sct

Câu chuyện 100 năm của dừa sáp Trà Vinh

Thứ hai - 23/09/2024 09:48
Trà Vinh nổi tiếng là “thủ phủ dừa sáp” với hơn 1.100 ha dừa sáp, chủ yếu tập trung ở huyện Cầu Kè. Dừa sáp đã có mặt tại mảnh đất này từ trăm năm nay và mang lại nhiều giá trị văn hóa cũng như kinh tế cho người nông dân.
Dừa sáp
Dừa sáp
Không giống như các loại dừa bình thường, dừa sáp có lớp cơm dừa dày, mềm, dẻo, đặc quánh cùng với ít nước sệt, vị béo ngậy và có hương thơm rất đặc trưng. Lớp sáp trứ danh này chính là điểm có một không hai của dừa sáp.

Theo lời kể của người dân sống lâu năm tại địa phương, câu chuyện của trái dừa sáp bắt đầu từ năm 1924, sau khi hoàn thành khóa học tu tại Campuchia, hòa thượng Thạch Sô về chùa Botumsakor (Cầu Kè), mang theo hai cây dừa sáp về trồng. Đây cũng là lần đầu tiên mầm cây dừa sáp được trồng tại Việt Nam. Sau một thời gian, các phật tử biết đến đã truyền tai nhau và xin giống về trồng.

Ban đầu, cây dừa sáp chủ yếu được phật tử và vài hộ dân ở địa phương trồng ăn trong gia đình hoặc làm quà tặng. Nhờ hương vị độc đáo nên người dân truyền tai nhau. Đến nay, dừa sáp đã trở thành đặc sản nổi tiếng của huyện Cầu Kè.

Cây dừa sáp nguyên bản rất kén đất và khó trồng. Chỉ có thể ra trái sáp ở vùng đất Cầu Kè nhờ đặc tính khí hậu và thổ nhưỡng thích hợp. Mỗi buồng dừa chỉ cho tỷ lệ trái sáp từ 20% - 30%. Chính vì vậy, dừa sáp Cầu Kè rất hút hàng, có giá cao.

Toàn huyện Cầu Kè hiện có hơn 2.000 hộ trồng dừa sáp với hơn 171.000 cây, diện tích trên 1.000 ha. Sản lượng dừa sáp trung bình hàng năm đạt trên 3 triệu trái. Với giá dừa sáp tại vườn hiện đang dao động từ 80 – 150.000 đồng/quả, có khi tăng đến 160 - 200.000 đồng/quả, giá trị kinh tế dừa sáp mang lại cho người nông dân là từ 350 - 400 triệu đồng/ha/năm, cao gấp 8 lần so với trồng dừa thường.
 

Những năm gần đây, đội ngũ nhà khoa học của Trường Đại học Trà Vinh đã nghiên cứu nhân giống dừa bằng công nghệ nuôi cấy phôi giúp nâng cao tỷ lệ trái sáp/buồng từ 70 – 90%. Những cây dừa sáp nuôi cấy phôi có khả năng thích nghi tốt với biến đổi khí hậu, nhất là có khả năng chịu phèn, chịu mặn, có thể trồng được ở nhiều vùng đất khác. Từ đó, mở ra nhiều hướng phát triển bền vững và đa dạng hơn cho trái dừa sáp. Tuy nhiên, diện tích dừa sáp nuôi cấy phôi phát triển nhanh chóng cũng khiến vùng dừa sáp truyền thống đặc sản của tỉnh Trà Vinh đứng trước nguy cơ bị thu hẹp.

Nhận định dừa sáp truyền thống là giống gen quý, UBND huyện Cầu Kè đang tập trung quy hoạch lại vùng chuyên trồng dừa sáp truyền thống, tập trung chủ yếu các xã Hòa Tân, Tam Ngãi, An Phú Tân, Phong Phú, Hòa Ân. Đồng thời triển khai các chính sách hỗ trợ tái cơ cấu ngành nông nghiệp, giúp người dân chuyển đổi từ đất vườn kém hiệu quả, đất giồng cát lên vườn trồng dừa sáp. Huyện cũng tích cực tuyên truyền người dân không chặt bỏ cây dừa sáp truyền thống, để gìn giữ và nhân rộng giống dừa sáp nguyên bản quý hiếm này.

Tại Chiến lược nâng cấp chuỗi giá trị dừa tỉnh Trà Vinh, giai đoạn 2022 – 2025, UBND tỉnh Trà Vinh cũng đặt mục tiêu phát triển khoảng 550 ha dừa sáp đặc sản, tập trung trên địa bàn các huyện Cầu Kè, Càng Long, Tiểu Cần và Châu Thành, nhằm nâng cao giá trị trái dừa sáp cũng như chuỗi giá trị ngành hàng dừa của tỉnh.

Tỉnh đang triển khai nhiều biện pháp phát triển vùng nguyên liệu dừa tập trung theo tiêu chuẩn VietGAP và hữu cơ gắn với nhà máy chế biến của các doanh nghiệp và thị trường mục tiêu. Đồng thời, có các chính sách hỗ trợ xây dựng thương hiệu sản phẩm dừa sáp, hỗ trợ nông dân liên kết cùng doanh nghiệp để tiêu thụ nguyên liệu hoặc sản phẩm sơ chế.

UBND tỉnh cũng triển khai nhiệm vụ đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý và nhãn hiệu chứng nhận mang chỉ dẫn địa lý “Trà Vinh” cho “Dừa sáp Trà Vinh” và nhãn hiệu chứng nhận “Giống dừa sáp Trà Vinh”. Đây sẽ là cơ sở để nâng cao uy tín, tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm dừa sáp Trà Vinh trên thị trường.

Đồng hành trong hành trình mang trái dừa sáp vươn xa hơn còn có Công ty TNHH Chế biến Dừa sáp Cầu Kè (Vicosap). Đây là đơn vị tiên phong đầu tư công nghệ máy móc để chế biến đa dạng, chuyên sâu các sản phẩm từ dừa sáp. Vicosap đã hợp tác với HTX dừa sáp Hoà Tân (huyện Cầu Kè) để xây dựng vùng nguyên liệu đạt chuẩn, liên kết lâu dài để nâng cao giá trị cho trái dừa sáp.

Tháng 5/2023, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam trao bằng xác lập kỷ lục “Đơn vị chế biến sâu trái dừa sáp thành hệ thống nhiều dòng sản phẩm nhất, phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu” cho Vicosap.

Công ty đã có sản phẩm “dừa sáp sợi” được công nhận sản phẩm OCOP 5 sao cấp Quốc gia và nhiều sản phẩm chế biến từ dừa sáp đạt OCOP 4 sao như: dừa sáp sấy khô giòn tan, sữa chua dừa sáp, bánh Vicosap dừa sáp và chuối…
 

Hiện, Vicosap đang phối hợp với chính quyền địa phương, ngành chức năng và các hộ trồng dừa sáp truyền thống thực hiện dự án “Làng bảo tồn dừa sáp nguyên bản gắn phát triển dịch vụ - du lịch cộng đồng, cải thiện sinh kế đồng bào Khmer”. Dự án nhằm xây dựng và phát triển mô hình sản xuất - kinh doanh gắn kết với cộng đồng theo hướng đa dạng hóa giá trị từ dừa sáp, tạo thu nhập tăng thêm và sinh kế bền vững cho người nông dân; góp phần giữ gìn, bảo tồn nguồn giống dừa sáp nguyên bản.

Để tôn vinh, quảng bá thương hiệu, giá trị của trái dừa sáp, góp phần khẳng định sự nỗ lực, quyết tâm đưa các sản phẩm chế biến từ dừa sáp ra thị trường thế giới, từ ngày 25/8 – 31/8/2024, tỉnh Trà Vinh lần đầu tiên tổ chức Festival 100 năm Dừa sáp Trà Vinh. Lễ hội sẽ được tổ chức tại huyện Cầu Kè với nhiều hoạt động hấp dẫn.

Có thể nói, hành trình trái dừa sáp bén duyên với mảnh đất Trà Vinh đã trải qua 100 năm, trở thành chất liệu, câu chuyện văn hóa cần phải bảo tồn, lưu giữ. Câu chuyện sẽ còn được viết tiếp bởi sự nỗ lực của chính quyền địa phương, doanh nghiệp và người nông dân để cùng mang dừa sáp vươn xa, để tán lá dừa mãi xanh và mang lại sinh kế bền vững.

Nguồn tin: UBND tỉnh Trà Vinh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Việc làm Bình Phước
Công báo Chính phủ
DVC Quốc gia
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập2,272
  • Hôm nay167,773
  • Tháng hiện tại9,240,705
  • Tổng lượt truy cập493,104,143
KQ TTHC
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây