Tham khảo giá nông, lâm, thủy sản tại thị trường trong nước ngày 18/01/2021 (Nguồn: Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại tổng hợp)
Theo Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công Thương), tình trạng giá thuê tàu biển và container liên tục tăng cao trong hơn 3 tháng trở lại đây đã gây ảnh hưởng lớn tới xuất khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy sản của Việt Nam. Nhiều doanh nghiệp phải dời kế hoạch xuất khẩu cho đơn hàng cũ và không nhận đơn hàng mới. Theo các Hiệp hội ngành hàng như thủy sản, cà phê, gạo…, giá thuê container đã tăng gấp 10 lần so với thời điểm trước tháng 10/2020 do thiếu vỏ container rỗng.
Về mặt hàng gạo, tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, giá lúa OM 0577, OM 9582 tại An Giang ổn định ở mức 7.000 đồng/kg; OM 6976 đạt 7.000 đồng/kg; IR 504 ở mức 6.900 đồng/kg; lúa Jasmine giá 7.000 đồng/kg; Đài thơm 8 đạt 7.300 đồng/kg, tăng 100 đồng/kg so với cuối tháng 12/2020; OM 5451 đạt 6.900 đồng/kg, giảm 100 đồng/kg; OM 9577 và OM 9582 giảm 100 đồng/kg xuống còn 6.900 đồng/kg; nếp khô giá 7.700 đồng/kg.
Trong khi đó, giá gạo tiếp tục tăng cao. Cụ thể, gạo nguyên liệu IR 504 ở mức 10.100 đồng/kg, tăng 400 đồng/kg so với cuối tháng 12/2020; gạo nguyên liệu OM 5451 cũng tăng 400 đồng/kg lên mức 10.400 đồng/kg; gạo OM 18 tăng 300 đồng/kg lên mức 10.400 đồng/kg; tăng mạnh nhất là gạo thành phẩm xuất khẩu IR 504, với mức tăng 600 đồng/kg lên mức 11.600 đồng/kg.
Nguồn cung thấp trong khi giá ở mức cao khiến các thương lái và nhà máy thu mua cầm chừng. Hiện tại, thời vụ sản xuất lúa vẫn diễn biến theo đúng kế hoạch, trong tháng 1/2021 dự kiến sẽ thu hoạch được 1,2 triệu tấn thóc của vụ Đông Xuân sớm.
Trên thị trường thế giới, giá chào bán gạo 5% tấm của Việt Nam tăng 5 USD/tấn so với cuối tháng 12/2020, dao động ở mức 500 - 505 USD/tấn. Nhìn chung xuất khẩu gạo của Việt Nam năm 2021 đang duy trì tín hiệu lạc quan cả về sản lượng và giá bán. Hiện nay, các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam như Philippin, châu Phi... tiếp tục ký hợp đồng mua gạo của Việt Nam và giá gạo đang ở mức cao so với mặt bằng chung trong nhiều năm qua.
Về mặt hàng cà phê, trong phiên giao dịch ngày 18/01/2021, giá cà phê nhân xô tại các tỉnh Tây Nguyên giảm 7,2% (tương ứng 2.500 đồng/kg) so với cuối tháng 12/2020, đạt 32.000 đồng/kg. Hiện cà phê vụ mới của Việt Nam mới đưa ra thị trường khoảng 1/3 sản lượng và khó khăn về cước tàu biển đang khiến xuất khẩu chậm lại. Các nhà giao dịch dự báo người trồng cà phê sẽ đẩy mạnh bán ra trong những tuần tới khi kỳ nghỉ Tết Nguyên đán năm 2021 đang đến gần.
Giá hạt tiêu nhân xô tại các tỉnh Tây Nguyên tiếp tục giảm, giảm 1.000 đồng/kg trong kỳ từ ngày 01/01 đến 18/01/2021 xuống còn 53.000 đồng/kg. Trước đây, hạt tiêu của Việt Nam được các nhà hàng, khách sạn ở châu Âu tiêu thụ rất nhiều. Tuy nhiên, phân khúc này đang bị ảnh hưởng mạnh do châu Âu đang đối mặt với làn sóng Covid-19 mới. Bên cạnh đó, thời điểm giáp Tết Nguyên đán cũng là lúc Việt Nam bước vào vụ thu hoạch nên giá xuất khẩu hạt tiêu đang có chiều hướng giảm.
Giá điều nhân đang có xu hướng tăng do lượng cung điều nhân ở Việt Nam không còn nhiều trong khi giá mua điều thô vẫn đang ở mức cao. Điều này khiến các nhà chế biến rất thận trọng trong việc nhập khẩu điều thô. Tính đến ngày 18/01/2021, giá nhân điều xuất khẩu W240 và W320 tăng 2.000 - 3.000 đồng/kg so với cuối tháng 12/2020, dao động từ 30.000 - 33.000 đồng/kg.
Trong kỳ từ ngày 01/01 đến 18/01/2021, giá thu mua cao su tại thị trường trong nước tiếp tục biến động trái chiều. Theo đó, giá thu mua mủ cao su của Tổng Công ty Cao su Đồng Nai giảm 1.100 - 1.200 đồng/kg so với cuối tháng 12/2020, đạt 36.300 đồng/kg đối với mủ nước tại vườn và 7.600 - 11.400 đồng/kg với các loại mủ cạo chén và mủ đông. Trong khi đó, giá thu mua cao su của Công ty TNHH MTV Cao su Lộc Ninh tăng 200 đồng/kg, dao động ở mức 8.100 - 11.700 đồng/kg. Cây cao su đang bước vào cuối vụ thu hoạch, trong khi nhu cầu tại Trung Quốc vẫn ở mức cao sẽ là những yếu tố chính hỗ trợ thị trường cao su trong ngắn hạn.
Đối với mặt hàng thủy sản, tính đến ngày 18/01/2021, giá cá tra tại Đồng Tháp ổn định ở mức 21.000 đồng/kg. Năm 2021, ngành cá tra có cơ sở để phục hồi khi nhu cầu có thể tăng trưởng trở lại sau tác động mạnh của dịch Covid-19 trong năm 2020. Nhưng trong ngắn hạn, ngành cá tra vẫn còn nhiều thách thức khi phải đối mặt với các rào cản thương mại về chống bán phá giá, thay đổi quy định nhập khẩu ở thị trường Trung Quốc và tình trạng thiếu vỏ container để vận chuyển./.