Bình Phước : Cổng thông tin điện tửhttps://binhphuoc.gov.vn/uploads/binhphuoc/quochuy_1.png
Thứ ba - 19/04/2022 10:18
(CTTĐTBP) - Sáng ngày 19/4, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ chuyên đề đánh giá công tác lập các quy hoạch theo Luật Quy hoạch, các khó khăn, vướng mắc, bất cập, đề xuất các giải pháp tháo gỡ nhằm nâng cao chất lượng, tiến độ lập quy hoạch thời gian tới.
Trước đó, ngày 12/4, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì họp Thường trực Chính phủ về việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành.
Công tác quy hoạch có vị trí, vai trò rất quan trọng, được Đảng, Nhà nước rất quan tâm. Luật Quy hoạch năm 2017 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2019 đã có cách tiếp cận, tư duy mới về quy hoạch của các cấp, các ngành. Các địa phương đã nâng cao nhận thức về công tác quy hoạch, về tầm quan trọng, vị trí, vai trò của công tác quy hoạch trong phát triển kinh tế-xã hội của các ngành, địa phương.
Thời gian qua, Chính phủ đã quyết liệt lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện Luật Quy hoạch, nhiều việc đã làm được. Quốc hội, Chính phủ đã kịp thời tháo gỡ một số vướng mắc, nhất là thể chế, cơ chế, chính sách trong triển khai Luật Quy hoạch.
Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, còn nhiều tồn tại, hạn chế, khó khăn vướng mắc. Theo các báo cáo của các bộ, ngành, cơ quan, quy hoạch là nhiệm vụ mới và khó, có nhiều quy định mới cả về nội dung và phương pháp lập; còn nhiều vấn đề chồng chéo, mâu thuẫn giữa Luật Quy hoạch với Luật Đất đai, Luật Xây dựng, Luật Quy hoạch đô thị; về nguồn lực thực hiện lập quy hoạch…
Thực tế trong 10 năm qua, số lượng các quy hoạch ngành quốc gia (trừ các quy hoạch xây dựng và đô thị thực hiện theo Luật Xây dựng và Luật Quy hoạch đô thị) đã được phê duyệt là 31 quy hoạch. Tuy nhiên, theo quy định của Luật Quy hoạch và Nghị quyết số 41/2021/QH15 ngày 13/11/2021 của Quốc hội, số lượng quy hoạch phải lập là rất lớn (111 quy hoạch), phải hoàn thành trong thời gian ngắn, trong khi từ nay đến cuối năm chỉ còn 8 tháng với rất nhiều công việc cần giải quyết (công việc thường xuyên, các công việc tồn đọng, các công việc phát sinh để xử lý các vấn đề mới, đột xuất).
Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 19/2021/QH15 ngày 27/7/2021 về thành lập Đoàn giám sát "Việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành". Việc giám sát tối cao việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch của Quốc hội là cần thiết để thực hiện tốt Luật Quy hoạch.
Phát biểu khai mạc phiên họp Chính phủ chuyên đề, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận, đánh giá rõ các kết quả đạt được, chưa được trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; việc ban hành các văn bản pháp luật liên quan đến quy hoạch; việc lập, thẩm định, phê duyệt các quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia…; làm rõ các nguyên nhân khách quan, chủ quan…
Đặc biệt, tập trung phân tích, làm rõ những khó khăn, vướng mắc như đánh giá tính khả thi về tiến độ lập quy hoạch; nội hàm của quy hoạch tổng thể quốc gia; mối quan hệ giữa các quy hoạch; vấn đề tích hợp trong quy hoạch; vấn đề lựa chọn tư vấn lập quy hoạch; nguồn vốn cho việc lập quy hoạch; nghiên cứu, đề xuất bổ sung việc điều chỉnh cục bộ, phạm vi, quy trình, thủ tục điều chỉnh cục bộ quy hoạch; đánh giá tác động việc bãi bỏ các quy hoạch về đầu tư phát triển hàng hóa, dịch vụ, sản phẩm cụ thể; cải cách hành chính trong quy hoạch; vấn đề kế thừa, chuyển tiếp; nghiên cứu, đề xuất việc phân cấp, phân quyền trong việc thẩm định, phê duyệt các loại quy hoạch…
Trên cơ sở đó, đề xuất các giải pháp, phương thức giải quyết những tồn tại, bất cập, hạn chế để kiến nghị cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định, vừa xử lý các vấn đề trước mắt, cấp bách nhằm nâng cao chất lượng, tiến độ lập quy hoạch thời gian tới, vừa hướng tới các giải pháp căn cơ, bài bản, lâu dài./.