Tại Cà Mau, cá thòi lòi sống phân bố rộng khắp tại các vùng ngập mặn, lợ nhưng tập trung nhiều nhất là ở bãi bồi, khu rừng ngập mặn của hai huyện Năm Căn và Ngọc Hiển.
Nếu đã một lần đặt chân đến Cà Mau, du khách gần xa sẽ không khỏi bất ngờ trước khả năng "chạy" rất nhanh trên mặt bùn, hay leo lên bờ, thậm chí lên cây của loài cá kỳ lạ này. Đây là loại cá có vẻ ngoài xấu nhất, nhì ở vùng sông nước Cà Mau với nhiều tên gọi khác như cá leo cây...
Ông Lê Minh Tỵ - Chủ cơ sở du lịch Tư Tỵ, thị trấn Rạch Gốc, huyện Ngọc Hiển chia sẻ, cá thòi lòi tuy có vẻ ngoài xấu xí, kỳ lạ nhưng thịt rất ngon, có vị ngọt, bùi, thơm.
Nếu chế biến đúng cách, thịt cá thòi lòi không thua kém bất cứ sản vật nào ở vùng đất ngập mặn của tỉnh Cà Mau. Bởi vậy, người dân xem đây là sản vật thiên nhiên ban tặng và được làm thành đặc sản để giới thiệu đến bạn bè gần xa.
Qua thời gian, tuy đây chỉ là những món ăn dân dã nhưng đã làm xiêu lòng nhiều thực khách khó tính. Vì thế, giá trị của loài cá sinh trưởng tự nhiên ngày càng được nâng cao, được nhiều thực khách ưa chuộng.
Trước nhu cầu thị trường, nhiều hộ dân mưu sinh dưới tán rừng đã chọn nghề săn cá thòi lòi để kiếm thêm nguồn thu nhập trang trải cuộc sống.
Trước đây, người dân dùng câu cắm nên năng suất không cao. Khi nắm được đặc tính cá thòi lòi hay bò lên miệng hang, những "thợ săn" thâm niên đã dùng dây chì tạo hình tròn với đường kính khoảng 0,15m. Sau đó, dùng dây đan lưới lại với chiều dài đuôi lưới khoảng 0,8m để đặt cá thòi lòi, dụng cụ trên được gọi là "xà di". Sử dụng phương pháp mới để săn bắt cá thòi lòi đã đem lại năng suất cao.
Bình quân, cá thòi lòi tươi sống hiện được bán tại các điểm du lịch địa phương với giá từ 100.000-150.000 đồng/kg; cá đã làm khô thành phẩm có giá khoảng 400.000-450.000 đồng/kg; giúp nhiều hộ dân có nguồn thu nhập ổn định.
Nhằm bảo tồn và phát huy giá trị của loài cá đặc sản của vùng đất ngập mặn, ngay từ đầu năm 2020, Ủy ban Nhân dân tỉnh Cà Mau đã chỉ đạo ngành khoa học công nghệ thực hiện đề tài nghiên cứu bảo tồn, khôi phục cá thòi lòi.
Cuối tháng 2 vừa qua, Sở Khoa học và Công nghệ Cà Mau đã phối hợp với Ủy ban Nhân dân huyện Ngọc Hiển tổ chức công bố nhãn hiệu chứng nhận "Cá thòi lòi Đất Mũi - Cà Mau" cho các cơ sở kinh doanh trên địa bàn huyện.
Đây là kết quả sau 21 tháng thực hiện quá trình thẩm định khắt khe, đảm bảo các yêu cầu thủ tục, cùng với sự nỗ lực xây dựng thương hiệu, nâng cao chất lượng quy trình chế biến sản phẩm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, đáp ứng các yêu cầu, tiêu chí để "Cá thòi lòi Đất Mũi - Cà Mau" được công nhận nhãn hiệu chứng nhận của huyện Ngọc Hiển.
Cá thòi lòi Đất Mũi được xem là đặc sản của huyện. Bình quân hằng năm người dân, các cơ sở kinh doanh bán ra thị trường khoảng vài chục tấn sản phẩm cá thòi lòi.
Việc có nhãn hiệu chứng nhận là công cụ pháp lý hiệu quả hỗ trợ công tác quản lý, phát triển thương hiệu, đảm bảo quyền và lợi ích cho các cá nhân, đơn vị khai thác, chế biến và kinh doanh sản phẩm cá thòi lòi.
Hoạt động này cũng góp phần quảng bá, phát triển danh tiếng của đặc sản cá thòi lòi của huyện Ngọc Hiển, mở rộng thị trường tiêu thụ./.