Vận hành thiết bị tại Trung tâm giám sát điều hành đô thị thông minhTP Biên Hòa (Đồng Nai)
Bên cạnh những kết quả tích cực, thực tế cũng cho thấy, việc phát triển chính quyền điện tử (CQÐT), chuyển đổi số (CÐS) tại một số địa phương vùng Ðông Nam Bộ còn không ít khó khăn, thách thức. Không ít dịch vụ công trực tuyến chưa thể phổ biến đại trà đến người dân. Nhiều tỉnh, thành phố đã có các giải pháp cụ thể nhằm tăng tốc thực hiện Chương trình CÐS quốc gia, trọng tâm là xây dựng chính quyền số (CQS)…
Tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc
Trong quá trình phát triển CQÐT, CÐS, tỉnh Bình Phước gặp không ít khó khăn. Yêu cầu đặt ra là khung kỹ năng và năng lực của cán bộ, công chức, viên chức phải thay đổi để phù hợp cách thức quản lý, vận hành mới, do đó cần có quá trình, thời gian để đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng. Ở một số ngành, lĩnh vực, người đứng đầu còn hạn chế về tâm thế thay đổi, ngại đổi mới, chưa nhìn nhận đúng vai trò của ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), ngại thay đổi thói quen từ xử lý văn bản giấy sang điện tử.
Một số đơn vị chưa khai thác hiệu quả hạ tầng, ứng dụng CNTT, viễn thông hiện có; công tác bảo đảm an toàn thông tin, an ninh mạng còn yếu. Ứng dụng CNTT trong các ngành, lĩnh vực, trong các doanh nghiệp (DN) nhằm nâng cao năng suất lao động, hiệu quả công việc, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh còn hạn chế… Mặt khác, các dự án, chương trình phát triển CQÐT, CÐS thường tốn nhiều thời gian hơn so kế hoạch đề ra, khiến các cơ quan, tổ chức, DN bị "đội" chi phí so với kế hoạch ban đầu. Bên cạnh đó, đòi hỏi phải có giải pháp phù hợp với tất cả yêu cầu về công năng, hiệu quả, bảo đảm an toàn thông tin và ngân sách triển khai. Hạ tầng công nghệ chưa được đầu tư triệt để, đồng bộ; trình độ dân trí không đồng đều ở một số vùng, bộ phận dân cư… cũng là rào cản nhất định trong quá trình phát triển CQÐT, CÐS.
Từ thực tế nêu trên, tỉnh Bình Phước đề ra các giải pháp tiếp tục đẩy mạnh xây dựng CQÐT, phát triển nền tảng cho CÐS theo lộ trình cụ thể từng năm, từng giai đoạn. Theo đó, tăng cường vai trò của người đứng đầu trong việc chịu trách nhiệm trực tiếp về xây dựng CQÐT, CÐS trong cơ quan, tổ chức, lĩnh vực, địa bàn mình phụ trách. Xây dựng chiến lược và các kênh truyền thông trực tuyến để đẩy mạnh việc tham gia của người dân, DN, các tổ chức vào chương trình xây dựng CQÐT, CÐS của tỉnh. Thúc đẩy CÐS tại các DN, triển khai thành công CQS làm nền tảng cho phát triển kinh tế số.
Việc phát triển CQÐT được tỉnh Bình Dương triển khai đồng bộ, bài bản và thu được nhiều kết quả rất đáng ghi nhận. Tuy nhiên, hiện nay, việc thực hiện liên thông thủ tục hành chính (TTHC) giữa các sở, ngành (cơ quan hành chính) với các cơ quan ngành dọc (thuế, kho bạc, bảo hiểm, hải quan, công an, thi hành án…) còn khó khăn, phải có ý kiến của nhiều ngành cho nên kết quả giải quyết TTHC còn trễ hẹn; một số TTHC có tính chất liên thông nhưng chưa có quy chế phối hợp triển khai thực hiện nên vẫn còn hạn chế trong xử lý công việc. Thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục tăng cường ứng dụng CNTT trong hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước gắn với đề án xây dựng Thành phố thông minh Bình Dương. Hoàn thiện quy trình điện tử đối với các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 và đẩy mạnh thực hiện thanh toán phí, lệ phí dịch vụ công trực tuyến qua ngân hàng, tạo sự thuận tiện cho người dân, DN khi sử dụng dịch vụ.
Một trong những vướng mắc tại các địa phương hiện nay là làm sao xác định, đo lường, đánh giá được hoạt động CÐS. Thực tế, có những nơi đầu tư tốt về hạ tầng để thực hiện CÐS, nhưng do cán bộ chưa được đào tạo bài bản, chưa đáp ứng chuyên môn nghiệp vụ cho nên xử lý công việc chưa đạt yêu cầu, mong muốn của người dân, DN. Khắc phục vướng mắc này, ngày 12-10-2020, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT và TT) đã ban hành Quyết định số 1726/QÐ- BTTTT về phê duyệt đề án "Xác định Bộ chỉ số đánh giá CÐS của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và của quốc gia". Theo đó, Bộ chỉ số CÐS cấp tỉnh được cấu trúc theo ba trụ cột là Chính quyền số, Kinh tế số và Xã hội số. Trong mỗi trụ cột đều có bảy chỉ số chính đánh giá về: Chuyển đổi nhận thức; Kiến tạo thể chế; Phát triển hạ tầng và nền tảng số; Thông tin và dữ liệu số; Hoạt động CÐS; An toàn, an ninh mạng; Ðào tạo và phát triển nhân lực.
Phó Giám đốc Sở TT và TT thành phố Hồ Chí Minh Võ Thị Trung Trinh cho biết: "Theo kế hoạch thực hiện CÐS năm 2021, TP Hồ Chí Minh sẽ tập trung tổ chức tuyên truyền, phổ biến về mục tiêu, nội dung Bộ chỉ số CÐS cấp bộ, cấp tỉnh và kết quả CÐS của thành phố. Phối hợp Bộ TT và TT và Tổng cục Thống kê xác định chỉ số đánh giá CÐS của thành phố. Ðể nâng cao hiệu quả giám sát, đánh giá hoạt động của CQS tại các đơn vị, địa phương, thành phố xây dựng các hệ thống ứng dụng để các sở, ngành, quận, huyện báo cáo các nội dung công việc thành phố yêu cầu. Ðồng thời, thành phố cũng mở rộng các công cụ tương tác để tăng khả năng giám sát và phản ánh, đánh giá của Mặt trận Tổ quốc và người dân trong quá trình triển khai các dịch vụ công…".
Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư TP Hồ Chí Minh (ITPC) Nguyễn Tuấn nhấn mạnh: Năm 2021 được nhận định là thời điểm "vàng" cho CÐS của Việt Nam nói chung và TP Hồ Chí Minh nói riêng. Do đó, các đơn vị, tổ chức, DN, cá nhân cần hành động ngay để khát vọng CÐS của Việt Nam sớm thành hiện thực. Ðây được coi là cơ hội để Việt Nam phát triển đột phá, nhanh chóng bắt kịp các nước phát triển. ITPC luôn đồng hành cùng các DN để hỗ trợ tiếp cận, nắm vững thông tin và vận dụng CÐS trong kinh doanh, sản xuất…
Tăng tốc thực hiện chuyển đổi số
Chủ tịch UBND tỉnh Ðồng Nai Cao Tiến Dũng cho biết, tất cả cơ quan cấp tỉnh ở Ðồng Nai đã kết nối mạng nội bộ giữa các phòng, ban trực thuộc và kết nối vào mạng truyền số liệu chuyên dùng; 100% UBND các xã, phường, thị trấn được kết nối in-tơ-nét và kênh thuê riêng Megawan và Metrowan để phục vụ ứng dụng CNTT. Hoàn thành và đưa vào vận hành Trung tâm tích hợp dữ liệu tỉnh giai đoạn 1 với 12 máy chủ ảo hóa, 20 máy chủ vật lý, hai máy chủ phiến để vận hành các hệ thống dùng chung của tỉnh. Ðang triển khai hạ tầng mở rộng cho Trung tâm tích hợp dữ liệu tỉnh giai đoạn 2 để kịp thời bổ sung nhu cầu tài nguyên hệ thống, đáp ứng nhu cầu ứng dụng CNTT cho các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể đến năm 2025.
Hiện đại hóa nền hành chính phù hợp quá trình CÐS gắn thực hiện Ðề án Thành phố thông minh Bình Dương, tháng 9-2020, UBND tỉnh Bình Dương đã có quyết định phê duyệt phương án nâng cấp kiến trúc CQÐT tỉnh phiên bản 2.0. Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Mai Hùng Dũng cho biết, bước đầu, những giải pháp nâng cấp kiến trúc CQÐT hiện nay rất hiệu quả. Ðơn cử, hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến toàn tỉnh được vận hành ổn định với toàn bộ 113 điểm cầu, bảo đảm độ bao phủ của hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến ba cấp tỉnh, huyện, xã trên toàn địa bàn. Hệ thống cho phép tổ chức được ba cuộc họp đồng thời tại cùng thời điểm, đáp ứng các yêu cầu hội họp, triển khai công tác của tỉnh và nhất là thích ứng rất hiệu quả khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Trong năm 2020, Bình Dương đã vận hành 66 cuộc họp trực tuyến; trong đó có 10 cuộc họp do Tỉnh ủy tổ chức, 14 cuộc họp do UBND tỉnh tổ chức…
Tại Hội nghị triển khai chương trình hành động thúc đẩy CÐS giữa Bộ TT và TT và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu diễn ra ngày 29-3 vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu Nguyễn Văn Thọ một lần nữa khẳng định, việc ứng dụng CNTT, số hóa hướng đến CÐS, phát triển đô thị thông minh là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, có tính đột phá của tỉnh trong nhiệm kỳ 2020-2025. Tỉnh đã xây dựng "Ðề án phát triển đô thị thông minh tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu giai đoạn 2020-2022, định hướng đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030". Bước đầu, các chương trình đã mang lại kết quả thiết thực. Tỉnh đã đưa vào vận hành trung tâm tích hợp, nền tảng chia sẻ, kết nối dữ liệu của tỉnh.
Cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 đạt 69%, mức độ 4 đạt 55%. Phần mềm một cửa điện tử triển khai thống nhất ba cấp hành chính của tỉnh kết nối Cổng dịch vụ công quốc gia. Nhiều hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu chuyên ngành, lĩnh vực được triển khai. Hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến triển khai từ cấp tỉnh đến cấp xã và kết nối hệ thống hội nghị trực tuyến trung ương. Cổng thông tin điện tử các cơ quan nhà nước tăng cường công khai, minh bạch thông tin quản lý, giúp người dân, DN tiếp cận thông tin và tương tác chính quyền dễ dàng hơn.
Bà Rịa - Vũng Tàu đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ tích hợp các dịch vụ theo hướng tập trung phục vụ người dân và DN; toàn bộ TTHC được cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 và tích hợp lên Cổng dịch vụ công của tỉnh. Từng bước triển khai kinh tế số, xã hội số trong một số ngành, lĩnh vực ưu tiên, như: Du lịch, dịch vụ, cảng biển, tài nguyên và môi trường, y tế, giáo dục, giao thông, đô thị… Ðến năm 2030, tỉnh cơ bản hoàn thiện CÐS và hình thành mô hình đô thị thông minh.
Chương trình CÐS của TP Hồ Chí Minh được xây dựng theo hướng làm rõ hơn các định hướng và cách tiếp cận để triển khai một phần của Ðề án xây dựng TP Hồ Chí Minh trở thành đô thị thông minh. Xã hội số ở TP Hồ Chí Minh sẽ xây dựng trên kết quả của đô thị thông minh, giúp kết nối cư dân đô thị với nhau để người dân có thể chia sẻ thông tin, tri thức, chia sẻ các giá trị văn hóa. Như vậy, thúc đẩy CÐS tại TP Hồ Chí Minh cũng chính là thúc đẩy nhiều việc đang làm và sẽ làm ở mức cao hơn như phát triển CQÐT (hướng đến CQS), hay Ðề án xây dựng đô thị thông minh (hướng đến xã hội số). Thành phố cũng đã xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình CÐS, trong đó, xác định nội dung cốt lõi là tạo lập được cơ sở dữ liệu (hộ tịch, dân cư, giáo dục, việc làm, sức khỏe...), giúp hỗ trợ chính quyền thành phố hoạt động hiệu quả hơn, phục vụ người dân và DN tốt hơn. Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong cho rằng: "Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 tác động mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội thì CÐS là cơ hội để TP Hồ Chí Minh "biến nguy thành cơ". Vì thế, thành phố đặt ra yêu cầu phải nỗ lực nhiều hơn để đưa chương trình CÐS trở thành một nhân tố quan trọng trong thực hiện mục tiêu kép"…