1. Về tiếp xúc, làm việc với phóng viên các cơ quan báo chí
- Khi phóng viên các cơ quan báo chí đến liên hệ làm việc, cơ quan, đơn vị có quyền và trách nhiệm yêu cầu phóng viên xuất trình Thẻ Nhà báo (Mẫu Thẻ chụp kèm theo) được Bộ Thông tin và Truyền thông cấp, các loại Thẻ khác không có giá trị hành nghề.
- Trong trường hợp không có Thẻ Nhà báo thì phải có Giấy giới thiệu do Tổng Biên tập hoặc Phó Tổng Biên tập ký, còn thời hạn sử dụng, kèm theo Giấy tờ tùy thân để xác minh. Nếu đủ điều kiện nói trên mới chấp thuận làm việc và cung cấp thông tin. Trong trường hợp chưa có điều kiện làm việc ngay, có thể thống nhất với phóng viên, Nhà báo để bố trí thời gian làm việc phù hợp hoặc đề nghị phóng viên cho biết nội dung và trả lời bằng văn bản.
- Đối với phóng viên (Không có trong danh sách đã được Sở Thông tin và Truyền thông chấp thuận hoạt động trên địa bàn) được cơ quan báo chí cử về địa phương công tác (Có Thẻ Nhà báo hoặc Giấy giới thiệu hợp lệ) thì vẫn tiếp xúc, làm việc và cung cấp thông tin theo quy định.
Khi phóng viên không xuất trình được Thẻ Nhà báo hoặc Giấy giới thiệu như đã nói ở trên hoặc có dấu hiệu mạo danh, giả danh thì có quyền từ chối làm việc và thông báo ngay về cơ quan chức năng để phối hợp xử lý.
2. Về nội dung cấp thông tin cho báo chí
Việc cung cấp thông tin cho báo chí là trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị hoặc người phát ngôn của cơ quan, đơn vị, địa phương được người đứng đầu ủy quyền phát ngôn. Thời gian cung cấp thông tin cho báo chí đối với các vụ việc đột xuất, bất thường chậm nhất là 01 (một) ngày, kể từ khi vụ việc xảy ra, trừ những nội dung không được cung cấp theo quy định của pháp luật2. Việc cung cấp thông tin cho báo chí được thực hiện bằng các hình thức, như:
- Khi phóng viên các báo đề nghị người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương hoặc người phát ngôn trả lời phỏng vấn thì người được phỏng vấn có quyền yêu cầu phóng viên cho biết mục đích, yêu cầu và nội dung phỏng vấn, gửi trước câu hỏi hoặc nói rõ yêu cầu để người được phỏng vấn chuẩn bị nội dung liên quan.
- Việc trả lời phỏng vấn có thể trực tiếp, cho phép ghi hình, thu âm hoặc trả lời bằng văn bản cho phóng viên.
- Người được phỏng vấn có quyền từ chối những nội dung không thuộc thẩm quyền hoặc chưa có sự chuẩn bị đầy đủ.
- Trong trường hợp cơ quan, đơn vị, địa phương chưa bố trí được thời gian làm việc và cung cấp thông tin ngay thì thống nhất, bố trí thời gian làm việc phù hợp.
- Việc phỏng vấn người đứng đầu (Hoặc người phát ngôn) các cơ quan, đơn vị, địa phương phải có sự thống nhất về nội dung, hình thức phỏng vấn và trả lời phỏng vấn.
3. Về phản hồi thông tin do báo chí đăng, phát
- Khi nhận được thông tin về các vụ việc do báo chí đăng, phát hoặc khi có văn bản chỉ đạo của các cơ quan chức năng về việc phản hồi vấn đề báo chí đăng, phát, các cơ quan, đơn vị phải khẩn trương tổ chức kiểm tra, xác minh, làm rõ sự việc và thông báo bằng văn bản về kết quả, biện pháp giải quyết cho cơ quan chức năng, Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Sở Thông tin và Truyền thông.
- Trường hợp không đồng ý với thông tin do báo chí đăng, phát, cơ quan, đơn vị, địa phương, cá nhân có quyền có ý kiến trao đổi bằng văn bản. Văn bản trả lời của tổ chức, cá nhân phải nêu rõ thông tin nào sai sự thật, ảnh hưởng đến tổ chức, cá nhân đã đăng, phát trong tác phẩm báo chí.
- Có quyền khiếu nại với cơ quan chủ quản của cơ quan báo chí, Sở Thông tin và Truyền thông hoặc khởi kiện ra tòa trong trường hợp cơ quan báo chí đăng, phát thông tin sai sự thật làm ảnh hưởng đến danh dự, uy tín.
4. Về quảng cáo trên báo chí
- Quảng cáo trên báo chí là nhu cầu chính đáng của các cơ quan, đơn vị, địa phương đã được pháp luật quy định. Nếu hai bên có nhu cầu và thỏa thuận được việc quảng cáo, đăng bài viết thì thực hiện theo quy định của pháp luật. Trong trường hợp không có nhu cầu thì có quyền từ chối quảng cáo hoặc các dịch vụ tương tự.
- Khi thực hiện quảng cáo phải có xác định rõ nội dung, lựa chọn đơn vị phù hợp để thực hiện đúng quy trình, không vi phạm các quy định của pháp luật về quảng cáo.
- Trong trường hợp có người xưng danh là phóng viên báo chí đăng ký làm việc (Qua điện thoại, email, văn bản...) để làm công tác truyền thông - quảng cáo thì cần kiểm tra giấy tờ theo quy định (Theo như mục 1).
Lưu ý: Khi phát hiện những trường hợp mạo danh phóng viên, nhà báo, cộng tác viên của các báo hoặc các nhà báo, phóng viên có dấu hiệu vi phạm pháp luật, đề nghị các cơ quan, đơn vị, địa phương, doanh nghiệp... thông báo ngay cho Phòng Văn hóa - Thông tin và Công an các huyện, thị, thành phố gần nhất hoặc Sở Thông tin và Truyền thông để kịp thời xử lý theo quy định pháp luật.
Trong quá trình tiếp xúc, làm việc giữa phóng viên các cơ quan báo chí với cơ quan, đơn vị, địa phương, nếu cần được hỗ trợ, đề nghị liên hệ với đồng chí Huỳnh Thị Thanh Tú - Trưởng phòng Thông tin - Báo chí - Xuất bản, Sở Thông tin và Truyền thông; số điện thoại: 0838649779. Hoặc số điện thoại đường dây nóng: 0844689393 (Gửi kèm: Mẫu phiếu đăng ký làm việc dùng cho các nhà báo, phóng viên các cơ quan báo chí; Mẫu thẻ nhà báo; Mẫu một số loại thẻ khác không có giá trị hành nghề nhà báo).