“Đầu tàu” chuyển đổi số
Sẵn sàng trở thành “trưởng thôn số”, “đầu tàu”, dám thử cái mới, thay đổi thói quen cũ, có tinh thần ham học hỏi… đó là anh Điểu Lích, Trưởng thôn 5, xã Minh Hưng, huyện Bù Đăng.
10 năm làm trưởng thôn, thời gian đầu khi chưa có điện thoại thông minh, anh Điểu Lích gặp nhiều khó khăn vì tuyên truyền hoàn toàn bằng phương pháp thủ công. Từ ngày sắm được chiếc điện thoại thông minh, công việc của anh Điểu Lích nhẹ nhàng hơn. Thông qua các nhóm Zalo, muốn thông báo gì anh chỉ cần soạn và gửi là mọi người dân trong thôn đều nhận được ngay. Điều này cũng giúp anh hạn chế phải đi lại, tiết kiệm thời gian và xăng xe.
Anh Điểu Lích, Trưởng thôn 5, xã Minh Hưng, huyện Bù Đăng tự trang bị laptop để thuận tiện lưu trữ, soạn thảo văn bản phục vụ công việc trong thôn
Anh Điểu Lích vui vẻ cho hay: “Mình còn trẻ, học hỏi nhanh hơn người lớn tuổi nên mọi công việc trong thôn mình đều tận dụng thiết bị công nghệ để bớt vất vả. Từ khi biết Facebook, Zalo, mình cũng tận dụng để giải quyết công việc. Mình tự mua laptop, mọi số liệu của người dân trong thôn đều lưu trên máy, khi cần tìm kiếm cũng rất dễ dàng”.
Anh Điểu Lích, Trưởng thôn 5, xã Minh Hưng, huyện Bù Đăng hướng dẫn người dân sử dụng điện thoại thông minh để tiếp cận thông tin phục vụ cuộc sống hằng ngày
Thôn 5 có 360 hộ dân, trong đó gần 90% là đồng bào DTTS. Mặc dù số người có điện thoại thông minh nhiều nhưng phần lớn chưa biết sử dụng vào việc tương tác với chính quyền. Do đó, anh Điểu Lích cùng Tổ công nghệ số cộng đồng thôn đã đưa ra nhiều giải pháp tuyên truyền, hướng dẫn người dân cài đặt các ứng dụng của tỉnh triển khai và giải đáp những thắc mắc liên quan đến công nghệ. Nhà văn hóa thôn cũng được xã cấp 1 máy vi tính để bàn, 1 bộ loa truyền thanh thông minh phục vụ hội họp và nhu cầu của người dân.
Với hơn 20 năm làm Bí thư Chi bộ thôn 7, xã Đoàn Kết, huyện Bù Đăng, mọi việc lớn nhỏ trong thôn ông Điểu Khăng đều nắm rõ. Thế nhưng mỗi ngày, ông vẫn không ngừng học hỏi, vượt qua rào cản tuổi tác để cập nhật công nghệ mới, sử dụng thành thạo điện thoại thông minh và các phần mềm tiện ích để tra cứu tài liệu, gửi thông báo cho người dân qua nhóm Zalo.
Ông Điểu Khăng, Bí thư Chi bộ thôn 7, xã Đoàn Kết, huyện Bù Đăng sử dụng điện thoại thông minh vào công tác tuyên truyền, góp phần lan tỏa chuyển đổi số trong cộng đồng
Ông Điểu Khăng thừa nhận bản thân đã lớn tuổi, có nhiều hạn chế trong tiếp cận công nghệ nhưng vẫn không ngại học hỏi mỗi ngày. “Chi bộ thôn có 22 đảng viên ở cách xa nhau, nếu phải đi đến từng nhà thông báo cũng mất nửa ngày. Từ ngày biết sử dụng mạng xã hội, mình lập nhóm Zalo, Facebook, chỉ trong vài giây là tất cả đảng viên đều nhận được thông báo, giảm thời gian đi lại. Với những cuộc họp cần thảo luận gấp, chỉ cần đăng thông tin lên nhóm là gần như thu nhận kịp thời ý kiến đảng viên mà không mất nhiều thời gian, chi phí để triệu tập cuộc họp” - ông Điểu Khăng vui vẻ cho hay.
Ông Điểu Khăng và ông Điểu K’rang, Chi bộ thôn 7, xã Đoàn Kết, huyện Bù Đăng tự học hỏi, trải nghiệm công nghệ trước rồi mới phổ biến cho người dân trong thôn
Các nhóm Zalo tại thôn, ấp đã giúp việc tuyên truyền văn bản trong thực hiện các chương trình, nội dung liên quan đến công tác dân tộc nhanh hơn. Nhiều cán bộ người DTTS ở thôn, ấp đang tận dụng tối đa thế mạnh của CĐS vào tuyên truyền, từ đó lan tỏa đến cộng đồng để mọi người chung tay thực hiện. Ông Điểu K’rang, Trưởng ban công tác Mặt trận thôn 7, xã Đoàn Kết cho biết: Tất cả kiến thức về CĐS chúng tôi đều tự học, trải nghiệm trước rồi mới phổ biến, hướng dẫn cho người dân trong thôn cùng làm.
Lan tỏa đến cộng đồng
Ở các thôn, ấp vùng sâu, xa, việc tiếp cận công nghệ của người dân còn hạn chế thì bí thư chi bộ không chỉ là những đảng viên “miệng nói, tay làm” mà đang chứng minh khả năng nhanh nhạy, thích ứng nhanh với CĐS nhằm đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động tại cơ sở. Đội ngũ này được xem là “cánh tay nối dài” của Đảng vì họ gần dân, sát dân, lan tỏa nghị quyết CĐS đến với người dân nhanh nhất, hiệu quả nhất.
Điển hình như anh Trương Văn Kiên (dân tộc Nùng), Bí thư Chi bộ ấp Đồi Đá, xã Lộc Khánh, huyện Lộc Ninh là một trong những bí thư chi bộ trẻ tuổi nhất huyện. Tuổi trẻ chính là lợi thế vì sự nhạy bén, linh hoạt trong quản lý, điều hành và tiếp cận công nghệ thông tin. Anh Kiên chia sẻ: “Mình phải chủ động học hỏi, tận dụng tối đa lợi thế từ mạng xã hội để làm kênh tuyên truyền và phát triển kinh tế cũng như tiếp nhận các vấn đề phản ánh từ cơ sở. Mình khuyến khích và hướng dẫn người dân tận dụng mạng xã hội, thương mại điện tử để quảng bá các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng của xã nhằm kết nối tiêu thụ sản phẩm, giúp nông dân nâng cao thu nhập”.
Vượt qua giới hạn về sức khỏe, tuổi tác… những cán bộ thôn, ấp đồng bào DTTS trong tỉnh đang là cầu nối giữa người dân với chính quyền, là nhân tố quan trọng thúc đẩy quá trình CĐS. Không chỉ cán bộ trẻ mà nhiều già làng ở độ tuổi U60, U70 vẫn chịu khó học tập, tiếp cận CĐS để làm gương cho đồng bào mình. Tuyên truyền không để tội phạm sử dụng công nghệ cao lừa đảo, gây xáo trộn cuộc sống của đồng bào.
Già làng, người có uy tín trên địa bàn xã là nhân tố quan trọng, lực lượng nòng cốt trong tuyên truyền, phổ biến công nghệ số, CĐS đến người dân theo cách gần gũi, dễ hiểu. Họ cũng giúp đồng bào nâng cao cảnh giác trong phòng ngừa lừa đảo trên không gian mạng.
|
Phó Chủ tịch UBND xã Minh Hưng, huyện Bù Đăng
ĐỖ THỊ NGỌC HUỆ |
Bình Phước có 41 dân tộc anh em cùng sinh sống đan xen trên địa bàn tỉnh. Nhờ CĐS mà người trẻ nhanh nhạy, người già cần mẫn, kiên trì... không phân biệt tuổi tác, các già làng, bí thư chi bộ, trưởng thôn hay cán bộ người DTTS ở cơ sở bằng chính câu chuyện, hành động của mình đang lan tỏa tinh thần CĐS đến từng người dân trong cộng đồng các dân tộc. Với tinh thần nhiệt huyết, trách nhiệm, họ đã chọn những cách thức khác nhau để bắt nhịp với thời cuộc, hoàn thành nhiệm vụ được giao. Từ đó trở thành tấm gương để những người xung quanh học theo, tạo thành phong trào CĐS từ thôn, ấp, cộng đồng dân cư.