Tại đầu cầu Bình Phước, Phó Giám đốc phụ trách Sở TT&TT Nguyễn Minh Quang, Phó Giám đốc Sở TT&TT Trương Đình Vũ và đại diện các Phòng, Trung tâm thuộc sở tham dự hội nghị
Tại hội nghị, các đại biểu được thông tin sơ lược về kết quả hoạt động của ngành TT&TT quý I và phương hướng triển khai 6 nhiệm vụ trọng tâm về chính phủ điện tử (CPĐT) trong quý II năm 2020. Đó là, thúc đẩy dịch vụ công (DVC) trực tuyến; xây dựng LGSP (nền tảng tích hợp, chia sẻ cấp tỉnh), kết nối để chia sẻ và sử dụng dữ liệu; giám sát, đánh giá hiệu quả phát triển CPĐT; thu thập và công khai mức độ hài lòng của người dân; ban hành Kiến trúc CPĐT 2.0; tăng cường sử dụng văn bản điện tử.
Theo Bộ TT&TT, việc thúc đẩy DVC trực tuyến cần xác định các công đoạn. Trong đó, phải chú trọng xây dựng các nền tảng hỗ trợ, mà cụ thể trước tiên phải đảm bảo được việc định danh và xác thực điện tử, bao gồm việc lưu trữ hồ sơ đã được xác thực, kết quả DVC đã cấp cho người dân, doanh nghiệp. Sau đó là hạ tầng thanh toán trực tuyến, hiện nay vấn đề thanh toán trực tuyến cơ bản đã có nhiều nhà cung cấp, nhưng vấn đề đặt ra đối với mỗi Cổng DVC là phải đảm bảo giúp người dân, doanh nghiệp sử dụng được nhiều kênh thanh toán khác nhau.
Bộ TT&TT cũng nhấn mạnh: Từ trước đến nay, vẫn còn nhiều ý kiến tranh cãi về “người dân chưa có thói quen sử dụng các DVC trực tuyến” nên không cần đưa tất cả các DVC lên mức độ 4. Vấn đề tranh cãi này gần giống như chủ đề tranh luận “con gà, quả trứng”. Cơ quan nhà nước cần chủ động trước, tự tạo sức ép cho mình bằng việc sẵn sàng tiếp nhận hồ sơ trực tuyến đối với mọi DVC. Với việc hình thành 2 nền tảng định danh và xác thực, cùng hệ thống thanh toán trực tuyến chắc chắn số lượng hồ sơ sẽ tăng trong thời gian tới. Do đó, các cơ quan nhà nước cần rà soát, đánh giá mức độ ưu tiên cho các DVC, đồng thời thay đổi cách thức triển khai DVC trực tuyến, lựa chọn những giải pháp đủ mềm dẻo để đưa DVC trực tuyến lên mức 3 và 4.
Tiếp theo đó là việc đẩy mạnh sử dụng DVC trực tuyến, hay nói cách khác là nâng số lượng hồ sơ điện tử. Đây là vấn đề cần thay đổi tư duy, từ “việc xin cho" sang “việc phục vụ”. Nếu thực sự coi người dân, doanh nghiệp là một khách hàng cần phục vụ thì chắc chắn người dân sẽ tích cực hơn, tin tưởng hơn để sử dụng DVC trực tuyến. Các công đoạn trên cần thực hiện song song, đồng bộ; không thể chờ số hồ sơ tăng lên thì mới triển khai DVC trực tuyến, hay chờ người dân có thói quen thì mới triển khai. Việc thúc đẩy DVC trực tuyến phải song hành cùng cải cách hành chính./.