(CTTĐTBP) - UBND tỉnh vừa ban hành Công văn số 4270/UBND-KGVX ngày 27/12/2023 về việc tiếp tục triển khai thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục tiểu học tỉnh Bình Phước.
Tại Công văn này, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Sở Giáo dục và Đào tạo (GDĐT); các sở, ban, ngành liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố thực hiện hiệu quả 5 nhóm nhiệm vụ chính gồm: nhóm vấn đề về phát triển hệ thống trường lớp; nhóm vấn đề về đầu tư xây dựng cơ sở vật chất trường, lớp học; nhóm vấn đề về đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên; nhóm vấn đề về tổ chức dạy và học nâng cao chất lượng GDĐT; nhóm vấn đề về công tác ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong ngành giáo dục; các nội dung khác có liên quan.
Nhóm vấn đề về phát triển hệ thống trường lớp
Sở GDĐT, UBND các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục quan tâm quy hoạch phát triển hệ thống trường, lớp, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số để đáp ứng yêu cầu phát triển, tạo điều kiện cho học sinh đến trường học tập. Rà soát, có hướng giải quyết để giảm bớt điểm trường lẻ, trường học liên cấp vượt quá quy mô một cách hợp lý, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác quản lý, nâng cao chất lượng giáo dục. Đồng thời, quy hoạch mở rộng diện tích đất cho các trường tiểu học còn thiếu ở những nơi có điều kiện, đảm bảo theo quy định của trường chuẩn quốc gia. Thời gian hoàn thành, trước ngày 30/7/2024.
Sở GDĐT chỉ đạo các Phòng GDĐT rà soát kịp thời thông tin học sinh, trẻ mầm non cũng như điều tra độ tuổi của trẻ trên địa bàn để chuẩn bị cho công tác tuyển sinh năm học mới. Thời gian hoàn thành, đầu tháng 11 của năm học trước, chuẩn bị tuyển sinh cho năm học sau.
Chỉ đạo các Phòng GDĐT trước khai giảng năm học mới phải xây dựng kế hoạch tuyển sinh đầu cấp trình UBND cấp huyện phê duyệt. Chỉ tiêu tuyển sinh phải phù hợp với điều kiện cơ sở vật chất của nhà trường, đảm bảo mỗi lớp không quá 45 học sinh (đối với cấp học THCS và THPT) và không quá 35 học sinh, mỗi trường không quá 30 lớp (đối với cấp học Tiểu học). Tham mưu UBND cấp huyện đầu tư xây dựng bổ sung trường, phòng học; không để xảy ra hiện tượng quá tải ở một số trường. Thời gian hoàn thành tham mưu UBND cấp huyện, vào giữa tháng 11 của năm học hiện tại.
UBND các huyện, thị xã, thành phố đầu tư xây dựng bổ sung trường, phòng học, biên chế giáo viên, nhân viên đáp ứng đủ số lượng học sinh trong độ tuổi, điều kiện dạy học ở từng nhà trường không để xảy ra hiện tượng quá tải ở một số trường, đảm bảo đúng quy định.
Nhóm vấn đề về đầu tư xây dựng cơ sở vật chất trường, lớp học
Sở GDĐT, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính, các sở, ngành liên quan và các địa phương ưu tiên nguồn vốn đầu tư cho việc xây dựng trường, lớp học cho ngành GDĐT, nhất là cấp học tiểu học; tranh thủ các nguồn hỗ trợ của Trung ương từ Chương trình mục tiêu quốc gia, Chương trình xây dựng nông thôn mới. Chú trọng thực hiện tốt việc tham mưu với các cấp, các ngành đầu tư chuẩn bị cơ sở vật chất trường lớp để đảm bảo tất cả các lớp học Chương trình giáo dục phổ thông 2018 được học 02 buổi/ngày.
UBND các huyện, thị xã, thành phố quan tâm đầu tư kinh phí xây dựng cơ sở vật chất trường lớp đáp ứng yêu cầu phát triển và nâng cao chất lượng GDĐT; chú trọng xây dựng các công trình vệ sinh ở từng trường tiểu học theo hướng sạch, đẹp, thân thiện và thực hiện các nhiệm vụ khác có liên quan, đảm bảo đúng quy định.
Nhóm vấn đề về công tác ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong ngành giáo dục
Giao Sở GDĐT theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền thẩm quyền tiếp tục triển khai các nội dung theo đúng chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo về ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong ngành giáo dục, đảm bảo đúng quy định, phù hợp tình hình thực tế; chịu trách nhiệm về cơ sở pháp lý, trình tự, thủ tục, tính hiệu quả của thực hiện các nhiệm vụ này trước các cơ quan có thẩm quyền; trong đó có các nhiệm vụ như: duy trì, triển khai hình thức dạy học trực tuyến kết hợp dạy học trực tiếp nhằm hỗ 4 trợ nâng cao chất lượng, hiệu quả dạy - học và đổi mới phương pháp dạy - học. Sử dụng tối đa lợi ích của phần mềm quản lý học tập (LMS) trong kết nối và tổ chức các hoạt động giáo dục giữa cơ sở giáo dục, giáo viên với học sinh trong việc hướng dẫn học sinh tự học, kiểm tra đánh giá và phối hợp với gia đình.
Có lộ trình kết nối, tích hợp, trao đổi dữ liệu giữa các phần mềm dạy học trực tuyến với phần mềm quản trị ở cơ sở giáo dục; tiếp tục phát triển học liệu số bảo đảm chất lượng. Tăng cường tổ chức đánh giá thường xuyên bằng hình thức trực tuyến; từng bước tổ chức triển khai kiểm tra, đánh giá trên máy tính đảm bảo khách quan, công bằng và có độ tin cậy. Tiếp tục triển khai nền tảng quản trị cơ sở giáo dục tích hợp không gian làm việc số; số hóa hồ sơ, sổ sách giáo dục. Tiếp tục triển khai các ứng dụng hồ sơ điện tử gồm: sổ điểm điện tử, học bạ điện tử áp dụng chứng thư số … Tăng tối đa số lượng và giá trị thanh toán không dùng tiền mặt trong tổng số lượng và giá trị thanh toán của cơ sở giáo dục; kết nối phần mềm quản lý tài chính của cơ sở giáo dục với các nền tảng thanh toán không dùng tiền mặt...