Tiếp tục củng cố, hoàn thiện, nâng cao chất lượng hoạt động của y tế cơ sở

Thứ hai - 10/06/2024 16:13
(CTTĐTBP) - Ngày 10/6/2024, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Quyết định số 281/QĐ-TTg ngày 05/4/2024 của Thủ tướng Chính phủ và Kế hoạch số 239-KH/TU ngày 22/3/2024 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tiếp tục củng cố, hoàn thiện, nâng cao chất lượng hoạt động của y tế cơ sở trong tình hình mới trên địa bàn tỉnh Bình Phước.
Mục tiêu của kế hoạch là mọi người dân được hưởng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe có chất lượng, được sống trong cộng đồng an toàn, phát triển tốt về thể chất và tinh thần, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, chất lượng nguồn nhân lực cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Phấn đấu đến năm 2030, mỗi Trạm Y tế xã, phường, thị trấn có ít nhất một bác sĩ cơ hữu; mỗi thôn, ấp, khu phố có một nhân viên y tế được đào tạo chuyên môn. 100% xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế. Trên 95% dân số tham gia bảo hiểm y tế. Trên 95% người dân sử dụng dịch vụ chăm sóc ban đầu tại y tế cơ sở được bảo hiểm y tế chi trả. Trên 95% dân số được quản lý sức khỏe; người có nguy cơ cao mắc bệnh được kiểm tra sức khỏe ít nhất mỗi năm một lần, hướng tới kiểm tra sức khỏe định kỳ cho toàn dân. Đầu tư xây dựng, nâng cấp, cải tạo, mở rộng cơ sở hạ tầng và đầu tư trang thiết bị cho các Trung tâm Y tế tuyến huyện, phòng khám đa khoa khu vực và Trạm Y tế xã, phường, thị trấn theo quy định. Trạm Y tế xã, phường, thị trấn thực hiện được trên 90% danh mục dịch vụ kỹ thuật của tuyến xã. Tỷ lệ hài lòng của người dân với dịch vụ y tế đạt trên 90%.

Để hoàn thành các mục tiêu đề ra, UBND tỉnh giao Sở Y tế chủ trì, phối hợp các sở, ngành, đơn vị, địa phương triển khai thực hiện một số nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm. Trong đó, tập trung tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức quán triệt, tuyên truyền, phổ biến đầy đủ nội dung Chỉ thị số 25-CT/TW, Quyết định số 281/QĐ-TTg và Kế hoạch số 239-KH/TU bằng các hình thức phù hợp đến toàn thể công chức, viên chức, người lao động làm việc tại các cơ sở y tế và các tầng lớp Nhân dân trên địa bàn tỉnh. Mở rộng và đa dạng hoá các hoạt động truyền thông, giáo dục sức khỏe, phổ biến kiến thức để nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi trong bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe Nhân dân. Đẩy mạnh phong trào rèn luyện, nâng cao sức khỏe toàn dân.

Thông tin truyền thông, vận động, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và Nhân dân về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của y tế cơ sở gắn với các nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu với phương châm phòng bệnh hơn chữa bệnh; sơ cấp cứu; khám chữa bệnh; phòng chống dịch bệnh và các bệnh không lây nhiễm; an toàn vệ sinh thực phẩm; công tác dân số; triển khai các chương trình y tế công cộng, quản lý sức khỏe cá nhân. Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát của chính quyền, cơ quan chuyên môn trong thực hiện nhiệm vụ; nâng cao chất lượng hoạt động và tạo thuận lợi cho người dân trong tiếp cận, sử dụng dịch vụ y tế cơ sở, nhất là người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số gắn với mục tiêu bảo đảm công bằng trong bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ Nhân dân. Người đứng đầu chính quyền, ngành y tế phải nêu cao trách nhiệm đối với hoạt động của y tế cơ sở thuộc phạm vi phụ trách.

Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, trách nhiệm phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức trong xây dựng và triển khai thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở. Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ quản lý, thầy thuốc và người làm công tác y tế cơ sở, chú trọng nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu; sơ cấp cứu, khám, chữa bệnh; quản lý sức khỏe cá nhân và bệnh không lây nhiễm; phòng chống dịch bệnh và nâng cao sức khỏe Nhân dân thông qua các chương trình y tế công cộng, công tác dân số, tạo điều kiện cho mọi người dân được chăm sóc sức khỏe thường xuyên ngay tại cộng đồng, hướng tới bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân. Triển khai các chính sách, pháp luật về y tế cơ sở và các chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế, khám bệnh, chữa bệnh, dược, phòng chống bệnh truyền nhiễm, an toàn thực phẩm,… bảo đảm y tế cơ sở giữ vai trò tuyến đầu trong phòng bệnh, khám bệnh, chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe Nhân dân.

Đưa các mục tiêu, chỉ tiêu về y tế cơ sở và các chỉ tiêu liên quan đến sức khỏe, y tế vào trong chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hằng năm, 05 năm, 10 năm của địa phương. Kiện toàn tổ chức bộ máy y tế cơ sở: Trung tâm Y tế huyện, thị xã, thành phố; Trạm Y tế xã, phường, thị trấn; y tế thôn, ấp; y tế trường học, y tế cơ quan, nông, lâm trường, doanh nghiệp và y tế khu công nghiệp theo hướng dẫn của Bộ Y tế, đảm bảo đúng quy định hiện hành. Hoạt động của Trạm Y tế xã, phường, thị trấn phải gắn với quản lý toàn diện sức khoẻ cá nhân; quản lý, điều trị bệnh không lây nhiễm, bệnh mạn tính, dinh dưỡng cộng đồng; thực hiện hoạt động khám bệnh, chữa bệnh theo mô hình y học gia đình; kết hợp y học cổ truyền và y học hiện đại; kết hợp quân y và dân y.

Triển khai mô hình tổ chức, quản lý đối với Trung tâm Y tế huyện, thị xã, thành phố theo hướng chịu sự quản lý toàn diện của UBND các huyện, thị xã, thành phố; thực hiện chức năng tham mưu quản lý nhà nước về y tế, dân số, an ninh, an toàn thực phẩm trên địa bàn; quản lý, hướng dẫn nâng cao chất lượng nguồn lực và tổ chức hoạt động chuyên môn của y tế cơ sở. Nghiên cứu các giải pháp để tập trung hoàn thiện việc xây dựng Hệ thống cơ sở dữ liệu Quản lý Hồ sơ sức khỏe điện tử, cập nhật và liên thông dữ liệu liên tục, phục vụ công tác chăm sóc, theo dõi sức khỏe Nhân dân, từng bước hoàn thiện số hóa ngành y tế theo quy định. Rà soát các nguồn lực để có giải pháp tăng cường đầu tư phát triển các cơ sở khám, chữa bệnh với mục tiêu nâng cao chất lượng phục vụ người bệnh. Khuyến khích y tế tư nhân, tổ chức, cá nhân tham gia cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu, y tế dự phòng và kết nối với y tế cơ sở trong quản lý sức khỏe cá nhân.

Tăng cường đầu tư gắn với đổi mới cơ chế tài chính, nâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách nhà nước cho y tế cơ sở. Phân bổ ngân sách cho y tế cơ sở theo hướng Nhà nước giữ vai trò chủ đạo, tăng chi cho y tế cơ sở dựa trên kết quả hoạt động và điều kiện thực tiễn. Hoàn thiện các gói dịch vụ y tế cơ bản để giao nhiệm vụ cho y tế cơ sở thực hiện theo quy định. Chi trả theo hướng khuyến khích cung ứng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu, quản lý sức khỏe dân cư tại cộng đồng. Tăng cường nguồn lực cho y tế dự phòng, sàng lọc và phát hiện bệnh sớm. Hoàn thiện giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế theo hướng tính đúng, tính đủ, xác định rõ chính sách phúc lợi, chính sách an sinh trong giá dịch vụ y tế. Nghiên cứu tiếp tục tăng mức đóng bảo hiểm y tế theo lộ trình phù hợp với ngân sách nhà nước, khả năng chi trả của Nhân dân; từng bước mở rộng danh mục dịch vụ thuộc phạm vi của y tế cơ sở do Quỹ bảo hiểm y tế chi trả, theo quy định. Vận động tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước hỗ trợ kỹ thuật, tài chính để đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị cho y tế cơ sở theo quy định.

Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực y tế cơ sở. Bố trí, sắp xếp đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế cơ sở với số lượng, cơ cấu phù hợp theo Đề án vị trí việc làm được phê duyệt, đảm bảo thực hiện chức năng, nhiệm vụ theo quy định. Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế cơ sở; nghiên cứu chính sách đào tạo đặc thù cho khu vực khó khăn; phối hợp linh hoạt các hình thức đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức y khoa liên tục. Thực hiện chính sách thu hút nhân lực có trình độ chuyên môn về làm việc, gắn bó lâu dài tại y tế cơ sở, nhất là vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa; thực hiện đồng bộ, có hiệu quả việc luân phiên, luân chuyển, điều động nhân lực y tế để hỗ trợ thường xuyên cho y tế cơ sở. Phát triển chuyên môn kỹ thuật, bảo đảm dịch vụ y tế sẵn có cung cấp cho người dân địa phương.

Tập trung đổi mới mạnh mẽ phương thức hoạt động của y tế cơ sở. Chú trọng phòng bệnh, nâng cao sức khỏe, sàng lọc phát hiện sớm bệnh tật; quản lý và điều trị các bệnh không lây nhiễm, bệnh mạn tính, chăm sóc dài hạn tại y tế cơ sở; thực hiện quản lý sức khỏe người dân tại gia đình và cộng đồng; theo dõi, quản lý sức khỏe toàn diện cho người dân tại địa phương. Triển khai đồng bộ hệ thống công nghệ thông tin trong hoạt động của y tế cơ sở; đẩy mạnh chuyển đổi số, tăng cường kết nối giữa y tế cơ sở với y tế tuyến trên và người dân trong tư vấn, khám bệnh, chữa bệnh từ xa; thống kê, quản lý dữ liệu về y tế cơ sở thống nhất với hệ thống y tế trong cả nước theo quy định. Bên cạnh đó, tăng cường công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân để phát triển người tham gia bảo hiểm y tế trên địa bàn tỉnh./.

Tác giả: Vũ Nguyện

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Việc làm Bình Phước
Công báo Chính phủ
DVC Quốc gia
Ecom Binh Phuoc
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập1,082
  • Hôm nay18,301
  • Tháng hiện tại1,284,445
  • Tổng lượt truy cập437,088,064
ỨNG DỤNG
1 bp today
3 dhtn
2 ioffice
4 congbao
Portal_Ispeed
sổ tay đảng viên
Tạp chi
KQ TTHC
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây