Cần xây dựng nhãn hiệu tập thể cho nông sản Bình Phước

Thứ hai - 12/07/2021 16:56
(CTTĐTBP) - Nhãn hiệu tập thể (NHTT) dùng để phân biệt hàng hóa, dịch vụ của các thành viên trong tổ chức là chủ sở hữu nhãn hiệu với hàng hóa, dịch vụ của các tổ chức, cá nhân không phải là chủ sở hữu nhãn hiệu đó. Khi sản phẩm hàng hóa, dịch vụ được cấp giấy chứng nhận NHTT sẽ mang lại cho chủ thể sở hữu và người sản xuất nhiều lợi ích trong sản xuất, kinh doanh.

Lợi ích của nhãn hiệu tập thể

Theo giới chuyên môn phân tích, lợi ích mà NHTT sẽ mang lại cho chủ thể sở hữu và người sản xuất ở 4 phương diện sau:
 
NHTT

Một là, khẳng định được tính chất đặc trưng chung của hàng hóa, dịch vụ: NHTT như một chỉ dẫn chung nhất cho hàng hóa, dịch vụ về xuất xứ, chất lượng, tiêu chuẩn kỹ thuật, văn hóa, truyền thống. Do đó, hàng hóa, dịch vụ mang NHTT sẽ có những tính chất đặc trưng chung nhất định mà thị trường yêu thích.

Hai là, nâng cao tính cạnh tranh và khả năng cung ứng hàng hóa, dịch vụ: Tổ chức sở hữu NHTTgồm nhiều tổ chức, cá nhân hoạt động độc lập với nhau. Nhưng nếu họ tuân thủ theo quy tắc chung, hệ thống tiêu chuẩn chung của tổ chức sở hữu thì họ được sử dụng NHTTđể cung ứng hàng hóa, dịch vụ cho thị trường. Từ đó, họ đã tổng hợp được sức mạnh để cùng nhau quảng bá, phát huy được giá trị và đáp ứng được khả năng cung ứng hàng hóa, dịch vụ trên thị trường lớn. Do đó, họ đã cùng nhau tồn tại và phát triển trong thị trường cạnh tranh toàn cầu như hiện nay, đặc biệt đối với những tổ chức nhỏ lẻ cũng như hộ gia đình, cá nhân.

Ba là, ứng dụng được khoa học và công nghệ tiên tiến để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh. Khi đã đăng ký NHTT thì các thành viên trong tổ chức NHTT là một cộng đồng với mục tiêu chung là tạo ra hàng hóa, dịch vụ để cung ứng cho thị trường với hiệu quản sản xuất kinh doanh cao nhất. Do đó, họ sẽ cùng nhau hợp tác để tiếp cận, ứng dụng khoa học và công nghệ tiên tiên tiến trong thời kỳ cách mạng 4.0 vào thực tiễn sản xuất kinh doanh.

Bốn là, làm tiền đề để tiến tới xây dựng chỉ dẫn địa lý ở cấp quốc gia và trên cả thị trường quốc tế.

Nhãn hiệu hàng hóa tập thể là hướng phát triển bền vững

Việt Nam là quốc gia bước vào giai đoạn phát triển, nông nghiệp vẫn là ngành kinh tế trọng tâm của đất nước. Mặc dù được khuyến khích phát triển theo tầm nhìn chiến lược, nhưng sản xuất nông nghiệp nhìn chung ở quy mô nhỏ lẻ. Những tổ chức sản xuất nông nghiệp với quy mô lớn, ứng dụng khoa học công nghệ cao còn khiêm tốn. Lực lượng chính tham gia vào sản xuất nông nghiệp phần lớn vẫn là các danh nghiệp nhỏ, hợp tác xã và nông dân. Sản phẩm nông sản đạt chuẩn quốc gia và quốc tế còn hạn chế, giá trị chế biến sâu trong chuỗi giá trị toàn cầu ở mức thấp, tiềm năng nông sản chưa được khai thác đúng mức.

Vì vậy, nông nghiệp Việt Nam đang từng bước chuyển mình theo hướng: Tăng quy mô sản xuất có tính tập thể, hình thành những vùng nguyên liệu lớn, phát huy được những giá trị đặc trưng về chất lượng và truyền thống văn hóa, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, đầu tư chế biến sâu, đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật của quốc tế và khu vực để xây dựng và khẳng định giá trị hàng hóa, dịch vụ nông sản Việt Nam trên thương trường quốc tế. Do đó, xây dựng nhãn hiệu hàng hóa nói chung và nhãn hiệu hàng hóa tập thể nói riêng là hướng phát triển bền vững và là công cụ để đưa nông sản Việt Nam ra thị trường quốc tế.

Bình Phước có tiềm năng phát triển sản xuất nông - lâm nghiệp. Theo Niên giám thống kê năm 2019, trên địa bàn tỉnh hiện có 759.225 dân cư nông thôn; 814 trang trại (572 trang trại trồng trọt, 240 trang trại chăn nuôi và 2 trang trại khác). Bình Phước có 4.378 doanh nghiệp, trong đó 1.588 doanh nghiệp dưới 5 người, 938 doanh nghiệp 5 - 9 người, 898 doanh nghiệp 10 - 49 người. Tỉnh có 56 hợp tác xã; 54.094 cơ sở kinh tế cá thể. Toàn tỉnh có 15.409ha cây lương thực; 34.159ha cây hàng năm; 411.616ha cây công nghiệp lâu năm như cà phê, cao su, điều, tiêu; 11.842ha cây ăn quả như cam, bưởi, xoài, sầu riêng.

Từ những lợi ích mà NHTT mang lại, cùng với chiến lược phát triển và tiềm năng sản xuất nông lâm nghiệp thì việc xây dựng NHTT cho nông sản ở Bình Phước là rất cần thiết. Nhưng đến nay chỉ mới có 3 loại nông sản được xây dựng NHTT: “Hồ Tiêu Lộc Ninh”, “Gà thả vườn Thanh Lương - Bình Long”, “Nhãn tiêu da bò Thanh Lương - Bình Long”. Còn lại, phần lớn nông sản của tỉnh chưa được xây dựng NHTT. Từ thực tế này, ngày 01/12/2020, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 295/KH-UBND triển khai thực hiện Chiến lược sở hữu trí tuệ đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh. Theo đó, một số sản phẩm nông nghiệp có những đặc trưng nổi bật ở các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh đã được chọn để xây dựng NHTT.

Giải pháp xây dựng và phát triển nhãn hiệu tập thể

Để các địa phương sớm thực hiện thành công Kế hoạch số 295/KH-UBND của UBND tỉnh, trước mắt các địa phương trong tỉnh cần thiết lập được hệ thống tuyên truyền sâu rộng về lợi ích mà NHTT nông sản mang lại cho những tổ chức, cá nhân sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. Từ đó, xác định rõ quy trình cấp giấy chứng nhận NHTT được pháp luật bảo hộ thông qua giấy chứng nhận NHTT. Việc xây dựng NHTT chính là việc nghiên cứu, xây dựng hồ sơ, trình Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) thẩm định, cấp giấy chứng nhận theo quy trình sau:
 
Dang ky nhan hieu
Trong quá trình thực hiện những bước này, có thể phát sinh khiếu nại thì được giải quyết theo quy định hiện hành

Các địa phương cũng cần có kế hoạch tổ chức tập huấn về xây dựng NHTT nông sản cho những tổ chức, cá nhân sản xuất nông nghiệp trên địa bàn; có cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ cho việc xây dựng, khai thác, quản lý, sử dụng NHTT nông sản trên địa bàn; hỗ trợ cho những tổ chức, cá nhân sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh bảo hộ những nông sản đã được cấp giấy chứng nhận NHTT.

Bên cạnh đó, cần xác định những nông sản có khả năng xây dựng NHTT để bổ sung vào Kế hoạch thực hiện Chiến lược sở hữu trí tuệ đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh. Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu NHTT nông sản trên địa bàn tỉnh và tích hợp với hệ thống cơ sở dữ liệu dùng chung của tỉnh ở Trung tâm Điều hành thông minh. Đồng thời, hàng năm tỉnh cần xét chọn và cho triển khai những nhiệm vụ khoa học và công nghệ về xây dựng NHTT nông sản trên địa bàn tỉnh… để hướng đến phát triển bền vững, chuyên sâu.
 
Có thể thấy, NHTT nông sản mang lại nhiều lợi ích cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nói chung và các địa phương trên địa bàn tỉnh nói riêng. NHTT đã được luật hóa, có trình tự, thủ tục rõ ràng, thuận lợi cho các tổ chức đăng ký cấp giấy chứng chứng nhận. Tỉnh cần triển khai nhiều giải pháp để phát triển NHTT nông sản nhằm thực hiện thành công Kế hoạch triển khai Chiến lược sở hữu trí tuệ đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh./.

Tác giả: Trần Quốc Hoàn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Việc làm Bình Phước
Công báo Chính phủ
DVC Quốc gia
Ecom Binh Phuoc
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập1,107
  • Hôm nay170,907
  • Tháng hiện tại9,995,169
  • Tổng lượt truy cập455,390,291
ỨNG DỤNG
1 bp today
3 dhtn
2 ioffice
4 congbao
Portal_Ispeed
sổ tay đảng viên
Tạp chi
KQ TTHC
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây