Hoc tap bac

Bình Phước: Khắc phục lỗ hổng quy định pháp luật trong an toàn lao động

Thứ tư - 14/08/2024 10:25
Tai nạn lao động không chỉ gây ra những tổn thất về người mà còn ảnh hưởng nặng nề đến đời sống kinh tế, xã hội. Quy định về an toàn lao động thì đã có nhưng khâu thực thi còn nhiều bất cập.

Tính đến ngày 13/8, trên địa bàn tỉnh Bình Phước đã xảy ra 14 vụ tai nạn lao động nghiêm trọng, gây thiệt hại lớn về người và tài sản trong năm 2024. Đằng sau các vụ việc này là những câu hỏi đặt ra về công tác quản lý, kiểm soát nguy cơ rủi ro, cũng như bảo đảm an toàn lao động.
Ảnh hưởng từ tai nạn lao động
Gần 10 ngày trôi qua, những đồng nghiệp của anh Nguyễn Văn T. (42 tuổi, trú Tp.Đồng Xoài) và anh Nguyễn Văn Th. (32 tuổi, quê tỉnh Quảng Bình), 2 nạn nhân không may qua đời do bị nổ lò hơi tại Công ty TNHH LC Buffalo xảy ra ngày 5/8, vẫn còn chìm trong bàng hoàng, không thể tin nổi sự thật đau lòng ấy.

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước Trần Tuệ Hiền thăm hỏi động viên thân nhân gia đình anh Nguyễn Văn T. (42 tuổi, trú Tp. Đồng Xoài) là nạn nhân không may qua đời do bị nổ lò hơi tại Công ty TNHH LC Buffalo xảy ra ngày 5/8.

Anh Phạm Ngọc Lương, nhân viên thợ điện Công ty TNHH LC Buffalo kể lại, lúc đó khoảng hơn 7h30 sáng mùng 5/8, anh và nhiều công nhân khác đang làm việc trong công ty thì nghe tiếng nổ lớn ở khu vực có lò hơi, sau đó ngọn lửa bùng cháy. 
Trong tích tắc, ngọn lửa và khói đã bao trùm toàn bộ khu vực nhà xưởng của công ty. Lúc này một số công nhân đã dùng vật dụng tại chỗ và nước đến dập lửa nhưng bất thành. Thời điểm này, có anh Đạt (SN 1993) đã liều mình lao vào đám cháy để ứng cứu đồng nghiệp, bị ngạt khói, may mắn được lực lượng PCCC cứu ra ngoài, chuyển đến bệnh viện cấp cứu kịp thời.
Trao đổi với PV Người Đưa Tin, bà Phạm Thị Mai Hương, Phó Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Phước cho biết, tính đến ngày 12/8, trên địa bàn tỉnh Bình Phước đã xảy ra 14 vụ tai nạn lao động nghiêm trọng. Trong đó, có 12 vụ tai nạn lao động, làm chết 13 người. Đặc biệt vụ tai nạn lao động tại Công ty Buffalo (Khu công nghiệp Bắc Đồng Phú B) là nghiêm trọng nhất.
Theo bà Hương, thực tế cho thấy, hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật của nước ta về bảo đảm an toàn lao động cơ bản đồng bộ, lỗ hổng chủ yếu đến từ khâu thực thi. 
Nhiều doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp nhỏ và vừa, cơ sở sản xuất, kinh doanh chạy theo lợi nhuận mà bỏ qua việc đầu tư cải thiện môi trường làm việc, chưa coi trọng công tác huấn luyện an toàn lao động hoặc có tổ chức nhưng mang tính hình thức, không đầy đủ nội dung và thời gian quy định, không sát với thực tiễn, chưa tập trung vào người lao động, công việc họ làm, kỹ năng xử lý, biện pháp cụ thể làm việc an toàn.
Điều đáng lo ngại nữa là một bộ phận người lao động chủ quan, ý thức kém, thường xuyên vi phạm quy định về bảo đảm an toàn, không sử dụng phương tiện bảo vệ cá nhân trong quá trình lao động.
Nâng cao trách nhiệm của doanh nghiệp để hạn chế tai nạn lao động
Mặc dù công tác thanh tra, kiểm tra đã được đẩy mạnh, thế nhưng phải thẳng thắn nhìn nhận việc làm này có lúc chưa thường xuyên, chưa thực sự triệt để dẫn đến các vi phạm về an toàn lao động chưa được phát hiện, xử lý kịp thời.

Một vụ tai nạn lao động tại công ty chuyên sản xuất ván ép (phường Hưng Long, Tx. Chơn Thành) khiến nam công nhân bị cuốn vào máy trộn khi đang làm việc, tử vong ngày 23/5/2024.

Để phòng ngừa, hạn chế tai nạn lao động, bà Phạm Thị Mai Hương, Phó Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Phước cho biết, thanh tra Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Phước đã đề nghị UBND các huyện, thành phố thường xuyên thực hiện thanh tra, kiểm tra, hướng dẫn đối với các tổ chức, cá nhân trong việc chấp hành những quy định về an toàn, vệ sinh lao động khi thuê mướn lao động thực hiện công việc thuộc các lĩnh vực có nhiều nguy cơ xảy ra tai nạn, sự cố nghiêm trọng. 
Đồng thời, Sở cũng đề nghị cơ quan công an xử lý nghiêm theo quy định pháp luật hình sự đối với các trường hợp vi phạm về an toàn lao động nghiêm trọng, nhất là các tổ chức, doanh nghiệp không tuân thủ các biện pháp đảm bảo an toàn trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh.
Tăng cường công tác tuyên truyền về bảo đảm an toàn và giám sát, kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm là việc cần thực hiện quyết liệt, hiệu quả hơn nữa để ngăn ngừa tai nạn lao động. Điều quan trọng mang tính chất nền tảng xuất phát từ nhận thức, hành động của người lao động và người sử dụng lao động. Tự trang bị kiến thức bảo vệ bản thân, đấu tranh cho quyền được bảo đảm an toàn là điều người lao động cần đặt lên hàng đầu trong quá trình làm việc. 
Khắc phục lỗ hổng quy định an toàn lao động
Để khắc phục những lỗ hổng quy định về an toàn lao động trên địa bàn tỉnh Bình Phước, bà Phạm Thị Mai Hương, Phó Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Phước cho biết về cơ chế, chính sách:
Cần hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật về an toàn vệ sinh lao động: Luật An toàn vệ sinh lao động và các văn bản dưới luật như Nghị định, Thông tư quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành các quy định của pháp luật về an toàn vệ sinh lao động; Sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ các văn bản quy phạm pháp luật không còn phù hợp với điều kiện thực tế. Hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật quy định về cơ cấu tổ chức, hoạt động của các đoàn thanh tra, kiểm tra chuyên ngành, liên ngành về an toàn lao động.

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước Trần Tuệ Hiền có mặt tại hiện trường vụ nổ lò hơi dẫn đến 2 người tử vong tại Công ty TNHH LC Buffalo thuộc Khu công nghiệp Bắc Đồng Phú B, để chỉ đạo các lực lượng nhanh chóng điều tra làm rõ nguyên nhân vụ tai nạn.

Có chính sách khuyến khích các doanh nghiệp sử dụng, chuyển giao, nhập khẩu những hệ thống công nghệ hiện đại, an toàn; không cho nhập khẩu đối với những công nghệ đã lạc hậu, mất an toàn, gây ảnh hưởng môi trường lao động.
Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao về kỹ năng, kiến thức về an toàn vệ sinh lao động cho lực lượng lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao của các doanh nghiệp, cho lực lượng giảng viên an toàn vệ sinh lao động và cho đội ngũ cán bộ làm công tác thanh tra, kiểm tra về an toàn vệ sinh lao động của tỉnh nói riêng và cả nước nói chung.
Tăng cường kinh phí thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật, kỹ năng về an toàn vệ sinh lao động cho người sử dụng lao động và người lao động. Đưa nội dung huấn luyện an toàn vệ sinh lao động thành một học phần chính trong các chương trình đào tạo nguồn nhân lực để trang bị cho người lao động kiến thức, kỹ năng cơ bản về an toàn vệ sinh lao động khi bắt đầu làm việc.
Tăng mức bồi thường của người sử dụng lao động cho người lao động bị tai nạn lao động nếu tai nạn lao động xảy ra nguyên nhân có lỗi của người sử dụng lao động, không tuân thủ các quy định của pháp luật về an toàn vệ sinh lao động. Sửa đổi, nâng mức phạt đối với các hành vi, vi phạm pháp luật về an toàn vệ sinh lao động của doanh nghiệp và người lao động nhằm xử lý, răng đe, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật về an toàn vệ sinh lao động.
Giải pháp đối với các cơ quan quản lý nhà nước: Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức và ý thức tuân thủ pháp luật về an toàn vệ sinh lao động của người sử dụng lao động và người lao động, đưa văn hóa an toàn vào doanh nghiệp.
Tăng cường tần suất thanh tra, kiểm tra, giám sát việc tuân thủ pháp luật về an toàn vệ sinh lao động để kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về an toàn vệ sinh lao động, đồng thời cũng để hướng dẫn các doanh nghiệp thực hiện đúng và đầy đủ các quy định của pháp luật về an toàn vệ sinh lao động.
Định kỳ tổ chức các hội nghị, tọa đàm với sự tham gia của người sử dụng lao động, tổ chức đại diện người lao động (Công đoàn) về công tác an toàn vệ sinh lao động trong doanh nghiệp để kịp thời tiếp thu những phản ánh, những khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp và người lao động trong việc tuân thủ pháp luật về an toàn vệ sinh lao động nhằm có những giải pháp giải quyết theo thẩm quyền hoặc trình cơ quan có thẩm quyền giải quyết.
Giải pháp đối với doanh nghiệp, phải thực hiện đúng và đầy đủ các quy định của pháp luật về an toàn vệ sinh lao động, cụ thể như: Trang bị, cấp phát đầy đủ, đúng chủng loại phương tiện bảo vệ cá nhân cho người lao động. Huấn luyện an toàn vệ sinh lao động cho người lao động trước khi giao việc theo đúng quy định về nội dung huấn luyện, thời gian huấn luyện, kiểm tra sát hạch sau huấn luyện.
Xây dựng, niêm yết các quy trình vận hành an toàn, quy trình xử lý sự cố của các hệ thống, các máy, thiết bị. Tổ chức huấn luyện cho người lao động làm việc tại các khu vực này thành thạo các kỹ năng vận hành an toàn và các kỹ năng xử lý khi có sự cố xảy ra.
Định kỳ hàng tháng, hàng quý doanh nghiệp phải tổ chức tự kiểm kiểm tra về an toàn vệ sinh lao động của các nhà, xưởng sản xuất, các máy, thiết bị; Tiến hành khắc phục, sửa chữa các sự cố hỏng hóc, các sự cố có thể gây mất an toàn trước khi đưa vào sử dụng.
Thực hiện kiểm định lần đầu các thiết có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động trước khi đưa vào sử dụng, định kỳ tổ chức kiểm định theo đúng quy định.
Chia sẻ với PV, bà Phan Thị Vân, Phó Giám đốc Trung tâm trợ giúp Pháp lý Nhà nước tỉnh Bình Phước cho biết, Theo các quy định của Bộ luật Lao động năm 2019 và Luật An toàn, vệ sinh lao động năm 2015 thì người sử dụng lao động có các trách nhiệm trong việc bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc như sau: Các trách nhiệm chung của người sử dụng lao động về bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động. Người sử dụng lao động phải thông tin, tuyên truyền, giáo dục về an toàn, vệ sinh lao động, các yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại và các biện pháp bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc cho người lao động; hướng dẫn quy định về an toàn, vệ sinh lao động cho người đến thăm, làm việc tại cơ sở của mình.
Người sử dụng lao động tổ chức huấn luyện cho người lao động làm công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động và cấp thẻ an toàn trước khi bố trí làm công việc này. Người sử dụng lao động tự tổ chức huấn luyện và chịu trách nhiệm về chất lượng huấn luyện về an toàn, vệ sinh lao động cho người lao động không thuộc đối tượng theo quy định kể cả người học nghề, tập nghề, người thử việc trước khi tuyển dụng hoặc bố trí làm việc và định kỳ huấn luyện lại nhằm trang bị đủ kiến thức, kỹ năng cần thiết về bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động trong quá trình lao động, phù hợp với vị trí công việc được giao.
Các trách nhiệm của người sử dụng lao động trong việc bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc: Bảo đảm nơi làm việc phải đạt yêu cầu về không gian, độ thoáng, bụi, hơi, khí độc, phóng xạ, điện từ trường, nóng, ẩm, ồn, rung, các yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại khác được quy định tại các quy chuẩn kỹ thuật liên quan và định kỳ kiểm tra, đo lường các yếu tố đó; bảo đảm có đủ buồng tắm, buồng vệ sinh phù hợp tại nơi làm việc theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế. Đây là trách nhiệm đảm bảo môi trường làm việc an toàn, vệ sinh theo quy chuẩn tối thiểu theo quy định của pháp luật có liên quan.
 

Nguồn tin: Báo Người đưa tin: https://www.nguoiduatin.vn/binh-phuoc-khac-phuc-lo-hong-quy-dinh-phap-luat-trong-an-toan-lao-dong-2042408131028461.htm

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Việc làm Bình Phước
DVC Quốc gia
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập1,417
  • Hôm nay186,490
  • Tháng hiện tại6,899,354
  • Tổng lượt truy cập490,762,792
sldtbxh_cchc
sổ tay đảng viên
Tạp chi
KQ TTHC
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây