(Mic.gov.vn) -Sáng 25/4, tại Hà Nội, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tổ chức Hội nghị tập huấn, phổ biến chính sách pháp luật về bảo vệ biên giới của Tổ quốc. Tham dự Hội nghị có đại diện lãnh đạo và chuyên viên các Sở Thông tin và Truyền thông phía Bắc, cán bộ làm công tác thông tin đối ngoại, thông tin báo chí - xuất bản, các phóng viên, biên tập viên, báo cáo viên làm công tác phổ biến, giáo dục pháp luật.
Toàn cảnh Hội nghị
Tham dự Hội nghị có ông Hồ Hồng Hải - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Thông tin và Truyền thông; ông Phạm Ngọc Khoái - Trợ lý phòng Tuyên huấn Bộ đội Biên phòng - Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng; PGS. TS. Đỗ Thị Thu Hằng - Trưởng ban Nghiệp vụ, Hội Nhà báo Việt Nam cùng đông đảo các phóng viên, biên tập viên các cơ quan thông tấn, báo chí.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, ông Hồ Hồng Hải, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, quản lý và bảo vệ biên giới quốc gia là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân.
Theo ông Hồ Hồng Hải, nhiều năm qua, thông qua các tin, bài và phóng sự, các cơ quan báo chí đã thực hiện tốt nhiệm vụ lan tỏa các thông điệp bảo vệ biên giới đến mọi tầng lớp nhân dân. Các cán bộ làm công tác tuyên truyền chính là lực lượng có vai trò quan trọng trong việc phổ biến chính sách pháp luật về bảo vệ biên giới, góp phần cổ vũ tinh thần yêu nước, khơi dậy lòng tự hào dân tộc trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nâng cao ý thức trong đấu tranh, bảo vệ và gìn giữ chủ quyền biên giới, hải đảo thiêng liêng, tạo ra sự đồng thuận và cổ vũ của bạn bè, dư luận quốc tế.
Tại Hội nghị, các đại biểu tham dự đã được nghe và phổ biến các chính sách pháp luật của Việt Nam về phân giới cắm mốc, về phát triển biên giới trên tinh thần hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, về giải quyết vấn đề biên giới, lãnh thổ nhằm nâng cao ý thức quốc gia và trách nhiệm bảo vệ biên giới Tổ quốc.
Đặc biệt, Hội nghị nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giải quyết dứt điểm vấn đề biên giới trên đất liền giữa Việt Nam và các nước có chung đường biên giới, việc hoàn thành xây dựng đường biên giới rõ ràng, chính xác, hiện đại, có giá trị pháp lý đối với sự phát triển của mỗi nước và hòa bình, ổn định của khu vực. Bên cạnh đó là tình hình thực hiện pháp luật tại các tỉnh có đường biên giới trong thời gian qua, tình hình phân giới, cắm mốc tại các tỉnh có đường biên giới.
Trình bày về tình hình biên giới và những vấn đề đặt ra trong công tác quản lý, xây dựng và bảo vệ biên giới hiện nay, ông Phạm Ngọc Khoái, Trợ lý phòng Tuyên huấn Bộ đội Biên phòng - Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng cho biết, chúng ta cần chú trọng công tác xây dựng các đề án đảm bảo quốc phòng, an ninh, kinh tế, đối ngoại nhằm giành thế chủ động, giữ ổn định mọi mặt của đất nước.
Theo đó, cần tiếp tục triển khai thực hiện chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 28/9/2018 của Bộ Chính trị về Chiến lược bảo vệ Biên giới quốc gia trong Bộ đội biên phòng và Luật Biên phòng Việt Nam; tăng cường sẵn sàng chiến đấu bảo vệ biên giới trên bộ, trên biển và các đảo; chuẩn bị giải pháp để đối phó với sức ép từ các "nhóm lợi ích" thúc đẩy Việt Nam chuyển đổi đường lối đối ngoại; mở rộng và đưa quan hệ hợp tác quốc tế, đối ngoại quốc phòng, đối ngoại biên phòng với lực lượng bảo vệ biên giới của các nước láng giềng…
Trước những vấn đề nổi bật liên quan đến tuyến biên giới Việt Nam - Trung Quốc; Việt Nam - Lào; Việt Nam - Campuchia; biên giới hải đảo, ông Phạm Ngọc Khoái nhấn mạnh, bộ đội Biên phòng vẫn là lực lượng vũ trang nòng cốt, chuyên trách quản lý, bảo vệ chủ quyền và an ninh biên giới quốc gia. Vì vậy, ông Phạm Ngọc Khoái đề nghị các cán bộ làm công tác truyền thông sẽ luôn gắn kết, đồng hành cùng bộ đội Biên phòng trong công tác tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng và Chính phủ về vấn đề bảo vệ biên giới Tổ quốc đến với các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là bà con vùng sâu, vùng xa, biên giới đất liền và hải đảo.
Trình bày về kỹ năng viết tin, bài tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong công tác thông tin đối ngoại, PGS.TS Đỗ Thị Thu Hằng, Trưởng ban Nghiệp vụ, Hội Nhà báo Việt Nam đã giới thiệu đến các cán bộ làm công tác truyền thông những nội dung chính gồm: Tuyên truyền đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước Việt Nam về bảo vệ biên giới; Quảng bá giới thiệu hình ảnh đất nước, con người, lịch sử, văn hóa của Việt Nam ra thế giới; Truyền thông phát triển kinh tế biển đảo và kinh tế khu vực biên giới; Đấu tranh với những luận điệu xuyên tạc, bôi nhọ, các phần tử chống phá; Bảo vệ chủ quyền biển đảo đất nước; Đem thông tin thế giới đến với nhân dân trong nước…
Bà Đỗ Thị Thu Hằng nhấn mạnh, báo chí cần chỉ rõ đúng sai, thật giả và động cơ của đối tượng, cần thuyết phục công chúng đi theo lẽ phải, bài trừ cái xấu; khơi dậy truyền thống yêu nước, tiếp cận ở góc độ lợi ích quốc gia và văn hóa, đạo đức.