HƯỚNG DẪN CÔNG TÁC BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG SAU KHI DỰ ÁN ĐƯỢC PHÊ DUYỆT BÁO CÁO ĐTM

Thứ năm - 10/06/2021 14:55
Nhằm giúp cho các doanh nghiệp hiểu rõ tuân thủ tốt hơn các quy định của pháp luật, hạn chế vi phạm trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, Ban Quản lý Khu kinh tế hướng dẫn các doanh nghiệp thực hiện các nội dung tiếp theo sau khi dự án được phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường (báo cáo ĐTM), cụ thể như sau:
1. Các nội dung cần thực hiện sau khi báo cáo ĐTM được phê duyệt:
Sau khi báo cáo ĐTM của dự án được phê duyệt, chủ dự án có trách nhiệm thực hiện các yêu cầu của quyết định phê duyệt báo cáo ĐTM và các nội dung khác có liên quan, cụ thể như sau:
- Thực hiện đúng và đầy đủ các nội dung báo cáo ĐTM đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
- Xây lắp các công trình bảo vệ môi trường theo đúng nội dung đã cam kết trong báo cáo ĐTM, bao gồm: hệ thống thu gom, lưu giữ chất thải rắn, chất thải nguy hại; hệ thống thu gom, xử lý nước thải; hệ thống thu gom, xử lý khí thải,…Vận hành thường xuyên, đúng quy trình đối với các công trình bảo vệ môi trường.
- Xây dựng hệ thống thu gom nước thải riêng biệt với hệ thống thoát nước mưa. Thực hiện đấu nối nước thải phát sinh từ dự án sau khi xử lý sơ bộ đạt tiêu chuẩn tiếp nhận đầu vào của KCN vào hệ thống xử lý nước thải tập trung của KCN để xử lý tiếp theo.
- Đối với dự án thuộc đối tượng phải lập hồ sơ đề nghị kiểm tra, xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường (quy định tại cột 4, Phụ lục II, Mục I, Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định số 40/2019/NĐ-CP):
+ Lập và gửi Kế hoạch vận hành thử nghiệm các công trình xử lý chất thải của dự án cho cơ quan chuyên môn về bảo vệ môi trường cấp tỉnh nơi thực hiện dự án và cơ quan phê duyệt báo cáo ĐTM trước ít nhất 20 ngày làm việc, kể từ ngày bắt đầu vận hành thử nghiệm
+ Lập hồ sơ đề nghị kiểm tra, xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường trước khi hết thời hạn vận hành thử nghiệm 30 ngày trong trường hợp các công trình bảo vệ môi trường đáp ứng yêu cầu theo quy định của pháp luật.
- Đối với dự án không thuộc đối tượng phải lập hồ sơ đề nghị kiểm tra, xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường:
Chủ dự án phối hợp với tổ chức có đủ điều kiện hoạt động dịch vụ quan trắc môi trường để quan trắc chất thải (nếu có) và thông báo kết quả hoàn thành công trình bảo vệ môi trường cho cơ quan đã phê duyệt báo cáo ĐTM trước khi đưa dự án vào vận hành.
- Thực hiện chương trình quan trắc và giám sát môi trường định kỳ trong báo cáo và quyết định phê duyệt báo cáo ĐTM hoặc chương trình quan trắc và giám sát môi trường định kỳ đã được điều chỉnh cho phù hợp với tình hình hoạt động của dự án. Sử dụng kết quả quan trắc môi trường định kỳ để lập báo cáo công tác bảo vệ môi trường hàng năm và các mục đích khác theo quy định của pháp luật.
- Bố trí nhân sự phụ trách về bảo vệ môi trường; lưu giữ các tài liệu liên quan đến công tác bảo vệ môi trường để cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối chiếu khi thực hiện công tác thanh, kiểm tra như: Báo cáo ĐTM, sổ đăng ký chủ nguồn thải chất thải nguy hại, kết quả quan trắc môi trường định kỳ, báo cáo môi trường hàng năm, hợp đồng thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn thông thường, chất thải nguy hại và các chứng từ chuyển giao xử lý trong suốt quá trình hoạt động,…
- Doanh nghiệp phải thông báo ngay cho Ban Quản lý Khu kinh tế khi gặp các trường hợp sau:
+ Có thay đổi về quy mô, công suất, công nghệ, các công trình bảo vệ môi trường so với báo cáo ĐTM đã được phê duyệt trong quá trình triển khai xây dựng và hoạt động của dự án.
+ Có phát sinh các sự cố về môi trường (cháy nổ, sự cố về các công trình bảo vệ môi trường, sự cố về hóa chất,..) trong quá trình hoạt động sản xuất.
2. Hướng dẫn công tác quản lý chất thải rắn thông thường, chất thải nguy hại.
a) Đối với chất thải rắn thông thường:
Chất thải rắn thông thường bao gồm chất thải rắn sinh hoạt và chất thải rắn công nghiệp. Đối với 02 loại chất thải này cần phải được quản lý như sau:
- Có khu vực lưu giữ theo quy định (khuyến khích sử dụng kho riêng cho từng loại); phải có mái hoặc biện pháp che hoàn toàn nắng, mưa.
- Thu gom triệt để và phân loại từng loại chất thải. Sau khi phân loại có thể lưu giữ trong các bao bì hoặc thiết bị lưu chứa phù hợp, không để lẫn lộn với chất thải nguy hại.
- Có trách nhiệm thu gom, ký hợp đồng với đơn vị có chức năng để vận chuyển và xử lý theo đúng quy định.
b) Đối với chất thải nguy hại:
- Chất thải nguy hại phải thu gom triệt để và phân loại từng loại chất thải nguy hại. Không để lẫn lộn chất thải nguy hại với các loại chất thải rắn thông thường khác.
- Thiết bị lưu chứa chất thải nguy hại phải đảm bảo các yêu cầu sau: Bảo đảm lưu chứa an toàn chất thải nguy hại; kết cấu cứng chịu được va chạm, không bị hư hỏng, biến dạng, rách vỡ bởi trọng lượng chất thải trong quá trình sử dụng; có biển dấu hiệu cảnh báo theo Tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 6707:2009 về chất thải nguy hại; thiết bị lưu chứa chất thải nguy hại ở thể lỏng hoặc có thành phần nguy hại dễ bay hơi phải có nắp đậy kín. Trường hợp thiết bị lưu chứa chất thải nguy hại không có các thành phần nguy hại dễ bay hơi thì có thể không cần nắp đậy kín nhưng phải có mái hoặc biện pháp che hoàn toàn nắng, mưa và biện pháp kiếm soát gió trực tiếp vào bên trong.
- Khu vực lưu giữ chất thải nguy hại phải đảm bảo các yêu cầu sau: Mặt sàn trong khu vực lưu giữ chất thải nguy hại bảo đảm kín khít, không bị thấm thấu và tránh nước mưa chảy tràn từ bên ngoài vào; có mái che kín nắng, mưa cho toàn bộ khu vực lưu giữ chất thải nguy hại, trừ các thiết bị lưu chứa chất thải nguy hại với dung tích lớn hơn 02 m3 thì được đặt ngoài trời; có biện pháp hoặc thiết kế để hạn chế gió trực tiếp vào bên trong; có biện pháp cách ly với các loại hoặc nhóm chất thải nguy hại khác có khả năng phản ứng hóa học với nhau. Khu lưu giữ chất thải nguy hại phải được bảo đảm không chảy tràn chất lỏng ra bên ngoài khi có sự cố rò rỉ, đổ tràn (nên xây gờ bao quanh cửa, có rãnh thu gom xung quanh kho và có lỗ rốn để thu chất lỏng trong trường hợp chất thải chảy tràn). Khu vực lưu giữ chất thải nguy hại dễ cháy, nổ bảo đảm khoảng cách không dưới 10m với lò hơi và các thiết bị đốt khác.
Ngoài ra, khu vực lưu trữ chất thải nguy hại phải được trang bị: Thiết bị phòng cháy chữa cháy; vật liệu hấp thụ (như cát khô hoặc mùn cưa,…) và xẻng để sử dụng trong trường hợp rò rỉ, rơi vãi, đổ tràn chất thải nguy hại ở thể lỏng.
- Hợp đồng với đơn vị có giấy phép xử lý chất thải nguy hại phù hợp trước khi chuyển giao chất thải nguy hại để xử lý theo quy định. Doanh nghiệp cần kiểm tra kỹ các hồ sơ pháp lý có liên quan đến các doanh nghiệp vận chuyển, xử lý chất thải nguy hại trước khi ký hợp đồng (do doanh nghiệp phải liên đới chịu trách nhiệm nếu đơn vị thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải nguy hại bị phát hiện vi phạm về xử lý chất thải nguy hại).
Báo cáo quản lý chất thải nguy hại định kỳ theo quy định hoặc báo cáo đột xuất khác theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; kê khai đúng, đầy đủ chất thải nguy hại đã chuyển giao trong chứng từ chất thải nguy hại theo quy định.  
- Trong quá trình hoạt động không được tự tái sử dụng, sơ chế, tái chế, xử lý chất thải nguy hại khi chưa được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận hoặc không đúng nội dung trong sổ đăng ký chủ nguồn thải chất thải nguy hại; không được chôn, lấp, đổ, thải chất thải nguy hại trái quy định về bảo vệ môi trường,…
Tố Như - P.QLQH-TNMT

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 4 đánh giá

Xếp hạng: 1.3 - 4 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Việc làm Bình Phước
Công báo Chính phủ
DVC Quốc gia
Ecom Binh Phuoc
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập1,499
  • Hôm nay110,298
  • Tháng hiện tại10,372,103
  • Tổng lượt truy cập470,264,790
ỨNG DỤNG
1 bp today
3 dhtn
2 ioffice
4 congbao
Bqlkkt_phong chong covid
Portal_Ispeed
sổ tay đảng viên
Tạp chi
KQ TTHC
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây