Ngày 14 tháng 5 năm 1951, Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam) đã ký Sắc lệnh số 21-SL đổi tên Bộ Kinh tế thành Bộ Công Thương. Năm 1955, Bộ Công Thương tách ra thành Bộ Công nghiệp và Bộ Thương nghiệp. Năm 1958, Bộ Thương nghiệp tách ra thành Bộ Nội thương và Bộ Ngoại thương. Năm 1960, Bộ Công nghiệp tách thành Bộ Công nghiệp nặng và Bộ Công nghiệp nhẹ. Năm 1969, Bộ Công nghiệp nặng tách thành các Bộ Cơ khí và Luyện kim, Bộ Điện và Than và Tổng cục Hóa chất. Năm 1981, Bộ Điện và than tách thành Bộ Mỏ và Than và Bộ Điện lực, đến năm 1987 lại nhập thành Bộ Năng lượng. Năm 1988, Bộ Ngoại thương hợp nhất với một bộ phận của Ủy ban Hợp tác Kinh tế - Văn hóa với Lào và Cam-pu-chia thành Bộ Kinh tế đối ngoại. Năm 1990, Bộ Thương nghiệp được thành lập trên cơ sở hợp nhất Bộ Nội thương, Bộ Vật tư và Bộ Kinh tế đối ngoại. Năm 1991, đổi tên thành Bộ Thương mại và Du lịch. Đến năm 1992, Bộ Thương mại và Du lịch được đổi tên thành Bộ Thương mại. Năm 1995, Bộ Công nghiệp được thành lập trên cơ sở hợp nhất các Bộ Công nghiệp nặng, Bộ Công nghiệp nhẹ và Bộ Năng lượng.
Ngày 31 tháng 7 năm 2007, Quốc hội Khóa XII thông qua Nghị quyết số 01/2007/NQ-QH12 hợp nhất Bộ Công nghiệp và Bộ Thương mại thành Bộ Công Thương hiện nay.
Ngày 02 tháng 10 năm 2008, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 1418/QĐ-TTg lấy ngày 14 tháng 5 hàng năm là “Ngày truyền thống của Ngành Công Thương Việt Nam”.
Trải qua gần 70 năm phấn đấu liên tục, các thế hệ cán bộ, công nhân, viên chức và lao động Ngành Công Thương đã hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ chính trị, kinh tế, xã hội, góp phần quan trọng vào sự nghiệp giải phóng và thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Trong cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc chống giặc ngoại xâm, với các phong trào thi đua “Vững tay búa, chắc tay súng”, “Vải không thiếu một phân, quân không thiếu một người”, “Giữ dòng điện như giữ mạch máu”, “Không sợ thiếu, chỉ sợ phân phối không công bằng”, cán bộ, công nhân viên Ngành Công Thương Việt Nam vừa dũng cảm chiến đấu vừa hăng hái lao động, sản xuất, hoàn thành xuất sắc hai nhiệm vụ chính là: Xây dựng cơ sở vật chất cho Chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và chi viện cho chiến trường miền Nam. Với tinh thần “tất cả cho tiền tuyến”, “Tất cả vì thống nhất Tổ quốc”, các nhà máy, xí nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp còn non trẻ đã sản xuất ngày đêm, quên mình phục vụ yêu cầu của chiến trường; ngành thương mại đảm đương tốt vai trò “nội trợ của xã hội”, xây dựng mạng lưới mậu dịch quốc doanh và hợp tác xã mua bán rộng khắp từ thành thị đến nông thôn, từ hậu phương ra tiền tuyến, đưa hàng đến phục vụ từng cơ quan, xí nghiệp, từng trận địa phòng không để đáp ứng yêu cầu của sản xuất, chiến đấu và đời sống của nhân dân. Nhiều đồng chí cán bộ, công nhân viên của ngành đã anh dũng hy sinh cho sự nghiệp bảo vệ và xây dựng Tổ quốc trong khi làm nhiệm vụ; góp phần cùng toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta làm nên những chiến thắng vĩ đại, thống nhất đất nước.
Trong thời kỳ đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, ngành Công Thương có vị trí đặc biệt quan trọng trong nền kinh tế quốc dân. Trong hơn 30 năm đổi mới, ngành Công Thương đã nỗ lực phấn đấu đạt được những thành tựu quan trọng. Nhiều công trình công nghiệp quy mô lớn, công nghệ hiện đại đã được đầu tư xây dựng và đưa vào hoạt động trong các lĩnh vực then chốt như Thủy điện Sơn La, Hòa Bình, các Trung tâm điện lực, nhà máy lọc dầu Dung Quất, các tổ hợp khí-điện-đạm Nam Côn Sơn - Cà Mau, các nhà máy phân bón, hóa chất, cơ khí chế tạo, các xí nghiệp dệt may, da giày, công nghiệp chế biến… đã đáp ứng những sản phẩm thiết yếu cho nền kinh tế.
Hiện nay, toàn ngành Công Thương đã đóng góp quan trọng trong tổng GDP cả nước, tạo việc làm trực tiếp cho hàng triệu lao động.
Công tác hội nhập kinh tế quốc tế đã được triển khai một cách chủ động, toàn diện trên nhiều lĩnh vực, tạo thuận lợi cho hoạt động xuất, nhập khẩu của Việt Nam cũng như góp phần nâng cao vị thế của nước ta trên trường quốc tế. Hoạt động thương mại và dịch vụ không ngừng phát triển, mạng lưới phân phối ngày càng được mở rộng, tạo kênh lưu thông hàng hóa từ miền núi đến hải đảo, nhiều mô hình phân phối văn minh, hiện đại được triển khai phục vụ người tiêu dùng. Công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, đấu tranh phòng chống hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, bảo vệ lợi ích người tiêu dùng được quan tâm, thực hiện quyết liệt.
Với những đóng góp to lớn trong suốt quá trình đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Bộ Công nghiệp, Bộ Thương mại trước đây, nay là Bộ Công Thương đã được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao Vàng; Huân chương Độc lập hạng nhất.