết định số 61/QĐ-TTg ngày 13/01/2010, quy mô diện tích là 28.364 ha, thực hiện trên địa bàn 4 xã: Lộc Thái, Lộc Hòa, Lộc Thạnh, Lộc Tấn và thị trấn Lộc Ninh.
Trong giai đoạn đầu, tỉnh chọn vùng lõi tại khu vực cửa khẩu để thực hiện. Từ đó UBND tỉnh đã phê duyệt đồ án Quy hoạch phân Khu tỷ lệ 1/5000 tại Quyết định số 482/QĐ-UBND ngày 08/3/2011, diện tích khoảng 3.535,17 ha tại xã Lộc Hòa và Lộc Thạnh với 5 phân khu chức năng: Khu quản lý, thương mại, dịch vụ cửa khẩu phía Đông Quốc lộ 13; Khu quản lý, thương mại, dịch vụ cửa khẩu phía Tây Quốc lộ 13; Khu thương mại dịch vụ phi thuế quan phía Tây Quốc lộ 13; Khu thương mại, công nghiệp phi thuế quan phía Đông Quốc lộ 13; Khu thương mại dịch vụ du lịch phi thuế quan góc phía Tây Nam khu quy hoạch. Đối với diện tích các khu vực ngoài phạm vi 3.535,17 ha nêu trên (nhưng nằm trong diện tích quy hoạch chung là 28.364 ha), do chưa có quy hoạch phân khu nên việc quản lý môi trường vẫn thuộc thẩm quyền quản lý của Sở Tài nguyên và Môi trường và UBND huyện Lộc Ninh.
Qua thực tế triển khai, tại phân khu thương mại, công nghiệp phi thuế quan ở xã Lộc Hòa có khoảng 800 hộ dân đang sinh sống và một số dự án thuộc chương trình mục tiêu quốc gia nên việc triển khai phân khu này không khả thi. Từ đó, tỉnh đã kiến nghị và được Thủ tướng Chính phủ đồng ý cho chuyển phần lớn phân khu này từ phía Đông Quốc lộ 13 sang phía Tây Quốc lộ 13 và UBND tỉnh phê duyệt điều chỉnh cục bộ Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu Hoa Lư tại Quyết định số 1130/QĐ-UBND ngày 15/5/2017.
Để đảm bảo thực hiện đúng các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường, Ban Quản lý Khu kinh tế giới thiệu một số nội dung chính liên quan đến vấn đề bảo vệ môi trường đối với khu kinh tế được quy định cụ thể tại Điều 50, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, cụ thể như sau:
1. Khu kinh tế phải có hạ tầng bảo vệ môi trường bao gồm: Hệ thống thu gom, lưu giữ chất thải rắn; Hệ thống thu gom, thoát nước mưa; Hệ thống thu gom, thoát nước và xử lý nước thải bảo đảm nước thải sau xử lý đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường; hệ thống quan trắc nước thải tự động, liên tục đối với trường hợp khu kinh tế có hệ thống xử lý nước thải tập trung phải quan trắc tự động, liên tục theo quy định của Luật này; Diện tích cây xanh bảo đảm tỷ lệ theo quy định của pháp luật về xây dựng.
2. Ban quản lý khu kinh tế phải có bộ phận chuyên môn về bảo vệ môi trường, có nhân sự phụ trách về bảo vệ môi trường được đào tạo chuyên ngành môi trường hoặc lĩnh vực chuyên môn phù hợp với công việc được đảm nhiệm.
3. Ban quản lý khu kinh tế có trách nhiệm sau đây:
- Kiểm tra, giám sát việc đầu tư xây dựng hạ tầng bảo vệ môi trường các khu chức năng sản xuất công nghiệp trong khu kinh tế theo quy định của pháp luật;
- Phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường trên địa bàn thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường, cấp giấy phép môi trường, thanh tra về bảo vệ môi trường và thực hiện công tác bảo vệ môi trường khác trong khu kinh tế theo quy định của pháp luật;
- Tổ chức kiểm tra về bảo vệ môi trường đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp trong khu kinh tế theo kế hoạch đã được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt;
- Phát hiện kịp thời vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường của tổ chức, cá nhân và kiến nghị xử lý theo quy định của pháp luật;
- Thực hiện nhiệm vụ bảo vệ môi trường khác do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ủy quyền theo quy định của pháp luật;
- Báo cáo tình hình thực hiện công tác bảo vệ môi trường của khu kinh tế theo quy định của pháp luật;
- Trách nhiệm khác theo quy định của pháp luật.
Đào Thị Tố Như