sct

Tuyệt đối bảo đảm cung ứng đủ điện năm 2025, không để xảy ra tình trạng mất cân đối cung - cầu điện trong mọi tình huống

Thứ hai - 18/11/2024 08:17
Để triển khai công tác cung ứng điện năm 2025, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và phục vụ đời sống nhân dân, tại cuộc họp về Kế hoạch cung cấp điện năm 2025 tại Bộ Công Thương, sáng ngày 14/11, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên yêu cầu các đơn vị thực hiện mục tiêu chung là “Tuyệt đối bảo đảm cung ứng điện của năm 2025, không để xảy ra tình trạng mất cân đối cung - cầu điện trong mọi tình huống, tuân thủ các quy định của pháp luật, tối ưu chi phí mua điện của toàn hệ thống và bảo đảm hài hoà lợi ích của nhà nước, doanh nghiệp và người sử dụng”.
Tuyệt đối bảo đảm cung ứng đủ điện năm 2025, không để xảy ra tình trạng mất cân đối cung - cầu điện trong mọi tình huống

Tham dự cuộc họp có đại diện các Cục, Vụ, đơn vị trực thuộc Bộ Công Thương: Cục Điều tiết điện lực, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp, Vụ Dầu khí và than, Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững, Công ty TNHH MTV Vận hành hệ thống điện và Thị trường điện quốc gia (NSMO) và đại diện các Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV), Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT), Tổng công ty Khí Việt Nam (PV GAS), Tổng công ty Đông Bắc cùng các đơn vị liên quan khác.

Năm 2024: Bảo đảm đủ nguồn điện cho nền kinh tế, sản xuất, đời sống người dân

Phát biểu chỉ đạo cuộc họp, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho rằng đến thời điểm này, dù vẫn còn hơn 1 tháng nữa mới hết năm 2024, song công tác cung cấp điện nói chung và cung cấp than, khí cho sản xuất điện năm nay đã cơ bản hoàn thành tốt mục tiêu kế hoạch đề ra. Đây là sự chuyển biến tích cực trong công tác cung ứng điện năm 2024 do có sự chuẩn bị khá tốt và chi tiết từ việc xây dựng kế hoạch cho cả năm, từng quý và cho riêng mùa khô, đồng thời có sự điều chỉnh trong từng giai đoạn, thời điểm phù hợp với tình hình thực tiễn.

Năm 2025 sắp đến, với mục tiêu tăng trưởng kinh tế cao, phấn đấu tăng từ 8-9%; từ giai đoạn 2026 trở đi, phấn đấu tăng trưởng cao hơn nữa, nhu cầu sử dụng điện của các doanh nghiệp, người dân và cả nền kinh tế sẽ rất lớn. Vì vậy, Bộ trưởng yêu cầu cần phải có sự chuẩn bị sẵn sàng trong việc cung cấp năng lượngphục vụ phát triển kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân; cụ thể là cần phải xây dựng kế hoạch vận hành hệ thống và cung cấp điện như thế nào để sát với thực tiễn, đáp ứng nhu cầu tăng trưởng với điều kiện an toàn, ổn định.

1

2

Tại cuộc họp, lãnh đạo Cục Điều tiết Điện lực, lãnh đạo Công ty Vận hành hệ thống điện và thị trường điện Quốc gia (NSMO) đã báo cáo về tình hình vận hành hệ thống điện quốc gia năm 2024. Trong 10 tháng năm 2024, việc cung ứng điện cho phát triển kinh tế, xã hội của đất nước được đảm bảo.

Cụ thể, trong 10 tháng đầu năm 2024, hệ thống điện quốc gia đã đáp ứng tốt nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Ước tính cả năm 2024, tổng sản lượng điện sản xuất và nhập khẩu đạt khoảng 309,7 tỷ kWh, tăng trưởng 10,09% so với năm 2023. Công suất đỉnh của hệ thống điện toàn quốc và các khu vực miền Bắc, Trung và Nam tăng trưởng lần lượt 7,52%, 8,01%, 4,66%, và 8,7%.

Đối với nguồn thủy điện, sản lượng huy động trong năm 2024 dự kiến đạt 89,6 tỷ kWh, cao hơn kế hoạch năm khoảng 9,4 tỷ kWh, đảm bảo mực nước các hồ thủy điện gần mức bình thường vào cuối năm. Về nhiên liệu, các nhà máy nhiệt điện than và khí đáp ứng tốt nhu cầu phát điện; sản lượng than tiêu thụ đạt khoảng 47,2 triệu tấn (than nội và trộn) và 24,1 triệu tấn (than nhập khẩu). Lượng khí tiêu thụ đạt 2.750 triệu m³ (khí Đông Nam Bộ) và 1.224 triệu m³ (khí Tây Nam Bộ). Các nguồn LNG không cần huy động trong giai đoạn cuối năm 2024, đảm bảo hệ thống điện hoạt động ổn định trong thời gian tới.

Tại cuộc họp, đại diện các đơn vị của Bộ Công Thương và đại diện các doanh nghiệp EVN, PVN, TKV, Tổng công ty Đông Bắc cũng đã báo cáo vềtình hình sản xuất phục vụ cung cấp điện, cung cấp than, khí cho sản xuất điện và đưa ra các phương án phối hợp nhằm đảm bảo cung cấp điện ổn định trong năm 2025. 

Sau khi nghe báo cáo của các đơn vị và ý kiến phát biểu của các đại biểu, kết luận tại cuộc họp, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên một lần nữa đánh giá cao kết quả cung ứng điện năm 2024 đã đảm bảo đáp ứng nhu cầu về điện năng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và sinh hoạt của người dân trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, thách thức. Kết quả này cho thấy những dự báo được Bộ Công Thương và các đơn vị chức năng đưa ra từ cuối năm 2023 đã đúng, trúng với tình hình, kế hoạch cung ứng điện được xây dựng sát với thực tiễn, công tác chỉ đạo quyết liệt, vận hành linh hoạt, các tổ chức và đơn vị có liên quan đều rất nỗ lực để hoàn thành nhiệm vụ. 

Theo Bộ trưởng, năm 2025, kinh tế đất nước được dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh, nguồn vốn đầu tưFDI về Việt Nam khá lớn, nhiều công trình, dự án trọng điểm quốc gia đã và đang được triển khai, Luật Điện lực (sửa đổi) dự kiến được thông qua trong kỳ họp này và sẽ có hiệu lực vào đầu năm 2025… nên việc cung cấp điện cần bảo đảm tăng trưởng từ 11% trở lên. Theo đó, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên thống nhất 3 kịch bản cung ứng điện cho năm 2025, gồm:

Kịch bản 1 (Kịch bản cơ sở): Tăng trưởng điện năng phải đạt từ 11-12%, các tháng mùa khô phải đạt từ 13% trở lên.

Kịch bản 2 (Kịch bản cao): Từ 12-13% trở lên, các tháng mùa khô phải đạt 14% trở lên.

Kịch bản 3 (Kịch bản cực đoan): Phải đạt từ 14-15% trở lên, các tháng mùa khô phải đạt 16% trở lên.

“Dựa vào kịch bản cung ứng điện nêu trên, Vụ Dầu khí - Than chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan hoàn thiện xây dựng kế hoạch cung cấp than, khí và vận hành hồ chứa, bảo đảm nguồn cung đầu vào cho nhiên liệu và các điều kiện cung ứng điện cho năm 2025” - Bộ trưởng yêu cầu và lưu ý thêm, trong thời gian từ 15/11 đến trước 15/12/2024, các Tập đoàn, Tổng công ty về năng lượng và các bên có liên quan dựa vào Kế hoạch và Biểu đồ của Bộ công bố để khẩn trương xây dựng Kế hoạch chi tiết và ký kết hợp đồng trách nhiệm với các đơn vị có liên quan để có cơ sở triển khai thực hiện. Sau ngày 15/12, các cơ quan chức năng thuộc Bộ có trách nhiệm kiểm tra, giám sát việc ký kết hợp đồng và chuẩn bị các điều kiện để bảo đảm thực hiện Kế hoạch cung ứng điện năm 2025, kịp thời báo cáo, tham mưu với Lãnh đạo Bộ để chỉ đạo, điều hành và xử lý trách nhiệm (nếu có).

