sct

Bước trưởng thành để Việt Nam tự tin ứng cử nhiệm kỳ 2020-2021

Thứ ba - 28/05/2019 09:32
(TTĐN) - Với nhiều người làm đối ngoại đa phương, Tết năm 2008 thật đáng nhớ. Đó là thời điểm Việt Nam bắt đầu thực hiện vai trò Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an (HĐBA) Liên hợp quốc (LHQ) nhiệm kỳ 2008-2009. Một nhiệm kỳ thành công để Việt Nam có được nhiều bài học quý, tự tin ứng cử vào vị trí này lần thứ 2 sắp tới.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Gia Khiêm chủ trì một phiên thảo luận tại HĐBA với vai trò là Ủy viên không thường trực HĐBA LHQ nhiệm kỳ 2008-2009
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Gia Khiêm chủ trì một phiên thảo luận tại HĐBA với vai trò là Ủy viên không thường trực HĐBA LHQ nhiệm kỳ 2008-2009

“Việt Nam ban đầu tham gia Hội đồng Bảo an (HĐBA) cũng có những lo ngại nhưng qua quá trình tham gia, các quốc gia hiểu Việt Nam hơn rất nhiều, hiểu Việt Nam là quốc gia có trách nhiệm, có quan điểm thực sự đồng thuận với đại đa số các quốc gia trong những vấn đề nhạy cảm. Bên cạnh đó, Việt Nam có được năng lực vươn lên, đóng góp, tham gia vào các hoạt động chung. Với số lượng lớn cuộc họp tại HĐBA, Việt Nam không vắng mặt bất cứ một cuộc nào. Đối ngoại Việt Nam qua đó trưởng thành hơn rất nhiều, tạo dựng một cơ chế hoạch định chính sách liên ngành vừa đảm bảo được thời gian vừa có được ý kiến ở cấp thẩm quyền cao nhất. Việt Nam đã hết sức nỗ lực và được quốc tế đánh giá cao...”, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Hoài Trung, người đã từng nhiều năm "lăn lộn" với ngoại giao đa phương và từng là Trưởng Phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam tại LHQ trả lời phỏng vấn TG&VN trong một hội thảo quốc tế về LHQ gần đây tại Hà Nội.

Hai năm, 1.500 cuộc họp

Trong nhiệm kỳ làm Ủy viên không thường trực HĐBA LHQ nhiệm kỳ 2008-2009 của Việt Nam, tình hình quốc tế có nhiều biến chuyển sâu sắc, xung đột, khủng hoảng nổ ra ở nhiều nơi. Do đó, HĐBA có một khối lượng công việc rât lớn phải làm với hơn 1.500 cuộc họp (trung bình 2,5 cuộc họp/ngày); thông qua 113 Nghị quyết, 165 Tuyên bố Chủ tịch và Tuyên bố báo chí thuộc trên 50 đề mục của chương trình nghị sự; xử lý nhiều vấn đề phức tạp về: Kosovo, hạt nhân của Iran, hòa bình Trung Đông, cuộc chiến tại Nam Otresnia/Apkhzia, cũng như những vấn đề liên quan đến khu vực châu Á mà Việt Nam là đại diện như vấn đề hạt nhân Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên, Myanmar...

Trong bối cảnh đó, Việt Nam đã có nhiều đóng góp cho việc duy trì hòa bình và an ninh thế giới, trọng trách chính của HĐBA. Trọng tâm xuyên suốt trong 2 năm 2008-2009 khi Việt Nam đảm nhận vai trò Ủy viên không thường trực tại HĐBA là đã triển khai hiệu quả đường lối đối ngoại yêu chuộng hòa bình, đóng góp tích cực trong việc giải quyết xung đột, khủng hoảng trên thế giới, ủng hộ các giải pháp thông qua thương lượng hòa bình, hạn chế các biện pháp trừng phạt (như về vấn đề hạt nhân của Iran, Triều Tiên), dựa trên cơ sở luật pháp quốc tế và các nguyên tắc của Hiến chương LHQ và bảo đảm các quyền dân tộc cơ bản. Qua đó, Việt Nam đóng góp cho hòa bình, an ninh thế giới nói chung, đảm bảo môi trường an ninh, tạo thuận lợi cho công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Bên cạnh đó, trong nhiệm kỳ Ủy viên không thường trực HĐBA LHQ của mình, Việt Nam đã kiên định việc bảo vệ lợi ích quốc gia dân tộc, giữ vững độc lập tự chủ, lập trường nguyên tắc, đồng thời linh hoạt, khéo léo xử lý yêu cầu quan hệ với các nước.

Sự tham gia và biểu quyết của Việt Nam tại HĐBA về các vấn đề chống chiến tranh, giải trừ quân bị, chống khủng bố, hạn chế việc áp dụng các biện pháp trừng phạt, đóng góp cho việc bảo vệ độc lập, chủ quyền, đẩy lùi những âm mưu lợi dụng dân chủ, nhân quyền để can thiệp,… đã góp phần bảo đảm lập trường nguyên tắc cũng như các lợi ích quốc gia.

Đồng thời, Việt Nam cũng linh hoạt, khéo léo xử lý tốt quan hệ với các nước lớn, các nước có lợi ích liên quan, và các bạn bè truyền thống,… trên cơ sở tôn trọng và bảo vệ các lợi ích chính đáng của các bên, phù hợp với Hiến chương LHQ và luật pháp quốc tế. Việt Nam đã duy trì trao đổi, tham vấn thường xuyên với các nước thành viên HĐBA ở các cấp, tại New York và thủ đô các nước (đặc biệt với Nga, Trung Quốc), tạo được mối quan hệ hợp tác tin cậy, thẳng thắn (với Mỹ, Anh, Pháp,…). Bên cạnh đó, Việt Nam định kỳ trao đổi với các nhóm nước châu Á, châu Phi, Arab và giữ vai trò nòng cốt trong Nhóm các nước Không liên kết tại HĐBA.

Vững tin trong hội nhập quốc tế

Có thể khẳng định, hoạt động của Việt Nam tại sân chơi đa phương cao nhất này đã góp phần nâng cao hình ảnh, vị thế của Việt Nam, thúc đẩy quan hệ song phương, trở thành một minh chứng cụ thể giúp Việt Nam vững tin trong hội nhập quốc tế.

Tổng Thư ký LHQ và lãnh đạo nhiều nước, đặc biệt là các nước lớn, các đối tác quan trọng và trong khu vực đều đánh giá cao những đóng góp của ta tại HĐBA; thể hiện một Việt Nam chủ động, đóng góp tích cực, trách nhiệm, xây dựng vào công việc chung và mong Việt Nam giữ vai trò lớn hơn trên các vấn đề khu vực và quốc tế, đặc biệt khi ta đảm nhiệm chức Chủ tịch ASEAN vào năm 2010 sau đó. Đặc biệt, các nước Không liên kết và các nước đang phát triển đánh giá Việt Nam có nhiều đóng góp phát huy vai trò và tiếng nói thông qua việc thường xuyên tham khảo các nước này, nhất là trong soạn thảo Báo cáo hoạt động năm của HĐBA.

Trong năm 2008-2009, nhiều nước chủ động đặt vấn đề thăm Việt Nam, đáp ứng nhanh chóng và thu xếp thuận lợi các chuyến thăm của Lãnh đạo Cấp cao Việt Nam, bày tỏ nguyện vọng tiếp xúc với Trưởng đoàn Việt Nam tại các hội nghị quốc tế. Hoạt động của Việt Nam tại HĐBA không chỉ giúp nâng cao vị thế đất nước trên trường quốc tế, mà còn góp phần đưa các quan hệ song phương với các nước đi vào chiều sâu; mở ra các cơ hội đầu tư, thương mại hay thị trường mới tại nhiều nước và khu vực.

Với nhiệm kỳ 2008-2009 tại HĐBA LHQ, Việt Nam đã đảm bảo được sự lãnh đạo trực tiếp, sát sao của Đảng, Nhà nước và Chính phủ, sự phối hợp nhịp nhàng giữa Bộ/ngành, giữa trong và ngoài nước trong việc chỉ đạo và triển khai các hoạt động tại HĐBA.

Trong 2 năm, cả một bộ máy tham mưu, hoạch định chính sách đã vận hành nhịp nhàng, hiệu quả để triển khai tốt việc tham gia HĐBA. Ở trong nước, được sự chỉ đạo trực tiếp, sâu sát của lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Chính phủ, Bộ Ngoại giao đã đóng vai trò đầu mối phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành liên quan trong Tổ công tác liên Ngành về HĐBA.

Ở ngoài nước, hàng chục cơ quan đại diện đầu mối của Việt Nam tại các nước là thành viên HĐBA, ASEAN hay tại những nơi có các điểm “nóng” trên thế giới luôn theo sát tình hình và đảm bảo duy trì trao đổi thông tin thường xuyên với các nước sở tại. Đặc biệt, phải kể đến sự tham gia, đóng góp của Phái đoàn thường trực Việt Nam tại LHQ, đơn vị “tiền tiêu” trực tiếp tham gia các hoạt động của HĐBA trong suốt 2 năm qua, bất kể ngày đêm.

Ngay sau khi kết thúc nhiệm kỳ Ủy viên không thường trực HĐBA LHQ 2008 - 2009, Việt Nam đã tiếp tục chuẩn bị ứng cử làm Ủy viên không thường trực HĐBA nhiệm kỳ 2020 - 2021. Việc Việt Nam ứng cử vào HĐBA lần thứ hai tiếp tục khẳng định chủ trương của Việt Nam là trở thành thành viên tích cực, đối tác tin cậy và có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế; đồng thời là cơ hội để Việt Nam có thể đóng góp xây dựng tại cơ chế có tầm quan trọng chiến lược đối với hòa bình, an ninh quốc tế này, góp phần đảm bảo hòa bình, ổn định và phát triển ở khu vực và trên thế giới./.

Nguồn tin: Tuấn Hồng theo TTXVN:

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Việc làm Bình Phước
Công báo Chính phủ
DVC Quốc gia
Ecom Binh Phuoc
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập1,077
  • Hôm nay184,078
  • Tháng hiện tại7,318,853
  • Tổng lượt truy cập452,713,975
ỨNG DỤNG
1 bp today
3 dhtn
2 ioffice
4 congbao
Portal_Ispeed
sổ tay đảng viên
Tạp chi
KQ TTHC
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây