sct

Tiếp tục phát huy truyền thống quan hệ đặc biệt Lào - Việt Nam mãi vững bền

Thứ tư - 13/04/2022 09:47
Theo phóng viên TTXVN tại Viêng Chăn, báo Pasaxon (Báo Nhân Dân), cơ quan ngôn luận của Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, ngày 11/4 đã trang trọng đăng trên trang nhất bài xã luận có tiêu đề “Tiếp tục phát huy truyền thống quan hệ đặc biệt Lào - Việt Nam mãi vững bền”.
Chú thích ảnh
 
 

 


















 


Bài xã luận viết, năm 2022 là Năm Đoàn kết Hữu nghị Lào-Việt Nam, kỷ niệm 45 năm ngày ký Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác (18/7/1977-18/7/2022) và 60 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Lào-Việt Nam, Việt Nam Lào (5/9/1962-5/9/2022), để khắc ghi những công lao to lớn, quý báu của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam anh em đã giúp đỡ Lào trong thời kỳ đấu tranh giải phóng đất nước cũng như trong công cuộc bảo vệ, xây dựng, phát triển đất nước Lào, đồng thời ghi tạc những đóng góp của nhân dân Lào vào sự nghiệp thống nhất đất nước của nhân dân Việt Nam trước đây và trong công cuộc bảo vệ, xây dựng, phát triển đất nước Việt Nam hiện nay.

Xã luận của báo Pasaxon viết, nhìn lại lịch sử của hai nước Lào-Việt Nam, từ khi Đảng Cộng sản Đông Dương ra đời do Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại là người sáng lập, tình anh em giữa hai nước ngày càng sâu sắc hơn. Trong hơn nửa thế kỷ qua, hai nước Lào-Việt Nam đã kề vai, sát cánh, anh dũng, kiên cường để vượt qua mọi trở ngại, khó khăn, đúng như lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Giúp nhân dân nước bạn là mình tự giúp mình”; nhân dân Việt Nam-Lào là hàng xóm láng giềng, là anh em thân thiết, cùng chiến đấu chung một chiến hào, kề vai sát cánh giành thắng lợi. Tinh thần đoàn kết chiến đấu và tình hữu nghị anh em giữa nhân dân hai nước đã được tôi luyện qua chiến đấu. Mối quan hệ, hợp tác Lào-Việt Nam là sự đòi hỏi khách quan, là yếu tố quyết định thắng lợi của cách mạng hai nước, là cơ sở của mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Lào-Việt Nam. 

Lào và Việt Nam là hai nước đều nằm trên Bán đảo Đông Dương, cùng dựa lưng vào dãy núi Trường Sơn hùng vĩ, cùng uống chung dòng nước sông Mekong, là hàng xóm, láng giềng thân thiết từ lâu đời; người dân hai nước có truyền thống đoàn kết, thương yêu, gắn bó, giúp đỡ nhau; các dân tộc của hai nước có nhiều nét văn hóa, đời sống sinh hoạt, ngôn ngữ tương đồng nhiều mặt. 

Hai nước cùng chung vận mệnh lịch sử, từ cuối thế kỷ XIX, hai nước đã cùng nhau đấu tranh chống kẻ thù chung để bảo vệ đất nước, đặc biệt là đấu tranh chống đế quốc xâm lược tàn ác nhất của thời đại. Hai nước đã cùng liên minh chiến đấu, kề vai, sát cánh giành được những thắng lợi to lớn, mang tính lịch sử, thắt chặt vận mệnh của hai nước, thể hiện tình đoàn kết, tinh thần hữu nghị của cách mạng hai nước Lào-Việt Nam.

Trong thời kỳ đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân mới, đặc biệt là giai đoạn 1959-1960, lãnh đạo hai nước đã cùng đề ra đường lối chiến lược, sách lược, biện pháp cách mạng để đấu tranh, giành thắng lợi trước đế quốc xâm lược. Mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Lào-Việt Nam, Việt Nam-Lào ngày càng thắm thiết, bền chặt, sinh động, trở thành hình mẫu quan hệ hiếm có trên thế giới như những câu thơ của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Thương nhau mấy núi cũng trèo. Mấy sông cũng lội, mấy đèo cũng qua. Việt-Lào hai nước chúng ta. Tình sâu hơn nước Hồng Hà, Cửu Long”. Chủ tịch Souphanouvong cũng từng nói “Lào-Việt Nam là hai nước láng giềng, thân thiết, gần gũi, cùng chung dãy núi, dòng sông, người dân hai nước cùng nhau chia sẻ ngọt bùi từ bao đời nay; chúng ta đã cùng chung vận mệnh, cùng chống kẻ thù chung, cùng hỗ trợ, giúp đỡ nhau trong công cuộc đấu tranh giành độc lập, xây dựng đất nước, tình hữu nghị anh em giữa Lào-Việt Nam thật vĩ đại, tình hữu nghị đó cao hơn đỉnh núi, dài hơn dòng sông, rộng hơn đại dương, đẹp hơn trăng rằm, thơm hơn bông hoa thơm nhất. Tình hữu nghị cao cả đó, nhân dân hai nước Lào-Việt Nam đã xây dựng lên từ ý chí của chúng ta, không kẻ thù nào xâm phạm, phá hủy được”.

Bài xã luận khẳng định, Chủ tịch Hồ Chí Minh là người đầu tiên tìm kiếm con đường cứu nước cho người dân Đông Dương và cũng là người đầu tiên đưa Chủ nghĩa Mác-Lênin phổ biến tại Việt Nam, Lào. Tinh thần đoàn kết, tình hữu nghị Lào-Việt Nam đã được thử thách, ngày càng thắm thiết, trở thành sức mạnh to lớn đem lại thắng lợi trong cuộc đấu tranh chống kẻ thù xâm lược, hình thành mối quan hệ kiểu mẫu, trong sáng hiếm có trong quan hệ quốc tế, đem lại lợi ích cho người dân hai nước Lào-Việt Nam. 

Xã luận nhấn mạnh, mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Lào-Việt Nam, Việt Nam-Lào là sự nghiệp chung của hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước Lào-Việt Nam, sự nghiệp này phải được bảo vệ, vun đắp cho ngày càng tươi đẹp hơn nữa.

Bài xã luận kêu gọi tất cả các ngành đồng lòng tổ chức thực hiện theo Thông báo hướng dẫn số 23/BTHTW, ngày 30/3/2022 của Ban Tuyên huấn Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Lào về việc tổ chức tuyên truyền Năm Đoàn kết Hữu nghị Lào-Việt Nam 2022, kỷ niệm 45 năm ngày ký Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác và 60 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Lào-Việt Nam, Việt Nam Lào thành các phong trào sôi nổi trên cả nước đạt được các mục tiêu đề ra một cách cao nhất.

Nguồn tin: TTXVN

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Việc làm Bình Phước
Công báo Chính phủ
DVC Quốc gia
Ecom Binh Phuoc
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập1,226
  • Hôm nay184,731
  • Tháng hiện tại7,319,506
  • Tổng lượt truy cập452,714,628
ỨNG DỤNG
1 bp today
3 dhtn
2 ioffice
4 congbao
Portal_Ispeed
sổ tay đảng viên
Tạp chi
KQ TTHC
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây