BPO - Những ngày gần đây, các phương tiện thông tin đại chúng liên tiếp đưa tin hàng ngàn xe container, xe tải chở hàng xuất qua Trung Quốc bị ùn ứ tại các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn. Thật đáng lo khi phần lớn hàng hóa bị ùn ứ chủ yếu là nông sản, quá thời hạn chưa được tiêu thụ sẽ phải đổ bỏ, kéo theo hệ lụy thiệt hại hàng ngàn tỷ đồng, môi trường nguy cơ ô nhiễm… Điều đáng buồn bởi đây không phải là lần đầu tiên, cũng không phải là “thỉnh thoảng”, mà đã trở thành thói quen, chu kỳ cuối năm trong nhiều năm qua và nếu không có giải pháp hiệu quả, có thể sẽ tiếp tục diễn ra trong thời gian tới.
Những năm gần đây, mặc dù đã nỗ lực tìm kiếm thị trường mới nhưng kim ngạch xuất khẩu của nước ta sang Trung Quốc vẫn chiếm khoảng 20-25% tổng kim ngạch và Trung Quốc vẫn là thị trường lớn nhất của Việt Nam. Điều này cũng không phải là vô lý, khi Trung Quốc là quốc gia đông dân nhất thế giới, lượng hàng hóa tiêu thụ có số lượng lớn nhất toàn cầu. Một điều kiện nữa, Trung Quốc là đối tác kinh tế lâu đời, có nhiều nét văn hóa tương đồng, lại giáp ranh với nước ta nên xuất khẩu sang thị trường này thuận lợi hơn cả về địa lý và thói quen tiêu dùng.
Đáng nói ở chỗ, người bạn láng giềng Trung Quốc làm ăn, buôn bán với Việt Nam, hết lần này đến lần khác, hết năm này đến năm khác, luôn có những chiêu trò nhắm vào nông dân sản xuất nhỏ lẻ nước ta. Ngày 15-12-2021, Trung Quốc đã ban hành các quy định mới để đóng Cửa khẩu Tân Thanh và Cửa khẩu Cốc Nam ở Lạng Sơn, khiến nhiều doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam như "ngồi trên lửa". Do quá phụ thuộc vào độ “nóng - lạnh” của thị trường Trung Quốc nên nông sản Việt Nam dễ bị tổn thương. Chỉ một quyết định nhỏ, hành động nhỏ từ phía Trung Quốc cũng có thể ảnh hưởng đến hàng triệu nông dân Việt Nam.
Không chỉ nhiều doanh nghiệp xuất khẩu nước ta vì lợi ích ngắn hạn đã tự làm khó mình mà còn có sự nhũng loạn, phá hoại của nhiều đối tượng người nước ngoài. Trong đó đặc biệt là nhiều người Trung Quốc đã "chờ nước đục thả câu”, núp bóng kinh doanh với mục đích chính nhằm phá hoại nền kinh tế Việt Nam. Điều này không chỉ tác động tiêu cực trong lĩnh vực kinh tế mà còn tiềm ẩn ảnh hưởng đến ổn định trật tự xã hội, thậm chí có thể còn có nguy cơ ảnh hưởng đến an ninh quốc gia. Đáng tiếc, việc tuyên truyền, ngăn chặn sự phá hoại này của nhiều địa phương còn chậm và chưa thật quyết liệt, nhiều người vì lợi ích cá nhân, vì lợi ích ngắn hạn đã tiếp tay cho người nước ngoài.
Thực tế cho thấy, xuất khẩu nông sản sang thị trường Trung Quốc luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ khó lường. Bởi thương lái Trung Quốc thường xuyên dùng chiêu tranh nhau mua hàng, cố tình đẩy giá lên cao tạo cơn sốt, rồi đột ngột ngừng thu mua khiến thị trường nông sản Việt Nam liên tục biến động, rớt giá. Đây là một trong những bài học chúng ta đã phải trả giá nhiều năm qua, đến nay vẫn đang tiếp tục phải trả giá.
Thế nhưng, khi Trung Quốc siết chặt các quy định hay tung ra những chiêu trò xấu, cũng là tiền đề để nông sản Việt Nam nâng cao chất lượng hơn, thay đổi tư duy sản xuất hướng tới không phụ thuộc vào một thị trường mà đa dạng thị trường, hướng tới các thị trường cao cấp hơn. Để làm được điều đó, mỗi nhà nông và cả nền nông nghiệp nước ta buộc phải nâng cao chất lượng sản xuất, gia tăng giá trị với những mặt hàng nông sản chủ lực. Có như vậy, sản phẩm mà người nông dân “một nắng hai sương” làm ra mới mang lại giá trị đích thực, mang “hương vị Việt” đến khắp năm châu bốn biển!