Hội nghị có sự tham dự của 21 thành viên APEC, Hội đồng Tư vấn kinh doanh APEC (ABAC), Hội đồng Hợp tác Kinh tế Thái Bình Dương (PECC) và Ban Thư ký APEC quốc tế. Bên lề Hội nghị cũng diễn ra nhiều Hội nghị cấp SOM và nhóm kỹ thuật như Hội nghị Uỷ ban Thương mại và đầu tư (CTI), Uỷ ban Kinh tế (EC), Uỷ ban Quản lý và ngân sách (BMC), Uỷ ban điều hành SOM về Hợp tác kinh tế - kỹ thuật (SCE), Tiểu ban về Thủ tục hải quan (SCCP), Nhóm chuyên gia về đầu tư (IEG), Nhóm Công tác về dịch vụ (GOS), Nhóm Tiếp cận thị trường (MAG)…
Theo chương trình nghị sự, các SOM đã thảo luận các nội dung hợp tác xoay quanh chủ đề của năm APEC 2022 “Mở - Kết nối - Cân bằng” trong đó bao gồm: nỗ lực đẩy mạnh hội nhập kinh tế khu vực, phục hồi kinh tế sau đại dịch, tạo thuận lợi cho thương mại và đầu tư, triển khai thực hiện hiện Tầm nhìn Putrajaya thông qua Kế hoạch Hành động Aotearoa (APA), Lộ trình cạnh tranh APEC về dịch vụ (ASCR), Cải cách cơ cấu, Chương trình công tác thực thi Lộ trình kinh tế mạng và số APEC (AIDER), Đi lại an toàn, Kinh tế sinh học-tuần hoàn-xanh (BCG), cải cách tại các ủy ban và công tác chuẩn bị cho Tuần lễ Cấp cao APEC 2022 vào tháng 11 năm nay.
Về hội nhập kinh tế khu vực, các SOM tập trung thảo luận nỗ lực, ủng hộ và thúc đẩy thực hiện các kết quả của Hội nghị Bộ trưởng WTO lần thứ 12, bao gồm các vấn đề đang được thảo thuận tại WTO như thông qua Hiệp định về trợ cấp thuỷ sản, cải cách WTO, thương mại và y tế, nông nghiệp... Hội nghị nhấn mạnh APEC là diễn đàn phù hợp để các nền kinh tế thúc đẩy thảo luận/hợp tác thể hiện ủng hộ mạnh mẽ đối với hệ thống thương mại đa phương mà WTO là trung tâm. Bên cạnh đó, các thành viên cũng thảo luận và đóng góp ý kiến đối với đề xuất của chủ nhà Thái Lan về Kế hoạch hoạt động hiện thực hóa Hiệp định thương mại tự do khu vực châu Á Thái Bình Dương. Đề xuất này được kỳ vọng sẽ thúc đẩy hợp tác hiện thực hoá FTAAP trong bối cảnh hội nhập khu vực mạnh mẽ với các Hiệp định thương mại tự do lớn, toàn diện đã đi vào thực thi như CPTPP, RCEP.
Sau hai năm tác động của đại dịch Covid 19, chủ nhà APEC 2022 - Thái Lan - cũng thúc đẩy thảo luận về đi lại thuận lợi và an toàn. Hội nghị ghi nhận các kết quả đạt được của Nhóm Đặc trách về Đi lại an toàn và các khuyến nghị được đưa ra đối với các nền kinh tế nhằm tạo thuận lợi cho việc di chuyển của doanh nhân và người dân trong khu vực.
Năm 2022, chủ nhà APEC, Thái Lan đưa ra sáng kiến thúc đẩy mô hình Nền kinh tế Sinh học - Tuần hoàn - Xanh (BCG) và xây dựng Mục tiêu Băng - cốc về Mô hình BCG. Tại Hội nghị SOM 3, các thành viên đã thảo luận Mục tiêu Băng-cốc về BCG và mong muốn tài liệu sẽ là một trong những kết quả hợp tác quan trọng của năm APEC 2022.
Hội nghị cũng thảo luận về công tác chuẩn bị cho Tuần lễ Cấp cao APEC 2019 (dự kiến được tổ chức từ ngày 14 đến ngày 19 tháng 11 năm 2022, tại Băng - cốc). Hội nghị SOM 3 là bước chuẩn bị quan trong trước thềm Tuần lễ Cấp cao APEC 2022 với nhiều nội dung và văn kiện quan trọng đã được thảo luận và thông qua tại Hội nghị.