Các di tích, danh lam thắng cảnh đã được đầu tư phục vụ phát triển du lịch:
Trong giai đoạn 2010 - 2020, tỉnh đã quan tâm đầu tư phát triển 07 dự án du lịch trọng điểm, cụ thể:
- Dự án đã được đầu tư và đưa vào khai thác: Khu di tích Quốc gia đặc biệt Bộ Chỉ huy Quân giải phóng miền Nam Việt Nam (hiện nay Ủy ban nhân dân huyện Lộc Ninh trực tiếp quản lý, khai thác); Khu bảo tồn văn hóa dân tộc S’tiêng sóc Bom Bo (hiện nay UBND huyện Bù Đăng trực tiếp quản lý, khai thác).
- Dự án đang được đầu tư: Khu Quần thể văn hóa - cứu sinh núi Bà Rá (do tập đoàn An Viên làm chủ đầu tư, đã tạm ngưng đầu tư); Khu du lịch Trảng cỏ Bù Lạch (do Công ty Cổ phần sản xuất - xây dựng - thương mại và nông nghiệp Hải Vương làm chủ đầu tư); Khu du lịch hồ Suối Cam và Hợp phần dự án Hỗ trợ phát triển khu vực biên giới, vay vốn ADB - Tiểu dự án Bình Phước (do Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng tỉnh làm chủ đầu tư); Khu du lịch sinh thái Vườn quốc gia Bù Gia Mập (đã được UBND tỉnh phê duyệt đề án phát triển du lịch sinh thái giai đoạn 2018 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030, đang triển khai thực hiện).
Nguồn tài nguyên chưa được đầu tư xây dựng và khai thác phục vụ phát triển du lịch:
- Trên địa bàn tỉnh có hệ thống di tích lịch sử cách mạng, gắn với cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc của đất nước ta. Có hệ thống di tích thành đất hình tròn là nơi sinh sống của người Việt cổ từ hàng ngàn năm trước.
- Có hệ thống sông suối và rất nhiều hồ nước lớn cùng với khí hậu mát mẻ quanh năm như Trảng cỏ Bù Lạch (thuộc huyện Bù Đăng); khu hồ Suối Giai (thuộc huyện Đồng Phú); hồ Thác Mơ (thuộc thị xã Phước Long)… Có rừng nguyên sinh Vườn Quốc gia Bù Gia Mập với diện tích 26.000 ha và hệ sinh thái động thực vật phong phú, đa dạng (có thể đề nghị công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới).
- Bình Phước là thủ phủ của cây điều và cây cao su với hàng trăm ngàn hecta xanh tốt mang lại dòng vàng trắng cho đất nước. Có diện tích đất đai rộng lớn, màu mỡ rất có tiềm năng cho phát triển du lịch xanh, du lịch trải nghiệm nông nghiệp.
- Có tuyến quốc lộ 13 kết nối Thành phố Hồ Chí Minh - Bình Dương - Bình Phước - K’ratie - Stung treng (Vương quốc Campuchia) - Champasak (Lào) - Ubon Rachathani (Thái Lan), tổng chiều dài hơn 500 km sẽ là tuyến du lịch quốc tế bằng đường bộ "Một ngày ở bốn quốc gia". Có tuyến quốc lộ 14 kết nối khu vực Tây Nguyên với Bình Phước và Thành phố Hồ chí Minh mà dọc theo tuyến quốc lộ này có hệ thống các di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh thiên nhiên sẽ là nơi dừng chân lý tưởng cho du khách.
Công tác đầu tư hạ tầng kỹ thuật gắn với phát triển du lịch
- Quốc lộ 13 kết nối du lịch Bình Phước với các điểm đến du lịch tại Bình Dương và các địa phương khác trong vùng; kết nối du lịch Bình Phước với các điểm đến du lịch tại Campuchia, Lào, Thái Lan bằng đường bộ.
- Quốc lộ 14 kết nối du lịch Bình Phước với các điểm đến du lịch tại tỉnh Tây Ninh và các tỉnh Tây Nguyên.
- Đường ĐT741 kết nối du lịch Bình Phước với các điểm đến du lịch tại tỉnh Bình Dương và các địa phương khác trong vùng.
- Hiện nay, tỉnh đang triển khai các dự án giao thông kết nối vùng rất quan trọng: Dự án đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Bình Dương - Bình Phước; Dự án cao tốc Bình Phước - Đắk Nông; Dự án đường giao thông kết nối Bình Phước đến cảng Cái Mép - Thị Vải và sân bay Long Thành.
Mạng lưới chợ truyền thống gồm 58 chợ, trong đó chợ hạng I là 04 chợ (chiếm 7%), chợ hạng II là 08 chợ (chiếm 14%) và còn lại là chợ hạng III 46 chợ (chiếm 79%); hệ thống cửa hàng tiện lợi 66 cửa hàng; 05 siêu thị tổng hợp và 02 siêu thị chuyên doanh và 03 Trung tâm thương mại. Hệ thống chợ cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã, trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện lợi đã được đầu tư xây dựng cơ bản đáp ứng tốt nhu cầu tiêu dùng mua sắm của nhân dân trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, quy mô rất nhỏ, vị trí không thuận tiện cho khách du lịch (không có chỗ đậu xe khách, không có nơi trưng bày và bán các sản phẩm đặc trưng truyền thống của địa phương làm quà tặng du lịch cho du khách…).
Mạng lưới mạng viễn thông 3G, 4G hiện đã phủ kín toàn tỉnh đảm bảo thông tin liên lạc được thông suốt. Tháng 9/2020, UBND tỉnh đã đưa Trung tâm Điều hành thông minh (IOC) tỉnh Bình Phước đi vào hoạt động chính thức. Đây được xem là “bộ não số” của tỉnh Bình Phước và là một trong 20 dự án, công trình chào mừng Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025 với mục tiêu là từng bước tập trung toàn bộ dữ liệu trên các lĩnh vực, giúp cho lãnh đạo Tỉnh nhanh chóng phân tích, đánh giá và đưa ra quyết định chỉ đạo, điều hành kịp thời. Năm 2021, Hệ thống du lịch thông minh tỉnh Bình Phước được xây dựng và đi vào hoạt động (http://dulichbinhphuoc.vn) với các chức năng khởi tạo địa điểm du lịch, nhà hàng, khách sạn; khởi tạo dữ liệu tiện ích ATM, trạm xăng, cơ quan hành chính, bệnh viện…; tạo các tua du lịch mẫu; các chức năng về bình luận, đánh giá hoạt động; có giao diện mobile và ứng dụng trên di động với các tính năng bổ sung như chỉ đường đến vị trí mong muốn, xác định địa điểm du lịch…
Hiện nay, tỉnh đang đẩy mạnh và thực hiện quyết liệt chương trình chuyển đổi số và phấn đấu đến năm 2025 đạt được các mục tiêu mà Nghị quyết 04-NQ/TU ngày 18/5/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã đề ra với mong muốn nâng cao nhận thức, chuyển đổi hành vi của các doanh nghiệp, hợp tác xã và người tiêu dùng góp phần nâng cao chất lượng, năng suất, tạo đầu ra cho các sản phẩm, nâng cao hiệu quả quản trị và năng lực cạnh tranh trên môi trường số, tạo ra các giá trị phát triển mới cao hơn.
Hệ thống cơ sở lưu trú:
Trên địa bàn toàn tỉnh có trên 500 cơ sở lưu trú, trong đó 85 cơ sở lưu trú du lịch đã được xếp hạng với 1.514 buồng (03 khách sạn 3 sao, 05 khách sạn 2 sao, 16 khách sạn 1 sao, 61 nhà nghỉ du lịch). Chất lượng dịch vụ lưu trú đã được đầu tư nhưng cũng còn nhiều hạn chế, đặc biệt là chưa đáp ứng được các đoàn khách lớn, các hội nghị mang tầm quốc tế. Thời gian lưu trú của khách rất ngắn, chỉ đạt 1,07 ngày/khách, thấp hơn bình quân cả nước khoảng 0,97 ngày/khách.
Hệ thống dịch vụ phục vụ du lịch
Về khu vui chơi giải trí:
Trên địa bàn toàn tỉnh mới chỉ có một số khu vui chơi giải trí quy mô nhỏ do tư nhân đầu tư như Lâm viên Mỹ Lệ (Phú Riềng), Khu du lịch Đảo yến Sơn Hà (Đồng Phú), khu du lịch sinh thái vườn Vĩnh Phúc (Đồng Phú), Khu du lịch nông trại Phú Gia (Hớn Quản), Khu vui chơi Thanh Tùng (Hớn Quản), Khu du lịch nông trại Quýt Hồng (Bù Đốp)…
Về ẩm thực du lịch:
Ngoài các cơ sở lưu trú du lịch được xếp hạng từ 2 sao trở lên, đa số các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống trên địa bàn hoạt động tự phát và chủ yếu phục vụ nhu cầu ăn uống cho người dân địa phương. Chưa có cơ sở nào được đầu tư xây dựng đủ điều kiện phục vụ tua du lịch.
Về quà lưu niệm:
Hiện nay, ngành du lịch tỉnh đã phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức đánh giá và tham mưu UBND tỉnh công nhận được 13/18 sản phẩm OCOP do các tổ chức và cá nhân trên địa bàn tỉnh sản xuất. Tuy nhiên, ngoài sản phẩm là hạt điều chế biến, mật ong, mít sấy, tiêu hạt rang xay, các sản phẩm thủ công mỹ nghệ khác rất khó trong việc đánh giá, công nhận và tổ chức sản xuất đại trà vì chưa có những đặc tính khác biệt.
Công tác xây dựng tuyến du lịch, tua du lịch.
Tuyến du lịch:
Chủ yếu tập trung kết nối các điểm đến trên toàn tuyến, chưa phân định rõ các sản phẩm trên toàn tuyến.
- Tuyến ĐT741: kết nối các điểm đến từ thành phố Đồng Xoài qua các điểm đến tại huyện Phú Riềng, thị xã Phước Long và huyện Bù Gia Mập.
- Tuyến Quốc lộ 14: kết nối các điểm đến từ thành phố Đồng Xoài qua các điểm đến tại huyện Bù Đăng.
- Tuyến Quốc lộ 13: cùng với Quốc lộ 14 kết nối các điểm đến từ thành phố Đồng Xoài qua các điểm đến tại huyện Chơn Thành, huyện Hớn Quản, thị xã Bình Long và huyện Lộc Ninh.
- Tuyến du lịch quốc tế: đang hình thành và hoàn thiện các bước đưa vào khai thác (Thành phố Hồ Chí Minh - Bình Phước - Campuchia - Lào - Thái Lan).
Tua du lịch:
Đã tổ chức khảo sát, hỗ trợ và cung cấp thông tin cho các cơ sở kinh doanh lữ hành trong và ngoài tỉnh xây dựng các tua du lịch ngắn, đi trong ngày và kết nối
các sản phẩm du lịch như:
- Khu di tích Quốc gia đặc biệt Bộ Chỉ huy Quân giải phóng miền Nam Việt Nam: tham quan, tìm hiểu lịch sử và tâm linh.
- Khu Quần thể văn hóa - cứu sinh núi Bà Rá: tham quan, trải nghiệm leo núi và tâm linh.
- Khu bảo tồn văn hóa dân tộc S’tiêng sóc Bom Bo: tham quan và ẩm thực.
- Vườn Quốc gia Bù Gia Mập: trải nghiệm du lịch sinh thái rừng.
- Trảng cỏ Bù Lạch: tham quan, dã ngoại và cắm trại.
- Khu lâm viên Mỹ Lệ: tham quan, trải nghiệm dây chuyền sản xuất chế biến hạt điều và trà Olong; vui chơi giải trí và ẩm thực.
- Khu du lịch đảo yến Sơn Hà: vui chơi, dã ngoại và ẩm thực.
- Hệ thống di tích, đình, chùa: tham quan và trải nghiệm thiền.
- Các vườn cây ăn trái tại Phú Đông (Đồng Phú), nông trại Phú Gia (Hớn Quản), vườn cây ăn trái Quýt Hồng (Bù Đốp): tham quan, trải nghiệm du lịch canh nông, dã ngoại và cắm trại.
Về hoạt động của các doanh nghiệp lữ hành du lịch:
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 07 công ty lữ hành (trong đó có 01 công ty lữ hành quốc tế). Hoạt động chính của các công ty lữ hành là làm đại lý hướng dẫn khách du lịch quốc tế và nội địa đến Bình Phước cho các công ty lữ hành quốc tế lớn tại Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương và một số tỉnh phía Bắc hoặc đưa khách du lịch của tỉnh đi du lịch các tỉnh khác.