Khát vọng dân tộc Việt Nam từ Bản Tuyên ngôn độc lập đến Văn kiện Đại hội XIII của Đảng

Thứ năm - 17/06/2021 14:36
(CTTĐTBP) - "Độc lập - Tự do - Hạnh phúc" không chỉ là khát vọng, mà còn là hệ giá trị vô giá trong thời đại Hồ Chí Minh.

Sinh ra và lớn lên trong bối cảnh đất nước chìm đắm trong đêm trường nô lệ, người thanh niên Nguyễn Tất Thành đã phải chứng kiến cảnh đồng bào ta bị áp bức, bóc lột dưới ách thống trị của chế độ thuộc địa và sự thất bại của các phong trào yêu nước đầu thế kỷ XX. Trước tình cảnh ấy, khát vọng độc lập, tự do và hạnh phúc của dân tộc Việt Nam bừng cháy trong Người một cách mãnh liệt. Để hiện thực hoá khát vọng ấy, người thanh niên Nguyễn Tất Thành đã quyết định rời xa Tổ quốc thân yêu, bắt đầu hành trình tìm đường cứu nước trên con tàu Latouche - Tréville rời bến Nhà Rồng vào ngày 05/6/1911.

Từ khát vọng độc lập, tự do đến con đường giải phóng dân tộc

Trong những năm tháng bôn ba ở nước ngoài, người thanh niên Nguyễn Tất Thành đã tận mắt chứng kiến đời sống cùng cực của nhân dân các nước thuộc địa, cũng như sự bóc lột của chủ nghĩa tư bản đối với giai cấp công nhân ở ngay trong lòng nước Pháp. Năm 1917, Người trở lại nước Pháp sinh sống, học tập và hoạt động cách mạng. Năm 1919, Người tham gia Đảng xã hội Pháp - đây là tổ chức duy nhất trên nước Pháp bênh vực quyền lợi các dân tộc thuộc địa và theo đuổi lý tưởng tự do, bình đẳng và bác ái.

Thời gian hoạt động trong tổ chức Đảng xã hội Pháp, Người có điều kiện tiếp cận thông tin về cuộc cách mạng Tháng Mười Nga và chủ nghĩa Mác - Lênin. Người đã đọc được Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa của V.I. Lênin đăng trên báo Nhân Đạo vào ngày 16 và 17/7/1920. Người nhận thấy và khẳng định: “Hỡi đồng bào bị đọa đày đau khổ! Đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta!”[1]. Sơ thảo luận cương trở thành kim chỉ nam soi sáng, chỉ đường cho khát vọng độc lập, tự do và con đường đấu tranh cách mạng giải phóng của dân tộc Việt Nam.

Để hiện thực hoá khát vọng độc lập, tự do và giải phóng dân tộc của mình, Người đã tích cực truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin về Việt Nam. Sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam (03/02/1930) tại Hương Cảng, Quảng Châu, Trung Quốc là sự kiện lịch sử trọng đại có tính bước ngoặt trong dòng lịch sử đấu tranh cách mạng của dân tộc ta. Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, nhân dân ta đã giành thắng lợi vẻ vang trong cuộc cách mạng Tháng Tám năm 1945, mở ra một kỷ nguyên mới - kỷ nguyên độc lập, tự do.
 
image001(10)
Ngày 02/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình (Hà Nội), Chủ tịch Hồ Chí Minh trịnh trọng đọc Tuyên ngôn độc lập, khai sinh nước Việt Nam dân chủ cộng hòa (Ảnh tư liệu/TTXVN)
 
Ngày 02/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ Cách mạng lâm thời trịnh trọng đọc bản Tuyên ngôn độc lập tuyên bố với toàn thể quốc dân đồng bào và thế giới về sự ra đời của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa (nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam). Mở đầu bản Tuyên ngôn độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh trích dẫn những lời bất hủ trong bản Tuyên ngôn Độc lập năm 1776 của nước Mỹ và Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền của cách mạng Pháp năm 1791. Từ việc đề cập đến quyền của con người như một sự tất yếu của tạo hóa, không ai có thể xâm phạm được, là quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khéo léo phát triển sáng tạo, đưa ra một luận đề không thể bác bỏ về quyền của các dân tộc: "Suy rộng ra câu ấy có nghĩa là: Tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng; dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do”[2].

Người đã đi từ khái niệm con người sang khái niệm dân tộc một cách tổng quát và đầy thuyết phục, khẳng định quyền dân tộc và quyền con người có mối quan hệ biện chứng, tác động qua lại lẫn nhau. Dân tộc độc lập là điều kiện tiên quyết để bảo đảm thực hiện quyền con người và ngược lại thực hiện tốt quyền con người chính là phát huy những giá trị cao cả và ý nghĩa thật sự của độc lập dân tộc. Dưới lá cờ vẻ vang của Đảng Cộng sản Việt Nam, nhân dân ta đã đứng lên đánh đuổi thực dân, phong kiến và đế quốc, giành lại độc lập, tự do và quyền con người. Kết thúc bản Tuyên ngôn độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trịnh trọng tuyên bố với thế giới: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do độc lập. Toàn thể dân Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mệnh và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy”.

Sau khi giành được chính quyền không bao lâu thì thực dân Pháp núp bóng dưới quân đồng minh quay lại xâm lược nước ta thêm lần nữa, khát vọng độc lập, tự do lại bùng lên rừng rực với quyết tâm: “Thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”[3]. Cũng chính khát vọng độc lập, tự do ấy đã trở thành sức mạnh tổng lực giúp quân và dân ta đánh bại thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Thắng lợi của cuộc tổng tiến công mùa Xuân năm 1975, miền Nam được giải phóng, Bắc Nam sum họp một nhà. Độc lập, tự do và hạnh phúc không còn là khát vọng mà trở nên hiện hữu trong đời sống của nhân dân trên khắp mọi miền Tổ quốc.

Khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc

Sau ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước năm 1975, nhân dân ta ra sức khắc phục hậu quả do cuộc chiến tranh kéo dài để lại. Đời sống người dân trên khắp cả nước vô cùng khó khăn, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc trở thành động lực để toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta dốc toàn sức lực cho công cuộc bảo vệ Tổ quốc và kiến thiết đất nước.

Thành tựu của công cuộc đổi mới đã giúp đất nước vượt qua thời kỳ khủng hoảng kinh tế, ổn định đời sống nhân dân. Với khát vọng độc lập, tự do, phát triển đất nước phồn vinh và hạnh phúc, dân tộc ta không chỉ làm nên những kỳ tích trong công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, mà còn tạo nên những bước đột phá trong phát triển kinh tế và hội nhập quốc tế. Việt Nam trở thành điểm đến lý tưởng và thu hút được nhiều vốn đầu tư nước ngoài bởi sự ổn định về an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội và tiềm lực phát triển kinh tế.
 
Đại hội XIII của Đảng đã thành công rất tốt đẹp. Đây được coi là cột mốc mở đầu đưa đất nước bước vào thời kỳ phát triển mới với khí thế mới, sức bật mới và một lộ trình rõ ràng để “cất cánh”. Khát vọng hạnh phúc, thịnh vượng đã được khơi dậy, truyền cảm hứng. Đảng ta đặt ra mục tiêu phát triển đất nước đến năm 2025 và 2030, tầm nhìn đến năm 2045, chúng ta bắt đầu tính đường dài với một lộ trình cụ thể. Tầm nhìn này chỉ ra định hướng, đồng thời cũng vạch ra một mốc rất quan trọng để phấn đấu. Nhằm tới đích năm 2045, đất nước ta phát huy được khát vọng phát triển, thể hiện trách nhiệm của Đảng, của toàn dân. Tất cả tham gia một cách tích cực nhất, đóng góp trí tuệ, sức lực và tài năng của mình vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước, để đạt cho bằng được mục đích tốt đẹp mà Đảng đã đề ra là đến năm 2045, thời khắc Việt Nam kỷ niệm 100 năm thành lập nước, Việt Nam trở thành một nước có trình độ phát triển cao, nhân dân được “hạnh phúc”.

Từ một quốc gia kém phát triển, ảnh hưởng nặng nề bởi nhiều năm chiến tranh và bị bao vây cấm vận, Việt Nam đã từng bước khẳng định uy thế, vai trò, vị thế của mình trên trường quốc tế. Từ một nước nghèo và lạc hậu, Việt Nam đã tích cực hội nhập quốc tế, vươn lên trở thành hình mẫu phát triển kinh tế - xã hội, được thế giới ghi nhận và đánh giá cao, đặc biệt với những thành tựu thần kỳ của mình trong phát triển kinh tế, ổn định chính trị - xã hội và nhất là việc thành công trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19.  Vị thế và uy tín Việt Nam trên trường quốc tế đã được khẳng định, thể hiện rõ nhất là chúng ta được bầu vào vị trí Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc với số phiếu gần như tuyệt đối. Chủ tịch luân phiên ASEAN và một loạt các vị trí trên các diễn đàn đa phương. Có thể thấy, từ một nước nghèo và lạc hậu, Việt Nam đã tích cực hội nhập quốc tế, vươn lên trở thành hình mẫu phát triển kinh tế - xã hội, được thế giới ghi nhận và đánh giá cao. Đại hội XIII của Đảng đã nhận dịnh: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”.[4]

Giờ đây, khát vọng đặt ra từ Đại hội XIII của Đảng là dân tộc Việt Nam phải bứt phá vươn lên, cất cánh, với mục tiêu đến năm 2045, chúng ta phải là một đất nước phát triển, thu nhập cao, sánh vai cùng với các cường quốc trên thế giới. Để biến khát vọng của dân tộc ta thành hiện thực thì điều quan trọng nhất là toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta đoàn kết một lòng, chung sức xây dựng giang sơn gấm vóc. Đây chính là sức mạnh tinh thần to lớn, là cơ hội để Việt Nam hóa giải những lực cản, hướng tới hiện thực hóa khát vọng phồn thịnh, hạnh phúc dân tộc của mình./.
 
Thạc sĩ  Bùi Viết Trung
Khoa Xây dựng Đảng, Trường Chính trị tỉnh
 
[1] Hồ Chí Minh toàn tập (2002), Tập 12, NXB. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, tr. 417.
[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, NXB CTQG, H.2011, t.4, tr.1,2; tr.534.
[3] Hồ Chí Minh toàn tập (2002), Tập 15, NXB. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, tr. 131.
[4] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, NXB.CTQG, HN, 2021, tập 1, tr.103-104.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Việc làm Bình Phước
Công báo Chính phủ
DVC Quốc gia
Ecom Binh Phuoc
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập1,133
  • Hôm nay150,528
  • Tháng hiện tại7,285,303
  • Tổng lượt truy cập452,680,425
ỨNG DỤNG
1 bp today
3 dhtn
2 ioffice
4 congbao
Portal_Ispeed
sổ tay đảng viên
Tạp chi
KQ TTHC
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây