(CTTĐTBP) - Ngày 6/4, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và nhiệm vụ xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật trên địa bàn tỉnh năm 2023.
Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ được giao tại Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg ngày 22/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ về quy định xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật; nhiệm vụ được giao tại nội dung 04 về “Tăng cường hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, hòa giải ở cơ sở, giải quyết hòa giải, mâu thuẫn ở khu vực nông thôn"; nội dung 05 về “Nâng cao nhận thức, thông tin về trợ giúp pháp lý; tăng cường khả năng thụ hưởng dịch vụ trợ gúp pháp lý” thuộc nội dung thành phần số 08 và nội dung 01 về “Nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, đánh giả kết quả thực hiện Chương trình" thuộc nội dung thành phần 11 Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 theo Kế hoạch số 174/KH-UBND ngày 02/6/2022 của UBND tỉnh thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Bình Phước.
UBND tỉnh yêu cầu việc triển khai kế hoạch này cần xác định rõ nội dung công việc, tiến độ thực hiện. Các nội dung, hoạt động đề ra phải bảo đảm tính khả thi, có trọng tâm, trọng điểm; bảo đảm phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị có liên quan trong quá trình triển khai thực hiện chú trọng lồng ghép, kết hợp với triển khai các chương trình, đề án, nhiệm vụ có liên quan để sử dụng nguồn lực tiết kiệm, hiệu quả. Đề cao vai trò chủ động, tích cực của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị có liên quan trong việc tổ chức thực hiện nhiệm vụ được giao.
Để hoàn thành mục đích và yêu cầu của kế hoạch, UBND tỉnh đưa ra các nội dung cụ thể để tổ chức triển khai.
Trong năm 2023, Sở Tư pháp, UBND cấp huyện phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan thực hiện ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn; theo dõi, hướng dẫn, giải đáp, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của địa phương trong quá trình triển khai thực hiện, chấm điểm, đánh giá tiêu chí tiếp cận pháp luật trong Bộ Tiêu chí quốc gia về nông thôn mới.
Xây dựng, thực hiện các chương trình truyền thông trên đài, báo và các phương tiện thông tin đại chúng ở cơ sở nhằm tiếp tục nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị về ý nghĩa, mục đích của việc thực hiện đánh giá, công nhận cấp xã, cấp huyện đạt chuẩn tiếp cận pháp luật. Viết các tin, bài trên các báo, cổng/trang thông tin phổ biến, giáo dục pháp luật để truyền thông các văn bản, quy định về đánh giá, công nhận cấp xã, cấp huyện đạt chuẩn tiếp cận pháp luật; kết quả thực hiện các tiêu chí, chỉ tiêu; vướng mắc, khó khăn về thể chế, tổ chức thực hiện; chính sách, văn bản mới về xây dựng nông thôn mới.
Nâng cao nhận thức, thông tin về trợ giúp pháp lý; tăng cường khả năng thụ hưởng dịch vụ trợ giúp pháp lý. Biên soạn, đặt mua các tài liệu nghiệp vụ, tài liệu phổ biến, giáo dục pháp luật về đánh giá chuẩn tiếp cận pháp luật.
Tổ chức hội nghị tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ đánh giá, công nhận cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, đánh giá tiêu chí tiếp cận pháp luật trong Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Chọn điểm để chỉ đạo, hướng dẫn việc xây dựng, triển khai mô hình điểm xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật.
Tổ chức kiểm tra nắm bắt tình hình triển khai đánh giá, công nhận chuẩn tiếp cận pháp luật. Thực hiện các nhiệm vụ đánh giá, công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật theo quy định tại Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg, Thông tư số 09/2021/TT-BTP. Tổng hợp, báo cáo kết quả đánh giá, công nhận cấp xã, cấp huyện đạt chuẩn tiếp cận pháp luật trên địa bàn tỉnh.
Kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và nhiệm vụ xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật trên địa bàn tỉnh năm 2023 được bố trí từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới năm 2023./.