Bình Phước : Cổng thông tin điện tửhttps://binhphuoc.gov.vn/uploads/binhphuoc/quochuy_1.png
Thứ ba - 25/06/2024 16:53
Năm 2018 Quốc hội “chốt” chỉ số giá tiêu dùng (CPI) ở mức 4%. So với năm 2017 con số đó không thay đổi, nhưng công tác quản lý điều hành giá trong năm 2018 dự báo vẫn cần hết sức thận trọng. Do đó, Nhóm giúp việc của Ban Chỉ đạo điều hành giá đã lên phương án 3 kịch bản CPI cho năm 2018.
Vẫn có yếu tố làm tăng áp lực lên mặt bằng giá
Lạm phát năm 2018 dự báo sẽ chịu ảnh hưởng bởi giá một số hàng hóa, dịch vụ dự kiến sẽ điều chỉnh trong năm 2018, đồng thời dưới áp lực tăng giá điện, giá xăng dầu vào cuối năm 2017 sẽ tác động trễ tới chỉ số giá tiêu dùng năm 2018.
Theo Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), việc điều chỉnh giá dịch vụ khám chữa bệnh không thuộc quỹ bảo hiểm y tế (BHYT) tại 18 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương sẽ tác động vào CPI khoảng 0,17%. Việc điều chỉnh mức lương cơ sở trong tính toán giá dịch vụ y tế cũng sẽ tác động vào CPI khoảng 0,14%. Bên cạnh đó, giá dịch vụ khám bệnh chữa bệnh có thể sẽ tính thêm chi phí quản lý vào trong giá trong năm 2018 theo lộ trình.
Bên cạnh đó, giá nhóm dịch vụ giáo dục sẽ tiếp tục tăng 8% - 10% trong năm 2018, tác động khoảng 0,3% vào CPI chung của năm 2018. Giá điện tăng 6,08% từ ngày 1/12/2017 dự kiến sẽ tác động trực tiếp làm tăng CPI năm 2018 khoảng 0,1% và sẽ tác động gián tiếp tới giá thành các mặt hàng khác sử dụng điện là chi phí đầu vào. Giá điện trong 6 tháng đầu năm 2018 dự kiến ổn định, trong 6 tháng cuối năm sẽ biến động tùy thuộc vào kết quả kiểm toán giá điện.
Theo dự báo, giá xăng dầu - mặt hàng là đầu vào quan trọng của nền kinh tế - dự báo giá dầu thô thế giới bình quân năm 2018 sẽ trong khoảng từ 50 đến 55 USD/thùng, giá xăng dầu thành phẩm sẽ ở mức từ 66 – 70 USD/thùng, tăng từ 5% đến 10% so với bình quân năm 2017. Giá xăng dầu trong nước tăng khoảng 5-15% sẽ tác động vào CPI chung khoảng 0,28-0,64%.
Ngoài ra, áp lực mặt bằng giá cả cũng chịu tác động bởi một số yếu tố, như: Giá các dịch vụ chuyển từ phí sang giá theo Luật phí, lệ phí; việc tính đúng, tính đủ chi phí đối với một số dịch vụ không được hỗ trợ từ ngân sách nhà nước sẽ có tác động nhất định lên mặt bằng giá; việc điều chỉnh tiền mức lương tối thiểu vùng và mức lương cơ sở năm 2018; giá lương thực dự kiến tăng trong năm 2018 do nguồn cung gạo thế giới dự báo giảm...
Kiểm soát CPI ngay từ đầu năm
Nhóm giúp việc của Ban Chỉ đạo điều hành giá vừa qua đã lên phương án 3 kịch bản chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cho năm 2018. Thứ nhất, trong trường hợp giá lương thực, thực phẩm tương đối ổn định, chỉ tăng nhẹ vào các dịp lễ, Tết do nhu cầu tăng cao; giá dịch vụ khám chữa bệnh không BHYT điều chỉnh trong quý I/2018 tác động làm tăng CPI 0,17%; điều chỉnh tiền lương vào quý II làm tăng CPI 0,14%, giá điện tăng từ 1/12/2017 làm tăng CPI năm 2018 khoảng 0,1%; giá xăng dầu tăng 5% làm tăng CPI khoảng 0,28%, giá LPG tăng 5% làm tăng CPI khoảng 0,06%. Dự báo CPI tháng 12/2018 so với tháng 12/2017 tăng 3,5%, CPI bình quân tăng khoảng 3%.
Kịch bản thứ hai: Giả thiết như kịch bản 1 và giả thiết thêm giá thịt lợn tăng 7% vào cuối năm tác động vào CPI 0,3%; giá xăng dầu tăng 10% làm tăng CPI khoảng 0,56%; giá LPG tăng 10% làm tăng CPI khoảng 0,12%. Dự báo CPI tháng 12/2018 so với tháng 12/2017 tăng 4,2%, CPI bình quân tăng khoảng 3,4%.
Thứ ba, giả thiết như kịch bản 1 và giả thiết thêm giá thịt lợn tăng 15% vào cuối năm tác động vào CPI khoảng 0,63%; giá xăng dầu tăng 15% làm tăng CPI khoảng 0,64%; giá LPG tăng 15% làm tăng CPI khoảng 0,18%. Dự báo CPI tháng 12/2018 so với tháng 12/2017 tăng 5,4%, CPI bình quân tăng khoảng 3,9%.
Với các kịch bản dự báo trên, Tổng Cục thống kê ước tính CPI tháng 12/2018 so với tháng 12/2017 tăng trong khoảng 3,5% - 5,4%; CPI bình quân năm 2018 tăng trong khoảng 3 - 3,9%. Ngân hàng Nhà nước cũng xây dựng 3 kịch bản điều hành giá trên cơ sở đánh giá tác động của lạm phát cơ bản, giá nhiên liệu, thực phẩm tươi sống, giá các mặt hàng do Nhà nước quản lý (giáo dục, y tế, điện) tới lạm phát tổng thể và dự kiến CPI bình quân năm 2018 tăng khoảng 2,99 - 4,25%.
Bộ Tài chính cũng đã sử dụng mô hình dự báo để tính toán lạm phát năm 2018, nếu chưa tính đến tác động điều hành giá dịch vụ giáo dục, y tế, điện và sử dụng Quỹ Bình ổn xăng dầu, CPI bình quân năm 2018 dự kiến tăng 2,87% so với năm 2017.
Như vậy, về cơ bản mục tiêu điều hành giá kiểm soát lạm phát năm 2018 là có thể thực hiện được với sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành, địa phương về thời điểm và liều lượng điều chỉnh giá các mặt hàng do Nhà nước quản lý. Trong đó, cần chú ý kiểm soát tốc độ tăng CPI ngay từ những tháng đầu năm để tạo dư địa điều hành cho những tháng cuối năm.