(CTTĐTBP) - Ngày 12/3/2024, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 88/KH-UBND thực hiện Chiến lược quốc gia về phòng, chống tác hại của thuốc lá đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Bình Phước.
Theo đó, mục tiêu cụ thể của giai đoạn 2024 - 2025 là phấn đấu giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá trong nhóm nam từ 15 tuổi trở lên xuống dưới 39%; nhóm nữ từ 15 tuổi trở lên xuống dưới 1%. Giảm tỷ lệ tiếp xúc thụ động với khói thuốc lá: Tại nơi làm việc xuống dưới 40%; tại nhà hàng xuống dưới 75%; tại quán bar, cà phê xuống dưới 80%; tại khách sạn xuống dưới 70%. Ngăn ngừa việc sử dụng các sản phẩm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, shisha và các sản phẩm thuốc lá mới khác trong cộng đồng.
Giai đoạn 2026 - 2030 phấn đấu giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá trong nhóm nam từ 15 tuổi trở lên xuống dưới 36%; nhóm nữ từ 15 tuổi trở lên xuống dưới 0,8%. Giảm tỷ lệ tiếp xúc thụ động với khói thuốc lá: Tại nơi làm việc xuống dưới 30%; tại nhà hàng xuống dưới 65%; tại quán bar, cà phê xuống dưới 70%, tại khách sạn xuống dưới 50%. Tiếp tục ngăn ngừa việc sử dụng các sản phẩm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, shisha và các sản phẩm thuốc lá mới khác trong cộng đồng.
Để đạt được các mục tiêu đề ra, UBND tỉnh yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương triển khai thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm làm giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá, tỷ lệ tiếp xúc thụ động với khói thuốc lá nhằm giảm bệnh tật và tử vong do sử dụng các sản phẩm thuốc lá gây ra. Trong đó, tập trung triển khai thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống tác hại của thuốc lá. Phổ biến, cung cấp thông tin rộng rãi các văn bản, tài liệu hướng dẫn về thực hiện môi trường “Không khói thuốc lá”.
Đồng thời, quản lý chặt chẽ việc nhập khẩu và kinh doanh thuốc lá. Triển khai thực hiện các quy định về ngăn ngừa các sản phẩm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, shisha và các sản phẩm thuốc lá mới khác trong cộng đồng; việc bán thuốc lá cho trẻ vị thành niên hoặc trẻ vị thành niên bán thuốc lá theo Công ước Khung về kiểm soát thuốc lá của Tổ chức Y tế thế giới. Thực hiện các biện pháp xử phạt theo quy định của pháp luật phù hợp đối với hành vi vi phạm các quy định về phòng, chống tác hại của thuốc lá, đặc biệt là hành vi hút thuốc lá tại các địa điểm có quy định cấm. Thực thi các quy định của pháp luật về cấm quảng cáo, khuyến mại các sản phẩm thuốc lá, trong đó có các hình thức quảng cáo, khuyến mại trực tuyến trên nền tảng kỹ thuật số, mạng internet.
Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền và phối hợp liên ngành đối với công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá. Tăng cường và đổi mới hoạt động thông tin, giáo dục, truyền thông về phòng, chống tác hại của thuốc lá. Xây dựng chương trình, kế hoạch thông tin, truyền thông về phòng, chống tác hại của thuốc lá phù hợp với từng giai đoạn; thường xuyên tổ chức các hoạt động truyền thông về phòng, chống tác hại của thuốc lá với các hình thức đa dạng, phù hợp đặc điểm từng vùng, từng nhóm đối tượng; tăng cường sử dụng công nghệ thông tin, mạng xã hội trong truyền thông phòng, chống tác hại của thuốc lá. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm về phòng, chống tác hại của thuốc lá.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, hoàn thiện hệ thống giám sát về phòng, chống tác hại của thuốc lá. Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các nghiên cứu về tác hại của việc sử dụng các sản phẩm thuốc lá, đặc biệt là các sản phẩm thuốc lá mới đối với sức khỏe của người tiêu dùng; các giải pháp hỗ trợ cai nghiện thuốc lá và các giải pháp phòng, chống tác hại của thuốc lá hiệu quả. Kiện toàn, nâng cao năng lực mạng lưới về phòng, chống tác hại của thuốc lá. Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực cho cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp và người tham gia hoạt động phòng, chống tác hại của thuốc lá từ cấp tỉnh đến cấp xã./.