Kết quả triển khai các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ đối với đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2016-2020. Giải pháp giai đoạn 2021-2030

Thứ sáu - 14/07/2023 16:43 524
Để triển khai các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ đối với đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn. Tỉnh Bình Phước đã ban hành Kế hoạch số 187/KH-UBND ngày 27/7/2016 của UBND tỉnh triển khai thực hiện các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ đối với đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Bình Phước gắn với mục tiêu phát triển bền vững giai đoạn 2016 - 2020.
       Trên cơ sở Kế hoạch đã ban hành, các ngành, địa phương trong tỉnh đã chủ động đưa vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của ngành, địa phương theo lộ trình phù hợp với đặc điểm, tình hình thực tế của ngành, địa phương; tăng cường sự phối hợp liên ngành từ tỉnh đến cơ sở để thực hiện đạt các chỉ tiêu theo kế hoạch đề ra; huy động, tập trung bố trí, lồng ghép nguồn lực cho các chương trình, chính sách, trong đó trọng tâm là các lĩnh vực: giảm nghèo, phổ cập giáo dục; tăng cường bình đẳng nam nữ; trẻ em; HIV/AIDS; giáo dục và đào tạo; y tế; môi trường nhằm góp phần thúc đẩy hoàn thiện và duy trì các Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ và hướng tới một số mục tiêu phát triển bền vững đối với đồng bào DTTS, nhất là ở vùng khó khăn, đặc biệt khó khăn. Qua 5 năm thực hiện đã đạt được nhiều kết quả, cụ thể:
       1. Xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực và thiếu đói
       Tỷ lệ % hộ nghèo dân tộc thiểu số trên tổng số hộ dân tộc thiểu số của tỉnh. Phấn đấu giảm bình quân 2%/năm - Đạt chỉ tiêu.
Chương trình giảm nghèo bền vững đã nhận được sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Chương trình cũng nhận được sự quan tâm, ủng hộ ngày càng nhiều từ các nguồn lực xã hội, qua đó đã sớm đưa các chính sách hỗ trợ, giúp hộ nghèo thoát nghèo hiệu quả. Kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020: Tỷ lệ hộ nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số trên tổng số hộ đồng bào dân tộc thiểu số giảm từ 15,3% xuống còn 1,12%, bình quân mỗi năm giảm 2,36%, đạt 118% kế hoạch đề ra. Trong 04 năm tỉnh thực hiện Chương trình giảm 1.000 hộ nghèo dân tộc thiểu số (từ 2019 - 2022), toàn tỉnh giảm 5.198 hộ nghèo dân tộc thiểu số, đạt 129,8% chỉ tiêu Tỉnh ủy đề ra (mỗi năm giảm 1.000 hộ nghèo dân tộc thiểu số), đưa số hộ nghèo dân tộc thiểu số từ 4.545 hộ, chiếm tỷ lệ 52,76% trong tổng số hộ nghèo (đầu năm 2019) xuống còn 516 hộ, chiếm tỷ lệ 43,36% trong tổng số hộ nghèo (cuối năm 2021 áp dụng chuẩn nghèo tại Quyết định số 59/2015/QĐ-TTg ngày 19/11/2015 của Thủ tướng Chính phủ ban hành chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016-2020).
Tỷ lệ suy dinh dưỡng cân nặng/tuổi ở trẻ em dân tộc thiểu số dưới 5 tuổi: năm 2016: <18%, đến năm 2020: 7,9% - đạt chỉ tiêu (chỉ tiêu tỉnh giao: <16%).
       2. Phổ cập giáo dục tiểu học
       Thực hiện các chỉ tiêu trong kế hoạch mục tiêu thiên niên kỷ. Mạng lưới trường, lớp và đội ngũ giáo viên các cấp học trên địa bàn tỉnh ổn định và tiếp tục phát triển, đáp ứng nhu cầu học tập của nhân dân và thực hiện mục tiêu phổ cập giáo dục, xoá mù chữ trên địa bàn tỉnh. Từ nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ bản hàng năm và nguồn vốn từ các chương trình mục tiêu, đã triển khai xây dựng mới một số công trình phòng học, sửa chữa các công trình đã hư hỏng, xuống cấp, mua sắm bổ sung trang thiết bị dạy học cho các trường để đảm bảo thực hiện mục tiêu đổi mới phương pháp dạy học và nâng cao chất lượng giáo dục.
       - Tỷ lệ trẻ em dân tộc thiểu số nhập học đúng tuổi bậc tiểu học: năm 2016 là 93,74%, đến năm 2020 là 95,13% - chưa đạt (chỉ tiêu tỉnh giao là 98,5%).
       - Tỷ lệ trẻ người dân tộc thiểu số từ 11-14 tuổi hoàn thành chương trình tiểu học: năm 2016 là 92,42%, đến năm 2020 là 94% - đạt chỉ tiêu (chỉ tiêu tỉnh giao là >87%).
       - Tỷ lệ người dân tộc thiểu số từ 10 tuổi trở lên biết chữ: năm 2016 là 90,92%, đến năm 2020 là 92% - đạt chỉ tiêu (chỉ tiêu tỉnh giao là >70%).
       3. Tăng cường bình đẳng nam nữ và nâng cao vị thế cho phụ nữ
Thực hiện Quyết định số 1898/QĐ-TTg ngày 28/01/2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Hỗ trợ hoạt động bình đẳng giới vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2018 - 2025, tỉnh đã tăng cường mở các lớp tập huấn giảng dạy về kiến thức, kỹ năng cho phụ nữ về chăm sóc sức khoẻ, nuôi dạy con, dân số và từ đó thực hiện tốt kế hoạch hoá gia đình, kỹ năng sống và tổ chức cuộc sống gia đình hạnh phúc. Đồng thời, xây dựng hình tượng người phụ nữ Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và hội nhập quốc tế có sức khoẻ, tri thức, kỹ năng nghề nghiệp, năng động, sáng tạo, có lối sống văn hoá, có lòng nhân hậu, tích cực lao động sản xuất, sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc…
       Kết quả thực hiện các chỉ tiêu trong kế hoạch mục tiêu thiên niên kỷ:
       - Tỷ lệ mù chữ của phụ nữ người dân tộc thiểu số (%): Năm 2016 là 13,58%, đến năm 2020 là 10,82% - chưa đạt chỉ tiêu (chỉ tiêu tỉnh giao là 4,4%).
       - Tỷ lệ học sinh nữ dân tộc thiểu số ở bậc tiểu học, trung học cơ sở (THCS), trung học phổ thông (THPT) (%): Năm 2016 là 43,38%, năm 2020 là 44,61% (chỉ tiêu tỉnh giao: năm 2016 là > 45%; năm 2020 là > 50%) - Chưa đạt chỉ tiêu.
       - Tỷ lệ nữ là người dân tộc thiểu số được giới thiệu ứng cử HĐND cấp xã (%): đại biểu nữ dân tộc thiểu số ở HĐND cấp xã là 30% - Đạt chỉ tiêu.
       - Tỷ lệ nữ là người dân tộc thiểu số được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội (%) đạt 100% - Đạt chỉ tiêu.
       4. Giảm tỷ lệ tử vong ở trẻ em
       Các hoạt động chăm sóc sức khỏe người đồng bào dân tộc thiểu số được ngành Y tế thực hiện trong mọi hoạt động chung của toàn ngành. Mục tiêu tổng thể là chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân, đồng thời luôn chú trọng đến đối tượng là người nghèo, người đồng bào dân tộc thiểu số. Trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe ban đầu và phòng, chống dịch bệnh, mọi nguồn lực đều tập trung cho y tế cơ sở.
Các chương trình, dự án với nguồn vốn hỗ trợ, viện trợ từ các tổ chức hầu hết căn cứ theo tiêu chí ưu tiên cho đối tượng là người dân ở khu vực đặc biệt khó khăn hoặc khó khăn, biên giới, vùng đồng bào dân tộc thiểu số[1].
       - Tỷ suất tử vong trẻ em dân tộc thiểu số dưới 1 tuổi/1.000 trẻ đẻ sống: Năm 2016 là 0,45%, năm 2020 là 0,25% - đạt chỉ tiêu (chỉ tiêu tỉnh giao là <9,6%).
      - Tỷ suất tử vong trẻ em dân tộc thiểu số dưới 5 tuổi/1.000 trẻ đẻ sống: Năm 2016 là 0,83%, năm 2020 là 1,66% – đạt chỉ tiêu (chỉ tiêu tỉnh giao là <14%).
        5. Tăng cường sức khỏe bà mẹ
       - Tỷ số tử vong bà mẹ người dân tộc thiểu số/100.000 trẻ sơ sinh sống: Năm 2016 là 0,06; năm 2020 là 0,00 -  đạt chỉ tiêu (chỉ tiêu giao tỉnh giao là <24%).
       - Tỷ lệ các ca sinh của phụ nữ dân tộc thiểu số được cán bộ y tế đã qua đào tạo đỡ (%): Năm 2016 là 97,5%, năm 2020 là 98,3% - đạt chỉ tiêu (chỉ tiêu tỉnh giao là >78%).
       - Tỷ lệ phụ nữ dân tộc thiểu số được khám thai ít nhất 3 lần trong kỳ mang thai (%): Năm 2016 là 90,6%, năm 2020 là 92,7% - đạt chỉ tiêu (chỉ tiêu tỉnh giao là >78%).
       6. Phòng chống HIV/AIDS, sốt rét và các dịch bệnh khác
       Thực hiện tư vấn miễn phí cho các bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS biết tự phòng ngừa bệnh lao và giới thiệu kiểm tra, tầm soát lao cho tất cả các bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS có dấu hiệu lâm sàng về bệnh lao để đưa vào quản lý và điều trị.
       - Tỷ lệ nhiễm HIV được tư vấn ở nhóm dân số người dân tộc thiểu số từ 15 - 24 tuổi (%): Năm 2016 là ≥ 50%, năm 2020 là 78% - đạt chỉ tiêu (chỉ tiêu tỉnh giao là ≥ 78%).
      - Tỷ lệ bệnh nhân người dân tộc thiểu số mắc sốt rét/1.000 dân: Năm 2016 là 0,44%, năm 2020 là 0,1% - đạt chỉ tiêu (chỉ tiêu tỉnh giao là <1,6%).
       - Tỷ lệ người dân tộc thiểu số mắc lao/100.000 dân: Năm 2016 là 5,2%, năm 2020 là 3,1% - đạt chỉ tiêu (chỉ tiêu tỉnh giao là <14,4%).
       7. Đảm bảo bền vững về môi trường
       Thực hiện nội dung nước sạch nông thôn trong chương trình xây dựng nông thôn mới, đến nay 75/90 xã của tỉnh đã về đích nông thôn mới, trong đó hoàn thành tiêu chí tỷ lệ hộ được sử dụng nước hợp vệ sinh và nước sạch theo quy định.
       - Tỷ lệ hộ dân tộc thiểu số được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh (%): Năm 2016 là 72%, năm 2020 là 91,9 % - đạt chỉ tiêu (chỉ tiêu giao đến năm 2020 là >76%).
       - Tỷ lệ hộ dân tộc thiểu số được sử dụng hố xí hợp vệ sinh (%): Năm 2016 là 56%, năm 2020 là 76% - đạt chỉ tiêu (chỉ tiêu giao đến năm 2020 là > 68%).
        Qua 5 năm triển khai, mặc dù đạt được nhiều kết quả, tuy nhiên, so với mặt bằng chung và tốc độ tăng trưởng của tỉnh, trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và tình hình thế giới có nhiều biến động, vật giá tăng cao đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của đồng bào dân tộc như: chế độ dinh dưỡng cho trẻ em chưa được đảm bảo tốt, trình độ học vấn còn thấp, trình độ tay nghề chưa cao; chất lượng lao động chủ yếu chưa qua đào tạo nên khó tìm được công việc ổn định, thu nhập cao…Để triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi thời gian tới, cần thực hiện các nội dung cụ thể:
       1. Thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu sốgiai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, xây dựng triển khai thực hiện có hiệu quả một số chính sách đặc thù của tỉnh như: Chương trình giảm 1.000 hộ đồng bào dân tộc thiểu số, đào tạo nghề gắn với địa chỉ sử dụng lao động được đào tạo, triển khai thực hiện đề án xây dựng mô hình làng thanh niên dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh, thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững….
       2. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các văn bản của Đảng và Nhà nước nhằm thúc đẩy, khuyến khích ý chí, khát vọng vươn lên thoát nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số, vận động nhân dân cùng góp sức thực hiện công tác giảm nghèo. Xây dựng các nội dung và hình thức tuyên truyền phong phú, đa dạng phù hợp với tâm lý, tập quán của đồng bào dân tộc thiểu số. Phổ biến các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tập trung đến vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
       3. Thực hiện tốt công tác truyền thông phù hợp với văn hóa, ngôn ngữ dân tộc để nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của đồng bào các dân tộc thiểu số về bình đẳng giới, vệ sinh, môi trường, chăm sóc sức khỏe, phòng chống HIV/AIDS và các bệnh truyền nhiễm; phát triển văn hóa, giáo dục; thúc đẩy hoàn thành các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ đối với đồng bào dân tộc thiểu số và thực hiện mục tiêu phát triển bền vững trên địa bàn tỉnh.
 

[1] Năm 2022, 90,7% phụ nữ có thai được khám thai định kỳ, sinh con ở cơ sở y tế; Giảm tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng thể nhẹ cân xuống 10% (Tổng số lượt khám, chữa bệnh cho người dân tộc thiểu số: 75.218 lượt (tuyến tỉnh 12.352 lượt, tuyến huyện 62.866 lượt). Khám chữa bệnh BHYT cho người dân tộc thiểu số 39.524 lượt, đạt tỷ lệ 52,5%, (gồm: tuyến tỉnh 8.116 lượt, tuyến huyện 1.408 lượt).
 

Tác giả bài viết: Văn Dịnh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Việc làm Bình Phước
Công báo Chính phủ
DVC Quốc gia
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập1,049
  • Hôm nay43,039
  • Tháng hiện tại3,925,133
  • Tổng lượt truy cập390,468,186
ỨNG DỤNG
1 bp today
3 dhtn
2 ioffice
4 congbao
Portal_Ispeed
sổ tay đảng viên
Tạp chi
KQ TTHC
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây