Kỷ niệm 89 năm Ngày truyền thống MTTQ Việt Nam (18/11/1930 - 18/11/2019), Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu dân cư, toàn dân khắc sâu lời dạy của Bác Hồ: “Chính sách Mặt trận là chính sách rất quan trọng. Công tác Mặt trận là công tác rất quan trọng trong toàn bộ công tác cách mạng”.
Truyền thống lịch sử của MTTQ Việt Nam
Sau khi Đảng thành lập và lãnh đạo cách mạng Việt Nam (3/2/1930), Ban Thường vụ Trung ương Đảng ra Chỉ thị thành lập Hội Phản đế Đồng Minh - hình thức tổ chức đầu tiên của Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam (nay là MTTQ Việt Nam). Trong giai đoạn cách mạng nước ta chưa giành được chính quyền, Mặt trận làm nhiệm vụ tập hợp, huy động sức mạnh của toàn dân, dưới sự lãnh đạo của Đảng để tiến hành đấu tranh cách mạng và giành chính quyền về tay nhân dân.
Các hình thức tổ chức hoạt động của Mặt trận như: Hội Phản đế đồng minh (1930), Phản đế liên minh (1935), Mặt trận thống nhất dân chủ Đông Dương (1938), Mặt trận Dân tộc thống nhất phản đế (1940), Mặt trận Việt Nam độc lập đồng minh (1941), Hội Liên hiệp quốc dân Việt Nam (1946), Mặt trận Liên - Việt (1951), Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (1955, 1977), Mặt trận Dân tộc giải phóng Miền Nam Việt Nam (1960) và Liên minh các lực lượng dân tộc dân chủ và hoà bình Việt Nam (1968). Đó là sự vận dụng mềm dẻo, linh hoạt, sáng tạo, phù hợp với từng thời kỳ đấu tranh của cách mạng Việt Nam.
Trong mọi hoàn cảnh khó khăn, thách thức, Mặt trận luôn là nơi khơi dậy và phát huy lòng yêu nước của người Việt Nam; tập hợp và tăng cường sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc để giành độc lập, tự do cho Tổ quốc và xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân.
Vị trí, vai trò của MTTQ Việt Nam
Kế tục truyền thống của Hội Phản đế đồng minh và Mặt trận Dân chủ Đông Dương, Mặt trận Việt Minh đã tập hợp đoàn kết, vận động toàn dân tộc nổi dậy làm Cách mạng tháng Tám thành công, lập ra nước Việt Nam dân chủ
MTTQ Việt Nam các cấp trong tỉnh đã chủ trì tổ chức được 396 cuộc giám sát; nhiều ý kiến, kiến nghị đã được tiếp thu, giải quyết. Tổ chức phản biện xã hội được 103 văn bản dự thảo. Tổ chức 98 hội nghị góp ý xây dựng Đảng, chính quyền theo Quyết định 845 năm 2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy; phối hợp tổ chức được 216 cuộc đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy đảng, chính quyền địa phương với nhân dân, tổ chức tiếp xúc cử tri ngày càng chất lượng, hiệu quả. |
Cộng hoà (ngày nay là nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam).
Đoàn kết trong Mặt trận Liên - Việt, nhân dân ta đã kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi, miền Bắc được hoàn toàn giải phóng và không ngừng lớn mạnh trở thành hậu phương lớn của tiền tuyến lớn miền Nam.
Đoàn kết trong MTTQ Việt Nam, Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, Liên minh các lực lượng dân tộc dân chủ và hoà bình Việt Nam, nhân dân ta đã làm tròn nhiệm vụ lịch sử vẻ vang giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, hoàn thành cách mạng dân tộc, dân chủ nhân dân trong cả nước.
Trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày nay
Điều 9 Hiến pháp năm 2013 của nước ta quy định: MTTQ Việt Nam là tổ chức liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện của tổ chức chính trị, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội và các cá nhân tiêu biểu trong các giai cấp, tầng lớp xã hội, dân tộc, tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài. MTTQ Việt Nam là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân; đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; tập hợp, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội; giám sát, phản biện xã hội; tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước, hoạt động đối ngoại nhân dân góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Từ khi đất nước thống nhất, MTTQ Việt Nam luôn giữ vai trò củng cố và tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam trong thời kỳ cách mạng mới. MTTQ Việt Nam đã động viên nhân dân tăng cường đoàn kết, vượt qua mọi khó khăn, thách thức giành nhiều thành tựu to lớn trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới, đưa đất nước chuyển sang thời kỳ phát triển mới đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế, vì dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Quán triệt tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng đời sống mới, tháng 5 năm 1995, nhân kỷ niệm 105 năm ngày sinh của Người, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã phát động trong cả nước Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng cuộc sống mới ở khu dân cư” nay là Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Đây là Cuộc vận động nhân dân rộng lớn trong cả nước của thời kỳ đổi mới có nội dung toàn diện, diễn ra trong thời gian dài.
Qua hơn 20 năm triển khai thực hiện, Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” đã phát huy được tính tích cực, sáng tạo và nội lực của người dân, cộng đồng dân cư, góp phần thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh trật tự ở từng địa bàn khu dân cư; đã khơi dậy truyền thống đoàn kết trong các tầng lớp nhân dân, tăng cường củng cố và mở rộng khối đại đoàn kết toàn dân tộc; phát huy quyền dân chủ trực tiếp của nhân dân thông qua hình thức tự quản ở cơ sở, tích cực xây dựng hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh… Kết quả của Cuộc vận động đã góp phần quan trọng cùng Nhà nước thực hiện đường lối của Đảng về công cuộc đổi mới đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
MTTQ Việt Nam tỉnh Bình Phước
Cùng với quá trình phát triển của cả nước, MTTQ Việt Nam tỉnh Bình Phước đã không ngừng được củng cố, vai trò của Mặt trận ngày càng phát huy, huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị trong thực hiện nhiệm vụ chính trị quan trọng của tỉnh. Đặc biệt trong những năm gần đây, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu ngày càng gay gắt, kéo dài, gây khó khăn, thách thức và ảnh hưởng rất lớn đến đời sống và sản xuất của nhân dân trong tỉnh; trước tình hình đó, Mặt trận các cấp đã tích cực tập hợp các nguồn lực hỗ trợ, vận động nhân dân phát huy tinh thần chủ động sáng tạo, tự lực, tự cường vươn lên, khai thác tiềm năng và các điều kiện thuận lợi, khắc phục khó khăn, thi đua lao động, sản xuất kinh doanh, học tập, công tác, ổn định cuộc sống; tích cực tham gia xây dựng Đảng, chính quyền, giữ vững quốc phòng - an ninh, trật tự an toàn xã hội tại địa phương.
Điển hình như trong nhiệm kỳ 2014-2019, MTTQ Việt Nam các cấp trong tỉnh triển khai thực hiện tốt 5 chương trình hành động đề ra, trong đó việc triển khai thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” tiếp tục mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho cộng đồng dân cư, đoàn kết xây dựng thôn, ấp, khu phố phát triển về mọi mặt; huy động được nhiều nguồn lực trong nhân dân góp phần phát triển kinh tế, xã hội ở địa phương, thực hiện hiệu quả chính sách an sinh xã hội và giảm nghèo bền vững…
Quỹ “Vì người nghèo” các cấp đã vận động trên 108 tỷ đồng, hỗ trợ xây dựng và sửa chữa 2.257 căn nhà đại đoàn kết cho các hộ nghèo khó khăn về nhà ở. Phối hợp với Bộ Chỉ huy bộ đội Biên phòng vận động xây dựng 779 căn nhà, trị giá trên 32 tỷ đồng; hỗ trợ cây trồng, vật nuôi giúp ổn định phát triển kinh tế cho bà con vùng biên giới. Vận động nhân dân tham gia đóng góp quỹ “đền ơn đáp nghĩa” trên 8,6 tỷ đồng, xây dựng 182 nhà tình nghĩa, tặng 700 sổ tiết kiệm, góp phần cùng với Đảng, Nhà nước chăm sóc người có công với nước có cuộc sống ổn định…
Các hoạt động giao lưu văn hóa văn nghệ với nước bạn được tăng cường; tổ chức nhiều đoàn đi thăm, chúc mừng nhân dịp các ngày lễ, tết cổ truyền; khám bệnh, cấp phát thuốc miễn phí cho người dân các tỉnh giáp biên giới Campuchia. Các mô hình “Điểm sáng biên giới” hoạt động có hiệu quả… Hệ thống Mặt trận các cấp trong tỉnh kịp thời được kiện toàn về tổ chức bộ máy, tinh gọn biên chế. Quan tâm tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ mặt trận từng bước đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn hiện nay.
Kết quả đạt được đó đã góp phần tích cực trong việc thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong thời gian qua. Nhiệm kỳ 2019 - 2024, MTTQ Việt Nam tỉnh tiếp tục đề ra 5 chương trình hành động. Một là, tuyên truyền, vận động, tập hợp các tầng lớp nhân dân; củng cố, tăng cường, phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Hai là, vận động nhân dân thi đua lao động sáng tạo, thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng - an ninh của địa phương. Ba là, phát huy dân chủ, tham gia xây dựng Đảng, chính quyền; giám sát và phản biện xã hội; phòng, chống tham nhũng, lãng phí, thực hành tiết kiệm. Bốn là, tăng cường đoàn kết quốc tế, mở rộng hoạt động đối ngoại nhân dân. Năm là, tăng cường củng cố tổ chức, đổi mới nội dung, phương thức, nâng cao hiệu quả hoạt động của MTTQ Việt Nam, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn mới.
Với 10 chỉ tiêu trọng tâm, một là, hàng năm 100% khu dân cư tổ chức có hiệu quả “Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc” nhân kỷ niệm Ngày truyền thống MTTQ Việt Nam (18/11). Hai là, Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp hàng năm tổ chức ít nhất một buổi họp mặt giữa lãnh đạo cấp ủy, chính quyền cùng cấp với chức sắc, chức việc các tôn giáo và già làng, người có uy tín tiêu biểu trong đồng bào các dân tộc thiểu số. Ba là, phối hợp vận động xây dựng “Khu dân cư văn hóa”, “Gia đình văn hóa”, thu ngân sách địa phương đạt chỉ tiêu nghị quyết của cấp ủy đảng và chính quyền đề ra. Bốn là, phấn đấu đến năm 2024 xây dựng 1.000 căn nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo khó khăn về nhà ở; mỗi năm phối hợp vận động làm mới 1.000 km đường giao thông nông thôn. Năm là, tham gia đóng góp trên 70% dự thảo văn bản quy phạm pháp luật của địa phương.
Sáu là, phấn đấu trong nhiệm kỳ MTTQ Việt Nam cấp tỉnh chủ trì giám sát từ 15 đến 20 cuộc; cấp huyện chủ trì giám sát từ 100 đến 110 cuộc; hoạt động giám sát của MTTQ Việt Nam cấp xã, Ban Thanh tra nhân dân, Ban GSĐTCCĐ chuyển biến rõ nét, đảm bảo hiệu quả, đúng quy định. Bảy là, phấn đấu trong nhiệm kỳ MTTQ Việt Nam tỉnh tổ chức phản biện xã hội ít nhất 15 văn bản dự thảo; cấp huyện tổ chức ít nhất 110 văn bản dự thảo. Tám là, MTTQ Việt Nam các cấp hàng năm thực hiện đầy đủ 3 hình thức góp ý xây dựng đảng, chính quyền; chủ động phối hợp tổ chức cho người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương đối thoại với nhân dân theo Quy định. Chín là, phấn đấu trong nhiệm kỳ phối hợp thành lập Hội thân nhân Việt kiều tỉnh Bình Phước, hướng dẫn hoạt động có hiệu quả. Mười là, kiện toàn đội ngũ cán bộ chuyên trách Mặt trận các cấp đủ số lượng quy định, đảm bảo các tiêu chí vị trí việc làm. Hàng năm, có 75% tổ chức Mặt trận đạt tiên tiến trở lên, không có tổ chức Mặt trận (từ tỉnh đến cơ sở) xếp loại yếu kém.
Kỷ niệm 89 năm Ngày truyền thống MTTQ Việt Nam (18/11/1930 - 18/11/2019), Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu dân cư, toàn dân khắc sâu lời dạy của Bác Hồ: “Chính sách Mặt trận là chính sách rất quan trọng. Công tác Mặt trận là công tác rất quan trọng trong toàn bộ công tác cách mạng”, nguyện cùng nhau tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, triển khai có hiệu quả Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”.
Đổi mới phương thức triển khai và nâng cao hiệu quả Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” theo hướng xác định nhiệm vụ trọng tâm công việc, đối tượng vận động hằng năm. Quán triệt và triển khai Chương trình hành động của MTTQ tỉnh thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X, Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, đối ngoại, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa./.