Nâng chất đường giao thông
Bình Phước có địa bàn rộng nhất khu vực Đông Nam bộ. Những năm qua, tỷ lệ đường giao thông được bê tông và nhựa hóa còn thấp. Để nâng chất tiêu chí này, năm 2020, Tỉnh ủy tiếp tục thực hiện nghị quyết xây dựng 1.000km đường bê tông xi măng trên địa bàn toàn tỉnh theo cơ chế đặc thù. Huyện Bù Đăng được giao thực hiện số lượng cao nhất với tổng chiều dài 140km. Đăng Hà là xã còn nhiều khó khăn và xa nhất huyện Bù Đăng đã triển khai được 17km, dài nhất từ trước tới nay.
Tiến sĩ Nguyễn Văn Bắc - Phó Giám đốc Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện Bù Đốp (giữa) cùng nông dân thăm cánh đồng lúa ấp 4, xã Thanh Hòa, huyện Bù Đốp. Cánh đồng cấy giống lúa ST24, ST25 (có năng suất, chất lượng cao) đang được khảo nghiệm để xây dựng thương hiệu “Gạo sạch Bù Đốp”
Các tuyến đường trong tỉnh bê tông tới đâu, phần lớn được nhân dân tổ chức trồng hoa tới đó. Chương trình này do Hội LHPN tỉnh phát động đã tạo hiệu ứng tích cực trong nhân dân. Trong đó, huyện Hớn Quản có nhiều tuyến đường hoa đẹp nhất tỉnh với tổng chiều dài trên 40km. Với quy định đường hoa trước cửa nhà ai thì nhà đó chăm sóc; những chỗ không có nhà dân, chi hội phụ nữ thôn tổ chức định kỳ dọn vệ sinh chung vào một ngày trong tháng. Bà Nguyễn Thị Cẩm Giang, Chủ tịch Hội LHPN huyện Hớn Quản cho biết: “Các tuyến đường hoa góp phần quan trọng vào việc cải thiện môi trường. Cỏ, hoa và cây xanh giữ cho đất không bị xói mòn, ảnh hưởng tới chất lượng, tuổi thọ của đường bê tông và mương thoát nước. Mô hình này đang được nhân rộng trong toàn huyện”.
Đẩy mạnh liên kết sản xuất
Hệ thống đường giao thông thuận lợi, đồng nghĩa với kinh tế của người dân thêm nhiều cơ hội phát triển. Những xã xa nhất của Bình Phước, tiếp giáp biên giới nước bạn Campuchia giờ đã xuất hiện nhiều trang trại kinh tế hiệu quả. Lúc này, việc chuyên chở hàng hóa nông sản không còn là nỗi lo. Vấn đề người dân quan tâm là làm thế nào để nâng cao trình độ và hiệu quả sản xuất nông nghiệp. Ông Phan Viết Vị, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) thương mại dịch vụ Phước Thiện, huyện Bù Đốp cho biết: “Những thành viên của HTX, trước đều là những thanh niên làm kinh tế gia đình đơn lẻ. Nhưng nay, chương trình NTM đã “thổi bùng” trong họ khát vọng làm giàu với phương pháp liên kết và sáng tạo. HTX đã quy tụ 20 thành viên tham gia. Tổng diện tích canh tác trên 40 ha, chủ yếu là sản xuất mít ruột đỏ, mít Thái lá bàng, vú sữa hoàng kim. Việc chăm sóc cây trồng đảm bảo quy trình kỹ thuật, canh tác theo tiêu chuẩn hữu cơ VietGAP, GlobalGAP nên hiệu quả sản xuất đạt cao”.
Người dân thôn 2, xã Đăng Hà, huyện Bù Đăng tập trung làm đường giao thông nông thôn
Bình Phước là thủ phủ của điều, cao su, hồ tiêu... Nhưng khi những cây trồng chủ lực gặp khó do giá thấp và dịch bệnh thì người nông dân đã có thể làm giàu từ cây lúa. Chương trình NTM đã thôi thúc những người yêu thích làm nông nghiệp, những người có trách nhiệm tìm kiếm các giống lúa mới có chất lượng cao. Từ đó, người nông dân có thể yên tâm cần mẫn lao động sản xuất, tạo ra những hạt “ngọc”, mùa “vàng”. Năm 2020, toàn tỉnh có 20 sản phẩm được hội đồng đánh giá phân hạng cấp huyện đạt tiêu chuẩn từ 3 - 5 sao. Một số mặt hàng nông sản của Bình Phước giờ đã có mặt tại các thị trường bán lẻ của hệ thống siêu thị và bách hóa xanh.
97% người dân hài lòng về NTM
Quá trình xây dựng NTM, hầu hết các nơi trong tỉnh gặp khó trong xử lý rác thải. Bởi công tác quy hoạch quỹ đất và hạ tầng cho tiêu chí này còn chưa thỏa đáng. Dù vậy, trong khó khăn vẫn có những sáng kiến và cách làm linh hoạt. Nhiều xã xây dựng được mô hình lò đốt rác tại mỗi gia đình và tại cơ quan, công sở. Một số xã đã thực hiện xã hội hóa mô hình thu gom rác thải về bãi tập kết. Sau đó xử lý bằng cách thiêu hủy. Đặc biệt, tại xã Tiến Hưng, TP. Đồng Xoài, nhà máy xử lý rác thải của Công ty cổ phần đầu tư và phát triển công nghệ môi trường Bình Phước đã được xây dựng và phát huy tốt với công suất thiết kế xử lý 250 tấn rác thải sinh hoạt/ngày. Ngoài phân loại rác thải, đơn vị này còn sản xuất được các loại phân hữu cơ sử dụng trong nông nghiệp.
Năm 2020, chương trình xây dựng NTM của tỉnh đã được đầu tư gần 218,93 tỷ đồng từ ngân sách Trung ương, hơn 850 tỷ đồng từ ngân sách tỉnh, huyện, xã; nhân dân đóng góp trên 84,639 tỷ đồng. Bình Phước đã có 60/90 xã về đích NTM, các xã trong toàn tỉnh đạt bình quân 17/19 tiêu chí, cao hơn mức bình quân chung của cả nước.
|
Ông Nguyễn Duy Hòa, Tổng giám đốc Công ty cổ phần đầu tư và phát triển công nghệ môi trường Bình Phước cho biết: “Với ý nghĩa và tầm quan trọng của công tác bảo vệ môi trường, thời gian tới công ty tiếp tục nâng cấp cơ sở xử lý rác hiện hữu để đáp ứng nhu cầu thực tiễn. Triển khai mô hình điện rác với công nghệ cao, phát triển năng lượng tái tạo từ rác thải và hoàn thiện quy trình xử lý rác thải thành phân hữu cơ”.
Chương trình NTM ngày càng làm thay đổi rõ nét ở các vùng nông thôn của tỉnh. Xã chưa về đích NTM cũng đã chủ động thực hiện các bước với phương châm “dễ làm trước, khó làm sau”. Xã được chọn về đích thì đồng loạt triển khai để hoàn thành theo đúng tiến độ. Những xã đã hoàn thành NTM thì tiếp tục xây dựng NTM nâng cao với các khu dân cư kiểu mẫu, hiện đại. Và đối với bất kỳ tiêu chuẩn nào, sự hài lòng của người dân vẫn là thước đo quan trọng và chính xác nhất. Theo khảo sát dư luận tại các xã xây dựng NTM năm 2020 thì 97% người dân bày tỏ sự đồng tình và hài lòng với chương trình này.
2021 là năm chuyển tiếp của chương trình NTM giai đoạn 2 sang giai đoạn 3. Bình Phước đề ra kế hoạch xây dựng thêm 10 xã đạt chuẩn NTM, phấn đấu đưa 7 xã về đích NTM nâng cao, bình quân toàn tỉnh đạt 18/19 tiêu chí/xã, hoàn thành các hồ sơ, thủ tục trình Trung ương công nhận các huyện Đồng Phú và Chơn Thành hoàn thành chương trình xây dựng NTM theo đúng lộ trình./.