Phản hồi thông tin sai sự thật trên báo chí

Thứ năm - 28/05/2020 15:31
Ngày 22/5/2020, kênh Truyền hình trực tuyến Việt Nam - VNTV có đăng bài “Bình Phước: Kiến nghị các cơ quan ban ngành tỉnh sớm chỉ đạo cắt đứt con đường buôn lậu heo tại cửa khẩu Hoa Lư” và trên bản tin “Công luận plus” có bài: “Buôn lậu heo qua Việt Nam có tổ chức”

Nội dung các bài báo phản ánh thời gian gần đây các lái heo tràn về cửa khẩu quốc tế Hoa Lư - tỉnh Bình Phước để mua bán heo lậu từ nước bạn Camphuchia tuồn về. Hoạt động buôn lậu diễn ra công khai, tuy nhiên chưa thấy cơ quan chức năng của Bình Phước vào cuộc.
Để xác minh tính chính xác của thông tin và rộng đường dư luận, ngay sau khi các bài báo đăng phát, cấp ủy, chính quyền và các cơ quan chức năng trong tỉnh đã vào cuộc xác minh làm rõ. Sáng ngày 24/5/2020, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy Bình Phước Lê Văn Uy đã đi kiểm tra thực tế theo các nội dung thông tin bài báo phản ánh. Cùng đi có đại diện lãnh đạo Công an, Bộ Chỉ huy bộ đội biên phòng, Bộ Chỉ huy quân sự, Cục Hải quan tỉnh và UBND huyện Lộc Ninh.
Qua xác minh thông tin, có thể khẳng định hai bài báo nói trên đưa tin chưa chính xác, sai sự thật ở các nội dung sau:
Thứ nhất: Theo biên bản làm việc số 135 ngày 23/5/2020, ông Vương Quốc Hùng, chủ quản lý cây xăng Hoàng Hà cho biết, từ trước đến nay, không có xe vận chuyển heo nào tập kết tại khu vực phía sau kho của công ty. Thi thoảng có một vài xe chở heo của các trại chăn nuôi heo gia công cho Công ty CP đến cây xăng đổ dầu.
Thứ hai: Nội dung bài báo cũng phản ánh tại khu vực đường D2, D3 và ngã ba Chiu Riu của huyện Lộc Ninh, gần đây, các xe chở heo mang biển kiểm soát từ miền Bắc, miền Trung và khu vực Đông Nam bộ đổ về khu vực này rất nhiều để vận chuyển heo lậu từ biên giới nước bạn tuồn về. Đoàn đã đi kiểm tra thực tế kết nối giao thông của các tuyến D2, D3 với nước bạn Campuchia, công tác tuần tra, kiểm soát của các lực lượng chức năng trên khu vực này. Qua kiểm tra cho thấy, D2, D3 là các tuyến đường tiểu ngạch, tại các tuyến đường này đều có các chốt kiểm soát dịch bệnh Covid-19 được lập từ những ngày đầu tháng 3/2020. Ngoài ra, còn có các chốt dân quân túc trực 24/24, mọi phương tiện, người dân qua lại trên tuyến biên giới đều được kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ. Không chỉ vậy, để hạn chế việc qua lại biên giới trái phép, ngay từ trước tết Nguyên đán, bộ đội biên phòng Bình Phước đã đào mương cắt ngang các tuyến đường với chiều rộng 5m, sâu 2m nên không thể có phương tiện nào có thể ra vào hoặc qua lại trên các tuyến đường này.
Thứ ba: Nội dung bài báo còn phản ánh, tại các đường xương cá của cửa khẩu Hoa Lư, mỗi đêm có khoảng 3 xe container, với khoảng 800 con heo lọt qua biên giới đi vào lãnh thổ Việt Nam. Trao đổi với đại diện Công ty TNHH chăn nuôi Hướng Dương, một trong những công ty có nhiều trang trại nuôi heo gia công trên tuyến biên giới Lộc Ninh cho biết, công ty hiện có 4 trại nuôi heo gia công, mỗi ngày, các trang trại xuất bán từ 800 đến 900 con heo.
Thứ tư: Nội dung các bài báo còn phản ánh, thời gian gần đây các lái buôn tràn về cửa khẩu quốc tế Hoa Lư để mua bán heo lậu rất nhiều nhưng chưa thấy cơ quan chức năng của tỉnh vào cuộc. Con đường từ ngã ba liên ngành lên cửa khẩu quốc tế Hoa Lư là con đường độc đạo để vận chuyển heo. Các lái heo không còn con đường nào khác để đi. Nếu Bình Phước lập điểm chốt chặn ở ngã ba liên ngành thì chắc chắn sẽ chặt đứt được con đường buôn lậu này.Từ thực tế kiểm tra cho thấy: Không có tình trạng buôn lậu heo trên tuyến biên giới, đặc biệt là khu vực cửa khẩu quốc tế Hoa Lư như nội dung các bài báo phản ánh, chỉ là hoạt động vận chuyển heo của các trại chăn nuôi heo gia công cho Công ty Cổ phần CP. Vì hiện nay, trên tuyến biên giới đoạn qua huyện Lộc Ninh đang có 18 trại nuôi heo lớn nhỏ, mỗi ngày xuất ra thị trường từ 3.000 đến 4.000 con, việc có các phương tiện vận chuyển heo ở khu vực này là không cho gì khuất tất, bất thường như các bài báo phản ánh.
Như vậy, với các thông tin mà nhóm tác giả viết, nhìn nhận vấn đề là sai sự thật, không có sự kiểm chứng thông tin, không tìm hiểu thông tin từ chính quyền địa phương. Việc này làm ảnh hưởng đến uy tín của các ngành liên quan, công việc quản lý, điều hành của lãnh đạo tỉnh Bình Phước.
Căn cứ Khoản 1, Điều 42 và Khoản 1, Điều 43 Luật Báo chí, Sở Thông tin và Truyền thông kính đề nghị Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông xem xét xử lý, chỉ đạo tổng biên tập kênh Truyền hình trực tuyến Việt Nam và Công luận plus kiểm tra, rà soát, đăng bài cải chính nội dung trên để người đọc hiểu rõ vấn đề, đảm bảo tính khách quan, đồng thời đề nghị thông báo kết quả sau khi cải chính về Sở Thông tin và Truyền thông trong thời gian sớm nhất.


 

Tác giả: Nguyễn Văn Dịnh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Việc làm Bình Phước
Công báo Chính phủ
DVC Quốc gia
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập0
  • Hôm nay67,676
  • Tháng hiện tại9,497,815
  • Tổng lượt truy cập469,390,502
ỨNG DỤNG
1 bp today
3 dhtn
2 ioffice
4 congbao
Portal_Ispeed
sổ tay đảng viên
Tạp chi
KQ TTHC
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây