Tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật về cổ phần hoá, quản lý vốn Nhà nước tại DN

Chủ nhật - 30/06/2024 22:09
Ngày 28/5, Quốc hội dành cả ngày thảo luận tại Hội trường về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp (DN) và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước (DNNN) giai đoạn 2011-2016.
Tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật về cổ phần hoá, quản lý vốn Nhà nước tại DN
Ngày 28/5, Quốc hội dành cả ngày thảo luận tại Hội trường về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp (DN) và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước (DNNN) giai đoạn 2011-2016.

Chính sách về cổ phần hoá, quản lý vốn Nhà nước tại DN được ban hành đầy đủ, kịp thời
Trước khi thảo luận, Quốc hội đã nghe Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại DN và cổ phần hóa DNNN giai đoạn 2011-2016.

Toàn cảnh phiên họp sang 28/5
Đánh giá về tình hình ban hành chính sách, pháp luật, Đoàn giám sát cho rằng hoàn thiện thể chế quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại DN và cổ phần hóa DNNN nhìn chung khá đầy đủ, kịp thời hơn so với giai đoạn trước. Theo thống kê của Đoàn giám sát, đã có hàng nghìn văn bản pháp luật được các cơ quan có thẩm quyền ban hành để cụ thể hóa chủ trương sắp xếp, đổi mới và nâng cao hiệu quả DNNN của Đảng trong các thời kỳ, từ Hiến pháp, Luật, Pháp lệnh, Nghị quyết, Nghị định, Thông tư của các cơ quan có thẩm quyền ở Trung ương cho tới các văn bản quy phạm pháp luật của chính quyền địa phương.
Trong giai đoạn đầu, hệ thống pháp luật chưa đầy đủ, nhưng kể từ năm 2013, phần lớn các văn bản có tính nền tảng về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại DN và cổ phần hóa DNNN đã được sửa đổi, ban hành mới. Năm 2014, Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại DN là bước hoàn thiện có tính pháp lý cao nhất về quản lý DNNN. Chính sách, pháp luật về cổ phần hóa DNNN được ban hành dưới dạng nghị định, thông tư khá đầy đủ, kịp thời; thường xuyên được tổng kết, sửa đổi tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn.
Nhìn chung, nội dung các văn bản quy phạm pháp luật thuộc phạm vi giám sát được ban hành trong giai đoạn 2011 - 2016 có phạm vi điều chỉnh ngày càng rộng, cơ bản đã bao phủ các lĩnh vực của nền kinh tế; đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế; tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa DN thuộc các thành phần kinh tế; nâng cao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của DN nhưng vẫn bảo đảm vai trò chỉ đạo, giám sát của Nhà nước; thực hiện công khai, minh bạch thông tin về hoạt động của DN. Chất lượng văn bản được nâng lên do quy trình xây dựng, thẩm định và ban hành ngày càng chặt chẽ, bảo đảm sự thống nhất trong nhận thức về quan điểm, đường lối quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước cũng như lộ trình thực hiện cổ phần hóa ở các cấp, các ngành.
Bên cạnh đó, báo cáo cũng chỉ ra một số tồn tại, hạn chế như việc thể chế hóa một số chủ trương của Nghị quyết số 42/2009/NQ12 còn chậm. Đến năm 2014, cơ sở pháp lý ở cấp độ luật để quản lý vốn nhà nước tại DN mới được bổ sung đầy đủ khi Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại DN được ban hành, Luật DN được bổ sung một chương về DNNN. Tuy vậy, trong một số luật khác vẫn còn có quy định chưa thống nhất, một số điểm chưa rõ ràng, tạo cách hiểu khác nhau, gây khó khăn cho quá trình tổ chức thực hiện.
Chế tài xử lý các vi phạm chưa đủ mạnh, chưa đủ sức răn đe. Việc xử lý trách nhiệm của người đứng đầu khi xảy ra sai phạm chưa được thực hiện đầy đủ và nghiêm túc….
Thất thoát tài sản nhà nước liên quan nhiều đến đất đai
Thảo luận tại Quốc hội, đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) đánh giá trong quá trình cổ phần hóa DN, Chính phủ đã đạt được các mục tiêu thu hút nguồn tài chính cho DN, tăng cơ hội phát triển cho các DN cổ phần hóa, giảm trợ cấp cho DNNN làm ăn thua lỗ, tạo nguồn thu cho NSNN từ việc bán cổ phần DNNN, thúc đẩy sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân. Việc quản lý, sử dụng vốn, tài sản của Nhà nước tại các DN cơ bản thực hiện đúng quy định pháp luật.
Tuy đã đạt được nhiều kết quả như báo cáo đã nêu, nhưng đại biểu cũng nhấn mạnh tình trạng thất thoát, lãng phí, kém hiệu quả vẫn còn không ít. Đề cập tới ba dạng làm thất thoát tài sản nhà nước, đại biểu Hoàng Văn Cường cho rằng đó là kinh doanh kém hiệu quả, thất thoát khi mua bán và định giá DN khi cổ phần hoá. Về kinh doanh kém hiệu quả, đại biểu cho rằng có một số nguyên nhân chủ quan do những người quản lý cố tình nhằm hợp pháp hoá việc rút tiền nhà nước để tư lợi. Việc thất thoát tài sản nhà nước còn liên quan nhiều đến đất đai khi chuyển đất công thành đất tư không thông qua đấu thầu mà chỉ định giá trực tiếp, hoặc việc xác định giá đất khi cổ phần hoá không được thực hiện đúng quy định theo luật đất đai mà chủ yếu sử dụng bảng giá do UBND cấp tỉnh quy định.
Nêu số liệu cho biết 95% khiếu kiện hiện nay liên quan đến đất đai, đại biểu cho rằng nguyên nhân cơ bản là chính sách đất đai đang áp dụng đi ngược lại nguyên tắc quản lý đất trong cơ chế thị trường. “Có thể nói chúng ta không thành công, chưa nói là thất bại trong quản lý kinh tế với đất đai nên để xảy ra tình trạng hỗn loạn như trên”, đại biểu nhận định.
Đề xuất ban hành Luật Cổ phần hoá DNNN
Còn theo đại biểu Vũ Tiến Lộc (Thái Bình), kết quả giám sát cho thấy một thực trạng là lẽ ra phải đóng vai trò dẫn dắt trong nền kinh tế thì hiệu quả hoạt động của khu vực DNNN lại ở vị trí “khóa đuôi”. Theo đại biểu, nguyên nhân sâu xa nhất của những kết quả yếu kém của khu vực DNNN là ở vấn đề sở hữu và động lực phát triển của DN. Đại biểu cho rằng, nếu tỷ trọng sở hữu nhà nước tại các DN vẫn được duy trì ở mức cao áp đảo thì những nỗ lực cải cách khác nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng vốn của DNNN như hoàn thiện hệ thống pháp lý cho bớt chồng chéo, tăng tính chủ động của DN, xác lập các tiêu chí đánh giá hiệu quả hoạt động DN, hay tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra cũng sẽ không có nhiều ý nghĩa và không thể đem lại những kết quả như mong muốn.
Chủ trương đúng đắn để nâng cao hiệu quả sử dụng vốn trong toàn bộ nền kinh tế, theo đại biểu, là phải quyết liệt đẩy mạnh quá trình cổ phần hoá các DNNN một cách thực chất và thoái vốn nhà nước ra khỏi hầu hết các lĩnh vực kinh doanh mà Nhà nước không cần phải nắm giữ.
Đánh giá nguyên nhân chậm trễ của quá trình cổ phần hoá và thoái vốn nhà nước thời gian qua không chỉ do khách quan như khó khăn trong định giá DN và xử lý nợ tồn đọng hay do bối cảnh kinh tế trong nước và quốc tế chưa thuận lợi…, đại biểu chỉ ra rằng còn do những yếu tố chủ quan như những lo ngại của ban lãnh đạo DN về trách nhiệm cho những sai phạm, kết quả yếu kém của công ty khi DN khi phải thực hiện kiểm toán và đánh giá lại giá trị để thực hiện cổ phần hoá.
Điều quan trọng hơn, cũng phải kể đến là sự thiếu quyết liệt trong điều hành của các bộ ngành, dẫn đến nhiều chính sách, giải pháp là đúng đắn nhưng hiệu lực thực thi chưa cao. “Chẳng hạn như các quy định về niêm yết trên thị trường chứng khoán đối với các DN cổ phần hoá là một yêu cầu minh bạch được coi là sơ đẳng cho một DN lớn trong nền kinh tế thị trường dù đã được ban hành rộng rãi nhưng lại không được các DN thực hiện nghiêm túc”, đại biểu nêu ví dụ.
Kiến nghị một số giải pháp để tăng cường kỷ cương thực hiện tiến trình cổ phần hóa DNNN, đại biểu đề nghị Quốc hội xem xét, giao Chính phủ chuẩn bị trình Quốc hội Dự Luật về Cổ phần hóa DNNN. Đồng thời, đề nghị giao Chính phủ nghiên cứu ban hành các chủ trương, chính sách hỗ trợ thúc đẩy các DN tư nhân trong nước có thể tham gia vào quá trình cổ phần hóa DNNN bằng các giải pháp phù hợp.
Sớm sửa đổi Luật quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư, sản xuất, kinh doanh tại DN
Cũng đề xuất giải pháp để nâng cao hiệu quả, tiến trình cổ phần hoá và quản lý tài sản Nhà nước tại DN, đại biểu Hoàng Quang Hàm đề nghị Chính phủ cần sớm nghiên cứu, trình Quốc hội sửa đổi Luật quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư, sản xuất, kinh doanh tại DN để phù hợp với chủ trương của Đảng là “DNNN là DN do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ hoặc cổ phần, vốn góp chi phối”. Theo đó, không chỉ mở rộng khái niệm bổ sung thêm DNNN bao gồm cả DNNN nắm giữ cổ phần, vốn góp chi phối mà cần có cơ chế quản lý phù hợp với mức độ vốn chi phối của nhà nước, mức độ chi phối khác nhau cần có cơ chế và phương thức quản lý khác nhau.

Đại biểu Quang Hàm phát biểu tại Hội trường
Đối với các lỗ hổng về quản lý đất đai khi cổ phần hóa, gây thất thoát lãng phí, đại biểu Hoàng Quang Hàm nhận định đã được khắc phục một bước khi Chính phủ ban hành Nghị định 126 của Chính phủ. Theo đó, các DN thuộc diện cổ phần hóa có trách nhiệm rà soát toàn bộ diện tích đất đang quản lý, sử dụng để lập và hoàn thành phê duyệt phương án sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai và pháp luật có liên quan, trước thời điểm cổ phần hóa. Tuy nhiên, đại biểu đề nghị Chính phủ cần chỉ đạo, kiểm tra, giám sát các bộ, ngành, địa phương khi phê duyệt phương án sử dụng đất và việc quản lý qui hoạch, kế hoạch sử dụng đất sau cổ phần hóa. Không để xảy ra sai phạm khi phê duyệt phương án sử dụng đất hoặc để xảy ra tình trạng sau cổ phần hóa, doanh nghiệp cổ phần chuyển đổi mục đích sử dụng đất không phù hợp, không đúng qui định để kinh doanh bất động sản, làm nhà ở, chung cư thương mại kiếm lời, gây phương hại và thất thoát tiền, tài sản nhà nước.
Nguồn tin: www.mof.gov.vn

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Việc làm Bình Phước
Công báo Chính phủ
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập5,463
  • Hôm nay866,771
  • Tháng hiện tại16,817,575
  • Tổng lượt truy cập476,710,262
KQ TTHC
sổ tay đảng viên
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây