(CTTĐTBP) - Ngày 19/01/2024, Văn phòng Chính phủ ban hành Công văn số 455/VPCP-KSTT về việc đánh giá tác động chính sách, thủ tục hành chính (TTHC) trong đề nghị, dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật (QPPL).
Tại Công văn này, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đề nghị Bộ trưởng các bộ, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ chỉ đạo các tổ chức pháp chế trực thuộc có liên quan thực hiện nghiêm việc đánh giá tác động chính sách, đánh giá tác động thủ tục hành chính theo các quy định của Luật Ban hành văn bản QPPL năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2020) và các văn bản hướng dẫn, Nghị định số 63/2010/NĐ-CP ngày 08/6/2010 của Chính phủ về kiểm soát TTHC (được sửa đổi, bổ sung năm 2013, 2017), Thông tư số 03/2022/TT-BTP hướng dẫn đánh giá tác động TTHC.
Thường xuyên rà soát văn bản QPPL, TTHC thuộc ngành, lĩnh vực quản lý để kịp thời sửa đổi, đề xuất sửa đổi đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội; đẩy nhanh tiến độ thực thi phương án cải cách, cắt giảm, đơn giản hóa TTHC quy định liên quan đến giấy tờ công dân, hoạt động kinh doanh, kiểm tra chuyên ngành tại các văn bản QPPL; trong quá trình xây dựng văn bản QPPL không tham mưu giao cho bộ, địa phương quy định TTHC tại các văn bản QPPL dưới Luật, Nghị quyết của Quốc hội nếu không được Luật, Nghị quyết giao. Tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác phối hợp trong xây dựng văn bản giữa cơ quan chủ trì soạn thảo, cơ quan kiểm soát TTHC, cơ quan thẩm định, bảo đảm việc đề xuất các chính sách pháp luật, TTHC cần thiết, hợp lý, hợp pháp, hiệu quả.
Thực hiện nghiêm việc thẩm định văn bản QPPL, chỉ thẩm định đối với hồ sơ có đầy đủ Báo cáo đánh giá tác động chính sách, báo cáo đánh giá tác động TTHC theo quy định; nghiêm túc thực hiện chế độ báo cáo về kết quả công tác đánh giá tác động chính sách, TTHC trong đề nghị, dự án, dự thảo văn bản QPPL để tổng hợp chung, tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Đồng thời, giao Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, UBND các cấp trực thuộc có liên quan nghiêm túc thực hiện đánh giá tác động TTHC trong quá trình xây dựng văn bản QPPL theo nhiệm vụ được luật, nghị quyết của Quốc hội giao hoặc trường hợp cần thiết phải quy định TTHC trong nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh để thực hiện biện pháp có tính chất đặc thù phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Thường xuyên nắm bắt, rà soát các vấn đề bất cập trong quá trình thực hiện TTHC tại cơ quan, đơn vị mình và có đề xuất các bộ, ngành theo dõi lĩnh vực và Văn phòng Chính phủ để chỉ đạo tổ chức sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ văn bản QPPL kịp thời; tăng cường và nâng cao hiệu quả phối hợp trong xây dựng văn bản giữa cơ quan chủ trì soạn thảo, cơ quan kiểm soát TTHC, cơ quan thẩm định, bảo đảm việc đề xuất các chính sách pháp luật, TTHC cần thiết, hợp lý, hợp pháp, hiệu quả. Thực hiện nghiêm việc thẩm định văn bản QPPL, chỉ thẩm định đối với hồ sơ có đầy đủ Báo cáo đánh giá tác động chính sách, báo cáo đánh giá tác động TTHC theo quy định; nghiêm túc thực hiện chế độ báo cáo kết quả công tác đánh giá tác động chính sách, TTHC trong đề nghị, dự án, dự thảo văn bản QPPL để tổng hợp chung, tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Bộ Tư pháp có nhiệm vụ chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các tỉnh, thành phố tăng cường tập huấn, nâng cao nghiệp vụ công tác thẩm định văn bản QPPL, công tác đánh giá tác động chính sách, công tác đánh giá tác động TTHC trong đề nghị, dự án, dự thảo văn bản QPPL; chỉ thẩm định đối với hồ sơ có đầy đủ Báo cáo đánh giá tác động chính sách, báo cáo đánh giá tác động TTHC theo quy định./.