sct

Bảo đảm an ninh thông tin trong chuyển đổi số

Thứ sáu - 18/08/2023 14:16
Cùng với sự phát triển của khoa học, kỹ thuật và công nghệ, sự bùng nổ của internet, quá trình chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ tại Việt Nam đã tạo nên sự thay đổi đồng bộ về nhận thức và hành vi của cả cộng đồng. Không thể phủ nhận những lợi ích to lớn mà chuyển đổi số đem lại cho xã hội hiện đại, tuy nhiên nguy cơ mất an ninh thông tin cũng đang đặt ra nhiều thách thức, đòi hỏi công tác bảo đảm an ninh thông tin trong quá trình chuyển đổi số cần được đặc biệt chú trọng.

Chuyển đổi số là xu hướng của nhiều quốc gia trên thế giới, nhằm tạo sự liên thông, kết nối liền mạch các dữ liệu và giúp khai thác dữ liệu dễ dàng, có tính thống nhất, xuyên suốt trong phạm vi quốc gia và từng địa phương. Tại Việt Nam, ngày 3/6/2020 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 749/QÐ-TTg phê duyệt "Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030" nhằm mục tiêu kép là vừa phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, vừa hình thành các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam có năng lực đi ra toàn cầu; đó là cơ sở quan trọng để Việt Nam sẽ trở thành "quốc gia số, ổn định và thịnh vượng...".

Tuy nhiên, gắn liền với chuyển đổi số là yêu cầu về an ninh thông tin để quản trị rủi ro an toàn thông tin mạng, quản trị rủi ro an toàn số.

Thực tế cho thấy, vấn đề an ninh thông tin đang được đặt ra tại mọi lĩnh vực của đời sống xã hội và trở thành một bộ phận quan trọng của an ninh quốc gia. Tầm quan trọng của công tác bảo đảm an ninh thông tin luôn được khẳng định là nhiệm vụ cấp thiết trong tiến trình phát triển của mỗi quốc gia.

Ở Việt Nam, trước tốc độ phát triển mạnh mẽ về công nghệ thông tin, những yêu cầu về bảo đảm an ninh thông tin trên không gian mạng đã được đặt ra. Ngày 12/6/2018, Việt Nam đã ban hành Luật An ninh mạng, trong đó xác định hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia bao gồm:

a) Hệ thống thông tin quân sự, an ninh, ngoại giao, cơ yếu;
) Hệ thống thông tin lưu trữ, xử lý thông tin thuộc bí mật nhà nước;
c) Hệ thống thông tin phục vụ lưu giữ, bảo quản hiện vật, tài liệu có giá trị đặc biệt quan trọng;
d) Hệ thống thông tin phục vụ bảo quản vật liệu, chất đặc biệt nguy hiểm đối với con người, môi trường sinh thái; đ) Hệ thống thông tin phục vụ bảo quản, chế tạo, quản lý cơ sở vật chất đặc biệt quan trọng khác liên quan đến an ninh quốc gia;
e) Hệ thống thông tin quan trọng phục vụ hoạt động của cơ quan, tổ chức ở trung ương;
g) Hệ thống thông tin quốc gia thuộc lĩnh vực năng lượng, tài chính, ngân hàng, viễn thông, giao thông vận tải, tài nguyên và môi trường, hóa chất, y tế, văn hóa, báo chí;
h) Hệ thống điều khiển và giám sát tự động tại công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia, mục tiêu quan trọng về an ninh quốc gia (Khoản 2, Ðiều 10).

Trên thực tế, những năm gần đây, hệ thống thông tin ở Việt Nam luôn được tập trung phát triển mạnh mẽ, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu thông tin của xã hội, phục vụ đắc lực các hoạt động lãnh đạo, quản lý của Ðảng và Nhà nước, bảo đảm quốc phòng, an ninh cho đất nước. Việt Nam đang đẩy mạnh các chương trình, chiến lược chuyển đổi số. Trên nền tảng số quốc gia là một khối lượng dữ liệu khổng lồ và hết sức quan trọng như thông tin cá nhân người dùng, hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, hệ thống tài liệu nội bộ của cơ quan Nhà nước...; góp phần to lớn trong phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại của đất nước.

Tuy nhiên, thực tế chuyển đổi số cũng đặt ra nhiều thách thức bởi lẽ khi toàn bộ hoạt động của con người được chuyển lên môi trường mạng thì chỉ cần một sự cố an ninh thông tin nghiêm trọng có thể làm cản trở chương trình chuyển đổi số của cả một ngành, một địa phương hay một doanh nghiệp cũng như đe dọa gây ra hậu quả khó lường.

Ở Việt Nam, trung bình mỗi người hoạt động trực tuyến khoảng 7-8 tiếng. Thời gian này càng gia tăng thì nguy cơ mất an ninh thông tin mạng lại càng cao hơn. Nhất là trong bối cảnh tình hình an ninh thông tin ở Việt Nam đã và đang có những diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều rủi ro và nguy cơ đối với an ninh con người, an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội.

Hiện nay ở Việt Nam, công tác bảo đảm an ninh thông tin dù đã được chú trọng tuy nhiên có lúc, có nơi vẫn còn tình trạng chủ quan, chưa quan tâm đúng mức, còn nhiều thiếu sót, sơ hở, rất dễ để các đối tượng cơ hội lợi dụng gây nguy cơ mất an ninh thông tin, lộ, lọt bí mật nhà nước. Một số cơ quan, đơn vị, ban, ngành nắm giữ hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia nhưng kỹ năng, ý thức bảo vệ bí mật, an ninh thông tin của một số phòng, ban, cá nhân còn hạn chế. Cả nước hiện nay có 3.078 hệ thống thông tin trong các cơ quan nhà nước, trong đó, mới chỉ 1.846 (60%) hệ thống được xác định cấp độ an toàn, 201 (6,5%) hệ thống thông tin đáp ứng yêu cầu bảo đảm an toàn theo cấp độ. Chưa kể, sự tụt hậu về công nghệ, sự phụ thuộc vào đối tác nước ngoài, nhất là phần mềm hệ thống, dịch vụ mạng xã hội… tại một số nơi cũng đáng báo động nguy cơ mất chủ quyền nội dung số, tài nguyên thông tin của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp và của quốc gia.

Trong khi đó, từ bên ngoài, các nhóm tin tặc, tổ chức tội phạm không ngừng thực hiện các chiến dịch tấn công mạng tự phát, đơn lẻ và quy mô lớn nhằm vào hạ tầng công nghệ thông tin trọng yếu của các quốc gia. Thực tế này đang tiềm ẩn không ít nguy cơ đe dọa gây tê liệt, gián đoạn hoạt động lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, quản lý kinh tế-xã hội của các cơ quan Nhà nước. Các thế lực thù địch, phản động cũng tăng cường hoạt động tình báo, gián điệp mạng, khủng bố mạng, kêu gọi tài trợ khủng bố, tội phạm mạng, tán phát tin giả, tin xấu, độc hại, lợi dụng mạng xã hội để xuyên tạc Cương lĩnh, đường lối, chủ trương, chính sách của Ðảng, pháp luật của Nhà nước, phủ nhận nền tảng tư tưởng của Ðảng nhằm tác động chính trị nội bộ, can thiệp, hướng lái chính sách, pháp luật của Việt Nam.

Theo thống kê của Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an), giai đoạn 2010-2021, các thế lực thù địch, phần tử xấu đã, đang sử dụng 8.784 web, blog có tên miền nước ngoài; 381 web, blog có tên miền trong nước thường xuyên đăng tải thông tin xấu, độc chống phá Ðảng, Nhà nước Việt Nam.

Các cơ quan chức năng đã phát hiện 279 vụ sử dụng internet xâm phạm an ninh quốc gia, đấu tranh với hơn 200 đối tượng; xử lý 140 đối tượng. Ðáng chú ý, trong đó có 219 vụ kích động biểu tình trên không gian mạng; 138 hội, nhóm trá hình hoạt động trên không gian mạng; 45.498 lượt cổng thông tin, trang tin điện tử có tên miền ".vn" bị tấn công, trong đó có 2.113 lượt tấn công các cổng thông tin, trang tin điện tử của cơ quan Ðảng, Nhà nước, gây ra những hậu quả nghiêm trọng...

Bảo đảm an ninh thông tin trong quá trình chuyển đổi số không chỉ là trách nhiệm của Nhà nước, của các cơ quan chức năng mà còn là nghĩa vụ, trách nhiệm của mỗi công dân vì đó cũng là cách để chúng ta tự bảo vệ lợi ích của chính mình.

Ðể làm tốt nhiệm vụ này, thời gian tới, các cơ quan chức năng cần tăng cường giáo dục, bồi dưỡng, tuyên truyền, phổ biến cho cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân các nguy cơ, yếu tố đe dọa, gây mất an ninh thông tin; nâng cao ý thức cho mỗi tổ chức, cá nhân trong sử dụng các dịch vụ thông tin, nhất là những dịch vụ do nước ngoài cung cấp, có năng lực nắm bắt các thủ đoạn tấn công mạng và cách thức xử lý như bị cài, gắn vào máy tính cá nhân, bị lấy tài khoản và mật khẩu; bị đánh cắp dữ liệu cá nhân; bị tấn công bằng mã độc… Người dùng cần nghiên cứu kỹ trước khi like và share các thông tin, bài viết, đường link, nếu có nghi ngờ phải kiểm tra lộ, lọt thông tin cá nhân qua Trung tâm xử lý tấn công mạng Việt Nam, tạo khả năng tự vệ, "miễn dịch" trước thông tin giả, xấu, độc hại.

Nhà nước cần xây dựng kế hoạch có tầm chiến lược về nội dung nhận diện các nguy cơ, thách thức gây mất an ninh thông tin và trách nhiệm, nghĩa vụ trong bảo đảm an ninh thông tin vào hệ thống giáo dục quốc dân để bảo đảm toàn dân đều am hiểu, nắm bắt được yêu cầu bảo đảm an ninh thông tin thời kỳ chuyển đổi số; tập trung xây dựng, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về bảo đảm an ninh thông tin, tạo cơ sở pháp lý vững chắc bảo đảm sự an toàn, tin cậy trong quá trình chuyển đổi số, quản lý hoạt động của các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân cung cấp dịch vụ thông tin xuyên biên giới vào Việt Nam...

Nguồn tin: Báo Nhân dân

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Việc làm Bình Phước
Công báo Chính phủ
DVC Quốc gia
Ecom Binh Phuoc
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập2,871
  • Hôm nay261,921
  • Tháng hiện tại5,977,784
  • Tổng lượt truy cập489,841,222
ỨNG DỤNG
1 bp today
3 dhtn
2 ioffice
4 congbao
Portal_Ispeed
sổ tay đảng viên
Tạp chi
KQ TTHC
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây