Ngày 26/11/2024, tại Hà Nội, Bí thư Tỉnh ủy Tôn Ngọc Hạnh đã có buổi làm việc với Bộ TT&TT và đưa ra mục tiêu phấn đấu vào top 5 địa phương dẫn đầu về CĐS (ảnh : Nguồn vnexpress.net)
Khoa học công nghệ + chuyển đổi số = Phát triển đột phá
Với phương châm xuyên suốt: “Người dân và doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể, nguồn lực, động lực chính; Nhà nước giữ vai trò dẫn dắt, thúc đẩy, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho phát triển KHCN, đổi mới sáng tạo và CĐS”; trong những năm qua, Bình Phước đã ghi dấu nhiều bước tiến trong việc ứng dụng KHCN, thúc đẩy CĐS, tạo đòn bẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh tiến nhanh, bền vững.
Đến nay, tỉnh đã hoàn thành phủ sóng 3G/4G trên toàn bộ địa bàn và bước đầu triển khai mạng 5G tại các đô thị, khu công nghiệp, biên giới và các vũng lõm sóng. Từ năm 2020, tỉnh đã quan tâm triển khai xây dựng và vận hành Trung tâm Điều hành thông minh (IOC) tỉnh, hỗ trợ giám sát, ra quyết định, phục vụ chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo và đến nay 11 IOC cấp huyện cũng đã thành lập, đi vào hoạt động hiệu quả. Nhằm góp phần minh bạch hóa và nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, song hành với đẩy mạnh CĐS, tỉnh đã đẩy mạnh cung cấp 1.044 dịch vụ công trực tuyến toàn trình, 310 dịch vụ công trực tuyến một phần, góp phần đẩy nhanh tiến trình xây dựng chính quyền số, minh bạch và hiệu quả. Song song đó, mạng truyền số liệu chuyên dùng được phủ sóng tới 310 cơ quan, đơn vị; 3.820 chữ ký số cấp tổ chức, cá nhân trong năm 2024. Hội nghị truyền hình trực tuyến được ứng dụng mạnh mẽ từ tỉnh đến cơ sở, với 152 cuộc họp, hội nghị được kết nối trực tuyến trong năm 2024.
Hoạt động KHCN và đổi mới sáng tạo được triển khai đồng bộ, hiệu quả, phù hợp với điều kiện của tỉnh. Trong giai đoạn 2021-2024, đã triển khai 76 nhiệm vụ khoa học và công nghệ các cấp ở các lĩnh vực. Bước đầu ứng dụng hiệu quả các công nghệ cốt lõi của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, nghiên cứu tạo giống cây trồng mới. Quản lý có hiệu quả các chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể. Hoạt động quản lý nhà nước về tiêu chuẩn đo lường chất lượng ngày càng được chú trọng. 100% các cơ quan, tổ chức thuộc hệ thống hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh được áp dụng Hệ thống quản lý chất lượng theo Tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001:2015.
Hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và phát triển thị trường KHCN có bước phát triển, đã thành lập và đưa vào hoạt động Sàn giao dịch công nghệ và thiết bị khoa học công nghệ của tỉnh. Tỉnh đã đẩy mạnh phối hợp với các viện nghiên cứu và trường đại học để chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực y tế, giáo dục và môi trường. Các ứng dụng internet vạn vật - IoT, dữ liệu lớn - big data và chuỗi khối - blockchain đã được áp dụng thành công trong quản lý sản xuất nông nghiệp và công nghiệp chế biến, đặc biệt là các ngành hàng chủ lực như điều, tiêu, cao su.
Các sàn thương mại điện tử cho nông sản địa phương quan tâm phát triển, giúp nâng cao giá trị sản phẩm và mở rộng thị trường xuất khẩu. Đến nay, tỉnh đã hỗ trợ 5 mô hình thí điểm CĐS toàn diện cho các doanh nghiệp, hợp tác xã. Có khoảng 28 hợp tác xã đã ứng dụng CĐS vào hoạt động sản xuất, kinh doanh. Toàn tỉnh có tổng số lượng giao dịch trên sàn thương mại điện tử như: Shopee, Sendo, Lazada, Tiki… Tính đến tháng 10/2024 có trên 1,1 triệu giao dịch, với số tiền giao dịch thành công ước 236.744 tỷ đồng. Riêng Sàn giao dịch nông sản tỉnh Bình Phước đã hỗ trợ được 99 doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh với 390 sản phẩm tham gia chào bán sản phẩm trên sàn. Ngoài ra, tỉnh còn quan tâm triển khai các giải pháp y tế thông minh như bệnh án điện tử, khám chữa bệnh từ xa và ứng dụng quản lý sức khỏe cộng đồng.
Giải pháp công nghệ số “Hệ thống thông tin nguồn tỉnh Bình Phước” được nhận Giải thưởng CĐS Việt Nam năm 2023 ở hạng mục “Cơ quan nhà nước CĐS xuất sắc”
Từ những kết quả triển khai trên, tỉnh Bình Phước được các tổ chức trong và ngoài nước đánh giá tích cực, minh chứng qua các giải thưởng và xếp hạng như: thành phố Đồng Xoài vinh dự được trao giải thưởng thành phố thông minh Việt Nam năm 2022; Sở Thông tin và Truyền thông được vinh danh ở hạng mục “Cơ quan nhà nước CĐS xuất sắc” vào năm 2023. Đặc biệt là trong năm 2024, tỉnh Bình Phước được Hiệp hội công nghiệp máy tính Châu Á - Châu Đại Dương (ASOCIO) lựa chọn vinh danh Giải thưởng Chính quyền số ASOCIO DX Award 2024. Xếp hạng mức độ CĐS cấp tỉnh (DTI): năm 2020 xếp thứ 25/63 tỉnh thành, năm 2021 xếp 09/63, năm 2022 xếp 12/63 (năm 2023 chưa công bố).
Đối mặt với thách thức
Bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình triển khai, thực hiện về phát triển KHCN, đổi mới sáng tạo và CĐS, tỉnh gặp không ít khó khăn và thách thức. Cụ thể, về hạ tầng công nghệ chưa đồng bộ, một số khu vực vùng sâu, vùng xa còn thiếu kết nối internet băng thông rộng, gây khó khăn cho việc triển khai các ứng dụng công nghệ. Nhiệm vụ nghiên cứu, phát triển dự án ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học còn ít. Lực lượng cán bộ chuyên trách về KHCN và CĐS tại địa phương còn thiếu về số lượng và hạn chế về chất lượng. Các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và cá nhân tham gia vào lĩnh vực KHCN và CĐS vẫn chưa đủ mạnh để thúc đẩy sự đổi mới và sáng tạo. Cơ chế, chính sách hỗ trợ đổi mới sáng tạo chưa thực sự đồng bộ, hiệu quả, còn nhiều điểm nghẽn.
Ngày 09/9/2020, IOC tỉnh Bình Phước đưa vào vận hành chính thức
Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đầy biến động, các hạn chế về tài chính, nguồn nhân lực và thiếu kiến thức về công nghệ là những rào cản lớn, làm cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa gặp khó khăn trong quá trình tham gia vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Khả năng thích ứng của người dân về ứng dụng KHCN và CĐS không đồng đều; ý thức về đổi mới sáng tạo của một số bộ phận cán bộ, công chức, người dân còn hạn chế. Vấn đề bảo mật thông tin cũng là một thách thức tiềm ẩn, khi mà số lượng dữ liệu ngày càng tăng lên, nguy cơ rò rỉ thông tin cũng tăng theo. Mặc dù đã có những cải thiện trong những năm gần đây, nhưng việc đảm bảo kết nối internet ổn định ở các vùng sâu, vùng xa trên địa bàn tỉnh vẫn cần phải tăng cường đầu tư, nâng cấp mở rộng.
Nghị quyết 57 – tăng sức mạnh cho “ba trụ cột” trong kỷ nguyên mới
Nghị quyết 57-NQ/TW ra đời trong bối cảnh đất nước cần có chủ trương, quyết sách mạnh mẽ mang tính chiến lược và cách mạng về khoa học, công nghệ (KH – CN), đổi mới sáng tạo (ĐMST) và chuyển đổi số (CĐS). Theo đó, phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia được xác định là đột phá quan trọng hàng đầu, là động lực chính để phát triển nhanh lực lượng sản xuất hiện đại, hoàn thiện quan hệ sản xuất, đổi mới phương thức quản trị quốc gia, phát triển kinh tế - xã hội, ngăn chặn nguy cơ tụt hậu, đưa đất nước phát triển bứt phá, giàu mạnh trong kỷ nguyên mới. Điều đặc biệt là việc Tổng Bí thư trực tiếp giữ vai trò Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương, thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Đảng và Nhà nước đối với nhiệm vụ này. Nghị quyết 57-NQ/TW với 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp và các mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể là tổng hòa giữa các yếu tố nền tảng và các yếu tố đột phá. giải quyết rất nhiều hạn chế lâu nay trong việc phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; là cơ sở để Chính Phủ và các địa phương xây dựng chương trình, kế hoạch hành động thực hiện.
Nhiều giải pháp đồng bộ
Để đưa Nghị quyết 57-NQ/TW vào cuộc sống, mỗi địa phương trong cả nước nói chung, Bình Phước nói riêng phải nhận thức rõ quan điểm để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, xác định đúng bước đi, giải pháp, lượng hóa các mục tiêu, chỉ tiêu và triển khai thực hiện hiệu quả. Với ý chí đó, tỉnh Bình Phước đề ra các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm về phát triển KHCN, đổi mới sáng tạo và CĐS. Theo đó, KHCN và đổi mới sáng tạo &ĐMST và chuyển đổi số từng bước trở thành yếu tố dẫn dắt trong phát triển KT – XH của tỉnh, là động lực đóng góp tích cực xây dựng chính quyền số, kinh tế số và xã hội số, thể hiện rõ nét sự đóng góp của yếu tố KHCN vào GRDP của tỉnh.
Bình Phước đặt ra các mục tiêu cụ thể và cam kết hợp tác Dựa trên nội dung Tuyên bố Chung của K-MEDI Silk Road Project
Để thúc đẩy phát triển của tỉnh trong thời gian tới, tỉnh triển khai các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, hiệu quả, thiết thực:
Một là, ưu tiên phát triển hạ tầng KHCN và CĐS cùng nhân lực chất lượng cao, nhân lực các ngành khoa học kỹ thuật và công nghệ. Bổ sung, thu hút các nguồn lực đầu tư cho KHCN - ĐMST và CĐS.
Hai là, tập trung phát triển hạ tầng số và ứng dụng công nghệ hiện đại: tỉnh cần đẩy mạnh triển khai mạng 5G toàn tỉnh vào năm 2025, ưu tiên các khu vực kinh tế trọng điểm. Xây dựng và vận hành hiệu quả Trung tâm dữ liệu tỉnh, tích hợp toàn bộ dữ liệu hành chính công, kinh tế và xã hội. Đầu tư vào hệ thống an ninh mạng, bảo vệ an toàn thông tin cho cơ quan nhà nước và doanh nghiệp. Đầu tư mạnh mẽ vào hạ tầng số, đảm bảo kết nối thông suốt, tăng dung lượng băng thông Internet.
Ba là, thúc đẩy nghiên cứu và ứng dụng KHCN, ưu tiên nghiên cứu, ứng dụng các công nghệ lõi. Triển khai các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận công nghệ tiên tiến thông qua các chương trình hợp tác với viện nghiên cứu, trường đại học và các tổ chức quốc tế. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ IoT và blockchain vào nông nghiệp thông minh, nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm nông sản. Đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng về tầm quan trọng của ứng dụng KHCN, đổi mới sáng tạo và CĐS, nhằm tạo sự đồng thuận trong xã hội.
Bốn là, đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng KHCN, đổi mới sáng tạo trong hoạt động của các cơ quan trong hệ thống chính trị. Tăng cường nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ, đảm bảo việc ra quyết định của các cơ quan quản lý nhà nước dựa trên dữ liệu, các cơ sở khoa học.
Giám đốc Sở KH&CN tỉnh Bình Phước Bùi Thị Minh Thuý tham gia diễn đàn K-MEDI Silk Road Project Working Forum được tổ chức tại Hàn Quốc giới thiệu các tiềm năng lợi thế của Bình Phước trong lĩnh vực KH&CN
Năm là, thúc đẩy và hỗ trợ mạnh mẽ các hoạt động KHCN - ĐMST và CĐS trong doanh nghiệp: Có cơ chế chính sách chuyển giao tri thức, đào tạo nhân lực thông qua doanh nghiệp. Hỗ trợ các gói tài chính và kỹ thuật để doanh nghiệp vừa và nhỏ ứng dụng công nghệ số trong quản lý và sản xuất. Phát triển các nền tảng thương mại điện tử và ứng dụng số để tăng cường kết nối giữa doanh nghiệp và thị trường.
Sáu là, mở rộng hợp tác với các tổ chức quốc tế để tiếp nhận chuyển giao công nghệ và học hỏi kinh nghiệm. Thu hút các tập đoàn công nghệ lớn đầu tư vào Bình Phước, đặc biệt trong các lĩnh vực sản xuất công nghiệp và công nghệ cao mà tỉnh có lợi thế (đất đai, năng lượng, khí hậu, nguồn nước…). Cần thay đổi căn bản tư duy về phát triển, từ kinh tế dựa vào tài nguyên sang kinh tế tri thức; nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo cho tất cả các thành phần kinh tế.
Với quyết tâm chính trị cao và tinh thần đổi mới sáng tạo, Bình Phước đang đặt nền móng vững chắc để trở thành một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về ứng dụng KHCN và chuyển đổi số. Việc triển khai hiệu quả Nghị quyết 57 không chỉ giúp nâng cao chất lượng sống của người dân mà còn tạo động lực mạnh mẽ cho sự phát triển bền vững của tỉnh trong giai đoạn mới./.
Những mũi nhọn…tạo đột phá
Nghị quyết 57-NQ/TW của Bộ Chính trị với nhiều quan điểm chỉ đạo đáng chú ý. Nghị quyết nhấn mạnh: Phát triển KHCN, đổi mới sáng tạo và CĐS quốc gia là đột phá quan trọng hàng đầu, là động lực chính để phát triển nhanh lực lượng sản xuất hiện đại, hoàn thiện quan hệ sản xuất, đổi mới phương thức quản trị quốc gia, phát triển kinh tế - xã hội, ngăn chặn nguy cơ tụt hậu, đưa đất nước phát triển bứt phá, giàu mạnh trong kỷ nguyên mới.
Người dân và doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể, nguồn lực, động lực chính; nhà khoa học là nhân tố then chốt; Nhà nước giữ vai trò dẫn dắt, thúc đẩy, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho phát triển KHCN, đổi mới sáng tạo và CĐS.
Phát triển hạ tầng, nhất là hạ tầng số, công nghệ số trên nguyên tắc “hiện đại, đồng bộ, an ninh, an toàn, hiệu quả, tránh lãng phí”; làm giàu, khai thác tối đa tiềm năng của dữ liệu, đưa dữ liệu thành tư liệu sản xuất chính, thúc đẩy phát triển nhanh cơ sở dữ liệu lớn, công nghiệp dữ liệu, kinh tế dữ liệu.
Nguyễn Minh Quang – Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông
Bùi Thị Minh Thúy – Giám đốc sở Khoa học và Công nghệ