Nghị quyết nhấn mạnh cần xây dựng và triển khai hiệu quả các chính sách ưu đãi, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào chuyển đổi số, nghiên cứu và ứng dụng khoa học, đổi mới công nghệ để nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh và năng lực quản trị. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh chuyển giao tri thức, đào tạo nhân lực khoa học và công nghệ thông qua các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp công nghệ trong nước mở rộng đầu tư ra thị trường quốc tế.
Một điểm quan trọng trong Nghị quyết là việc thúc đẩy mạnh mẽ tinh thần khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Theo đó, cần có chính sách đủ mạnh để khuyến khích khởi nghiệp trong các lĩnh vực khoa học, công nghệ và chuyển đổi số; tạo môi trường thuận lợi để thu hút các doanh nghiệp trong và ngoài nước khởi nghiệp tại Việt Nam.
Nghị quyết cũng đề cập việc hình thành và phát triển các doanh nghiệp công nghệ số chiến lược có quy mô lớn để dẫn dắt hạ tầng số quốc gia và đủ sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Cùng với đó là cơ chế đặt hàng, giao nhiệm vụ thực hiện các chương trình trọng điểm về chuyển đổi số; các chính sách ưu đãi về đất đai, tín dụng, thuế trong nghiên cứu, sản xuất sản phẩm công nghệ số; thúc đẩy xây dựng khu công nghiệp công nghệ số và đầu tư cho hoạt động nghiên cứu, phát triển (R&D).
Ngoài ra, Nghị quyết còn đặt mục tiêu đến năm 2030, tỷ trọng kinh tế số trong tổng GDP đạt 30%, trong đó các ngành, lĩnh vực cần bảo đảm tối thiểu 70% hoạt động kinh tế trên môi trường số. Việc đẩy mạnh sản xuất thông minh trong nông nghiệp, thương mại, tài chính, giáo dục, y tế, giao thông và logistics được xem là yếu tố then chốt để hiện thực hóa mục tiêu này./.