(CTTĐTBP) - Ngày 29/01/2024, Tỉnh ủy đã ban hành Kế hoạch số 227-KH/TU về ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong hoạt động của các cơ quan Đảng tỉnh Bình Phước năm 2024.
Việc đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong hoạt động của các cơ quan Đảng nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, góp phần đổi mới phương thức lãnh đạo, lề lối làm việc và cải cách hành chính trong Đảng.
Tỉnh ủy yêu cầu việc ứng dụng phải kế thừa và sử dụng hiệu quả hạ tầng CNTT đã đầu tư; bảo đảm tính liên thông, tích hợp giữa các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu; tăng cường ứng dụng, áp dụng công nghệ mới. Các hệ thống thông tin, phần mềm ứng dụng đáp ứng yêu cầu thu thập, xử lý, truyền tải, cung cấp, lưu trữ thông tin, dễ sử dụng, tra cứu; thông tin, dữ liệu được cập nhật, công khai kịp thời theo quy định; bảo đảm an ninh, an toàn thông tin.
Cụ thể đảm bảo thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp về các hệ thống thông tin, phần mềm ứng dụng. Trong đó, tại các cơ quan tham mưu, giúp việc Tỉnh uỷ: nhận chuyển giao Cổng thông tin điện tử để nâng cấp Cổng thông tin điện tử của Đảng bộ tỉnh Bình Phước trên Internet; xây dựng module sao lưu văn bản tự động trên máy chủ Internet về máy chủ Tỉnh uỷ; nhận chuyển giao phần mềm từ Ban Nội chính Trung ương để chuyển đổi phần mềm quản lý đơn, thư khiếu nại, tố cáo; duy trì phần mềm quản lý cuộc họp (phòng họp không giấy). Tại Tỉnh ủy và các huyện, thị, thành uỷ, các Đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy nhận chuyển giao, đưa vào sử dụng các hệ thống thông tin chuyên ngành, dịch vụ dùng chung, các ứng dụng nội bộ do cơ quan Trung ương phát triển và chuyển giao theo hướng dẫn của các cơ quan Trung ương.
Về đầu tư, nâng cấp hệ thống hội nghị truyền hình tại các ban xây dựng Đảng. Tại các huyện, thị, thành uỷ, Đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy: phối hợp triển khai và đưa vào sử dụng các hệ thống thông tin chuyên ngành, dịch vụ dùng chung, phần mềm ứng dụng; nâng cấp các phần mềm hệ thống thông tin của địa phương.
Về hạ tầng kỹ thuật, đối với các cơ quan tham mưu, giúp việc Tỉnh uỷ: triển khai kết nối với hệ thống giám sát an toàn, an ninh thông tin mạng của các cơ quan với hệ thống của Tỉnh ủy và cơ quan Đảng ở Trung ương. Tại các huyện ủy, thị uỷ, thành uỷ, Đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy: nâng cấp hệ thống mạng nội bộ và internet; triển khai các giải pháp kỹ thuật để kết nối, liên thông giữa các mạng máy tính phục vụ việc trao đổi, xử lý thông tin, điều hành tác nghiệp thuận tiện, hiệu quả và bảo đảm an toàn, an ninh thông tin; đồng bộ và số hoá tài liệu lưu trữ; triển khai các hạ tầng kỹ thuật theo hướng dẫn của Văn phòng Trung ương và Tỉnh uỷ.
Về bảo đảm an ninh, an toàn thông tin cần tăng cường các biện pháp kỹ thuật, giám sát, kiểm soát an toàn, an ninh thông tin mạng. Quản trị có hiệu quả hệ thống giám sát an toàn, an ninh thông tin mạng. Thuê các dịch vụ phù hợp để bảo đảm an toàn, an ninh thông tin đối với các phần mềm ứng dụng trên mạng Internet.
Về nguồn nhân lực cho ứng dụng CNTT, cần đào tạo nâng cao kiến thức và kỹ năng số trong cơ quan Đảng (bao gồm cả kiến thức an toàn thông tin). Tập huấn, hội thảo, tuyên truyền nâng cao nhận thức, trình độ chuyên môn, kỹ năng sử dụng CNTT và bảo đảm an toàn, an ninh thông tin cho lãnh đạo, người sử dụng và cán bộ CNTT. Tổ chức kiểm tra, giám sát tình hình triển khai nhiệm vụ theo kế hoạch; cập nhật các thông tin về chỉ số ứng dụng CNTT (ICT-Index) trong các cơ quan Đảng./.