Bộ Tài chính lắng nghe và tiếp thu ý kiến tham gia đóng góp cho Dự án Luật thuế Tài sản

Chủ nhật - 30/06/2024 22:03
Đó là khẳng định của Bộ trưởng Bộ Tài chính khi trả lời một số cơ quan thông tấn báo chí vào chiều 20/4 về một số nội dung liên quan đến Dự án Luật thuế tài sản; tái cơ cấu lại ngân sách nhà nước và tinh giản bộ máy trong ngành Tài chính đang được dư luận xã hội quan tâm. Cổng TTĐT xin đăng toàn văn nội dung trả lời phỏng vấn của Bộ trưởng.
Bộ Tài chính lắng nghe và tiếp thu ý kiến tham gia đóng góp cho Dự án Luật thuế Tài sản
Bộ Tài chính lắng nghe và tiếp thu ý kiến tham gia đóng góp cho Dự án Luật thuế Tài sản
Đó là khẳng định của Bộ trưởng Bộ Tài chính khi trả lời một số cơ quan thông tấn báo chí vào chiều 20/4 về một số nội dung liên quan đến Dự án Luật thuế tài sản; tái cơ cấu lại ngân sách nhà nước và tinh giản bộ máy trong ngành Tài chính đang được dư luận xã hội quan tâm. Cổng TTĐT xin đăng toàn văn nội dung trả lời phỏng vấn của Bộ trưởng.
 

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng trả lời phỏng vấn cơ quan thông tấn báo chí chiều 20/4
? Thưa Bộ trưởng, dư luận có không ít ý kiến trái chiều về dự Luật Thuế tài sản, xin Bộ trưởng cho biết tại sao Bộ Tài chính lại đưa ra lấy ý kiến về Dự án Luật thuế tài sản tại thời điểm này?
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng: Có thể nói trong thời gian qua, dư luận có nhiều ý kiến trái chiều liên quan đến dự thảo xin ý kiến của Bộ Tài chính về dự thảo Luật Thuế tài sản. Chúng tôi rất hoan nghênh và lắng nghe, tiếp thu đầy đủ ý kiến của các chuyên gia, các nhà khoa học, nhân dân cả nước tham gia góp ý vào dự thảo.
Đây là một bước để chúng tôi tiếp thu để hoàn thiện hồ sơ báo cáo với Chính phủ, nếu Chính phủ đồng ý thông qua thì sẽ báo cáo với Quốc hội để đưa vào Chương trình xây dựng pháp luật của Quốc hội trong nhiệm kỳ này.
Sở dĩ chúng tôi xây dựng Luật này là dựa trên chủ trương chỉ đạo của Trung ương, Bộ Chính trị cũng như Quốc hội và Chính phủ. Đó là, từ Nghị quyết số 19/NQ-TW ngày 31/10/2012 của Ban chấp hành Trung ương khóa XI về tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, tạo nền tảng để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, đến Chiến lược cải cách hệ thống thuế giai đoạn 2011-2020 cũng như Đề án về khai thác nguồn lực từ đất đai đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Và gần đây nhất là Nghị quyết số 07-NQ/TW ngày 18/11/2016 của Bộ Chính trị về chủ trương, giải pháp cơ cấu lại ngân sách nhà nước, quản lý nợ công đảm bảo nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững và Nghị quyết số 25/2016/QH14 của Quốc hội về Kế hoạch tài chính 5 năm 2016-2020 trong đó nêu rõ: Yêu cầu nghiên cứu hoàn thiện chính sách thuế đối với tài sản, trong đó đối tượng chịu thuế tài sản bao gồm cả đất và tài sản gắn liền với đất.
Để triển khai những chủ trương này, chúng tôi đã xây dựng dự thảo để xin ý kiến nhân dân. Khi xây dựng dự thảo Đề án Luật, mục tiêu đầu tiên được đưa ra là tăng cường quản lý về tài sản. Thứ hai, là nâng cao hiệu quả sử dụng nhà và đất. Cùng với đó là hạn chế sử dụng lãng phí tài sản, tài nguyên là đất đai và công sản. Thứ ba, là đảm bảo sự minh bạch trong quản lý, sử dụng tài sản, như vậy sẽ góp phần quan trọng vào công tác phòng ngừa, phòng chống tham nhũng. Cuối cùng, nếu Luật được thông qua trên cơ sở nào đó sẽ mở rộng nguồn thu cho NSNN và đảm bảo cơ cấu lại nguồn thu.
Trên tinh thần như thế, chúng tôi nghiên cứu đề xuất và đưa ra lấy ý kiến rộng rãi nhân dân cũng như các nhà khoa học, doanh nghiệp, các đối tượng trong xã hội để tiếp tục hoàn chỉnh dự thảo dự án Luật.
? Đồng ý với Bộ trưởng là cân đối ngân sách thì có nhiều giải pháp trong đó có mở rộng nguồn thu nhưng dư luận quan tâm tại sao Bộ Tài chính lại không thúc đẩy các giải pháp tiết kiệm chi nữa?
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng: Tôi rất đồng tình với quan điểm này. Đồng ý là chúng ta cần cơ cấu lại ngân sách trên cơ sở cơ cấu lại các chính sách về thu ngân sách trong bối cảnh hội nhập, mở cửa; trong điều kiện chúng ta cắt giảm thuế quan, đặc biệt là thuế nhập khẩu theo lộ trình giảm rất sâu, cũng như giá dầu thô giảm sâu thời gian qua. Như vậy, chúng ta phải cơ cấu lại chính sách thu cùng với việc mở rộng nguồn thu. Đây là giải pháp căn bản nhất để đảm bảo cơ cấu thu NSNN trong thời gian tới. Cùng với đó, chúng ta sẽ phải tiến hành hàng loạt các giải pháp tiết kiệm chi để đảm bảo chi thường xuyên phải giảm đi, để có nguồn tăng chi cho đầu tư phát triển và chi trả nợ thời gian tới.
Vừa qua, Quốc hội và Chính phủ cũng đưa ra nhiều giải pháp để tiết kiệm chi nhằm đảm bảo mục tiêu giảm chi thường xuyên, tăng chi cho đầu tư phát triển và tăng chi cho trả nợ. Cụ thể: Chúng ta đã đưa ra các giải pháp về cắt giảm chi tiêu hội nghị, hội thảo, lễ hội, khởi công, khánh thành kể cả các giải pháp hiện nay đang làm là khoán xe công. Trong thời gian tới, các giải pháp này sẽ tiếp tục được triển khai nhưng đồng thời phải triển khai tốt tinh thần của 2 Nghị quyết của Trung ương, đó là Nghị quyết 18-NQ/TW năm 2017 về tiếp tục đổi mới hệ thống, sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh gọn, hoạt động hiệu lực và hiệu quả cũng như Nghị quyết 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương XII về đẩy mạnh sự nghiệp công lập. Nếu làm được như thế sẽ giảm chi cho thường xuyên, tạo nguồn cải cách tiền lương và giúp cơ cấu lại ngân sách lành mạnh hơn.
? Bộ trưởng vừa nói đến tinh giản bộ máy, vậy hiện nay, việc đó đang được thực hiện như thế nào?
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng: Nói đến tinh giản bộ máy và đẩy mạnh cải cách đơn vị sự nghiệp công lập thì theo tôi, các ngành các cấp phải vào cuộc.Riêng Bộ Tài chính, triển khai chủ trương của Trung ương từ trước đến nay thì chúng tôi đã thực hiện bước sắp xếp lại tổ chức bộ máy, rà soát lại chức năng nhiệm vụ. Cụ thể là: Từ ngày 1/7 năm nay, triển khai Luật Quản lý nợ công mới, chúng tôi được giao là 1 đầu mối để huy động ODA và vay ưu đãi nước ngoài, nhưng trên tinh thần rà soát lại nhiệm vụ các cơ quan thuộc Bộ thì chúng tôi thấy rằng không cần tăng về tổ chức, không cần tăng về bộ máy, tự sắp xếp biên chế trong nội bộ để triển khai nhiệm vụ này.
Thứ 2, triển khai Nghị quyết 18 thì vừa qua, chúng tôi đã họp bàn thống nhất và phê duyệt Đề án trước hết về hệ thống Kho bạc, trước mắt giải thể và sát nhập 43 phòng giao dịch kho bạc các tỉnh về kho bạc tỉnh, giảm 43 đầu mối. Thứ 2 là đối với hệ thống thuế, đã phê duyệt đề án sắp xếp tổ chức bộ máy của các chi cục thuế quận huyện, thị xã theo hướng liên chi cục huyện, thị xã. Theo đó, năm 2018 chúng tôi sẽ sắp xếp 327 chi cục thuế huyện, thị xã thành 154 chi cục thuế khu vực, giảm 173 chi cục. Năm 2019, tiếp tục sắp xếp 53 chi cục huyện, thị xã thành 25 chi cục, giảm tiếp 28 chi cục. Và đến năm 2020 tiếp tục sắp xếp 168 chi cục thuế quận, huyện thành 78 chi cục và giảm tiếp 90 chi cục.
Đương nhiên, trong quá trình thực hiện thì chúng tôi sẽ tiếp tục rà soát và có thể số lượng các chi cục thuế được giảm thời gian tới sẽ còn lớn hơn số đã nêu trong đề án được duyệt.
Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng.
MOF
Nguồn tin: www.mof.gov.vn

 

Tổng số điểm của bài viết là: 3 trong 3 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 3 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Việc làm Bình Phước
Công báo Chính phủ
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập2,191
  • Hôm nay226,468
  • Tháng hiện tại6,939,332
  • Tổng lượt truy cập490,802,770
KQ TTHC
sổ tay đảng viên
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây