Theo tính toán từ số liệu thống kê của Trung tâm thương mại Quốc tế (ITC), tháng 6/2023, Anh nhập khẩu đồ nội thất bằng gỗ đạt 361,2 triệu USD, giảm 24,6% so với tháng 6/2022. Trong 6 tháng đầu năm 2023, trị giá nhập khẩu đồ nội thất bằng gỗ của Anh đạt 2,1 tỷ USD, giảm 27,3% so với cùng kỳ năm 2022.
Về thị trường, Trung Quốc là thị trường cung cấp chính mặt hàng đồ nội thất bằng gỗ cho Anh trong 6 tháng đầu năm 2023, trị giá nhập khẩu từ thị trường này chiếm 32,9% tổng trị giá nhập khẩu, đạt 691,7 triệu USD, giảm 35,2% so với cùng kỳ năm 2022. Tiếp theo là thị trường Ba Lan đạt 306,2 triệu USD, giảm 10,5%; Italia đạt 200,5 triệu USD, giảm 4,5%; Đức đạt 156,3 triệu USD, giảm 8,8%... Nhập khẩu đồ nội thất bằng gỗ của Anh từ Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2023 đạt 119,2 triệu USD, giảm 48,3% so với cùng kỳ năm 2022, chiếm 5,7% tổng trị giá nhập khẩu của Anh.
Do chịu tác động bởi lạm phát cao và người tiêu dùng Anh thắt chặt chi tiêu, vì vậy nhu cầu nhập khẩu hầu hết các mặt hàng đồ nội thất bằng gỗ đều giảm mạnh trong nửa đầu năm 2023. Dẫn đầu về trị giá nhập khẩu là mặt hàng đồ nội thất phòng khách và phòng ăn đạt 815,3 triệu USD, giảm 30,8% so với cùng kỳ năm 2022; tiếp theo là mặt hàng ghế khung gỗ đạt 693,6 triệu USD, giảm 28,6%; đồ nội thất phòng ngủ đạt 340,8 triệu USD, giảm 27,3%...
Theo nhận định của Cục Xuất nhập khẩu, Anh nhập khẩu các mặt hàng đồ nội thất bằng gỗ từ Việt Nam với trị giá chỉ chiếm tỷ trọng thấp, như vậy vẫn còn dư địa để các doanh nghiệp Việt Nam mở rộng thị phần tại thị trường Anh trong thời gian tới. Đáng chú ý, Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có thêm thành viên mới là Anh, sẽ mở ra nhiều cơ hội hợp tác hơn giữa Anh với Việt Nam. Thực tế, các doanh nghiệp Việt Nam đang tiếp cận thị trường Anh rất tốt thông qua UKVFTA, với những cam kết giảm thuế của Anh trong khung khổ CPTPP, doanh nghiệp Việt Nam sẽ còn thuận lợi hơn nữa.
Hiện, doanh nghiệp gỗ Việt Nam có nhiều lợi thế khi UKVFTA thực thi, đó là theo thỏa thuận, nhóm sản phẩm nội thất, tinh chế gỗ sau khi xuất khẩu vào Anh chịu mức thuế từ 1,2-2% sẽ được giảm dần trong những năm tới. Nhóm sản phẩm gỗ vật liệu trung gian có mức thuế từ 2-10% cũng sẽ giảm trong những năm tới.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu sang Anh phải chú trọng đáp ứng tiêu chuẩn của thị trường, bởi Anh là thị trường có tiêu chuẩn cao và quan tâm đến các yếu tố không chỉ về giá, mà còn về Tiêu chuẩn ESG (môi trường, xã hội và quản trị).
Theo số liệu của Cục Xuất nhập khẩu, ước tính, trong tháng 9/2023, trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 1,2 tỷ USD, giảm 7% so với tháng 8/2023, nhưng tăng 6,7% so với tháng 9/2022. Trong đó, trị giá xuất khẩu sản phẩm gỗ ước đạt 785 triệu USD, giảm 6,6% so với tháng 8/2023, nhưng tăng 5,1% so với tháng 9/2022. Tính chung 9 tháng đầu năm 2023, trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam ước đạt 9,7 tỷ USD, giảm 21,3% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, trị giá xuất khẩu sản phẩm gỗ ước đạt 6,5 tỷ USD, giảm 24,3% so với cùng kỳ năm 2022.
Trong cơ cấu mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ xuất khẩu, đồ nội thất bằng gỗ là mặt hàng xuất khẩu chính trong 8 tháng đầu năm 2023, đạt 5 tỷ USD, giảm 29,1% so với cùng kỳ năm 2022, chiếm 59,1% tổng trị giá xuất khẩu. Xuất khẩu hầu hết mặt hàng trong cơ cấu mặt hàng đồ nội thất bằng gỗ đều có xu hướng giảm mạnh.
Theo dự báo của Cục Xuất nhập khẩu, triển vọng xuất khẩu những mặt hàng này sẽ tích cực hơn trong những tháng cuối năm, nhờ nhu cầu thị trường tăng theo thông lệ, khi thị trường nhà ở hoàn thiện và nhu cầu sửa chữa thay thế nội thất gia đình tăng để đón chào năm mới. Ngoài mặt hàng đồ nội thất bằng gỗ xuất khẩu trong 8 tháng đầu năm 2023, còn một số mặt hàng xuất khẩu khác như dăm gỗ; gỗ, ván và ván sàn; viên gỗ nén, cửa gỗ…, trị giá xuất khẩu những mặt hàng này cũng giảm do nhu cầu toàn cầu yếu