Điểm hẹn văn hóa

Thứ hai - 10/07/2023 16:57
Đến Bình Phước trong một lần tình cờ dừng chân trên hành trình khám phá Tây Nguyên, anh Dương Văn Chín (du khách đến từ TP. Hồ Chí Minh) vô cùng ấn tượng về mảnh đất, con người nơi đây. Anh nói: “Được bạn đón và dẫn lên Khu bảo tồn văn hóa dân tộc S'tiêng sóc Bom Bo ở huyện Bù Đăng tham quan trải nghiệm. Tối đó, tôi và những người bạn đi cùng có “một đêm ở rừng” thực sự rất ấn tượng. Tôi không nghĩ có một Bình Phước nguyên sơ mà tuyệt vời đến vậy. Sáng ra, theo lịch trình chúng tôi đi Tây Nguyên cũng hết sức thuận tiện”.

“Một Bình Phước khi đến, ngỡ... quên cả lối về”

Anh Dương Văn Chín chưa một lần nghĩ mình sẽ đến Bình Phước để du lịch hay khám phá, dù chỉ cách TP. Hồ Chí Minh hơn 100km. Thế nhưng sau chuyến đi đầy cảm xúc vừa qua, anh dự định quay trở lại Bình Phước cùng gia đình vào một ngày không xa. Anh Chín kể: Tôi đến Bình Phước đêm đó tiết trời se lạnh, được bạn mời ăn món lá nhíp đọt mây, thịt nướng, cơm lam rất đặc sắc và khác biệt. Dưới ánh lửa bập bùng, chúng tôi được thưởng thức các tiết mục văn nghệ của đồng bào dân tộc S’tiêng nơi đây. Tiếp xúc với bà con, tôi thấy gần gũi, thân thuộc. Nhà dài trong khu bảo tồn ở trên đồi cao lộng gió, nghe tiếng gió, tiếng lửa bập bùng, uống rượu cần mãi mà không say. Gần tàn buổi gặp mặt, tôi lần đầu tiên được nghe bài hát “Bình Phước nỗi nhớ gọi tên” của nhạc sĩ Ngô Minh Tài. Thực sự lúc đó, những ca từ của bài hát rất phù hợp cảm xúc của người lữ khách, nên tôi càng ấn tượng hơn về con người và mảnh đất nơi đây, nhất là câu hát “Một Bình Phước khi đến, ngỡ… quên cả lối về”.
 

Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Tuyết Minh và các đại biểu tham quan sản phẩm dệt thổ cẩm của đồng bào M’nông
Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Tuyết Minh và các đại biểu tham quan sản phẩm dệt thổ cẩm của đồng bào M’nông - Ảnh: Trương Hiện

Là tỉnh có diện tích lớn, hệ thống rừng nguyên sinh và danh lam thắng cảnh với phong cảnh thiên nhiên hoang sơ, nét đặc thù riêng nên Bình Phước có rất nhiều lợi thế phát triển du lịch. Ngoài ra, với hệ thống di tích lịch sử được xếp hạng cấp quốc gia đặc biệt cùng 41 dân tộc anh em sinh sống đã tạo cho Bình Phước có những nét văn hóa rất độc đáo và đi vào nghệ thuật đầy cảm xúc.

Bà Bùi Thị Biên Linh, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, hội viên Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Bình Phước chia sẻ: Bình Phước hội tụ người dân từ khắp mọi miền đất nước về lập nghiệp. Người dân đã mang về đây không chỉ ước mơ, khát vọng thay đổi cuộc đời mà còn cả văn hóa sống của họ, tạo nên đời sống văn hóa vùng miền phong phú, đa dạng. Đó là sự gắn bó ân tình thủy chung với đất, với người; là tinh thần hăng say lao động sáng tạo, là khát vọng vươn lên, là tinh thần đoàn kết vượt qua khó khăn, thử thách; là tấm lòng tương thân, tương ái… 

Là mảnh đất đầy tàn tích của chiến tranh, chính quyền và người dân đã chung tay nỗ lực vươn lên, khẳng định Bình Phước là vùng đất đầy sức sống, giàu tiềm năng và khát vọng. Những đặc điểm nêu trên là nguồn cảm hứng sáng tác cho các văn nghệ sĩ trong và ngoài tỉnh, trong đó có Biên Linh. Bà khẳng định, những tác phẩm của mình được các cơ quan chức năng và độc giả đánh giá cao như: Ngọn núi tình yêu (được chọn vào sách giáo khoa lớp 11 chương trình địa phương), Lính miền Đông (tiểu thuyết) được Bộ Quốc phòng chọn vào bộ sách đặc biệt kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam… đều lấy chất liệu từ hiện thực chiến đấu, lao động, dựng xây tỉnh nhà của dân và quân Bình Phước.

Đánh thức “công chúa ngủ trong rừng”

Chia tay đầy bịn rịn với bạn sau “một đêm ở rừng” Bình Phước, anh Dương Văn Chín luôn miệng hỏi thăm về những điểm du lịch trên địa bàn tỉnh. Anh chia sẻ: Dù là “tour” tự thiết kế của bạn nhưng tôi rất ấn tượng về Bình Phước. Tôi tin rằng nếu được quan tâm đúng mức, Bình Phước trong tương lai sẽ là điểm đến du lịch của nhiều du khách trên mọi miền đất nước, thậm chí cả khách quốc tế. 

Hiện nay, giao thông đường bộ Bình Phước có 3 tuyến chính là QL13, QL14 và ĐT741 rất thuận lợi xây dựng tuyến du lịch từ các thị trường du lịch vùng Đông Nam Bộ, Tây Nguyên, Campuchia và Lào đến Bình Phước. Trước hết, phải kể đến sản phẩm du lịch về nguồn, về các địa chỉ đỏ trên tuyến QL13 với các địa danh lịch sử như: Di tích lịch sử quốc gia Địa điểm chiến thắng Chốt chặn Tàu Ô ở huyện Hớn Quản, Mộ 3.000 người ở thị xã Bình Long, Di tích quốc gia đặc biệt Căn cứ Bộ Chỉ huy Quân giải phóng miền Nam Việt Nam (Căn cứ Tà Thiết), Nhà giao tế, Sân bay quân sự Lộc Ninh, Di tích lịch sử quốc gia tổng kho xăng dầu VK98, Di tích lịch sử quốc gia Cục Hậu cần Miền tại hồ Cầu Trắng, huyện Lộc Ninh. Trên tuyến ĐT741 có Di tích lịch sử quốc gia núi Bà Rá, nơi thành lập Chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng đầu tiên ở miền Đông Nam Bộ - Phú Riềng Đỏ. 

Về du lịch sinh thái và khám phá thiên nhiên, Bình Phước có Vườn quốc gia Bù Gia Mập với diện tích tự nhiên 26.032 ha, hệ động - thực vật phong phú, phong cảnh thiên nhiên thơ mộng và những thác nước hùng vĩ. Trên tuyến QL14 ngoài Khu bảo tồn văn hóa dân tộc S'tiêng sóc Bom Bo còn có thác Đứng, trảng cỏ Bù Lạch là những danh thắng nổi tiếng ở Bình Phước. Bình Phước còn có núi Bà Rá với Miếu Bà linh thiêng, hằng năm có hàng ngàn du khách đến tham quan, chiêm bái. Đồng bào dân tộc S'tiêng, M'nông ở Bình Phước có những giá trị văn hóa đặc sắc như: cồng chiêng, dệt thổ cẩm, ẩm thực phong phú với các món ăn được chế biến từ lá nhíp, đọt mây, thịt nướng, rau rừng... Gần đây, những lễ hội dân gian được phục dựng, nghề truyền thống chế tác các công cụ lao động, nhạc cụ và đồ thủ công mỹ nghệ được bảo tồn và phát huy hứa hẹn sẽ có thêm những sản phẩm du lịch thú vị phục vụ du khách đến với tỉnh. 

Chia sẻ về giải pháp phát triển du lịch Bình Phước trong thời gian tới, ông Nguyễn Hữu Thọ, Chủ tịch danh dự Hiệp hội Du lịch Việt Nam nhấn mạnh: Trong các cuộc hội thảo về du lịch, Bình Phước được đánh giá giàu tiềm năng, như “nàng công chúa đang ngủ trong rừng”. Để du lịch Bình Phước phát triển, cần xây dựng môi trường xanh, sạch, đẹp, an toàn, an ninh để du khách an tâm đến hưởng thụ những sản phẩm du lịch riêng có của Bình Phước như du lịch sinh thái, văn hóa, lịch sử, tâm linh... Tôi đánh giá cao Bình Phước giữ được các yếu tố để phát triển du lịch sinh thái và đây chính là xu hướng du lịch của thế giới hiện nay.

Bình Phước phấn đấu: Đến năm 2025, đón khoảng 1,7 triệu lượt khách du lịch, doanh thu đạt khoảng 1.560 tỷ đồng, tạo việc làm cho khoảng 8.500 lao động. Đến năm 2030, đón khoảng 4 triệu lượt khách, doanh thu đạt khoảng 7.000 tỷ đồng, tạo việc làm cho khoảng 13.000 lao động.

Ông Đỗ Minh Trung, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, Bình Phước đã có các chiến lược phối hợp với tỉnh, thành trong khu vực Đông Nam Bộ, các cơ quan có ký kết truyền thông quảng bá hình ảnh Bình Phước. Hằng năm, ngành tham mưu ban hành kế hoạch phát triển du lịch, trong đó xây dựng các chính sách, nhiệm vụ, định hướng, tuyên truyền quảng bá và nội dung công việc, chương trình làm việc, trong đó kết hợp với các tỉnh, thành bạn quảng bá hình ảnh tỉnh nhà. “Nếu thực hiện tốt các nhiệm vụ đề ra theo kế hoạch, tôi tin rằng du lịch Bình Phước sẽ là mảnh đất mới cho các nhà đầu tư lớn đến đầu tư và một ngày không xa, du lịch Bình Phước sẽ “cất cánh” cùng các tỉnh, thành trong khu vực Đông Nam Bộ” - ông Trung kỳ vọng.

 

Tác giả: Phương Dung (BPO)

Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 6 đánh giá

Xếp hạng: 1.7 - 6 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Việc làm Bình Phước
Công báo Chính phủ
DVC Quốc gia
Ecom Binh Phuoc
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập719
  • Hôm nay346,106
  • Tháng hiện tại10,122,186
  • Tổng lượt truy cập493,985,624
ỨNG DỤNG
1 bp today
3 dhtn
2 ioffice
4 congbao
Portal_Ispeed
sổ tay đảng viên
Tạp chi
KQ TTHC
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây