(CTTĐTBP) - Ngày 27/12/2023, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 382/KH-UBND triển khai thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trên địa bàn tỉnh Bình Phước năm 2024.
Tại Kế hoạch này, UBND tỉnh yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương triển khai thực hiện một số nội dung trọng tâm nhằm tiếp tục đẩy mạnh thông tin tuyên truyền, vận động, phổ biến sâu rộng về Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trên địa bàn tỉnh, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp khai thác tối đa tiềm năng thị trường trong nước và trên địa bàn tỉnh, khuyến khích hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh sản xuất, nâng cao chất lượng và thương hiệu sản phẩm có sức cạnh tranh cao. Từ đó, tạo ra sự chuyển biến về ý thức trong Nhân dân, trong các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế - xã hội, xây dựng văn hóa tiêu dùng người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam có chất lượng.
Công tác thông tin, truyền thông
Tiếp tục tổ chức quán triệt đến công chức, viên chức và người lao động tại cơ quan, đơn vị nhằm nâng cao nhận thức về Cuộc vận động này. Đưa nội dung tuyên truyền về Cuộc vận động vào các chương trình tập huấn, hội thảo, hội nghị của cơ quan, đơn vị. Phối hợp với các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu sản phẩm, hàng hóa Việt Nam, nhất là những sản phẩm nông sản có giá trị của tỉnh để từ đó vận động người tiêu dùng trong tỉnh được biết, hiểu, đánh giá đúng về chất lượng sản phẩm Việt Nam, tăng cường mua sắm, sử dụng hàng Việt Nam trong tương lai.
Đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông để các cơ quan, đơn vị và các tổ chức chính trị - xã hội nhận thức đúng yêu cầu của Cuộc vận động nhằm ưu tiên mua hàng Việt Nam khi có nhu cầu mua sắm bằng nguồn kinh phí thuộc ngân sách Nhà nước; các doanh nghiệp, người sản xuất, kinh doanh trong nước khi mua sắm vật tư, thiết bị để thực hiện các dự án, công trình thì ưu tiên sử dụng các trang thiết bị, nguyên vật liệu và dịch vụ trong nước bảo đảm chất lượng. Tăng cường tuyên truyền, vận động các doanh nghiệp nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh của hàng Việt Nam; thực hiện cam kết bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; từng bước xây dựng, bảo vệ và phát triển thương hiệu cho hàng Việt Nam trong nước và vươn ra thị trường khu vực, thế giới.
Hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh
Tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong tỉnh tiếp cận nguồn vốn để đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng và hạ chi phí, giá thành sản phẩm, tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, nâng cao hiệu quả kết nối giữa nhà sản xuất, nhà phân phối sản phẩm tới người tiêu dùng. Tiếp tục triển khai chương trình bình ổn thị trường một cách phù hợp, đồng thời gắn kết với việc thực hiện các mục tiêu của Cuộc vận động, ưu tiên đưa hàng Việt Nam vào hệ thống các điểm bán hàng bình ổn thị trường. Phối hợp xây dựng và triển khai các chương trình, kế hoạch nhằm củng cố và mở rộng hệ thống phân phối, xây dựng các kênh phân phối văn minh, hiện đại đối với hàng Việt Nam; đa dạng hóa các loại hình phân phối, thiết lập các điểm bán hàng Việt Nam bền vững, đặc biệt tại các khu vực tập trung đông dân cư, khu công nghiệp, vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, biên giới. Đẩy mạnh công tác hỗ trợ doanh nghiệp trong hoạt động xúc tiến thương mại, tổ chức các chương trình kết nối cung cầu hàng hóa, các hoạt động đưa hàng Việt Nam về nông thôn, chợ truyền thống, các chương trình khuyến mại hàng Việt Nam như “Ngày hàng Việt”, “Tuần hàng Việt”…
Đồng thời, hỗ trợ đưa các sản phẩm tiêu biểu, sản phẩm OCOP vào hệ thống siêu thị, các điểm bán lẻ hàng hóa trên địa bàn tỉnh. Thực hiện tốt công tác cải cách hành chính, rà soát cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính để hỗ trợ doanh nghiệp theo Nghị quyết số 131/NQ-CP ngày 06/10/2022 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính và hiện đại hóa phương thức chỉ đạo, điều hành phục vụ người dân, doanh nghiệp. Hỗ trợ các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh xây dựng thương hiệu các mặt hàng chủ lực của tỉnh, quảng bá, giới thiệu sản phẩm đến người tiêu dùng, hỗ trợ đưa các sản phẩm ra thị trường thông qua thương mại. Ứng dụng thương mại điện tử vào hoạt động sản xuất, kinh doanh nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, mở rộng thị trường. Tổ chức các lớp tập huấn nhằm nâng cao nhận thức của doanh nghiệp về tác động của công nghệ thông tin đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, từ đó hướng tới đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và khai thác kinh doanh trên môi trường mạng.
Kiểm tra, kiểm soát thị trường và bảo vệ người tiêu dùng
Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát luồng lưu thông hàng hóa, phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi kinh doanh hàng nhập lậu, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và những hành vi gian lận thương mại. Trong công tác kiểm tra lồng ghép tuyên truyền, nhắc nhở những tổ chức, doanh nghiệp và hộ sản xuất kinh doanh chấp hành đúng các quy định pháp luật. Tổ chức tuyên truyền, phổ biến và thực thi pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đến người tiêu dùng để người tiêu dùng hiểu sâu, kỹ và tự bảo vệ chính quyền lợi của mình trong quá trình mua sắm, tiêu thụ hàng hóa./.