Bộ Y tế cho biết, hiện nay, bệnh sởi đang có xu hướng gia tăng số ca mắc tại nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, một số nước như Philippines, Malaysia dịch sởi đã xuất hiện trên diện rộng. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đánh giá nguy cơ bùng phát dịch sởi tại Việt Nam là rất cao... WHO cũng khuyến cáo tại các tỉnh, thành phố có nguy cơ cao và rất cao và những nơi hiện có chùm ca sởi (ghi nhận những trường hợp sởi chẩn đoán xác định), cần triển khai chiến dịch tiêm chủng. Các tỉnh, thành phố còn lại có nguy cơ thấp và trung bình, cần tổ chức rà soát để tiêm bù, tiêm vét cho trẻ lỡ tiêm do đại dịch. Việc triển khai tiêm chiến dịch và tiêm bù, tiêm vét cần được thực hiện khẩn trương để ngăn chặn dịch xảy ra, đặc biệt ở những nơi có có chùm ca bệnh không để dịch lan rộng. Do đặc điểm dịch tễ phức tạp của bệnh sởi, bệnh khả năng lây lan nhanh, rộng và phụ thuộc nhiều vào tiêm chủng nên việc tiêm chủng cần triển khai càng sớm, càng nhanh, càng tốt.
Kết quả đánh giá nguy cơ sởi tại 63 tỉnh, thành theo khuyến cáo của WHO cho thấy, 07 tỉnh có nguy cơ rất cao, trong đó miền Bắc có 01 tỉnh (Hà Tĩnh) và miền Nam có 06 tỉnh, thành phố (Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Long An, Sóc Trăng, Bình Phước, Kiên Giang). Bên cạnh đó, 07 tỉnh được đánh giá có nguy cơ cao gồm miền Trung có 01 tỉnh (Quảng Nam), Tây Nguyên có 02 tỉnh (Gia Lai, Đắk Lắk) và miền Nam có 04 tỉnh (Tây Ninh, Bến Tre, Bình Dương, Cà Mau). Ngoài ra, còn có 09 tỉnh nguy cơ trung bình và 40 tỉnh nguy cơ thấp. Tại thời điểm hiện tại, số trường hợp sởi đã tăng lên so với thời điểm tiến hành đánh giá nguy cơ.
Căn cứ trên, Bộ Y tế xây dựng kế hoạch triển khai chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng chống dịch sởi năm 2024. Mục tiêu hướng đến là đạt 95% trẻ thuộc nhóm đối tượng tiêm chủng chưa được tiêm đủ mũi vắc xin theo quy định tại vùng nguy cơ, vùng đang có các ca sởi/dịch sởi xảy ra được tiêm 01 mũi vắc xin sởi-rubella. Đảm bảo an toàn, hiệu quả và chất lượng tiêm chủng theo Nghị định số 104/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ quy định về hoạt động tiêm chủng và Nghị định số 155/2018/NĐ-CP ngày 12/11/2018 về việc sửa đổi, bổ sung một số quy định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Y tế và các quy định của Bộ Y tế về tiêm chủng.
Thời gian triển khai trong quý III, IV năm 2024 (triển khai sớm ngay sau khi vắc xin được cung ứng). Đối tượng là trẻ từ 01-10 tuổi tại vùng nguy cơ; nhân viên y tế có nguy cơ tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh điều trị bệnh nhân sởi chưa được tiêm đủ mũi vắc xin chứa thành phần sởi theo quy định.
Ưu tiên tiêm trước cho nhóm đối tượng từ 01 - 5 tuổi. Nhóm tuổi cụ thể tiêm chủng do các tỉnh, thành phố quyết định trên cơ sở tình hình dịch bệnh tại địa phương, điều kiện cung ứng vắc xin, nguồn lực của địa phương và trao đổi thống nhất với các Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur khu vực.
Giai đoạn 1, triển khai tại 135 quận, huyện của 18 tỉnh, thành phố. Giai đoạn 2, bổ sung địa bàn triển khai căn cứ vào kết quả rà soát, thống kê của các tỉnh, thành phố và đề xuất của các Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur khu vực căn cứ vào tình hình dịch sởi tại thời điểm rà soát để bổ sung các tỉnh, quận, huyện, xã triển khai.
Hình thức triển khai, tổ chức chiến dịch tiêm vắc xin sởi-rubella tại các cơ sở y tế, trạm y tế xã, phường và các trường tiểu học, mẫu giáo, mầm non, nhà trẻ một hoặc nhiều đợt theo cụm huyện/xã tùy vào điều kiện của từng địa phương. Triển khai tại các điểm tiêm ngoài trạm, đối với các địa phương là vùng sâu, vùng xa, vùng khó tiếp cận. Thực hiện tiêm vét cho những trẻ bị sót ngay cuối mỗi đợt hoặc trong tiêm chủng thường xuyên.
Danh sách giai đoạn 1 triển khai tại 135 quận, huyện của 18 tỉnh, thành phố
|