(CTTĐTBP) - Ngày 27/9, UBND tỉnh ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết số 105/NQ-CP ngày 15/7/2023 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính (TTHC), siết chặt kỷ luật, kỷ cương trên địa bàn tỉnh Bình Phước.
Việc ban hành kế hoạch nhằm tổ chức, quán triệt và thực hiện đầy đủ, có hiệu quả các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ giải pháp trọng tâm đã được đề ra trong Nghị quyết số 105/NQ-CP của Chính phủ. Tiết giảm chi phí, tăng khả năng tiếp cận thị trường, tiếp cận vốn cho doanh nghiệp, người dân nhằm phục hồi nhanh hoạt động sản xuất kinh doanh, phấn đấu đạt cao nhất kết quả tăng trưởng kinh tế, các mục tiêu, chỉ tiêu chủ yếu năm 2023 đã đề ra tại Nghị quyết số 40/NQ-HĐND ngày 09/12/2022 của HĐND tỉnh, Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 06/01/2023 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước và cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2023.
Bên cạnh đó, phát huy tính chủ động và tăng cường sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, đơn vị trong quá trình triển khai thực hiện; huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực để thực hiện hoàn thành các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh; tiếp tục đẩy mạnh cải cách TTHC, siết chặt kỷ luật, kỷ cương. Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, bảo đảm cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng, minh bạch; xử lý cơ bản khó khăn, vướng mắc pháp lý cho doanh nghiệp, dự án đầu tư, người dân, nhất là những vấn đề tồn đọng, vướng mắc kéo dài nhiều năm.
UBND tỉnh yêu cầu việc triển khai thực hiện phải bám sát các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh; xác định nhiệm vụ, trách nhiệm cụ thể của các cấp, các ngành trong từng nội dung công việc gắn với chức năng, nhiệm vụ được giao, phù hợp với tình hình thực tế của địa phương.
Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương triển khai các chính sách kích cầu tiêu dùng, đẩy mạnh các chương trình Tháng khuyến mại tập trung quốc gia, bán hàng Việt tại các khu đô thị, khu công nghiệp...; tăng cường truyền thông, phối hợp với các đơn vị có liên quan, hiệp hội, doanh nghiệp tổ chức các chương trình kết nối cung cầu hàng hóa, khuyến mại, giảm giá...
Đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, bảo đảm ổn định, bền vững, hiệu quả; linh hoạt tổ chức, triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại nhằm duy trì, củng cố các thị trường truyền thống và phát triển các thị trường mới, tiềm năng. Hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng các cam kết trong các Hiệp định CPTPP, EVFTA, UKVFTA để đẩy mạnh xuất khẩu; kịp thời thông tin, cảnh báo, chủ động hướng dẫn doanh nghiệp ứng phó với các vụ kiện phòng vệ thương mại. Nắm tình hình, thông tin kịp thời cho doanh nghiệp về việc điều chỉnh các quy định xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa, đặc biệt là hàng nông sản chủ lực của tỉnh; chủ động phương án xử lý, hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện thủ tục, cung cấp hồ sơ, thông tin đáp ứng các quy định mới của thị trường nhập khẩu. Đẩy mạnh triển khai các chương trình xúc tiến thương mại, chương trình bình ổn thị trường, xúc tiến tiêu thụ nông sản, nhất là tiêu thụ các sản phẩm OCOP, tổ chức tốt các chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, các hoạt động hưởng ứng Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”...
Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công; thúc đẩy đầu tư của khu vực kinh tế ngoài nhà nước, doanh nghiệp nhà nước, thu hút vốn FDI gắn với phát triển các ngành, lĩnh vực công nghiệp mới, đổi mới sáng tạo, công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường, tạo động lực tăng trưởng mới cho nền kinh tế.
Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương tham mưu UBND tỉnh tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ các dự án phát triển nhà ở, nhất là các dự án lớn của tỉnh; phối hợp với các cơ quan liên quan đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án nhà ở xã hội. Tham mưu, giúp UBND tỉnh trong việc quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa giá vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh theo quy định; thường xuyên theo dõi, bám sát diễn biến thị trường xây dựng để kịp thời cập nhật, công bố giá vật liệu xây dựng theo quy định của pháp luật.
Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương đôn đôc triển khai thực hiện Kế hoạch số 280/KH-UBND ngày 30/9/2022 của UBND tỉnh về thực hiện Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Bình Phước. Theo dõi, đôn đôc nâng cao chất lượng và hiệu quả cung cấp dịch vụ công trực tuyến của tỉnh năm 2023 theo Kế hoạch số 183/KH-UBND ngày 01/6/2023 của UBND tỉnh; đảm bảo hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ triển khai Đề án 06; tăng cường chuyển đổi số; phấn đấu nâng tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến toàn trình.
Các sở, ban, ngành và địa phương đẩy mạnh triển khai thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, 3 Chương trình mục tiêu quốc gia; đẩy nhanh tiến độ triển khai các công trình, dự án đầu tư trọng điểm; xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm gắn với trách nhiệm người đứng đầu. Tập trung thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, tạo mặt bằng sạch cho các dự án đầu tư (nếu có).
UBND các huyện, thị xã, thành phố chủ động giải quyết, trả lời, hướng dẫn xử lý, tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn của doanh nghiệp, người dân kịp thời, hiệu quả. Người đứng đầu phải trực tiếp chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan và chịu trách nhiệm giải trình về kết quả giải ngân. Tăng cường tần suất kiểm tra hiện trường để kịp thời chấn chỉnh các tồn tại, bất cập; yêu cầu các chủ đầu tư, nhà thầu có tiến độ tổng thể, chi tiết, ký cam kết về tiến độ hoàn thành dự án. Nâng cao năng lực, trách nhiệm thực thi công vụ, gắn trách nhiệm, đánh giá mức độ hoàn thành công việc với tiến độ thực hiện giải ngân của dự án, nhất là Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các huyện, thị xã, thành phố (nếu có).
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh tỉnh Bình Phước chủ trì, phối hợp với các đơn vị, địa phương đôn đốc, chỉ đạo, giám sát các chi nhánh ngân hàng thương mại trên địa bàn thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của Hội sở ngân hàng thương mại về tiết giảm chi phí, cắt giảm những thủ tục và chi phí không cần thiết liên quan đến hoạt động xuất khẩu, tăng khả năng tiếp cận vốn cho doanh nghiệp. Chỉ đạo các chi nhánh ngân hàng, Quỹ tín dụng nhân dân áp dụng và triển khai các chương trình, sản phẩm tín dụng phù hợp với các phương thức sản xuất kinh doanh, đối tượng khách hàng nhằm tăng cường kết nối các khâu trong mạng lưới sản xuất và chuỗi giá trị. Đẩy mạnh thực hiện Chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp, tích cực phối hợp thực hiện kịp thời các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc có liên quan đến lĩnh vực ngân hàng, góp phần thúc đẩy sản xuất kinh doanh của khách hàng.
Tiếp tục thúc đẩy triển khai chính sách hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh theo Nghị định số 31/2022/NĐ-CP ngày 20/5/2022 của Chính phủ. Đồng thời, yêu cầu các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh tăng cường công tác thông tin truyền thông, hướng dẫn và giải thích cho khách hàng, đối tượng thụ hưởng chính sách rõ ràng, minh bạch. Đẩy mạnh phát triển thanh toán không dùng tiền mặt và chuyển đổi số; tăng cường thông tin, truyền thông về chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng, chủ trương giảm mặt bằng lãi suất cho vay, tạo thuận lợi trong tiếp cận tín dụng của người dân, doanh nghiệp để tạo sự đồng thuận xã hội, gia tăng niềm tin vào hệ thống ngân hàng.
Cục Thuế chủ trì, phối hợp vói các cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện giảm thuế giá trị gia tăng đối với hàng hóa, dịch vụ quy định tại Khoản 1 Điều 1 Nghị định số 44/2023/NĐ-CP ngày 30/6/2023 của Chính phủ về quy định chính sách giảm thuế giá trị gia tăng theo Nghị quyết số 101/2023/QH15 ngày 24/6/2023 của Quốc hội. Đẩy nhanh thời gian giải quyết thủ tục hoàn thuế cho doanh nghiệp, kết hợp các biện pháp thanh tra, hậu kiểm để kiểm soát rủi ro, chống gian lận thuế tạo điều kiện cho doanh nghiệp tuân thủ tốt pháp luật. Tiếp tục tổ chức thực hiện kịp thời, có hiệu quả các giải pháp miễn, giảm, giãn thuế và các khoản thu ngân sách theo quy định; đồng thời đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, tạo mọi điều kiện để phát triển các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế, nhất là khu vực doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố tuyệt đối không ban hành thêm quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh mới làm phát sinh chi phí, thủ tục, thời gian không cần thiết, trái quy định cho doanh nghiệp, người dân; tiếp tục rà soát, đề xuất cắt giảm TTHC đang là rào cản cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và người dân. Tập trung rà soát, ưu tiên cắt giảm, đơn giản hóa các quy định, thủ tục về đầu tư, đăng ký kinh doanh, điều kiện kinh doanh và các TTHC trong các ngành, lĩnh vực liên quan trực tiếp đến người dân, doanh nghiệp như xây dựng, bất động sản, năng lượng, sản xuất, chế biến nông sản, xuất nhập khẩu, y tế, lý lịch tư pháp, thuế, hải quan...
Văn phòng UBND tỉnh theo dõi, đôn đôc các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố triển khai thực hiện việc chấn chỉnh, tăng cường trách nhiệm và nâng cao hiệu quả công tác cải cách TTHC, kịp thời tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho người dân, doanh nghiệp theo Công điện số 644/CĐ-TTg ngày 13/7/2023 của Thủ tướng Chính phủ.
Công an tỉnh chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương triển khai hoàn thành các nhiệm vụ được giao, đảm bảm đúng tiến độ đã đề ra. Tập trung rà soát, phân nhóm các tồn tại, hạn chế về phòng cháy chữa cháy (PCCC) để tham mưu, báo cáo UBND tỉnh kịp thời kiến nghị cấp thẩm quyền giải quyết, tháo gỡ. Tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách hành chính trên lĩnh vực PCCC; 100% TTHC trên lĩnh vực PCCC được tiếp nhận và giải quyết trên Cổng dịch vụ công của Bộ Công an; tạo mọi điều kiện thuận lợi và đồng hành cùng doanh nghiệp phát triển.
Các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm việc triển khai thực hiện Công điện số 280/CĐ-TTg ngày 19/4/2023 của Thủ tướng Chính phủ về chấn chỉnh, tăng cường trách nhiệm trong xử lý công việc của các cơ quan, địa phương; chủ động, tích cực thực hiện đầy đủ nhiệm vụ, quyền hạn được giao; không trình cấp trên và chịu trách nhiệm quyết định những vấn đề thuộc thẩm quyền hoặc được phân cấp, ủy quyền theo quy định của pháp luật. Chấp hành, thực hiện nghiêm chỉ đạo, điều hành của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh, không đùn đẩy, kéo dài công việc tham mưu, làm lỡ thời cơ, cơ hội để tháo gỡ, hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, gây lãng phí nguồn lực. Kịp thời rà soát, thay thế hoặc điều chuyển sang công việc khác đối với cán bộ, công chức có năng lực, chuyên môn yếu, không dám làm, né tránh, đùn đẩy, thiếu trách nhiệm, để trì trệ và không đáp ứng yêu cầu công việc được cấp có thẩm quyền giao.
Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra hoạt động công vụ theo thẩm quyền, nhất là kiểm tra đột xuất. Tham mưu UBND tỉnh biểu dương, khen thưởng kịp thời đối với các cơ quan, tập thể, cán bộ, công chức quyết liệt trong thi hành công vụ, hoàn thành tốt nhiệm vụ, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung. Tham mưu UBND tỉnh ban hành kế hoạch triển khai quy định về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung (sau khi Trung ương ban hành quy định)./.