BPO - Đó là chỉ đạo của Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Tuyết Minh tại hội thảo cải thiện, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác cải cách hành chính (CCHC) nhà nước trên địa bàn tỉnh, do UBND tỉnh Bình Phước tổ chức chiều nay 8-7.
Dự hội nghị có Vụ trưởng Vụ cải cách hành chính, Bộ Nội vụ Phạm Minh Hùng và đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh.
Nhìn rõ các nguyên nhân giảm thứ hạng
Hội thảo đã nghe đại diện lãnh đạo Sở Nội vụ báo cáo tóm tắt kết quả chỉ số cải cách hành chính (Par Index), chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ cơ quan hành chính nhà nước (Sipas) của tỉnh; những thuận lợi, hạn chế và nguyên nhân. Cụ thể, điểm số cải cách hành chính năm 2021 của Bình Phước đạt 85,02/100 điểm, chỉ số đạt 85,02%, tăng 1,17% so với năm 2020; đứng thứ 49/63 tỉnh, thành phố; giảm 9 bậc so với năm 2020. Trong đó có 4/8 lĩnh vực có chỉ số tăng và 4/8 lĩnh vực có chỉ số giảm.
Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Tuyết Minh chủ trì hội thảo
Hội thảo đã tập trung phân tích những nguyên nhân chính dẫn đến việc giảm các chỉ số. Trên tinh thần nhìn rõ thực tế, các đơn vị đã cho rằng, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, giãn cách xã hội khiến chỉ số thứ hạng của tỉnh giảm 9 bậc. Có 6 tiêu chí, tiêu chí thành phần tự đánh, chấm điểm chưa đạt tối đa và bị chấm 0 điểm, gồm: Công bố TTHC và danh mục TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của các cấp chính quyền trên địa bàn tỉnh; tỷ lệ hồ sơ TTHC do UBND cấp huyện tiếp nhận trong năm được giải quyết đúng hạn; số đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm một phần chi thường xuyên; tỷ lệ doanh nghiệp thành lập mới trong năm; tỷ lệ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP); mức độ thực hiện các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội do HĐND tỉnh giao. Kết quả điều tra xã hội học năm 2021 có các tiêu chí về tác động cải cách đến chất lượng văn bản quy phạm pháp luật do UBND tỉnh ban hành, cải cách tổ chức bộ máy hành chính, chất lượng đội ngũ công chức, viên chức đến quản lý tài chính công và hiện đại hóa hành chính còn hạn chế, chưa tích cực, chưa cao, chỉ đạt 17,79/23,5 điểm, chỉ số đạt 75,70%, thấp hơn chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đánh giá. Bên cạnh đó, chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước của tỉnh (Sipas) còn thấp so với các tỉnh, thành phố trên cả nước.
Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Tuyết Minh cho rằng, một đơn vị lơ là sẽ ảnh hưởng đến kết quả cải cách hành chính toàn tỉnh
Hội thảo nhận được 7 tham luận, ý kiến thảo luận của các cơ quan, đơn vị, địa phương, các nhà khoa học về những nội dung liên quan đến cải cách hành chính, phân tích những nguyên nhân của tồn tại, hạn chế cũng như đưa ra các giải pháp nâng cao kết quả, chỉ số CCHC của tỉnh, chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước.
Những giải pháp mang tính chiến lược, bền vững
Việc đánh giá các chỉ tiêu, tiêu chí CCHC chặt chẽ. Quy trình đánh giá khách quan, công khai, minh bạch. Trong năm 2021, các điểm số cải cách hành chính của tỉnh Bình Phước có tăng so với năm 2020, tuy nhiên thứ hạng vẫn giảm. Từ những phân tích thực tế, hội thảo đã đưa ra nhiều giải pháp mang tính chiến lược, bền vững để khắc phục những hạn chế trong CCHC trên địa bàn tỉnh, đồng thời nâng cao chất lượng hiệu quả CCHC trong thời gian tới.
Vụ trưởng Vụ cải cách hành chính, Bộ Nội vụ Phạm Minh Hùng: Cải cách hành chính phải chú trọng đến nhu cầu người dân, những điều người dân mong muốn
Thực hiện CCHC, ngoài việc bám sát các chủ trương của Chính phủ, của tỉnh thì yếu tố người dân, doanh nghiệp rất quan trọng, quyết định đến sự thành công của CCHC. Vì vậy, phải quan tâm đến những yếu tố người dân quan tâm, mong đợi nhiều từ chính quyền như: rút ngắn thời gian xử lý, đơn giản hóa thủ tục hành chính. Chú trọng công tác giáo dục, tuyên truyền để nâng cao sự đồng thuận trong hệ thống hành chính. Đặc biệt, phải đẩy mạnh tuyên truyền để người dân hiểu sự công tâm của chính quyền, các cơ quan hành chính nhà nước trong CCHC để góp phần nâng cao chỉ số, thứ hạng trong thời gian tới.
Phát biểu tại hội thảo, Vụ trưởng Vụ cải cách hành chính, Bộ Nội vụ Phạm Minh Hùng đã đưa ra một số khuyến nghị đối với tỉnh: Khắc phục sớm những hạn chế yếu kém đã chỉ ra và duy trì thành quả đạt được; mục tiêu, nhiệm vụ CCHC hàng năm phải cụ thể, rõ ràng. Nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp bằng cách tập trung các giải pháp cải tiến chất lượng dịch vụ trên cơ sở thông tin thu được qua khảo sát. Mở rộng hình thức thông tin, nâng cao năng lực của công chức, cải thiện cơ sở vật chất, nâng cao hiệu quả sử dụng các dịch vụ tiện ích như thanh toán trực tuyến, bưu chính công ích…; phát huy vai trò của cơ quan thường trực CCHC; phối hợp, kết nối với các đơn vị, nâng cao chất lượng hoạt động của Ban chỉ đạo cải cách hành chính tỉnh. Thực hiện nhiệm vụ CCHC phải gắn kết chặt chẽ với ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng chính quyền điện tử và thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.
Kết luận hội thảo, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Tuyết Minh đề nghị người đứng đầu các cơ quan, đơn vị địa phương: Tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính hơn nữa; nâng cao trách nhiệm, thái độ phục vụ nhân dân; giải quyết hồ sơ đúng hạn. 6 nội dung liên quan đến CCHC phải thực hiện đồng bộ, hiệu quả, thiết thực. Mỗi đơn vị, địa phương có vai trò quan trọng trong chuỗi CCHC; một khâu, một việc, một đơn vị lơ là sẽ ảnh hưởng đến kết quả CCHC của toàn tỉnh. Đồng thời, tập trung nguồn lực triển khai chiến dịch cao điểm 92 ngày đêm nâng cao hiệu quả cung cấp, sử dụng dịch vụ công trực tuyến; đẩy mạnh chuyển đổi số để phát triển chính quyền số từ ngày 1-6-2022 đến 31-8-2022.
Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Tuyết Minh giao Sở Nội vụ phối hợp với Văn phòng UBND tỉnh và các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan tiến hành kiểm tra kết quả thực hiện các nội dung nâng cao chỉ số Par Index và chỉ số Sipas của tỉnh.