3

Bên cạnh đó, các đơn vị chuyên môn và các cơ quan truyền thông của Bộ cần đẩy mạnh công tác truyền thông để cung cấp những thông tin chính thống, kịp thời đến công chúng về tình hình, kết quả cung ứng điện năm 2024 và kế hoạch năm 2025, góp phần tạo sự đồng thuận, ủng hộ của dư luận xã hội.

Tuyệt đối bảo đảm cung ứng điện năm 2025, không để xảy ra tình trạng mất cân đối cung-cầu điện trong mọi tình huống

Để chuẩn bị cung ứng đủ điện cho nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội và đời sống nhân dân năm 2025, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên yêu cầu các đơn vị quán triệt, thực hiện nghiêm túc, hiệu quả mục tiêu chung là“Tuyệt đối bảo đảm cung ứng điện của năm 2025, không để xảy ra tình trạng mất cân đối cung-cầu điện trong mọi tình huống, tuân thủ các quy định của pháp luật, tối ưu chi phí mua điện của toàn hệ thống và bảo đảm hài hòa lợi ích Nhà nước, doanh nghiệp và người sử dụng”. Dựa vào Kế hoạch cung ứng điệnnăm 2025, các đơn vị khẩn trương xây dựng kế hoạch, biểu đồ cung ứng than, khí và vận hành liên hồ chứa bảo đảm việc sản xuất điện, đáp ứng đầy đủ, liên tục nhu cầu điện năng theo 3 kịch bản đã được nêu ở trên.

Đồng thời, Bộ trưởng đã giao cho các Tập đoàn, các Tổng công ty và đơn vị chức năng thuộc Bộ các nhiệm vụ cụ thể để bảo đảm thực hiện thắng lợi Kế hoạch cung ứng điện năm 2025:

Đối với các Tập đoàn, Tổng công ty

(1) Thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp theo chỉ đạo của Thường trực Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng Chính phủvà Lãnh đạo Bộ Công Thương về các vấn đề liên quan đến vận hành hệ thống điện quốc gia, đầu tư phát triển các dự án nguồn điện và lưới điện được giao, bảo đảm tiến độ, chất lượng và hiệu quả. 

(2) Tăng cường phối hợp hiệu quả; thực hiện tốt các hợp đồng mua bán điện, cung cấp than, khí cho sản xuất điện theo nguyên tắc tất cả vì mục tiêu chung, vì lợi ích quốc gia dân tộc, lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ như chỉ đạo của Thủ tướng.

“Theo đó, kế hoạch cả năm sẽ được cụ thể theo từng quý và kế hoạch cung ứng điện cho những tháng cao điểm mùa khô; trong từng quý sẽ phải được điều chỉnh cho phù hợp để trong mọi tình huống phải đảm bảo cung ứng đủ điện” - Bộ trưởng nhấn mạnh.

(3) Chủ động, tích cực trong thực hiện các nhiệm vụ chính trị; phải đảm bảo nguồn cung năng lượng trong mọi tình huống, không được để đứt gẫy nguồn cung, kể cả đứt gãy cục bộ.

(4) Khẩn trương chỉ đạo, khắc phục triệt để những hư hỏng, sự cố của các nhà máy và các tổ máy (nếu có) trong phạm vi quản lý, bảo đảm các nhà máy đủ khả năng hoạt động và sẵn sàng vận hành tối đa công suất trong điều kiện kỹ thuật cho phép. 

(5) Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hoạt động của các Chủ đầu tư nhà máy điện trực thuộc trong thực hiện việc bảo đảm cung cấp điện năm 2025 và những năm tiếp theo.

(6) Thực hiện tốt công tác truyền thông để truyền tải thông tin một cách chính thống, kịp thời, đầy đủ; qua đó tạo sự đồng thuận trong dư luận, nhân dân.

(7) Đẩy nhanh tiến độ triển khai, hoàn thành các dự án đầu tư liên quan đến phát triển nguồn, truyền tải, trạm biến áp, các thiết bị lưu trữ điện ở tất cả các đơn vị. 

(8) Chủ động xây dựng Kế hoạch nâng mức dự phòng vật tư, phương tiện thiết bị để sẵn sàng đối phó với các tình huống bất trắc về kỹ thuật và đối phó với thiên tai (có thể xảy ra).

(9) Khẩn trương rà soát, hoàn thành việc ban hành cơ chế giá của các loại hình điện năng theo quy định, hướng dẫn của các cơ quan chức năng.

Nhiệm vụ cụ thể, đối với EVN:

a) Tiếp tục phát huy vai trò chủ đạo, phối hợp với NSMO trong công tác bảo đảm cung ứng đủ điện cho nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và đời sống sinh hoạt của người dân với nguyên tắc: EVN cùng NSMO bảo đảm an ninh năng lượng điện trong mọi tình huống, không được để đứt gãy; trong đó, lưu ý phối hợp chặt chẽ với NSMO để rà soát, thống nhất các thông số đầu vào phục vụ công tác lập Kế hoạch cung cấp điện và vận hành hệ thống điện quốc gia năm 2025.

b) Đẩy nhanh tiến độ nhập khẩu điện từ các nhà máy điện Lào theo quy định, đặc biệt các nhà máy điện có khả năng đấu nối về Việt Nam trước cao điểm mùa khô năm 2025, đẩy nhanh tiến độ thi công, bảo đảm hoàn thành các công trình lưới điện phục vụ nhập khẩu điện từ Lào và Trung Quốc theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

c) Chỉ đạo các đơn vị thuộc Tập đoàn rà soát, đồng bộ các thiết bị, đảm bảo sẵn sàng vận hành các thiết bị bù, hệ thống rơ le bảo vệ, tự động và các mạch sa thải liên động trên hệ thống điện quốc gia nhằm khai thác tối đa khả năng tải của đường dây; hạn chế các công tác lưới điện có ảnh hưởng đến cung cấp điện và giải tỏa nguồn điện.

d) Chủ trì, phối hợp với NSMO và các đơn vị có liên quan để nghiên cứu, triển khai phương án thi công dự án thủy điện Hòa Bình Mở rộng trong các tháng 6, 7 năm 2025 và đánh giá về khả năng ảnh hưởng đến cung ứng điện các tháng cao điểm mùa khô năm 2025, cũng như khả năng tích nước đến cuối năm 2025 để phục vụ phát điện năm 2026.

đ) Đẩy nhanh tiến độ các công trình đầu tư nguồn và truyền tải trong Quy hoạch điện 7 điều chỉnh và Quy hoạch điện 8, nhất là công trình giải tỏa nguồn để huy động nguồn trong nước, đồng thời tăng khả năng nhập khẩu, chống quá tải, nâng cao khả năng khai thác truyền tải của đường dây 500kV (Dự án lắp đặt 1404 MVAr tụ bù ngang miền Bắc, cập nhật mạch sa thải đặc biệt, dự án lắp đặt kháng bù ngang trên hệ thống điện 500kV) để đảm bảo cấp điện phụ tải nhằm đảm bảo an ninh cung ứng điện năm 2025 và các năm tiếp theo.

e) Chỉ đạo các Tổng công ty Điện lực và các đơn vị liên quan phối hợp chặt chẽ với NSMO trong công tác quản lý nhu cầu phụ tải, tiếp tục quan tâm và đẩy mạnh các giải pháp tiết kiệm điện, sử dụng năng lượng hiệu quả, chuyển dịch phụ tải và chuẩn bị các phương án điều hòa/điều tiết phụ tải, huy động nguồn điện phát từ dầu ở mức hợp lý để cung ứng và tính toán phương án cấp điện cho một số đảo xa, bản ở vùng núi cao. 

f) Chỉ đạo rà soát, củng cố hệ thống kỹ thuật, nhất là hệ thống lưới điện cơ sở, trạm biến áp để sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp và người dân, bảo đảm an toàn hệ thống khi triển khai thực hiện cơ chế mua bán điện trực tiếp (trong tình huống sử dụng lưới điện quốc gia) và cơ chế khuyến khích phát triển mặt trời áp mái đã được Chính phủ ban hành.

Đối với PVN và PVGas:

a) Ưu tiên cung cấp tối đa khí và thực hiện các giải pháp để nâng cao khả năng cung cấp khí cho sản xuất điện; nghiên cứu đàm phán, điều chỉnh hợp đồng với Petronas.

b) Chịu trách nhiệm phân bổ phần khí PM3-CAA đã trả trước, bảo đảm thu hồi đủ quyền của Việt Nam trong các cam kết nhiên liệu giai đoạn 2024 – 2026, khẩn trương thông báo cho EVN, NSMO để phối hợp trong công tác huy động nguồn điện.

Đối với TKV, Tổng công ty Đông Bắc chủ động nâng cao năng lực khai thác tối đa than trong nước, nhập khẩu than từ nước ngoài, ưu tiên nhập khẩu từ Lào; bảo đảm ký kết hợp đồng với các đơn vị sử dụng than phát điện theo đúng tinh thần Chỉ thị 29 của Thủ tướng Chính phủ.

Chủ đầu tư các nhà máy nhiệt điện than phải chủ động lập kế hoạch sản xuất điện, chuẩn bị nguồn than đảm bảo đủ than theo nhu cầu phát điện của hệ thống điện hàng tháng và cả năm 2025, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng bị động trong chuẩn bị nhiên liệu than cho sản xuất điện.

Đối với các đơn vị của Bộ Công Thương, Bộ trưởng yêu cầu:

Đối với NSMO:

a) Chủ động, tích cực phối hợp Cục Điều tiết điện lựcxây dựng Kế hoạch cung cấp điện và vận hành hệ thống điện năm 2025 (trong đó bao gồm nhu cầu nhiên liệu than, khí của từng nhà máy điện tham gia hệ thống điện quốc gia), báo cáo Bộ Công Thương (thông qua Cục Điều tiết điện lực, Vụ Dầu khí và Than) để xem xét phê duyệt.

b) Lập phương thức vận hành và huy động hợp lý các nguồn điện (bao gồm cả nguồn năng lượng tái tạo) trong hệ thống điện quốc gia để đảm bảo cung ứng đủ điện trên cơ sở nguyên tắc minh bạch, công bằng, tối ưu chi phí toàn hệ thống, phù hợp với điều kiện hạ tầng kỹ thuật của lưới điện và các quy định pháp luật.

c) Đề xuất các phương án điều tiết các hồ chứa thủy điện một cách linh hoạt nhằm đảm bảo tối ưu sử dụng tài nguyên nước và khai thác các nhà máy thủy điện phục vụ cung cấp điện với giá hợp lý.

d) Xây dựng điều chỉnh phương án phụ tải trong thời điểm cực đoan về thời tiết, xây dựng kế hoạch huy động tối đa, tối ưu các nguồn có thể bổ sung công suất cho Kế hoạch năm 2025

e) Chủ động phối hợp với Vụ Kế hoạch - Tài chínhxây dựng kế hoạch đầu tư, nâng cấp và bổ sung cơ sở vật chất trang thiết bị hoạt động của NSMO, bảo đảm ổn định, hiệu quả.

Đối với Cục Điều tiết điện lực:

a) Tập trung đôn đốc, chỉ đạo NSMO khẩn trương hoàn thiện Kế hoạch cung cấp điện và vận hành hệ thống điện năm 2025, báo cáo Lãnh đạo Bộ phê duyệt chậm nhất trong ngày 15 tháng 11 năm 2024.

b) Chủ trì đề xuất, phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ Công Thương tổ chức các Đoàn công tác của Bộ Công Thương kiểm tra, giám sát định kỳ và có kết luận cụ thể về tình hình chuẩn bị, thực hiện kế hoạch cung cấp điện của NSMO, EVN, EVNNPT, các Đơn vị phát điện và các Tổng công ty Điện lực trong năm 2025, đặc biệt trong các tháng cao điểm mùa khô. 

c) Khẩn trương hoàn thiện và trình Lãnh đạo Bộ ban hành (hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền ban hành) các quy định về khung giá của tất cả các loại điện năngvà cơ chế thí điểm giá điện 2 thành phần, giá điện theo giờ cao điểm, thấp điểm... theo đúng tiến độ đã được Bộ trưởng giao.

Đối với Vụ Dầu khí và Than:

a) Chủ trì làm việc với PVN, PVGAS, EVN và các đơn vị có liên quan về khả năng cung cấp khí LNG bổ sung cho khu vực Đông Nam Bộ và cơ chế phân bổ khí cho các hộ dùng điện.

b) Trên cơ sở Kế hoạch cung cấp điện và vận hành hệ thống điện năm 2025 được phê duyệt, khẩn trương hoàn thiện và trình Lãnh đạo Bộ phê duyệt Biểu đồ cấp than cho sản xuất điện năm 2025, trong đó bao gồm dự kiến khối lượng than cho sản xuất điện các tháng mùa khô năm 2025.

c) Rà soát để sửa đổi bổ sung, hoàn thiện các cơ chế, chính sách liên quan đến trách nhiệm của Vụ trong vấn đề này.

Đối với Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo:

a) Chủ động phối hợp với Văn phòng Ban chỉ đạo quốc gia các dự án, công trình về năng lượng bám sát, nắm chắc tình hình để kịp thời tham mưu cho Ban chỉ đạo, Bộ trưởng đốc thúc các chủ đầu tư các công trình nguồn điện và đường dây truyền tải, đẩy nhanh tiến độ, bảo đảm đủ cung ứng điện và giải tỏa công suất điện cho các nhà máy kể cả trong và ngoài nước; tổ chức làm việc với Chủ đầu tư dự án BOT Vũng Áng 2 để khẩn trương hoàn thành, đưa tổ máy S1 vào vận hành phát điện trước ngày 30 tháng 4 năm 2025; hướng dẫn EVN công tác tiếp nhận nhà máy điện BOT Phú Mỹ bàn giao cho Việt Nam.

b) Tập trung phối hợp với Cục Điều tiết điện lực vàcác đơn vị liên quan xây dựng dự thảo các Nghị định, Thông tư để triển thực hiện Luật Điện lực (sửa đổi), trình cấp có thẩm quyền ngay sau khi Luật Điện lực (sửa đổi) được Quốc hội thông qua.

c) Rà soát đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư nguồn và truyền tải, thuộc thẩm quyền của các Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước, tư nhân kể cả đầu tư nước ngoài.

d) Đặc biệt cần tập trung chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tham mưu xử lý 168 dự án năng lượng tái tạo có vi phạm theo Kết luận thanh tra số 1027/KL-TTCP để sớm huy động được những tổ hợp này vào cung ứng điện năm 2025.

e) Tăng cường phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan trong công tác kiểm tra, đôn đốc giám sát việc thực hiện các dự án, công trình điện lực.

Đối với Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp:

a) Chủ trì cùng với EVN làm việc với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên vàMôi trường về vận hành các hồ chứa thủy điện, bảo đảm vận hành linh hoạt và sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả.

b) Thường xuyên bám sát hoạt động sản xuất điện, than, khí của các doanh nghiệp liên quan; chỉ đạo, đôn đốc các đơn vị sản xuất điện, than, khí thực hiện các giải pháp cụ thể để đảm bảo an toàn trong sản xuất, không để xảy ra các vụ tai nạn nghiêm trọng.

c) Bám sát tình hình diễn biến thủy văn và diễn biến của thời tiết để kịp thời chỉ đạo theo thẩm quyền hoặc tham mưu cho Lãnh đạo Bộ chỉ đạo các đơn vị liên quan trong việc vận hành các hồ chứa thủy điện, bảo đảm an toàn, hiệu quả.

Đối với Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bềnvững đôn đốc, chỉ đạo các đơn vị tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 08 tháng 6 năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường tiết kiệm điện giai đoạn 2023-2025 và các năm tiếp theo.

Bên cạnh đó, cần tích cực phối hợp cùng NSMO và Cục Điều tiết điện lực tham mưu, đề xuất các kịch bản phụ tải trong những thời điểm cực đoan của thời tiết. Đặc biệt, tăng cường kiểm tra, thanh tra việc thực hiện của các đơn vị.

Cuối cùng, Bộ trưởng đề nghị, sau cuộc họp, các đơn vị theo chức năng, nhiệm vụ được giao cần khẩn trương, chủ động triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao, bảo đảm hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch cung ứng điện, biểu đồ cung ứng than, khí và cơ chế vận hành các hồ chứa năm 2025, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 và các năm tiếp theo.

 

Nguồn tin: moit.gov.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Việc làm Bình Phước
Công báo Chính phủ
DVC Quốc gia
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập5
  • Hôm nay264,661
  • Tháng hiện tại9,650,405
  • Tổng lượt truy cập455,045,527
KQ TTHC
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây