"Điểm tựa" gia đình, bạn bè, người thân và khán giả trên sân nhà đã tạo nên thành công của Đoàn thể thao Việt Nam tại SEA Games 31. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Đằng sau 205 tấm huy chương vàng của Đoàn thể thao Việt Nam tại SEA Games 31 là không ít những câu chuyện cảm động về gia đình nhỏ của mỗi vận động viên.
Niềm hạnh phúc lớn lao nhất đối với đô vật, võ sỹ, xạ thủ, lực sỹ… khi được thi đấu tại quê hương Việt Nam chính là được tận hưởng trọn vẹn nguồn động lực, sức mạnh, tình cảm thiêng liêng tới từ gia đình trên khán đài.
Không gì hạnh phúc hơn khi ăn mừng chiến thắng bên ba mẹ, bạn bè và con nhỏ, hay đơn giản rằng trở về với vòng tay gia đình nếu lỡ thất bại…
Mùa đoàn tụ
“Động lực lớn nhất để tôi giành huy chương vàng chính là mẹ tôi ở trên khán đài.” Vận động viên Quàng Thị Thu Nghĩa đã chia sẻ như vậy sau khi vừa giành huy chương vàng môn Pencak Silat trong lần đầu tiên dự SEA Games.
Quàng Thị Thu Nghĩa từng giành chiến thắng ở sân chơi châu lục và thế giới nhưng lần đầu đứng trên bục cao nhất tại Đại hội thể thao Đông Nam Á. Trong khoảnh khắc chiến thắng, những giọt nước mắt của cô gái sinh năm 1999 được sẻ chia cùng với gia đình nhỏ từ Sơn La xuống Hà Nội để theo dõi trực tiếp.
Câu chuyện và lời chia sẻ của Thu Nghĩa có lẽ là một trong những hình ảnh điển hình của SEA Games 31 tại Việt Nam. Ở những giây phút chiến thắng hay thất bại, mọi vận động viên đều đã được đoàn tụ bên gia đình nhỏ của mình.
Trong giây phút đoạt huy chương vàng môn Vật ở hạng cân 130kg vật cổ điển, đô vật Hà Văn Hiếu đã tái hiện động tác ăn mừng bàn thắng của ngôi sao bóng đá Cristiano Ronaldo bởi đơn giản rằng cậu con trai nhỏ có mặt trên khán đài rất thần tượng CR7.
Ngày hôm ấy, cả gia đình nhỏ bốn người đều đã có mặt trên khán đài tại Nhà thi đấu huyện gia Lâm để chứng kiến Hà Văn Hiếu giành huy chương vàng trong lần cuối góp mặt tại đấu trường SEA Games.
Quàng Thị Thu Nghĩa xúc động ăn mừng tấm huy chương vàng SEA Games đầu tiên trong sự nghiệp. (Ảnh: Hải An/Vietnam+)
Trước đó ít ngày, ở Trung tâm huấn luyện thể thao Quốc gia, cách xa Gia Lâm hàng chục cây số, xạ thủ Trần Quốc Cường đã nghẹn ngào bên người bố cũng là cựu xạ thủ và huấn luyện viên đội tuyển bắn súng Việt Nam.
Ở kỳ SEA Games cuối cùng trên sân nhà, xạ thủ 48 tuổi đã có thể khép lại sự nghiệp thi đấu thành công với tấm huy chương vàng môn Bắn súng ở nội dung 50m súng ngắn, để rồi sau đó bước sang sự nghiệp huấn luyện như người cha già.
Còn tại Quảng Ninh, cặp vợ chồng kỳ thủ Nguyễn Ngọc Trường Sơn và Phạm Lê Thảo Nguyên tạo nên một những khoảnh khắc hiếm có nhất của thể thao Việt Nam và SEA Games 31 sau khi cùng nhau giành huy chương vàng ở cùng thời điểm và cùng nội dung thi đấu.
Ngày hôm đó, cả Trường Sơn và Thảo Nguyên đã sát cánh thi đấu với nhau từ vòng loại cho tới trận chung kết nghẹt thở. Trong giây phút ăn mừng tấm huy chương vàng SEA Games 31, cặp vợ chồng ấy đã không thể diễn tả nổi cảm xúc của mình.
Với sự nghiệp thi đấu bao lâu nay, không ít lần Trường Sơn, Thảo Nguyên cùng nhau tận hưởng niềm vui chiến thắng, song cảm xúc tại SEA Games 31 quá đỗi đặc biệt.
Cặp vợ chồng Trường Sơn, Thảo Nguyên cùng nhanh đoạt huy chương vàng SEA Games 31 ở môn Cờ vua. (Ảnh: TTXVN)
Ở môn đấu vật, chị em ruột Mỹ Trang và Mỹ Hạnh cũng đã cùng nhau hưởng trọn vẹn niềm hạnh phúc chiến thắng sau khi giành huy chương vàng nội dung vật tự do hạng cân 57kg, 62kg. Đặc biệt hơn, thành công của Trang và Hạnh tạo nên niềm vui khôn siết cho gia đình có 4 chị em cùng theo đuổi môn đấu vật.
Nhưng SEA Games 31 không chỉ có khoảnh khắc đoàn tụ. Đối với Nguyễn Tiến Trọng, tấm huy chương vàng ở môn Điền kinh mở ra một trang mới cho cuộc đời khi nam vận động viên quyết định cầu hôn bạn gái Phương Trinh ngay trên đường chạy quen thuộc.
Cái gật đầu của người bạn gái cùng là vận động viên ngày hôm ấy có lẽ mở ra một gia đình nhỏ hạnh phúc còn gắn liền với Tiến Trọng trong nhiều kỳ SEA Games sắp tới.
Tình cảm từ gia đình vẫn luôn đặc biệt và thiêng liêng như thế. Niềm hạnh phúc của ba mẹ, vợ chồng, con nhỏ cũng chính là được chứng kiến thành công của người thân từ trên khán đài.
Song, gia đình sẽ không chỉ ở bên vận động viên mỗi khi giành chiến thắng. Ngay cả khi vấp ngã, vòng tay ấm áp từ tổ ấm vẫn luôn dang rộng.
Chàng trai sinh năm 2000 Trần Nhật Hoàng đã không thể kìm được dòng nước mắt và khóc thút thít như đứa trẻ thơ trong vòng tay mẹ sau khi không thể bảo vệ tấm huy chương vàng môn Điền kinh.
Bao nhiêu năm qua, mẹ chính là “bác sỹ tâm lý” giúp Nhật Hoàng giành chiến thắng cũng như vượt qua thất bại ở mọi giải đấu. Ở SEA Games 31 này, một lần nữa tình cảm bao la từ mẹ kéo nam vận động viên đứng dậy mạnh mẽ hơn.
Xạ thủ Trần Quốc Cường ăn mừng chiến thắng bên gia đình, đồng nghiệp và người thân. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Cùng bộ môn Điền kinh, vận động viên Đinh Thị Bích cũng có kỳ SEA Games đáng quên sau khi không thể bảo vệ huy chương vàng ở nội dung 800m. Cú hích từ đối thủ đã khiến cô gái sinh năm 1997 ngã xuống và không thể tiếp tục đường đua.
Tuy nhiên, tình yêu chân thành từ người chồng làm phóng viên thể thao kịp thời giúp Đinh Thị Bích sớm vượt qua thất bại và yên tâm điều trị chấn thương. Chia sẻ với báo chí sau hai ngày từ sự cố, nữ vận động viên vẫn không thể giấu nổi nỗi buồn, song cũng cho thấy sự tự tin và lạc quan trở lại.
Còn ở góc khác nơi sân vận động Mỹ Đình, những giọt lệ của người cha đã không thể hãm lại khi chứng kiến cậu con trai Lê Văn Xuân phải chống nạng lên nhận huy chương vàng SEA Games 31 cùng đội tuyển U23 Việt Nam.
Dù động viên con trai mạnh mẽ song chính ông Lê Văn Thắng lại chẳng thể kìm nén cảm xúc khi chứng kiến Văn Xuân gặp chấn thương nặng ở bán kết và lỡ trận chung kết lịch sử với Thái Lan.
“Tôi khóc vì xúc động và thương Xuân. Nhìn thấy con, tôi vừa mừng vừa thương con bị chấn thương phải chống nạng. Thấy con bị đau, người làm cha, làm mẹ như tôi buồn hơn ai hết,” ông Lê Văn Thắng xúc động nói.
Gia đình tạo nên những kỷ lục gia
Sức mạnh từ gia đình là vô hạn khi không chỉ làm nên chiến thắng mà cả những kỷ lục gia.
Trong niềm hạnh phúc sau khi giành huy chương vàng nội dung 100m bơi ếch, kình ngư Phạm Thanh Bảo đã khiến mọi người bất ngờ với câu trả rằng: “Mình luôn chỉ biết cố gắng vì bản thân và gia đình. Mong rằng tấm huy chương vàng giúp gia đình có cuộc sống tốt hơn.”
Gia đình Thanh Bảo vốn khó khăn. Nhiều năm qua, nam vận động viên đã luôn nỗ lực thi đấu, gom góp tiền để lo cho gia đình. Song hành với mục tiêu giành vinh quang thể thao, nhiệm vụ đảm đương gánh nặng tài chính của nhà vô địch SEA Games 31 vẫn rất lớn.
Thành tích của Thanh Bảo ở SEA Games 31 còn được tô điểm hơn sau khi phá kỷ lục quốc gia tồn tại suốt 13 năm của cố kình ngư Nguyễn Hữu Việt.
Thanh Bảo giành huy chương vàng nội dung 100m bơi ếch tại SEA Games 31. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Còn với cô gái người dân tộc Thái Lò Thị Hoàng, gia đình chính là lực đẩy mạnh nhất tạo nên cú ném lao đoạt thành tích 56,37m và phát kỷ lục SEA Games.
Lò Thị Hoàng đã ôm chặt người mẹ mang trang phục dân tộc trên khán đài sân Mỹ Đình và không ngừng rơi những giọt nước mắt. Nữ vận động viên cho biết hoàn cảnh xuất thân đặc biệt đã tạo động lực giúp cô vượt qua nhiều thời khắc khó khăn, tưởng chừng phải bỏ cuộc.
Trong ngày thi đấu, chính Hoàng cũng đã dặn mẹ mặc bộ trang phục truyền thống tới xem và cổ vũ để lấy đó làm động lực. Gần 10 năm qua, cô gái sinh năm 1997 đã không ngừng phấn đấu, cố gắng để có được thành tích như ngày hôm nay.
Vận động viên Hoàng Nguyên Thanh giúp điền kinh Việt Nam lần đầu tiên giành huy chương vàng nội dung Marathon tại SEA Games. (Ảnh: TTXVN)
Còn với Hoàng Nguyên Thanh, gia đình là điểm tựa lớn nhất để tạo nên tấm huy chương vàng chạy Marathon đầu tiên cho thể thao Việt Nam tại đấu trường SEA Games.
Cô gái dân tộc Giáy Hoàng Thị Duyên cũng có điểm tựa như thế để vượt qua thất bại tại Olympic Tokyo 2020 và phá kỷ lục, giành tấm huy chương vàng SEA Games 31…
Có thể nói rằng, dù thành công hay thất bại, dù lập lỷ lục gia hay đơn thuần chỉ là vượt qua chính mình, các vận động viên của nước chủ nhà Việt Nam cùng với "điểm tựa" to lớn của họ - gia đình, cùng với những người làm công tác tổ chức, các cổ động viên nhiệt thành trên những khán đài và hàng nghìn vận động viên quốc tế đến từ các quốc gia thành viên ASEAN đã tạo nên một kỳ Đại hội SEA Games lần thứ 31 "trong mơ" sau thời gian gián đoạn vì dịch bệnh COVID-19.