Thời gian gần đây, cháy, nổ, sự cố, tai nạn diễn biến phức tạp, nhất là tai nạn khu dân cư, hộ gia đình, hộ gia đình vừa ở vừa sản xuất kinh doanh, chợ, cơ sở sản xuất, kinh doanh, quán karaoke..., một số vụ làm chết nhiều người, tổn thương lớn về tinh thần, thiệt hại nặng nề về vật chất của người dân, ảnh hưởng tiêu cực đến an toàn, an sinh xã hội, gây hoang mang dư luận. Tình hình trên do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân là kinh tế, xã hội đất nước phát triển nhanh nhưng hạ tầng PCCC chưa được đầu tư phát triển đúng tầm, chưa coi trọng đến công tác PCCC và CNCH; một bộ phận không nhỏ người dân chưa nhận thức, ý thức được tầm quan trọng của công tác phòng, chữa cháy, nổ, phòng ngừa, ứng phó sự cố, tai nạn, còn chủ quan, coi nhẹ công tác này; đầu tư cơ sở vật chất cho công tác PCCC và CNCH còn rất khiêm tốn, chưa tương xứng yêu cầu, nhiệm vụ.
Tuyên truyền về phòng cháy đã phổ biến một số nội dung chính cơ bản của Luật PCCC, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật PCCC, đặc biệt những điểm mới lưu ý như: Trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân trong công tác PCCC; trách nhiệm tuyên truyền; chế độ, chính sách cho lực lượng PCCC cơ sở… và các văn bản pháp luật khác có liên quan. Đồng thời hướng dẫn các kiến thức cơ bản về phòng cháy, chữa cháy; quy trình cứu chữa một vụ cháy; hướng dẫn nhân viên cơ sở cách xử lý tình huống khi có cháy, nổ và thoát nạn một cách an toàn; cách sử dụng trang thiết bị chữa cháy tại chỗ; trao đổi các vấn đề thực tế liên quan đến công tác PCCC tại cơ sở.
Tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của người đứng đầu và công chức trong công tác phòng cháy và chữa cháy, nắm rõ trách nhiệm và nghĩa vụ của mình trong công tác phòng cháy và chữa cháy là bảo vệ tính mạng, tài sản của tập thể, cá nhân, góp phần ổn định trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.
Qua đó, ta nhận thấy rằng việc nâng cao nhận thức của công chức về PCCC đóng vai trò rất quan trọng trong việc hạn chế cháy nổ. Bởi vậy, việc nâng cao hiệu quả về PCCC và CNCH là trách nhiệm của mỗi người dân, của mỗi tổ chức, đơn vị và địa phương. Mỗi hành động thiết thực, ý thức chủ động trong phòng ngừa cháy, nổ của mỗi chúng ta chính là mang lại hiệu quả trong việc PCCC, góp phần đẩy lùi nguy cơ cháy, nổ, để cháy, nổ không còn là hiểm họa cho toàn xã hội.
Nguyễn Thị Dịu - Chi cục Dân số- KHHGĐ