Bình Phước : Cổng thông tin điện tửhttps://binhphuoc.gov.vn/uploads/binhphuoc/quochuy_1.png
Thứ tư - 30/10/2024 20:12
Già hóa dân số tác động đến tăng trưởng kinh tế, tiết kiệm, đầu tư và tiêu dùng, thị trường lao động, lương hưu trí, trong lĩnh vực xã hội, già hóa dân số ảnh hưởng đến y tế và chăm sóc sức khỏe người cao tuổi... Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 25 tháng 10 năm 2017 của Bộ Chính trị về: “Công tác dân số trong tình hình mới”, với mục tiêu “Giải quyết toàn diện, đồng bộ các vấn đề về quy mô, cơ cấu, phân bổ, chất lượng dân số và đặt trong mối quan hệ tác động qua lại với phát triển kinh tế - xã hội. Duy trì vững chắc mức sinh thay thế; đưa tỉ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên; tận dụng hiệu quả cơ cấu dân số vàng, thích ứng với già hóa dân số; phân bố dân số hợp lý; nâng cao chất lượng dân số, góp phần phát triển đất nước nhanh, bền vững. Xây dựng và hoàn thiện hệ thống chính sách về bảo vệ và chăm sóc sức khỏe người cao tuổi… mở rộng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe người cao tuổi. Nghị định số 06/2011/NĐ-CP ngày 14 tháng 01 năm 2011 của Chính phủ về việc quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật người cao tuổi đã khẳng định trách nhiệm của toàn xã hội của ngành y tế trong việc chăm sóc người cao tuổi, đặc biệt là chăm sóc sức khỏe. Chiến lược dân số Việt Nam giai đoạn 2021-2030 cũng đã đặt ra việc chăm lo sức khoẻ người cao tuổi và khuyến khích tư vấn, thăm khám tại nhà người cao tuổi. Thực tế hiện nay, người cao tuổi chưa được tiếp cận đầy đủ các dịch vụ tư vấn và chăm sóc sức khỏe, đặc biệt là những người cao tuổi độc thân, không nơi nương tựa, tàn tật, người dân tộc thiểu số, người thuộc diện nghèo, phụ nữ, người trên 90 tuổi, người ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa, đặc biệt khó khăn. Nhìn chung các hoạt động chăm sóc sức khỏe người cao tuổi còn phân tán, riêng lẻ, chưa mang tính hệ thống và thiếu sự lồng ghép với các chương trình khác liên quan đến người cao tuổi. Hiện nay, Bình Phước nguồn nhân lực cho chăm sóc sức khỏe người cao tuổi còn chưa được quan tâm phát triển; chất lượng chăm sóc người cao tuổi còn chưa cao; thiếu nguồn kinh phí tổ chức các hoạt động chăm sóc sức khỏe người cao tuổi; mạng lưới thông tin trong chăm sóc sức khỏe người cao tuổi nói chung và một số loại hình chăm sóc nói riêng còn hạn chế. Hiện nay, vấn đề đảm bảo cho người cao tuổi được chăm sóc sức khỏe, đi khám bệnh, chữa bệnh thường xuyên chưa được quan tâm, chỉ có nhóm người cao tuổi thuộc diện cán bộ hưu trí, hưởng các chế độ người có công ... còn lại nhóm người cao tuổi khác như: người già độc thân, phụ nữ, người nghèo, nông thôn sâu, biên giới, dân tộc thiểu số còn gặp nhiều khó khăn trong việc khám bệnh, chữa bệnh và tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe. Theo số liệu Cục thống kê hiện nay toàn tỉnh Bình Phước có khoảng 114.000 người cao tuổi chiếm 10,6 % tổng dân số. Điều này chứng tỏ Bình Phước cũng đang bước vào giai đoạn già hóa dân số cùng với các địa phương khác trong cả nước. Vì vậy cần thiết quản lý và phát triển các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ người cao tuổi, tăng cường sức khoẻ về thể chất và tinh thần cho người cao tuổi nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống của người cao tuổi, góp phần thực hiện tốt Chương trình hành động quốc tế người cao tuổi và nâng cao chất lượng dân số Việt Nam.
Qua đó, góp phần tăng cường sức khoẻ về thể chất, tinh thần cho người cao tuổi nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống của người cao tuổi đảm bảo thích ứng với già hoá dân số.