Hoc tap bac

Nhìn lại 5 năm thực hiện Pháp lệnh ưu đãi Người có công với cách mạnh trên địa bàn tỉnh Bình Phước

Thứ hai - 16/07/2018 14:48
Năm 2013, đánh dấu sự thay đổi lớn về chính sách người có công với sự ra đời của Pháp lệnh số 04/2012/UBTVQH13 ngày 16/7/2012 của Ủy ban thường vụ Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng.
Toàn cảnh lễ kỷ niệm 70 năm ngày TBLS
Toàn cảnh lễ kỷ niệm 70 năm ngày TBLS
          Căn cứ vào Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 31/2013/NĐ-CP ngày 15/4/2013 quy định chi tiết hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng. Cũng trong giai đoạn này hàng loạt các chính sách về chế độ ưu đãi đối với người có công như: Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg ngày 26/4/2013 của Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở; Chỉ thị số 23/CT-TTg ngày 27/10/2013 về tổng rà soát việc thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng trong 2 năm 2014-2015; Thông tư liên tịch số 28/2013/TTLT-BLĐTBXH-BQP ngày 22/10/2013 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội và Bộ Quốc phòng hướng dẫn xác nhận liệt sĩ, thương binh, người hưởng chính sách như thương binh trong chiến tranh không còn giấy tờ. 
 

Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Trần Tuệ Hiền 
tiễn đưa anh linh hài cốt liệt sĩ về nơi an nghỉ

          Với nhiều chính sách ưu đãi người có công với cách mạng được sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện trong giai đoạn này, Ủy ban nhân dân tỉnh đã chỉ đạo các ban, ngành liên quan tổ chức triển khai thực hiện đạt được những kết quả đáng khích lệ, cụ thể là:
           1. Tình hình triển khai, thi hành Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng
          Ủy ban nhân dân tỉnh đã chỉ đạo các ban, ngành liên quan tuyên truyền sâu rộng đến các huyện, thị xã, các xã, phường, thị trấn và đến từng thôn, ấp và người dân. Thông qua các phương tiện thông tin đại chúng như: Báo Bình Phước, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, tăng cường công tác tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đến các tầng lớp nhân dân để người dân hiểu rõ, hiểu đúng và tích cực thực hiện cũng như giám sát nhằm hạn chế được tiêu cực. Ngoài ra, các sở, ngành, đơn vị lực lượng vũ trang, hội đoàn thể cũng đã tích cực tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đến cán bộ, chiến sỹ và hội viên; đồng thời vận động cán bộ, chiến sỹ và hội viên quan tâm đến việc chăm lo các gia đình chính sách, gia đình có công với cách mạng.

Đại biểu dự Lễ kỹ niệm 70 năm ngày Thương binh liệt sỹ (27/7/2017 – 27/7/2017)
 và Biểu dương Người có công tiêu biểu tỉnh Bình Phước

 
           Song song công tác tuyên truyền, UBND tỉnh cũng hoàn thiện các văn bản để triển khai thực hiện các chính sách mới để đi vào đời sống xã hội như: Kế hoạch số 86/KH-UBND ngày 15/4/2014 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc triển khai thực hiện chương trình Tổng rà soát đối tượng chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng trong 2 năm 2014-2015; Quyết định số 902/QĐ-UBND ngày 07/5/2014 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc thành lập Ban rà soát thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng; Công văn số 1447/UBND-VX ngày 09/5/2013 về việc thực hiện Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg ngày 26/4/2013 của Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ người có công với cách mạng khó khăn về nhà ở; Công văn số 2011/UBND-VX ngày 26/6/2013 của UBND tỉnh về việc tập huấn công tác chính sách người có công; Công văn số 4323/UBND-VX ngày 25/12/2013 của UBND tỉnh về việc triển khai, hướng dẫn lập hồ sơ, thủ tục xác nhận liệt sỹ, thương binh không còn giấy tờ theo quy định tại Thông tư liên tịch số 28/2013/TTLT-BLĐTBXH-BQP ngày 22/10/2013 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội và Bộ Quốc phòng; Công văn số 44/UBND-VX  ngày 07/4/2014 của UBND tỉnh về việc xét tặng, truy tặng Danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam Anh hùng” v.v… Đồng thời, để việc tuyên truyền đạt được hiệu quả cao, cũng như để các cán bộ thực hiện chính sách ưu đãi người có công kịp thời được nắm bắt các văn bản mới để thực hiện, Ủy ban nhân dân tỉnh đã giao Sở Lao động – Thương binh và Xã hội chủ trì phối hợp với các sở, ngành liên quan tổ chức tập huấn, cấp phát các tài liệu hướng dẫn thực hiện các chính sách về người có công cho các cán bộ huyện, thị xã và các cán bộ làm công tác thương binh và xã hội tại các xã, phường, thị trấn trong tỉnh.
 
Đồng chí Nguyễn Văn Lợi- Bí thư Tỉnh ủy, đồng chí Nguyễn Văn Trăm- Chủ tịch UBND tỉnh
trao Huân chương Độc lập hạng Ba của Chủ tịch nước cho 8 gia đình có công tiêu biểu

              2. Thực hiện quản lý nhà nước về công tác ưu đãi người có công
          * Công tác kiện toàn tổ chức bộ máy, biên chế thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về ưu đãi người có công

            Để việc thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về ưu đãi người có công được kịp thời, đồng bộ và xuyên suốt từ cấp tỉnh đến cấp huyện, thị xã và cấp xã, phường, thị trấn. Ủy ban nhân dân tỉnh đã kiện toàn tổ chức bộ máy, biên chế thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về ưu đãi người công, cụ thể như sau:
          - Cấp tỉnh: Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội được Ủy ban nhân dân tỉnh giao nhiệm vụ tham mưu, chỉ đạo việc triển khai, thực hiện công tác chính sách người có công trên địa bàn tỉnh. Tại Sở Lao động – Thương binh và Xã hội thành lập Phòng Người có công bố trí 5 biên chế phụ trách việc tham mưu và thực hiện chính sách người có công. Bên cạnh đó các sở, ngành liên quan như: Sở Nội vụ, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Công an tỉnh cũng bố trí cán bộ chuyên môn phụ trách tham mưu, giải quyết công tác chính sách người có công trong tỉnh.
           - Cấp huyện: Trưởng phòng Lao động – Thương binh và Xã hội là người trực tiếp tham mưu, chỉ đạo việc triển khai thực hiện công tác chính sách người có công trên địa bàn huyện, thị xã. Tại các Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội huyện, thị xã mỗi phòng bố trí một cán bộ chuyên trách thực hiện công tác chính sách người có công.
            - Cấp xã, phường, thị trấn: hiện tại tỉnh Bình Phước có 111 xã, phường, thị trấn, mỗi xã, phường, thị trấn đều bố trí một cán bộ phụ trách công tác người có công.
           Cán bộ thực hiện công tác chính sách người có công phần lớn đều trẻ tuổi năng động, nhiệt huyết với công việc, nắm bắt nhanh các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đặc biệt là thực hiện công tác chuyên môn; luôn luôn gần gũi, quan tâm tới đời sống của các gia đình chính sách người có công. Vì vậy, việc triển khai và thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đối với người có công luôn được giải quyết kịp thời và bảo đảm. Công tác giải quyết hồ sơ nhanh gọn và chính xác không gây phiền hà cho người có công và thân nhân người có công đến giải quyết công việc.
             Tuy nhiên, hiện nay thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 tại hội nghị lần thứ sáu của Ban chấp hành Trung ương khóa XII về một số vấn đề tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả nên số biên chế tại các cơ quan, đơn vị giảm, đặc biệt là ở cấp huyện và cấp xã, phường, thị trấn, nên cán bộ phụ trách chính sách người có công phải kiêm nhiệm nhiều công việc khác nhau và tại một số xã cán bộ phụ trách công tác chính sách người có công thường xuyên biến động dẫn đến việc thực hiện chính sách người có công gặp nhiều khó khăn vì cán bộ kiêm nhiệm nhiều việc nên việc nghiên cứu các văn bản mới liên quan đến công tác chuyên môn còn nhiều hạn chế, nắm bắt đời sống người có công chưa kịp thời chính vì thế mà trong quá trình giải quyết hồ sơ về bảo hiểm y tế và mai táng phí đôi lúc còn chậm trễ.

 
Đoàn đại biểu Người có công tỉnh Bình Phước đi điều dưỡng tại Hà Tiên – Kiên Giang

            * Công tác phổ biến giáo dục Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước
          Sau khi Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước được ban hành ngày 18/6/2009; Nghị định số 16/2010/NĐ-CP ngày 02/3/2010 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước và Thông tư số 03/2013/TT-BTP ngày 31/01/2013 của Bộ Tư pháp hướng dẫn thực hiện quản lý nhà nước về công tác bồi thường trong hoạt động quản lý hành chính được ban hành. Ủy ban nhân dân tỉnh luôn quan tâm chỉ đạo các sở, ban, ngành thực hiện tốt nhiệm vụ theo quy định và yêu cầu các sở, ban, ngành và các huyện, thị xã nâng cao nhận thức của đội ngũ cán bộ công chức trên địa bàn tỉnh trong việc áp dụng thi hành hệ thống pháp luật thực hiện đúng vai trò trách nhiệm của mình trong công tác bồi thường nhà nước.
             Hàng năm, công tác tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp cụ quản lý nhà nước về giải quyết bồi thường luôn được địa phương quan tâm thực hiện. Việc tập huấn, bồi dưỡng được lồng ghép vào các chương trình đào tạo, tập huấn cán bộ, công chức. Thông qua đó giúp đội ngũ cán bộ, công chức có thể nắm bắt được các quy định của Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, nhận thức được ý nghĩa, vai trò của Luật TNBTCNN cũng như trách nhiệm giải quyết bồi thường khi phát sinh yêu cầu bồi thường của nhà nước. Đội ngũ cán bộ, công chức luôn ý thức nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cũng như nhận thức việc ứng sử phù hợp với các quy định của pháp luật, các giá trị đạo đức truyền thống của người Việt Nam trong khi thi hành công vụ, đặc biệt là việc tiếp công dân, luôn có thái độ ân cần, niềm nở, giúp đỡ hướng dẫn một cách tận tình. Việc nắm bắt được quy định của Luật TNBTCNN đã giúp cán bộ công chức nâng cao được trách nhiệm khi thi hành công vụ, hạn chế mức thấp nhất thiệt hại không cần thiết có khả năng sảy ra cho người có công khi thi hành công vụ.
           Trong những năm qua, trên lĩnh vực công tác về chính sách người có công tại tỉnh Bình Phước chưa để xảy ra sai sót dẫn đến các tổ chức, cá nhân yêu cầu bồi thường, vì vậy chưa thực hiện giải quyết bồi thường Nhà nước cho bất kỳ trường hợp nào trong tỉnh.

           * Công tác bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý Nhà nước và nghiệp vụ thực hiện chính sách ưu đãi người có công
           Chính sách đối với người có công ngày càng được hoàn thiện và đối tượng chính sách ngày càng bổ sung mới và tăng thêm. Đặc biệt, khi Pháp lệnh mới ra đời kéo theo một loạt văn bản hướng dẫn mới ra đời. Để cán bộ thực hiện chính sách người có công kịp thời nắm bắt và triển khai các văn bản mới liên quan đến chế độ chính sách người có công, Ủy ban nhân dân tỉnh đã giao Sở Lao động – Thương binh và Xã hội phối hợp với các Sở, ngành liên quan thực hiện công tác tập huấn, triển khai các văn bản mới tại tỉnh cho các cán bộ huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn trong các năm 2013, 2014 và 2016 với tổng số 746 lượt người tham gia. Ngoài ra, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội còn hỗ trợ Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội các huyện, thị xã tập huấn các chính sách cho 1.550 cán bộ huyện; xã, phường và thị trấn. Đảm bảo cán bộ phụ trách chính sách người có công kịp thời nắm bắt, triển khai các văn bản đến địa phương và thực hiện chính sách đảm bảo trên địa bàn tỉnh.
Đoàn đại biểu Người có công tỉnh Bình Phước đi dự Hội nghị toàn quốc
biểu dương Người có công tại Thành phố Hồ Chí Minh

            Pháp lệnh ưu đãi người có công số 04/2012/UBTVQH13 của Ủy ban thường vụ Quốc hội được ban hành ngày 16/7/2012 đã mở rộng phạm vi, đối tượng điều chỉnh, bổ sung chế độ ưu đãi, quy định điều kiện, tiêu chuẩn xác nhận người có công phù hợp với thực tiễn của các thời kỳ cách mạng khác nhau, quy định cụ thể trách nhiệm của từng ngành trong quản lý nhà nước về ưu đãi người có công. Tuy nhiên, việc ban hành các văn bản hướng dẫn còn chậm trễ chưa kịp thời: Pháp lệnh ưu đãi người có công được ban hành ngày 16/7/2012 nhưng phải đến ngày 9/4/2013 mới ban hành Nghị định số 31/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng. Việc chậm trễ trong quá trình ban hành văn bản hướng dẫn (chậm 9 tháng) nên việc thực hiện giải quyết chế độ ưu đãi người có công bị dán đoạn.
        Nghị định số 31/2013/NĐ-CP ngày 9/4/2013 của Chính phủ có hiệu lực từ ngày 01/6/2013 nhưng việc truy thu chế độ chất độc hóa học áp dụng thi hành kể từ ngày 01/01/2013, việc ban hành văn bản có tính hồi tố gây thiệt thòi cho đối tượng người có công đang hưởng trợ cấp, nên các đối tượng phản ánh, thắc mắc, kiến nghị kéo dài, đã ảnh hưởng tới an ninh, trật tự tại địa phương (việc điều chỉnh mức trợ cấp đối với người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học từ 2 mức, chuyển hưởng thành 4 mức tương ứng: mức 1 từ 81% trở lên; mức 2 từ 61% đến 80%; mức 3 từ 41% đến 60% và mức 4 từ 21% đến 40% và truy thu trợ cấp đối với những trường hợp bị giảm trợ cấp). Chính những bất cập, hạn chế này nên việc giải quyết chế độ chính sách cho người có công tại địa phương gặp nhiều khó khăn. Đối tượng bị truy thu trợ cấp thắc mắc, kiến nghị kéo dài.
              * Công tác hướng dẫn nghiệp vụ ưu đãi người có công
            Trên cơ sở các văn bản quy định thực hiện pháp luật và văn bản hướng dẫn về chính sách ưu đãi người có công, Ủy ban nhân dân tỉnh luôn quan tâm chỉ đạo đội ngũ cán bộ, công chức phụ trách công tác người có công phải luôn tuân thủ thực hiện đúng quy trình, trình tự theo các văn bản hướng dẫn, không được vụ lợi, hạch sách gây phiền hà cho người dân hoặc lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ để làm sai chế độ của người có công. Kết quả 05 năm triển khai thực hiện Pháp lệnh ưu đãi người có công, trên địa bàn tỉnh đã thực hiện hướng dẫn nghiệp vụ cho 333.575 lượt người, trong đó Hội Cựu chiến binh tổ chức tuyên truyền hướng dẫn cho 72 cơ sở hội với 8.200 lượt người; Hội Chữ thập đỏ tổ chức 4.235 cuộc với 310.231 lượt người; Hội Liên hiệp phụ nữ tổ chức 827 cuộc với 15.144 lượt người. Ngoài ra, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội đã hướng dẫn bằng văn bản và qua đơn thư cho hàng ngàn lượt người.

           Bên cạnh đó Báo Bình Phước, Đài phát thanh và Truyền hình còn mở các chuyên mục biểu dương gương người tốt, việc tốt, đơn vị, địa phương làm tốt công tác thương binh, liệt sỹ và những gương điển hình tiên tiến là thương binh, bệnh binh và thân nhân liệt sỹ vượt khó, làm kinh tế giỏi, qua đó các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đã đi vào cuộc sống đến tận vùng sâu, vùng xa giúp các đối tượng thuộc diện thụ hưởng nắm bắt để xác lập, giải quyết hồ sơ cho người có công.
 
Đoàn đại biểu Người có công tỉnh Bình Phước đi dự Hội nghị toàn quốc
biểu dương Người có công tại Thành phố Nha Trang – Tỉnh Khánh Hòa

 
               * Tình hình tuân thủ pháp luật về ưu đãi người có công
            Công tác triển khai thi hành Pháp lệnh ưu đãi người có công luôn được tỉnh quan tâm, coi trọng vì thế công tác chỉ đạo luôn kịp thời, đầy đủ và luôn tuân thủ đúng trình tự, hướng dẫn của các Nghị định, Thông tư hướng dẫn, Quyết định và các văn bản hướng dẫn chỉ đạo có liên quan trong việc thực hiện công tác chính sách người có công trên địa bàn tỉnh. Cán bộ, công chức từ cấp tỉnh, cấp huyện đến cấp xã phụ trách công tác chính sách người có công luôn chấp hành đúng theo quy định các văn bản hướng dẫn của cơ quan cấp trên; thực hiện đúng quy trình, trình tự giải quyết hồ sơ cho người dân; các hồ sơ giải quyết nhanh, kịp thời, không có tình trạng nhũng nhiễu, vụ lợi, hạch sách hoặc trục lợi chính sách.
               Hàng năm, UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành tham mưu việc rà soát các thủ tục hành chính theo từng năm, trên cơ sở đó những thủ tục rườm rà, chậm trễ đều được sửa đổi hoặc bãi bỏ. Tính đến nay, toàn tỉnh có 36 thủ tục hành chính liên quan đến lĩnh vực người có công được niêm yết, công khai tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của các cấp và cổng thông tin điện tử của ngành Lao động – Thương binh và Xã hội, chính vì thế mà các thủ tục hành chính luôn được công khai minh bạch, giải quyết nhanh gọn, tránh phiền hà cho đối tượng, cụ thể: đối với hồ sơ người hoạt động kháng chiến hưởng trợ cấp 1 lần, thờ cúng liệt sỹ và hồ sơ người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học thì tiếp nhận đến đâu, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội đều xem xét thực hiện kịp thời đến đó, những trường hợp sai sót, thiếu thủ tục thì có phiếu trả hoặc báo bổ sung hồ sơ gửi lại Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội  huyện thông báo cho đối tượng, không có hồ sơ tồn đọng tại cấp tỉnh.
               Để hướng dẫn và có những biện pháp khắc phục những tồn tại, thiếu sót khi thực hiện chính sách ưu đãi người có công. Trong năm qua, kể từ khi thực hiện, thi hành Pháp lệnh Người có công với cách mạng, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành thành lập các đoàn kiểm tra tại 45 xã, phường, thị trấn và 11 huyện, thị xã trên địa bàn tỉnh về công tác quản lý, chi trả cho đối tượng chính sách người có công với cách mạng. Qua đó, kịp thời phát hiện những tồn tại, thiếu sót của các đơn vị trong công tác quản lý, giải quyết hồ sơ và chi trả cho đối tượng chính sách người có công.
                 Trong 05 năm qua (từ năm 2013-2017) tỉnh đã tiếp nhận và giải quyết 24 đơn thư khiếu nại liên quan đến lĩnh vực người có công (trong đó, có 14 đơn thuộc thẩm quyền giải quyết của Thanh tra Sở Lao động – Thương binh và Xã hội). Kết quả đã xử lý và giải quyết được 12/ 14 trường hợp khiếu nại, tố cáo (2 trường hợp rút đơn trong quá trình giải quyết). Cũng qua công tác thanh tra, kiểm tra, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành quyết định ngưng và truy thu trợ cấp đối với 48 trường hợp hồ sơ người có công chưa đảm bảo tính pháp lý và xác lập hồ sơ không đúng theo quy định để hưởng chế độ chính sách của nhà nước với số tiền 2.789.857.800 đồng và chuyển 01 hồ sơ làm giả di vật, hài cốt liệt sỹ và giả con dấu cho cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh xử lý theo quy định của pháp luật.
Đoàn đại biểu Người có công tỉnh Bình Phước đi tham quan Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma
tại Thành phố Nha Trang – Tỉnh Khánh Hòa

                * Công tác phối hợp quản lý nhà nước về ưu đãi người có công
            Xác định được vai trò quan trọng của các chính sách người có công, chăm lo đời sống cho người có công, gia đình liệt sỹ là công tác quan trọng, thể hiện truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, “đền ơn đáp nghĩa” của dân tộc. Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành liên quan phối hợp chặt chẽ nhịp nhàng, việc thực hiện chính sách người có công luôn được kịp thời, đầy đủ, đời sống của người có công ngày càng được nâng cao. Từ năm 2013 đến năm 2017, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội đã phối hợp với Bộ Chỉ huy Quân sự, Công an tỉnh và Sở Nội vụ đã công nhận và giải quyết được 1.399 hồ sơ người có công; đã thẩm định, xét duyệt và trình Chủ tịch Nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam phong tặng và truy tặng cho 266 mẹ Việt Nam Anh hùng, đến nay đã hoàn thành cơ bản việc phong tặng và truy tặng Danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng”; tổ chức Lễ an táng theo nghi thức Nhà nước cho 514 liệt sỹ quân tình nguyện Việt Nam được quy tập tại vương quốc Campuchia và liệt sỹ được quy tập trong tỉnh về an táng tại nghĩa trang liệt sỹ tỉnh; phối hợp thực hiện, hỗ trợ xây mới và sửa chữa cho 646 căn (trong đó, xây mới 270 căn, sửa chữa 376 căn) cho đối tượng người có công khó khăn về nhà ở theo Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg. Ngoài ra, ngành Lao động – Thương binh và Xã hội đã thực hiện trợ cấp ưu đãi cho 3.825 em học sinh, sinh viên là con đối tượng chính sách người có công đang theo học tại các trường trung học, cao đẳng và đại học. Nhờ vậy, việc  thực hiện chính sách, chăm lo cho các đối tượng người có công và thân nhân người có công với cách mạng luôn được đáp ứng kịp thời và đúng thời gian quy định góp phần thực hiện tốt các tiêu chí phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

               Nhìn chung, Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng ban hành đã mở rộng phạm vi, đối tượng, bổ sung chế độ ưu đãi đối với người có công; qui định chế độ trợ cấp luôn gắn liền với lộ trình cải cách tiền lương, đạt yêu cầu tương ứng với mức tiêu dùng bình quân của toàn xã hội; qui định cụ thể trách nhiệm, thẩm quyền của các cơ quan chức năng trong quản lý Nhà nước về ưu đãi người có công. Trợ cấp ưu đãi người có công hàng tháng qua các năm đều có điều chỉnh thể hiện sự quan tâm, trách nhiệm của Nhà nước, nỗ lực đảm bảo nguồn lực tài chính chi cho lĩnh vực này. Chế độ ưu đãi người có công đã được xây dựng và thực hiện tương đối toàn diện, có những chính sách mới như: Thân nhân của người có công được nhà nước mua thẻ BHYT; chế độ điều dưỡng từ 05 năm một lần chuyển thành 02 năm một lần; người hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù, đày chuyển từ hưởng một lần sang hưởng hàng tháng v.v…; đặc biệt Nhà nước quan tâm đến việc hỗ trợ nhà ở cho người có công theo Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg. Bên cạnh đó, vấn đề xã hội hóa và phong trào chăm sóc người có công với cách mạng được đẩy mạnh, kế thừa và phát huy đạo lý tốt đẹp của dân tộc “uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ người trồng cây”, phong trào “đền ơn đáp nghĩa”, phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, chăm sóc người có công già yếu hoàn cảnh khó khăn tiếp tục được địa phương duy trì, đi vào chiều sâu, có hiệu quả thiết thực, góp phần ổn định chính trị - xã hội, làm nên nét đẹp, tính ưu việt của đời sống xã hội.

Tác giả: Đinh Quang Dũng

Tổng số điểm của bài viết là: 25 trong 6 đánh giá

Xếp hạng: 4.2 - 6 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Việc làm Bình Phước
DVC Quốc gia
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập2,428
  • Hôm nay201,774
  • Tháng hiện tại9,648,514
  • Tổng lượt truy cập493,511,952
sldtbxh_cchc
sổ tay đảng viên
Tạp chi
KQ TTHC
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây