Hoc tap bac

Hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác bảo vệ trẻ em

Thứ năm - 09/08/2018 15:31
Sáng 06/8/2018, tại Hà Nội, Ủy ban Quốc gia về trẻ em tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác bảo vệ trẻ em. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị. Tham dự Hội nghị còn có Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam – Chủ tịch Ủy ban, Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung – Phó Chủ tịch Ủy ban cùng đại diện Lãnh đạo các cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận tổ quốc Việt Nam, các Ủy viên Ủy ban, đoàn thể chính trị - xã hội từ trung ương tới địa phương và các chuyên gia công tác trong lĩnh vực trẻ em. Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tuyến tới gần 700 điểm cầu cấp huyện, xã có vai trò quan trọng trong thực hiện quy định pháp luật về bảo vệ trẻ em.
Toàn cảnh Hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác bảo vệ trẻ em
Toàn cảnh Hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác bảo vệ trẻ em

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, Việt Nam là nước thứ hai trên thế giới và quốc gia đầu tiên ở Châu Á phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về Quyền trẻ em. Việt Nam đã hoàn thành trước thời hạn các Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ về trẻ em và đang tích cực triển khai các Mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030 của Liên hợp quốc, trong đó có Mục tiêu trực tiếp tới trẻ em.

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng không ít trẻ em vẫn chưa nhận được sự quan tâm chăm sóc, giáo dục, bảo vệ cần thiết, thậm chí bị xâm hại cả về thể xác và tinh thần. Điều đau lòng là không ít trẻ em bị chính những người thân trong gia đình, ở trường lớp, hàng xóm ngược đãi, xâm hại và dù được can thiệp, hỗ trợ - nhiều trường hợp người ngược đãi, xâm hại bị nghiêm trị - nhưng vẫn để lại những di chứng khó lành trong tâm hồn.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và Bộ trưởng Bộ LĐ-TBXH Đào Ngọc Dung
chủ trì Hội nghị trực tuyến

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị

Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, trách nhiệm chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em đã được quy định rõ trong Hiến pháp, pháp luật, đặc biệt là trong Luật trẻ em năm 2016, Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Trẻ em, Nghị định quy định về môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng chống bạo lực học đường cùng nhiều văn bản pháp luật khác đã quy định rất cụ thể trách nhiệm của các chủ thể từ trung ương tới cơ sở, từ Đảng tới cơ quan nhà nước, đoàn thể, tổ chức xã hội… trong công tác bảo vệ, phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em. Nhiều giải pháp lớn cũng như phân công trách nhiệm của các cơ quan đều đã được quy định rất cụ thể ngay trong Luật.

Nhận thấy tầm quan trọng của công tác bảo vệ trẻ em và thực trạng tình trạng xâm hại trẻ em có nguy cơ gia tăng nếu không được chú trọng chỉ đạo quyết liệt hơn, trước khi Luật trẻ em có hiệu lực (ngày 01/6/2017), Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 18/CT-TTg ngày 16/5/2017 về việc tăng cường giải pháp phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em. Ngay tại thời điểm đó, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo sau 1 năm phải tiến hành đánh giá kết quả thực hiện để có sự chỉ đạo hiệu quả hơn.

Vì vậy, Phó Thủ tướng đề nghị các đại biểu tập trung trao đổi, thảo luận về thực trạng công tác bảo vệ trẻ em, phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em; phân tích nguyên nhân bất cập và các giải pháp cụ thể tại Hội nghị.

Báo cáo về công tác bảo vệ trẻ em, phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em, Thứ trưởng Bộ LĐ-TBXH Nguyễn Thị Hà cho biết, tính đến cuối tháng 12/2017, với gần 26,3 triệu trẻ em, việc bảo đảm thực hiện quyền trẻ em tiếp tục đạt được nhiều tiến bộ. Cụ thể, tỷ lệ bà mẹ và trẻ sơ sinh được chăm sóc tuần đầu sau sinh đạt 81%. Tỷ lệ trẻ em dưới 1 tuổi được tiêm chủng đầy đủ đạt khoảng 98,6%. Năm học 2016 - 2017, tỷ lệ huy động trẻ đến nhà trẻ đạt 27,7%, mẫu giáo đạt 90,9%, trong đó trẻ em 5 tuổi học mẫu giáo đạt 99,7%. Số trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được trợ giúp trên tổng số trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt đạt tỷ lệ là 87%.

Theo số liệu tổng hợp từ các Bộ, ngành, địa phương, năm 2017 có trên 1.800 trẻ em tử vong do đuối nước. Đây vẫn là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong do tai nạn thương tích ở trẻ em và người chưa thành niên tại Việt Nam, chiếm khoảng 50% các trường hợp tử vong do tai nạn thương tích.

Mỗi năm, có khoảng 2.000 trường hợp trẻ em bị bạo lực, xâm hại được phát hiện và xử lý. Năm 2016, có 1.724 em bị bạo lực, xâm hại, trong đó 1.155 trẻ em bị xâm hại tình dục, chiếm 67%. Năm 2017, có 1.642 trẻ em bị bạo lực, xâm hại, trong đó 1.397 em bị xâm hại tình dục, chiếm 85,1%. Trong 6 tháng đầu năm 2018, có 790 trẻ em bị bạo lực, xâm hại, trong đó 605 em bị xâm hại tình dục, chiếm 76,6%.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, Việt Nam đã hoàn thành trước thời hạn các Mục tiêu phát triển
thiên niên kỷ liên quan đến trẻ em 

Theo Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà, số lượng trẻ em bị bạo lực, xâm hại trên thực tế còn nhiều hơn do trẻ em và gia đình của nạn nhân không tố giác vì e ngại lộ thông tin, ảnh hưởng đến trẻ em và gia đình; bị thủ phạm đe dọa hoặc dùng tiền để hòa giải.

Có thể nói, vấn đề bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em hiện nay vẫn đang là vấn đề nhức nhối, tính chất của các vụ xâm hại ngày càng nghiêm trọng, phức tạp, gây bức xúc trong dư luận xã hội.

Do đó, trong thời gian qua, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ luôn quan tâm, chỉ đạo sâu sát công tác bảo vệ trẻ em. Quốc hội đã ban hành 03 Luật: Bộ luật Hình sự năm 2015, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, Luật Trẻ em năm 2016; Chính phủ ban hành 02 Nghị định là Nghị định 56/2017/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Trẻ em và Nghị định 80/2017/NĐ-CP quy định về môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bạo lực học đường; Thủ tướng Chính phủ ban hành 01 Chỉ thị 18/CT-TTg về việc tăng cường giải pháp phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em, 02 Quyết định về bảo vệ trẻ em đó là 2361/QĐ-TTg năm 2015 về việc Phê duyệt Chương trình bảo vệ trẻ em giai đoạn 2016 - 2020 và 565/QĐ-TTg năm 2017 về việc Phê duyệt Chương trình mục tiêu Phát triển hệ thống trợ giúp xã hội giai đoạn 2016 – 2020; Quyết định 856/QĐ-TTg về việc thành lập Ủy ban Quốc gia về trẻ em năm 2017.

Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà nhấn mạnh, về cơ bản, quy định pháp lý về bảo vệ trẻ em, trong đó có phòng ngừa, phát hiện, hỗ trợ trẻ em bị bạo lực, xâm hại đã được đổi mới để đáp ứng việc giải quyết các vấn đề nảy sinh trong thực tế và tiệm cận với các chuẩn mực quốc tế. Đặc biệt, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục, gia đình và cá nhân về bảo vệ trẻ em được quy định cụ thể trong Luật và các Nghị định.

Hàng năm, Bộ LĐ-TBXH đều có văn bản hướng dẫn UBND các tỉnh, thành phố thực hiện công tác trẻ em, trong đó chú trọng chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra thực hiện và phối hợp thực hiện công tác bảo vệ trẻ em, phòng ngừa, xử lý các vụ việc xâm hại trẻ em tại các địa phương. Đối với một số vụ việc vi phạm nghiêm trọng quyền trẻ em, Bộ LĐ-TBXH đều có văn bản gửi Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố, trao đổi với lãnh đạo các bộ, ngành liên quan về việc chỉ đạo, đôn đốc, xử lý nghiêm minh; hướng dẫn các cơ quan, tổ chức, chính quyền cơ sở thực hiện kịp thời các biện pháp phòng ngừa, hỗ trợ, can thiệp cho trẻ em bị bạo lực, xâm hại theo quy định của pháp luật; chủ động cung cấp, trao đổi thông tin với báo chí để dư luận xã hội hiểu đúng bản chất vụ việc. 

Bên cạnh đó, Bộ cũng tiến hành kiểm tra ở các tỉnh, thành phố trong việc thực hiện chính sách, pháp luật, chương trình về bảo vệ trẻ em; phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan báo cáo các cơ quan của Quốc hội, trả lời chất vấn của Đại biểu Quốc hội, trả lời cử tri về việc chấp hành các quy định của pháp luật, thực hiện các giải pháp về bảo vệ trẻ em, phòng ngừa, xử lý các vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em và đấu tranh phòng, chống tội phạm xâm hại trẻ em. Cùng với đó, Bộ cũng kịp thời tiếp nhận, xử lý thông tin, thông báo, tố giác nguy cơ, hành vi bạo lực xâm hại trẻ em; hỗ trợ, can thiệp cho trẻ em bị bạo lực, xâm hại. Đặc biệt, trong năm 2017, Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em 111 đã ra đời để tiếp nhận xử lý thông tin, thông báo, tố giác nguy cơ, hành vi xâm hại trẻ em. Tại nhiều địa phương, 100% trẻ em bị bạo lực, xâm hại được hỗ trợ, can thiệp theo quy trình, được cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, trợ giúp xã hội, hỗ trợ giáo dục, đào tạo, trợ giúp pháp lý, tư vấn tâm lý và các dịch vụ bảo vệ trẻ em khác. Hệ thống cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em cũng đang được đầu tư cả về cơ sở vật chất và hoạt động cung cấp dịch vụ. Thực hiện dự án Phát triển hệ thống bảo vệ trẻ em thuộc Chương trình mục tiêu Phát triển hệ thống trợ giúp xã hội, 48 địa phương được ngân sách trung ương hỗ trợ việc xây dựng, triển khai thực hiện kế hoạch hỗ trợ, can thiệp từng trường hợp trẻ em bị xâm hại hoặc có nguy cơ bị bạo lực, bóc lột, bỏ rơi, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt. 

Tại Hội nghị, ý kiến của đại diện các Bộ, ngành và điạ phương cho thấy, để làm tốt công tác bảo vệ trẻ em, giải pháp quan trọng là phối hợp chặt chẽ và hỗ trợ đồng bộ giữa các bộ, ban, ngành, tổ chức xã hội và cộng đồng ở địa phương; xác lập cơ chế phối hợp phòng ngừa, xử lý vụ việc xâm hại trẻ em tại địa phương; tuyên truyền, giáo dục ý thức cảnh giác, phát hiện sớm, tự phòng ngừa các hoạt động xâm hại tình dục và hỗ trợ tư vấn pháp lý khi cần thiết; xử lý nghiêm các cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục, cá nhân che giấu, không thông báo, không tố cáo vụ việc, hành vi xâm hại trẻ em…

Trong đó, giải pháp rất quan trọng là nâng cao trách nhiệm của chính quyền cấp cơ sở. Đây cũng là một trong những lý do hội nghị trực tuyến có sự tham gia của cấp này.

Phát biểu tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác bảo vệ trẻ em sáng nay, Thủ tướng nhấn mạnh tầm quan trọng của hội nghị với sự tham gia của khoảng 18.000 người tại khoảng 700 điểm cầu truyền hình trực tuyến tại các xã, huyện của cả nước. Thủ tướng nêu rõ: “Tham dự đông và nhiều thành phần tham dự như vậy để làm gì? Từ hội nghị này, chúng ta rút ra được điều quan trọng nhất là cần nâng cao nhận thức hơn nữa về công tác bảo vệ trẻ em, trước hết là 17 cơ quan có chức năng làm công việc này. Điều đặc biệt nữa là chúng ta đưa ra được biện pháp để bảo vệ trẻ em tốt hơn, kịp thời hơn, hiệu quả hơn sau Hội nghị quan trọng này”. 

Đồng thời, Thủ tướng nhấn mạnh, Việt Nam là quốc gia đầu tiên ở châu Á, thứ hai trên thế giới phê chuẩn Công ước của Liên Hợp Quốc về quyền trẻ em (năm 1990). Việc bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em đã được quy định trong văn bản pháp lý cao nhất của Nhà nước. Điều 37 Hiến pháp quy định: Trẻ em được Nhà nước, gia đình, xã hội bảo vệ, chăm sóc và giáo dục; được tham gia vào các vấn đề về trẻ em. Nghiêm cấm xâm hại, hành hạ, ngược đãi, bỏ mặc, lạm dụng, bóc lột sức lao động và những hành vi khác vi phạm quyền trẻ em.

Thời gian qua, chúng ta đạt được những kết quả tốt trong công tác bảo vệ trẻ em. Trong điều kiện còn là một nước nghèo, Nhà nước đã cấp bảo hiểm y tế miễn phí cho tất cả trẻ em dưới 6 tuổi. Gần 100% trẻ em dưới 1 tuổi được tham gia tiêm chủng mở rộng. Gần 100% trẻ em 5 tuổi được đi học mẫu giáo. Nhà nước không thu học phí đối với học sinh tiểu học.

“Nhiều mô hình tốt, cách làm hay về bảo vệ trẻ em đang được triển khai rất hiệu quả, thiết thực như triển khai Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em số 111, con số rất dễ nhớ, hoạt động 24/7 miễn phí...”, Thủ tướng nói.

Tuy nhiên, theo Thủ tướng, còn nhiều mặt tồn tại, hạn chế như tỉ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng thể thấp còi vẫn ở mức cao (khoảng 24%). Tỉ lệ trẻ em đi nhà trẻ vẫn còn thấp (khoảng 28%). Tình hình bạo lực, xâm hại trẻ em, đặc biệt là xâm hại tình dục vẫn diễn biến phức tạp, gây bức xúc trong xã hội. Mỗi năm vẫn có khoảng 2.000 trẻ em tử vong do đuối nước, gần 2.000 trẻ em tử vong do tai nạn giao thông....

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung phát biểu tại Hội nghị

Công tác bảo vệ trẻ em ở nhiều nơi chưa được quan tâm đúng mức, kịp thời. Còn nhiều vụ việc, hành vi xâm hại trẻ em chưa được phát hiện, ngăn chặn kịp thời, có vụ việc xử lý chưa nghiêm..

Thủ tướng cho rằng, trong bối cảnh toàn cầu hóa, giá trị truyền thống bị thay đổi, mai một; cha, mẹ, thành viên gia đình chưa dành nhiều thời gian quan tâm chăm sóc, giáo dục, bảo vệ con em mình. Hình ảnh đoàn tụ trong mỗi bữa cơm gia đình còn ít. Những thông tin thiếu sàng lọc trên mạng internet, mạng xã hội và những điều phức tạp khác tác động rất lớn đến nhân cách, tâm hồn trẻ em.

Vì vậy, theo Thủ tướng, có một thực tiễn rất giản dị, sau sắc về môi trường sống của trẻ mà chúng ta dễ bỏ qua: Một đứa trẻ sống trong đùm bọc sẽ biết quan tâm đến mọi người. Một đứa trẻ sống bằng lẽ phải sẽ biết được lẽ công bằng. Một đứa trẻ thường xuyên được ngợi khen sẽ biết trân trọng người khác. Một đứa trẻ thường xuyên được khích lệ sẽ trở nên tự tin. Một đứa trẻ sống trong hạnh phúc sẽ tìm được tình yêu và cái đẹp.

Nhấn mạnh việc huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị cho việc thực hiện quyền trẻ em, đặc biệt quyền được bảo vệ, được sống an toàn của trẻ em, Thủ tướng đề nghị cấp ủy, chính quyền, cơ quan chuyên môn và các đoàn thể quần chúng, các tổ chức xã hội, đặc biệt ở cấp địa phương, cơ sở phải nhận thức đầy đủ hơn, sâu sắc hơn và quan tâm đúng mức hơn về công tác bảo vệ trẻ em.

Cùng với đó cần tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình. Thủ tướng bày tỏ băn khoăn về thực trạng hiện nay, nhiều gia đình, “bữa cơm mỗi người cầm một cái máy vào mạng suốt, không ai nói một lời”.

Thủ tướng đề nghị Chủ tịch UBND cấp xã bố trí ngay người làm công tác bảo vệ trẻ em cấp xã trong số các công chức cấp xã hoặc người hoạt động không chuyên trách thuộc quyền quản lý khi mà hiện nay toàn quốc mới có 590/11.162 - khoảng 5% cấp xã bố trí.

Cần nghiên cứu, triển khai mô hình tổ chức, hoạt động của các nhóm chuyên trách bảo vệ trẻ em cấp xã do Chủ tịch UBND cấp xã đứng đầu với thành phần gồm người làm công tác bảo vệ trẻ em cấp xã, công an xã, Đoàn thanh niên xã, Hội phụ nữ xã, nhân viên y tế thôn bản.

“Các mô hình này rất cần thiết. Chứ chúng ta lo họp chuyện này, chuyện khác suốt, còn trẻ em thì không nhắc tới, coi là chuyện con nít thì làm sao chuyển biến được”, Thủ tướng nói và đề nghị các địa phương chú trọng công tác tập huấn, nâng cao năng lực thực thi pháp luật, kỹ năng cho cán bộ làm công tác trẻ em; bố trí đủ nguồn lực cho công tác bảo vệ trẻ em.

Các bộ, ngành theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền rà soát các quy định bảo đảm phù hợp với Luật về trẻ em, tiếp tục hoàn thiện theo hướng: Việc xử lý các vụ việc xâm hại trẻ em phải nhanh chóng, thuận lợi, thân thiện và bảo đảm lợi ích tốt nhất cho trẻ em; cụ thể, rõ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, chính quyền.

Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với các bộ, ngành liên quan để có chương trình đào tạo, giáo dục kỹ năng tự bảo vệ mình cho các cháu, tùy theo lứa tuổi, giới tính.
Tăng cường phối hợp giữa các bộ, ngành, đoàn thể, các cơ quan, tổ chức trong công tác bảo vệ trẻ em, đừng để tình hình nhiều cơ quan bảo vệ trẻ em nhưng cơ quan chịu trách nhiệm từng công việc cụ thể thì chưa rõ.

Tiếp thu nghiêm túc các ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ LĐ-TBXH Đào Ngọc Dung khẳng định, ngay sau Hội nghị này, cùng với văn phòng Chính phủ sẽ dự thảo kết luận để triển khai đến các cấp các ngành và điều quan trọng hơn, hôm nay, tất cả các đại biểu tham dự, cũng như các cấp các ngành sẽ quán triệt sâu sắc hơn, đầy đủ hơn trách nhiệm của mình trong việc tổ chức thực hiện các nhiệm vụ bảo vệ, giáo dục và chăm sóc trẻ em. Để làm sao trẻ em Việt Nam được sống một môi trường tốt nhất, để những gì tốt đẹp nhất là dành cho trẻ em.

“Chúng ta chung tay, nói “Không” với bạo lực và xâm hại trẻ em. Làm sao để thời gian tới tình trạng này được đẩy lùi, giảm thiểu tốt hơn”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

 

Nguồn tin: Cổng thông tin điện tử Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Việc làm Bình Phước
DVC Quốc gia
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập3,973
  • Hôm nay467,004
  • Tháng hiện tại18,289,340
  • Tổng lượt truy cập478,182,027
sldtbxh_cchc
sổ tay đảng viên
Tạp chi
KQ TTHC
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây